Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2008

VĂN HÓA PHẢI GẮN KẾT VỚI KINH TẾ, LÀ ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN KINH TẾ




(ĐCSVN)- Ngày hội Văn hóa – Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ 4 tổ chức tại Cần Thơ đang diễn ra trong không khí vô cùng náo nhiệt, tràn ngập âm thanh và màu sắc văn hóa Khmer độc đáo. Bận rộn trong vai trò là Trưởng ban tổ chức, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái đã dành thời gian trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Thưa đồng chí, ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ 4 này có hy vọng nhiều cái mới, thực sự thoát khỏi tính hình thức như một số lễ hội khác?

- Đây là lần thứ 4 ngày hội văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ được tổ chức, 3 lần trước do Bộ Văn hóa - Thông tin tổ chức tại Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, lần thứ 4 này do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức, do vậy có thể khẳng định nó có quy mô lớn nhất, bởi nội dung thể hiện đầy đủ cả 3 lĩnh vực: văn hóa, thể thao và du lịch. Về văn hóa, ngày hội có các hoạt động lễ hội, văn nghệ, ẩm thực, trang phục truyền thống. Về thể thao, có tổ chức thi đấu các môn thể thao truyền thống như kéo co, đẩy gậy, cờ Ốc. Đặc biệt môn đua ghe ngo sẽ được tổ chức với quy mô lớn, được đồng bào đặc biệt quan tâm và thu hút khán giả tham gia cổ vũ, bởi đây là môn thể thao rất đặc biệt của đồng bào Khmer. Ở khía cạnh du lịch, qua lễ hội sẽ kết hợp quảng bá cho sự kiện năm du lịch Mê Kông- Cần Thơ, chủ đề miệt vườn sông nước Cửu Long.

Chúng tôi hy vọng ngày hội Văn hóa – Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ 4 này sẽ thật sự thoát khỏi tính hình thức, bởi nó có nhiều điểm mới. Điểm mới đầu tiên, đó là ngày hội có sự tham dự của hơn 2000 ngàn diễn viên, con số lớn nhất từ trước tới nay. Thứ hai là đa số diễn viên, vận động viên tham dự lễ hội lần này là người nông dân chân chất, hàng ngày vẫn chăm lo cày cuốc, trực tiếp lao động sản xuất làm ra hạt lúa củ khoai, từ 12 tỉnh tụ hội về đây để giao lưu, tranh tài. Thật ngạc nhiên và phấn khởi khi Thành phố Hồ Chí Minh cũng có khá đông diễn viên, vận động viên tham dự ngày hội này.

Với mục đích bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer- một dân tộc có truyền thống và bản sắc văn hóa độc đáo, có tiếng nói riêng, chữ viết riêng, đời sống văn hóa vô cùng phong phú và giàu bản sắc, chúng tôi hy vọng qua Ngày hội sẽ khơi gợi niềm tự hào của đồng bào Khmer về bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Cũng qua lễ hội, đồng bào sẽ có dịp giao lưu, học hỏi, tạo cho bà con ý thức, trách nhiệm duy trì, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình ở những mặt tích cực.

Nhìn không khí ở các địa phương có đông đồng bào Khmer những ngày này có thể nhận thấy đồng bào đang rất mong chờ ngày khai hội, rất phấn khởi, tin tưởng vào sự quan tâm của của Đảng, nhà nước với đồng bào. Vừa qua, chỉ trong buổi tổng duyệt, đã có 3000 đồng bào Khmer đến tham gia cổ vũ. Tôi hy vọng, khi lễ hội tổ chức, con số này sẽ tăng lên rất nhiều, và con số đó sẽ nói lên rất nhiều điều.

-Việc tổ chức ngày hội, ngoài mục đích góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào, Ban tổ chức có hướng tới mục tiêu gắn kết với phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội?

- Có thể khẳng định gắn kết văn hóa với phát triển kinh tế là một trong những mục đích chính, quan trọng khi tổ chức Ngày hội. Như đã biết, đồng bào Khmer có bản sắc văn hóa vô cùng độc đáo, trong một năm, đồng bào Khmer có rất nhiều lễ hội lớn, nhưng mỗi địa phương lại có bản sắc riêng, 12 tỉnh thành có đồng bào Khmer đều có bản sắc riêng, do vậy ngày hội này là dịp để bà con gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm. Qua ngày hội, sẽ động viên tinh thần và nghị lực bà con rất nhiều. Sau ngày hội, đồng bào trở về nhà, thêm niềm vui, tập trung sản xuất, chăm lo đời sống văn hóa ở địa phương mình, tham gia các hoạt động văn hóa ở cơ sở, tạo ra những sản phẩm vật chất và tinh thần phục vụ cộng đồng, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

- Thưa đồng chí, tại sao Ban tổ chức không nghĩ tới một hoạt động rất có ý nghĩa, đó là giao lưu các gia đình văn hóa tiêu biểu tại Ngày hội quan trọng này?

- Điều này đã nằm trong kế hoạch tổ chức của chúng tôi, nhưng do các khâu chuẩn bị ở các tỉnh chưa hoàn thiện, chủ yếu ở khâu bình chọn gia đình nào tiêu biểu nhất, xứng đáng nhất, đại diện cho địa phương mình đến tham gia giao lưu, nên chưa thể thực hiện. Tuy nhiên, qua sự chậm trễ này cũng nói lên một điều, rằng cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa mới, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở đã dần đi vào cuộc sống, rất thiết thực, thể hiện qua sự bình chọn rất chặt chẽ, khắt khe và nghiêm túc, từ chính người dân. Chúng tôi nhận thấy đây là một chương trình rất tốt, do không tổ chức kịp ở ngày hội, sau đây các địa phương sẽ có hình thức khen thưởng xứng đáng đối với các gia đình tiêu biểu này.

- Mục đích văn hóa, thể thao thì như vậy, song mục đích du lịch có hiệu quả như thế nào, bởi cho tới ngày hôm nay, lượng khách du lịch tham gia lễ hội này không đáng kể?

- Thực tế là do kinh tế thế giới năm 2008 có nhiều biến động, nên lượng khách du lịch đến Việt Nam có chiều hướng giảm so với năm trước. Chúng tôi xác định, càng như vậy, công tác quảng bá của chúng ta càng cần phải tốt hơn. Chuỗi du lịch Mê Kông- Cần Thơ đã có từ đầu năm, và việc tổ chức Ngày hội văn hóa thể thao và du lịch đồng bào Khmer nam Bộ cũng là dịp quảng bá cho chương trình, để khách du lịch hiểu hơn, biết hơn về tuyến du lịch này. Hy vọng lượng khách du lịch sẽ tăng lên vào cuối năm, không chỉ với riêng Cần Thơ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thu Hiên thực hiện

Không có nhận xét nào: