Thứ Ba, 21 tháng 10, 2008

Thượng tọa Kim Thon: GƯƠNG MẪU TRONG CÔNG TÁC XÃ HỘI

Chùa Mỏ Neo (ấp Hương Phụ B, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) là chùa tiêu biểu, thường được giới thiệu với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi đến thăm và làm việc với tỉnh Trà Vinh. Mới đây, ngày 12/9/2008, chùa đã đón Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khi đ/c đến thăm và làm việc với lãnh đạo địa phương. Mấy năm qua, thượng tọa Kim Thon, trụ trì chùa Mỏ Neo cùng với sư sãi và phật tử ở đây đã thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân tham gia giữ gìn ANTT và xây dựng chùa đạt danh hiệu cơ sở tôn giáo văn minh từ năm 2004 đến nay.

Năm 2004, theo sự vận động của chính quyền địa phương, thượng tọa Kim Thon cùng ban quản trị chùa Mỏ Neo đã vận động bà con phật tử tham gia “Phong trào toàn dân giữ gìn ANTT”. Chùa Mỏ Neo có hơn 850 hộ gia đình phật tử ở các xã như: Đa Lộc, Phước Hảo, Mỹ Chánh (huyện Châu Thành), Kim Hòa (huyện Cầu Ngang). Để vận động bà con phật tử nâng cao tinh thần đoàn kết cùng nhau giữ gìn ANTT tại phum sóc, hàng tháng vào ngày lễ định kỳ ở chùa, thượng tọa Kim Thon thường tổ chức tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giáo dục bà con phật tử cảnh giác, không nghe theo lời của kẻ xấu, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Thượng tọa Kim Thon đã cho xây dựng một thư viện trong chùa với khoảng 3.200 đầu sách, trong đó có 2.500 cuốn nói về pháp luật, khoa học kỹ thuật và môi trường,… để bà con phật tử đọc, tìm hiểu, nâng cao kiến thức; mua ampli, loa tiếp âm từ các chương trình của đài phát thanh huyện, tỉnh cho bà con nghe. Để góp phần nâng cao nhận thức về chính trị, xã hội và tạo ý thức tuân thủ pháp luật, tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, thượng tọa Kim Thon đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con phật tử thực hiện tốt những tiêu chuẩn văn hóa và xây dựng ấp văn hóa trong sạch, lành mạnh.

Gần 30 năm tu học tại chùa Mỏ Neo, cùng với công việc tôn giáo, thượng tọa Kim Thon còn cố gắng làm tốt công tác xã hội. Hàng năm, thượng tọa vận động bà con phật tử ở các phum, sóc sửa chữa cầu, đường nông thôn. Từ khi nhận trách nhiệm trụ trì chùa (năm 1985) đến nay, thượng tọa Kim Thon đã giúp đỡ nuôi 15 em nhỏ là con, cháu của phật tử nghèo và lo cho các em học tập đến nơi đến chốn. Trong số đó, có em Thạch Thị Sa Nây, nhà ở xã Phước Hảo, được thượng tọa hỗ trợ học tập từ năm 2005 đến nay, hiện em đang học ngành sư phạm, đại học Trà Vinh; em Thạch Thị Sa Mươn, nhà ở Song Lộc, Châu Thành và em Kiên Thị Thanh Hiền ở xã Phước Hảo được chùa hỗ trợ học nghề. Em Thanh Hiền cho biết: “Nhà em nghèo, khó khăn, xa trường học nên cha mẹ đã đến đề nghị thượng tọa cho ngụ tại chùa để học tập. Hiểu được gia cảnh của em, thượng tọa Kim Thon không chỉ cho em ở chùa mà còn hỗ trợ rất nhiều trong việc học tập. Để đáp lại công ơn của chùa và thượng tọa, em sẽ cố gắng học thật tốt”. Ngoài ra, hàng năm thượng tọa Kim Thon còn mở lớp giáo lý và chữ Khmer tại chùa Mỏ Neo cho sư sãi trong và ngoài chùa đến học. Thượng tọa Kim Thon nói: “Mấy năm qua, được sự quan tâm của Đảng và chính quyền địa phương, đời sống đồng bào Khmer ngày càng phát triển. Bản thân tôi là người tu hành, phải cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ để giúp bà con phật tử có đời sống vật chất, tinh thần ngày càng đầy đủ hơn nữa”.

Với những đóng góp trên, thượng tọa Kim Thon đã nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen từ Giám đốc Công an tỉnh, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư tỉnh Trà Vinh./.

(Cao Dương, Lý Sia)

Thứ Tư, 15 tháng 10, 2008

Phát triển kinh tế VAC vùng đồng bào Khmer

Mỹ Tú là huyện vùng sâu của tỉnh Sóc Trăng với 37% dân số là người Khmer. Những năm qua, UBND huyện đã chỉ đạo Hội Làm vườn (HLV) huyện triển khai dự án xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đa dạng hoá nguồn thu nhập trong hệ sinh thái VAC cho nông hộ. Nhờ đó, kinh tế hộ gia đình ở Mỹ Tú đã thực sự khởi sắc.


Những triệu phú người Khmer

Năm 2007, HLV Mỹ Tú đã xây dựng được 500 mô hình sản xuất theo quy mô trang trại với tổng diện tích 2.000ha, bình quân mỗi trang trại có quy mô 4 - 5ha, đặc biệt là có tới hơn 10 trang trại đạt giá trị sản xuất 200 triệu đồng/năm trở lên. Mỹ Tú hiện có rất nhiều “đại gia VAC” người Khmer “trưởng thành” từ phong trào hoạt động Hội. Chính vì lẽ đó, Mỹ Tú được đánh giá là địa phương đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế trang trại ở Sóc Trăng.

Đối với nhiều người, có một trang trại chăn nuôi rộng 7,5ha như gia đình anh Võ Đại Hoàng ở ấp Hòa Long (xã An Ninh) quả là niềm mơ ước. Có đất, anh Hoàng quy hoạch, tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế VAC với 200 con lợn, 25 con bò lai Sind và trồng lúa. Mỗi năm, mô hình của anh cho thu nhập 250 triệu đồng, trong đó có 100 triệu đồng từ trồng lúa, 130 triệu đồng từ chăn nuôi và 20 triệu đồng từ các khoản thu khác.

Gia đình chị Thái Thị Con (xã Phú Tâm), người Khmer, trước đây rất nghèo. Được Hội Phụ nữ giúp vốn, HLV tư vấn, giúp đỡ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chị đã phát triển kinh tế gia đình theo hướng VAC cho hiệu quả cao. Thông qua các lớp tập huấn, những buổi tham quan do HLV tỉnh tổ chức, chị Con càng tự tin hơn khi quyết định đăng ký tham gia tổ chức Hội. Năm 2007, cộng các nguồn thu từ chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy sản, trồng lúa - màu, gia đình chị thu nhập trên 100 triệu đồng. Hiện, chị đã nâng quỹ đất canh tác lên 2,1ha, gấp 7 lần so với hồi đầu xây dựng cơ nghiệp.

Theo ông Dương Minh Hoàng, Chủ tịch HLV tỉnh Sóc Trăng, những năm gần đây, HLV Mỹ Tú luôn chú trọng đến công tác phát triển Hội cơ sở, nhất là ở địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống. Do nhiều người không thạo tiếng Việt, tập quán sản xuất lạc hậu nên cán bộ Hội nhiều khi phải “nằm vùng” để hướng dẫn bà con xây dựng mô hình, tư vấn cách quy hoạch trang trại. Từ mô hình thành công, Hội có cơ sở và tiếng nói để tiếp tục nhân rộng.

Kinh tế VAC "nở rộ"

Từ khi Sở Khoa học - Công nghệ Sóc Trăng phối hợp với các ban ngành triển khai dự án xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đa dạng hoá nguồn thu nhập trong hệ sinh thái VAC cho nông hộ người Khmer (năm 2004), phong trào phát triển kinh tế VAC, VACR ngày càng nở rộ. Huyện Mỹ Tú cũng không nằm ngoài sự phát triển này.

Với tổng kinh phí 300 triệu đồng, sau khi được tập huấn, 210 hộ Khmer ở ấp Bưng Cóc (xã Phú Mỹ) đã tham gia chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng nấm rơm, cây ăn quả, rau màu, kết hợp sản xuất 60ha lúa đặc sản. Với phương pháp “cầm tay chỉ việc”, dự án đã góp phần nâng cao nhận thức và trình độ sản xuất của người dân, giúp họ thay đổi tập quán canh tác.

Ông Trần Văn Sáu, nông dân Khmer ở ấp Bưng Cốc tâm sự: “Cũng là con bò, con lợn, cây ăn trái đó, trước đây làm mãi nhưng không khá lên được. Giờ xây dựng theo mô hình kinh tế VAC, trên diện tích 5,5 công đất (1 công =1.440m2), trong đó 3 công trồng lúa chất lượng cao, 1 công làm rẫy và 1,5 công nuôi cá, heo và trồng cây ăn trái. Năm qua, gia đình tôi thu nhập không dưới 50 triệu đồng...”.

Đến thăm gia đình anh Thạch Văn Bal, người được bà con ấp Thọ Hoà Đông A (Phú Tâm) phong tặng danh hiệu “thanh niên dân tộc Khmer sản xuất giỏi”, ai cũng khâm phục trước ý chí và khát vọng làm giàu của ông chủ trẻ. Xuất phát điểm với chiếc chòi lá dựng bên bờ kênh, ngày đi làm thuê, ban đêm soi cá đắp đổi qua ngày, vợ chồng anh đã tận dụng đất bờ kênh để trồng rau cải, hành, hẹ, bầu bí.

Năm 1990, tiết kiệm được 200.000 đồng, anh Bal thuê 1 công ruộng để sản xuất theo công thức 2 vụ lúa + 1 dưa hấu + 1 đậu xanh, vụ nào cũng bội thu. Sau 3 năm, anh có trong tay 17,4 triệu đồng. Anh tham khảo ý kiến của cán bộ HLV huyện và đầu tư toàn bộ số tiền ấy mua đất nuôi bò, dê, cá; tận dụng bờ rẫy trồng rau màu, cất chuồng nhử dơi về trú ngụ để lấy phân... Cứ thế, vốn liếng, đất đai, chuồng trại của anh tăng dần theo từng năm. Anh nông dân tay trắng hôm nào hiện đã sở hữu 1, 8ha đất, 26 con bò và gần 20 con dê. “Có được mô hình này, tất cả là nhờ HLV đấy”, anh Bal tự hào.

Ông Hoàng cho biết: Anh Bal, chị Con... đã trở thành điển hình trong phong trào phát triển kinh tế VAC ở Mỹ Tú. Để đẩy mạnh hoạt động Hội, thời gian tới, HLV tỉnh và huyện Mỹ Tú sẽ thành lập các câu lạc bộ nhằm tập hợp và phát huy thế mạnh của kinh tế vườn, thu hút những người làm công tác khoa học, quản lý tham gia. Tổ chức hội thảo chuyên đề về cây vú sữa, tư vấn kỹ thuật chăm sóc cây ăn trái cho hội viên. Vận động hội viên thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh”.

Theo Kinh Tế Nông Thôn, 02/06/2008

Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc Khmer

9:32 AM, 07/04/2008

Những ngày giữa tháng 4 này đi về các phum, sóc của đồng bào Khmer ở các tỉnh như Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu... không khí chuẩn bị đón tết Chol Chnam Thmây của bà con Khmer thật rộn ràng. Các điểm chợ huyện, thị trấn tấp nập hơn. Bà con đi mua sắm chuẩn bị đón chào năm mới.

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng gặp mặt sư sãi Khmer nhân tổng kết chỉ thị 68 của Ban bí thư TW Đảng

Vùng đồng bằng sông Cửu Long có hơn 17 triệu dân, 9 trong số 13 tỉnh, thành có 6,5% đồng bào Khmer sinh sống. Năm nay, bà con Khmer đón tết cổ truyền sung túc hơn các năm trước vì vừa thu hoạch vụ lúa Đông Xuân, rau màu trúng mùa, trúng giá.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và lãnh đạo các tỉnh, thành, quận, huyện đã có nhiều chủ trương, chính sách chăm lo cho đời sống đồng bào dân tộc. Kết cấu hạ tầng như đường đi lại, trường học, trạm y tế, chợ, điện lưới được đầu tư nhằm nâng cao mức sống cho bà con. Đời sống hàng chục ngàn hộ dân và bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer đã khởi sắc.

Năm 2007 và những tháng đầu năm 2008 ngoài 148 xã và các ấp của 8 tỉnh được đầu tư từ chương trình 135 của Chính phủ giai đoạn II còn có thêm 357 xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn được xét hưởng chính sách vay vốn ưu đãi cho giáo viên; hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; học sinh, sinh viên nghèo được miễn giảm học phí... Theo quyết định 134 của Chính phủ đến nay có hơn 70.000 hộ đồng bào Khmer thuộc diện nghèo được hỗ trợ nhà ở, có khoảng 2.000 hộ được giải quyết đất ở và hơn 30.000 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt.

Toàn vùng có trên 55% số hộ đồng bào Khmer có điện và nước sạch sử dụng. Hiện nay, 100% trạm y tế có y- bác sĩ đa khoa. Nhân dân được vận động thực hiện các chương trình y tế quốc gia nên trong năm qua không để xảy ra dịch bệnh. Các tỉnh như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, thành phố Cần Thơ chuyển từ hình thức hỗ trợ đất sản xuất sang hình thức đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho bộ đội phục viên và thanh niên nông thôn góp phần ổn định cuộc sống. Hàng trăm trường hợp thanh niên Khmer còn được hỗ trợ vay vốn đi lao động ở nước ngoài. Mặt trận và các đoàn thể còn phối hợp với ngành nông nghiệp, công nghiệp đẩy mạnh chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công cho bà con. Đến nay, tỉnh Bạc Liêu và thành phố Cần Thơ là 2 đơn vị có 100% hộ Khmer nghèo được trao tặng nhà đại đoàn kết, không còn hộ khó khăn về nhà ở.

Các tỉnh, thành cũng đã đầu tư trên 100 tỷ đồng phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động người dân tộc. Nhờ đó đời sống bà con không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm còn 26% và cơ bản không còn hộ đói. Nhiều tỉnh làm tốt công tác giảm nghèo và đến nay toàn vùng có 40/206 xã đặc biệt khó khăn đã ra khỏi diện hưởng chính sách chương trình 135 của Chính Phủ.

Bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất cho bà con, các tỉnh, thành quan tâm nâng cao chất lượng nguồn lực trong đồng bào Khmer. Chương trình kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ được quan tâm đầu tư ở vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng có 30% dân số là đồng bào Khmer được quan tâm dạy chữ Khmer trong hệ thống trường công lập. Các điểm chùa ngoài việc là tụ điểm sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí cho đồng bào Khmer còn tổ chức dạy chữ theo 7 trình độ. Đến nay, tỉ lệ huy động trẻ em Khmer trong độ tuổi đến trường đạt trên 90%. Cứ 5 người có 1 người đi học. Tỉ lệ học sinh, sinh viên Khmer tăng lên 243.690 học sinh, đạt gần 19%. Các tỉnh còn quan tâm phát triển nhiều loại hình nghệ thuật. Hầu hết điểm chùa, phum sóc đã xây dựng đội văn nghệ quần chúng góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, thành phố Cần Thơ duy trì việc xuất bản báo, tạp chí chữ Khmer; tăng gấp đôi thời lượng chương trình và nâng cao chất lượng phát thanh, truyền hình tiếng Khmer. Việc tổ chức lễ hội của đồng bào Khơ me như lễ tết: 0k - 0m - Bok, Chol-Chnam -Thmây, Sên-Đôl-ta... ngày càng văn minh, tiết kiệm bảo đảm giá trị tinh thần, đạo đức truyền thống, đáp ứng được yêu cầu tâm linh của đồng bào Khmer. Đầu năm mới 2008, một tin vui thực sự đến với bà con Khmer Nam bộ là Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định số 26/2008/QĐ-TTg hỗ trợ phát triển cho vùng ĐBSCL từ nay đến năm 2010 bao gồm: các chính sách chủ yếu đối với nông nghiệp, phát triển nông thôn; Chính sách đất đai cho nông dân không có đất, thiếu đất sản xuất; Chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số; Cơ chế chính sách về huy động nguồn lực cho phát triển vùng; Cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước cho vùng ĐBSCL.

Theo ông Sơn Song Sơn, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ: Chính phủ còn cho phép thực hiện chính sách ưu đãi cụ thể đối với những doanh nghiệp đầu tư vào các vùng đồng bào Khmer và những dự án sử dụng nhiều người lao động là người dân tộc thiểu số. Ở những địa phương có đông đồng bào Khmer, Chính phủ cho phép hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước để xây dựng trường lớp riêng cho trẻ em Khmer và sư sãi Nam Tông...

Trước mắt, để thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Bộ tư lệnh Quân khu 9 và các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL bàn biện pháp kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất, chăn nuôi đồng thời triển khai xây dựng một số xã điểm về phát triển kinh tế xã hội toàn diện gắn với quốc phòng- an ninh ở 3 tỉnh Trà Vinh, An Giang và Hậu Giang để rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình. Với sự quan tâm hỗ trợ tích cực của Chính phủ và các địa phương, đời sống tinh thần và vật chất của đồng bào Khmer đang khởi sắc từng ngày.

Trần Khánh Linh


Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào Khmer

ND - Ngày 25/1/2008, tại TP Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tổ chức hội nghị chuyên đề bàn về công tác tăng cường xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc Khmer Tây Nam Bộ.

Ðến dự và chỉ đạo hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; các vị Sơn Song Sơn, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; Nguyễn Việt Quân, Ủy viên T.Ư Ðảng, Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và các vị lãnh đạo địa phương các tỉnh Tây Nam Bộ.

Trong những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn của Trung ương và địa phương, các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ đã tập trung đầu tư xây dựng vùng đồng bào dân tộc Khmer; bước đầu tạo được sự chuyển biến khá toàn diện: hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là giao thông, thủy lợi, giáo dục-đào tạo, điện, nước sinh họat phát triển khá, làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn vùng Khmer.

Toàn vùng đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng xây dựng 207 xã và 44 trung tâm cụm xã vùng đồng bào Khmer; trong đó có 48 xã, 8 trung tâm cụm xã hoàn thành chương trình; tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động, hơn 60 nghìn hộ Khmer nghèo được hỗ trợ về nhà ở; hơn 1.700 hộ được giải quyết đất ở, đất sản xuất; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hơn 26,6 nghìn hộ.

Tỷ lệ hộ Khmer nghèo giảm từ hơn 41% năm 2005 xuống còn 40% theo tiêu chí mới hiện nay. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an tòan xã hội ở vùng biên giới Tây Nam, vùng đồng bào Khmer cơ bản ổn định.

Về công tác cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, về trước mắt và lâu dài vùng đồng bào dân tộc được các cấp ủy đảng đặc biệt quan tâm; nhất là đối với các tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer như Trà Vinh, Sóc Trăng...

Tỉnh ủy có Nghị quyết, chỉ thị và đề án quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, bố trí cán bộ chủ chốt người dân tộc Khmer về lâu dài. Ðến cuối năm 2006, toàn vùng có gần 11 nghìn cán bộ công chức là người Khmer, hầu hết đang hoạt động trong hệ thống chính trị các cấp. Năm học 2006-2007, các địa phương đã cử tuyển gần 1.000 con em dân tộc Khmer vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp nhằm chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế thừa người dân tộc.

Hội nghị đã dành nhiều thời gian đánh giá, phân tích và đề ra bước đi, các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, nhất là tập trung xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc Khmer vững mạnh.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã biểu dương các tỉnh Tây Nam Bộ đã có nhiều cố gắng đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo, cải thiện đời đời sống; hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố, nâng cao; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chính sách đại đoàn kết dân tộc được phát huy; đồng bào dân tộc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Ðời sống đồng bào dân tộc Khmer về nhiều mặt còn khó khăn, nhất là tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, về giáo dục, học hành, chăm lo y tế chưa được cải thiện nhiều. Ðội ngũ cán bộ, đảng viên còn mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ tốt đồng bào dân tộc. Ðiều đó đòi hỏi trách nhiệm cao hơn của cả hệ thống chính trị, nhất là những mặt chưa làm tốt về công tác dân tộc thời gian qua. Các địa phương, về lâu dài, phải có chương trình đào tạo, kết nạp đảng viên; nguồn cán bộ này phải được chú ý chọn ngay từ trường phổ thông, trường nội trú, đại học; số con em dân tộc sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự... Gắn với tăng cường công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc, các địa phương cần huy động mọi nguồn lực, nhanh chóng thực hiện có hiệu quả chủ chương xóa đói, giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer Tây Nam Bộ.

Lễ Sene Đôn Ta của đồng bào khmer: Được Nhà nước quan tâm đặc biệt

Phum, sóc của đồng bào Khmer những ngày cuối tháng 9 trở nên rộn ràng do các hoạt động đón lễ Sene Đôn Ta (từ 29/8 đến 1/9 âm lịch). Đây là lễ được tổ chức hằng năm nhằm tưởng nhớ đến công ơn ông bà, cha mẹ và người thân, tạ ơn những người đã khuất và cầu phước cho những người còn sống...

Trước dịp lễ Sene Đôn Ta năm 2008, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã gửi thư chúc mừng đồng bào Khmer Nam bộ.

Trong dịp lễ này, các địa phương vùng ĐBSCL đều có những hoạt động văn hóa, thể thao vui nhộn và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; tạo dấu ấn tốt đẹp trong đời sống tinh thần của đông đảo đồng bào Khmer tại địa phương.

Đặc biệt, từ trung tuần tháng 9/2008, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tổ chức nhiều hoạt động đầy ý nghĩa tại các tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống như Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Tại những nơi đoàn dừng chân, đông đảo đồng bào Khmer, chức sắc, chức việc, sư sãi, rất vui mừng, phấn khởi chào đón, tiếp xúc và trao đổi một cách thẳng thắn, chân tình, dân chủ, cởi mở với các thành viên trong đoàn.

Đồng bào Khmer bày tỏ niềm xúc động trước thực tế dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã hết sức lo cho dân, tạo mọi điều kiện để đồng bào Khmer ổn định cuộc sống, hưởng thụ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc Khmer. Qua đó, đồng bào Khmer bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Ông Sơn Song Sơn, Ủy viên TW Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, qua thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đến nay, có gần 70.000 hộ dân tộc Khmer được hỗ trợ nhà ở, trên 18.000 hộ được hỗ trợ đất ở, 26.000 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt, gần 3.000 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, nhiều lao động có việc làm, đời sống đồng bào được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm, không còn hộ đói.

Lĩnh vực giáo dục, đào tạo có bước phát triển đáng kể. Toàn vùng hiện có 21 trường phổ thông dân tộc nội trú với 6.068 học sinh; cán bộ giáo viên Khmer hiện có 6.900 người. Các chùa Khmer hằng năm đều có tổ chức dạy bổ túc văn hóa song ngữ, Khmer ngữ, tiếng Pali, chương trình phật học Vini cho đồng bào và sư sãi...

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xoá đói giảm nghèo, từng bước nâng mức sống đồng bào Khmer ngang bằng các dân tộc trong vùng và cả nước. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và giá trị tốt đẹp của Phật giáo Nam tông Khmer. Đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ dân tộc Khmer ngang tầm với yêu cầu mới, đặc biệt quan tâm nâng cao trình độ học vấn, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập quốc tế


B. Huyền

Công tác đảm bảo an ninh trật tự ở một địa bàn giáp ranh

Một buổi giao ban ở CA xã Minh Hòa.

Là xã vùng sâu thuộc Chương trình 135 của Chính phủ, Minh Hoà, (Châu Thành-Kiên Giang) hiện có 9 ấp, trên 4.100 hộ, với gần 20.000 khẩu (trong đó người dân tộc Khmer có trên 2.200 hộ với gần 11.000 khẩu, chiếm trên 54% dân số xã). Những năm trước đây, tình hình an ninh nông thôn, trật tự xã hội ở Minh Hoà có nhiều diễn biến phức tạp.

Trước tình hình đó và đặc biệt là sau khi tiếp thu Đề án “Đảm bảo an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc Khmer” của Công an tỉnh Kiên Giang và Công an huỵện Châu Thành, Ban Chỉ huy công an xã Minh Hoà đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai sâu rộng nội dung của Đề án đến tất cả 16 chi bộ, các cán bộ đầu ngành, trưởng ấp với gần 100 đồng chí tham gia. Ban Công an xã Minh Hoà tham mưu cho Đảng uỷ xã thành lập Ban Chỉ đạo, phân công, giao trách nhiệm cho từng ngành, thành viên, sau đó tiến hành triển khai thí điểm Đề án tại ấp Minh Hưng (ấp có trên 80% dân số là người dân tộc Khmer) và triển khai đồng loạt ở 8 ấp còn lại. Quá trình thực hiện đề án đã tổ chức được gần 100 cuộc nói chuyện với gần 2.800 người tham dự, qua đó, từng bước nâng cao nhận thức cho nhân dân hiểu rõ thêm về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động, từ đó phối hợp tốt với lực lượng công an, quân sự địa phương trong công tác bảo vệ an ninh trật tự.

Sau hơn một năm thực hiện Đề án, tình hình an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn xã Minh Hoà đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thông qua các Hòm thư tố giác tội phạm, quần chúng đã cung cấp cho lực lượng công an hàng trăm nguồn tin có giá trị, giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến lĩnh vực an ninh trật tự và an ninh quốc gia.

Ông Huỳnh Triều Giang, Phó Trưởng công an xã Minh Hoà cho biết: Đơn vị chúng tôi đặc biệt coi trọng công tác vận động quần chúng, đồng thời xây dựng các mô hình phòng, chống tội phạm, điển hình là mô hình xây dựng tổ nhân dân tự quản ở ấp Minh Hưng. Qua hơn 1 năm thực hiện, hiệu quả của các mô hình đã và đang được phát huy. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc ngày càng được giữ vững, đại đa số đồng bào có ý thức, tinh thần cảnh giác, tham gia tích cực vào phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, mạnh dạn tố giác các loại tội phạm, nhất là cảnh giác với âm mưu của các thế lực thù địch.

Cùng với các tổ nhân dân tự quản, Ban Bảo vệ an ninh trật tự, Đội dân phòng, người có uy tín, các chức sắc tôn giáo cũng là những nhân tố quyết định đến công tác đảm bảo an ninh trật tự cơ sở. Nhiều năm liền, trên địa bàn xã không xảy ra trọng án, có thể nói, công tác đảm bảo an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc Khmer ở xã Minh Hoà đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó, lực lượng công an xã đóng vai trò nòng cốt. Đúng như ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hoà khẳng định: “An ninh trật tự trên địa bàn Minh Hoà nhiều năm nay được giữ vững là nỗ lực không nhỏ của lực lượng công an xã. Không chỉ tham gia giữ gìn an ninh trật tự, các đồng chí đã trở thành cầu nối thông tin giữa chính quyền với nhân dân, được nhân dân trong xã, ấp tin yêu, mến phục”.


Bài và ảnh: Mạnh Cường

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2008

Đồng bào Khmer Nam bộ vui đón Tết Chol Chnam Thmây

Từ 13 đến 15-4-2008, gần 1,3 triệu đồng bào Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long vui mừng, phấn khởi đón Tết cổ truyền Chol Chnam Thmây. Nhân dịp này, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tổ chức họp mặt thân mật gần 300 cán bộ, sư sãi, gia đình chính sách, học sinh sinh viên Khmer tiêu biểu, ghi nhận nhiều kết quả nổi bật qua một năm thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước, những điểm sáng trong đồng bào cần được tiếp tục phát huy.

“Điểm sáng” từ các chính sách dân tộc cho đồng bào

Tây Nam Bộ có khoảng 1,3 triệu đồng bào Khmer, chiếm hơn 7% số dân toàn vùng, vốn có truyền thống đoàn kết, gắn bó lâu đời với cộng đồng các dân tộc ở Nam Bộ từ thời khai hoang, mở đất, có những đóng góp quan trọng trong đấu tranh chống ngoại xâm và xây dựng đất nước. Các năm qua, được chăm lo, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào Khmer có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của bà con không ngừng được nâng lên. Hơn 1.000 tỉ đồng đã được đầu tư cơ sở hạ tầng vùng có đông đồng bào Khmer. Nhiều công trình trường học, trạm y tế, đường giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt, nước sạch, chợ nông thôn đã được đưa vào sử dụng hiệu quả. Ngoài 148 xã có đông đồng bào Khmer được đầu tư theo Chương trình 135 giai đoạn II, trong năm 2007 có thêm 357 xã, phường, thị trấn trong vùng được thụ hưởng các chính sách đặc thù.

Đến nay, toàn vùng đã xây dựng trên 70.000 căn nhà, giải quyết đất ở cho trên 2.000 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hơn 30.600 hộ Khmer, trên 80% hộ đã có phương tiện nghe, nhìn. Hiện có trên 150.000 hộ Khmer đạt chuẩn gia đình văn hóa, chiếm 63%, khoảng 800 ấp có đông đồng bào Khmer và nhiều chùa Khmer được công nhận đạt chuẩn văn hóa. Trong vùng hiện có gần 244.000 học sinh Khmer các cấp, khoảng 2.000 sinh viên, học sinh đang theo học các trường đại học, cao đẳng, trường chuyên nghiệp; riêng Đại học Cần Thơ đang tiếp nhận đào tạo cho khoảng 700 sinh viên Khmer. Toàn vùng hiện có 21 trường phổ thông dân tộc nội trú và 1 trường bán trú với trên 6.000 học sinh Khmer theo học. Việc dạy và học chữ dân tộc được duy trì và có bước phát triển. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thực hiện chương trình và sách giáo khoa ngữ văn Khmer theo chương trình mới. Chính sách cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và dự bị đại học phát huy tác dụng tốt.

Những mô hình tốt

Hầu hết đồng bào Khmer Nam Bộ theo Phật giáo Nam Tông, toàn vùng có 453 chùa với khoảng 10.000 sư sãi. Các ngôi chùa Khmer không chỉ chiếm vị trí quan trọng trong sinh hoạt tôn giáo, đời sống tâm linh, mà còn là nơi sinh hoạt văn hoá, truyền thống, dạy ngữ văn Khmer cho con em đồng bào. Thời gian qua, Nhà nước đã đầu tư xây dựng và kinh phí hoạt động cho Trường Bổ túc văn hoá Trung cấp Pali Nam Bộ tại Sóc Trăng, lập Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer tại quận Ô Môn, TP. Cần Thơ đáp ứng nhu cầu tu học của đồng bào. Nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như hát Dù Kê, nhạc ngũ âm ... được sưu tầm, phát huy; hoạt động lễ hội ngày càng qui mô, hoành tránh, không chỉ thu hút đông đảo đồng bào Khmer mà cả người Kinh, người Hoa và du khách; nhiều Lễ hội như đua ghe Ngo ở Sóc Trăng và các nơi, Lễ hội đua bò ở Tri Tôn, An Giang, các lễ hội truyền thống như Cúng Trăng, Tết Nông nghiệp, Tết cổ truyền Chol Chnam Thmây ... tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết trong đồng bào.

Nhiều phum sóc, chùa Khmer trở thành điểm sáng văn hoá, nơi sinh hoạt cộng đồng hiệu quả. Bà con càng phấn khởi hơn khi Quyết định 26/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các cơ chế đặc thù cho các tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có nhiều chính sách ưu đãi cho bà con Khmer như hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước để xây dựng trường lớp riêng cho trẻ em Khmer và sư sãi Nam Tông, xây dựng lò hỏa táng trong vùng đồng bào dân tộc, hỗ trợ đối với giáo viên (kể cả nhà sư) dạy bổ túc chữ Khmer ở các chùa; miễn đóng góp các khoản tiền cho học tập, khám chữa bệnh của nhà nước và miễn giảm các khoản đóng góp khác của các địa phương đối với gia đình đồng bào dân tộc nghèo; mở rộng diện cử tuyển cho học sinh người dân tộc thiểu số; cấp học bổng bằng 50% mức học bổng nội trú hiện hành cho học sinh là người dân tộc thiểu số nghèo thuộc diện học ở các trường nội trú, nhưng đang học ở các trường công lập, bán công.

Hòa thượng Dương Nhơn, Hiệu trưởng trường Pali Sóc Trăng bày tỏ vui mừng: "Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống bà con đồng bào Khmer ngày càng ổn định và phát triển. Nhiều hộ đã biết làm giàu từ việc nuôi con cá, trồng lúa, mua bán dịch vụ...". Ông cho biết: đón Tết Chol Chnam Thmây năm nay, nhiều hộ gia đình gặp khó khăn được chính quyền địa phương quan tâm trợ vốn, trợ nghề và được cộng đồng Khmer, nhà chùa hướng dẫn, giúp đỡ trong khả năng có thể. Ông bày tỏ lòng tin của đông đảo đồng bào vào chủ trương, chính sách dân tộc – tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Nhờ chính sách đó mà thời gian qua đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế trong đồng bào làm ăn có hiệu quả, thu hút nhiều lao động là người dân tộc như ở Trà Vinh có xí nghiệp giày da; ở Sóc Trăng Cty TNHH xuất khẩu thủy sản Út Xi, mỗi nơi thu hút hàng ngàn lao động Khmer; Xí nghiệp chế biến hạt điều ở An Giang sử dụng thường xuyên gần 2.000 lao động là người dân tộc Khmer. Đồng bào tin tưởng ngày càng có nhiều hơn các doanh nghiệp tương tự khi Nhà nước thực hiện chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào vùng có đông đồng bào Khmer, thực hiện những ưu đãi cụ thể về thuế, mặt bằng cho doanh nghiệp đầu tư vào các vùng này và những dự án sử dụng nhiều người lao động là người dân tộc thiểu số ...

Còn những “gam màu tối” cần được quan tâm

Bên cạnh những kết quả đạt được, vùng dân tộc Khmer Nam Bộ cũng còn đối mặt với những khó khăn, tồn tại đáng quan tâm: Đời sống của một bộ phận đồng bào Khmer còn khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer ở các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL còn khá cao, chiếm 40%; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào chưa bền vững, hộ không đất và thiếu đất sản xuất chiếm gần 13%, hộ khó khăn về nhà ở chiếm 18,7%.

Chất lượng và hiệu quả giáo dục học sinh dân tộc ở các trường phổ thông còn thấp, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng chiếm tỷ lệ cao. Việc sử dụng, quản lý học sinh, sinh viên dân tộc ra trường chưa được quan tâm đúng mức; đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc còn yếu và thiếu, không đồng bộ, cán bộ chủ chốt ít, đội ngũ kế thừa hụt hẫng… đặc biệt, khiếu kiện trong vùng đồng bào diễn ra với nhiều cấp độ khác nhau, có một số vụ tồn động kéo dài cần được quan tâm giải quyết dứt điểm gắn với việc thực hiện các chính sách ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, chính sách dân tộc trong vùng, phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức, chung lòng theo Đảng, theo Bác Hồ của đồng bào Khmer Nam Bộ. ­­­­­­­­­­­­­­­­

Trần Hữu Hiệp (Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ)


Sóc Trăng: Phê duyệt đề án phát triển đoàn nghệ thuật Khmer

UBND tỉnh Sóc Trăng vừa phê duyệt đề án phát triển đoàn nghệ thuật Khmer Sóc Trăng, giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

Mục tiêu của đề án nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật dân tộc, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần định hướng nghệ thuật, xây dựng tư tưởng, đạo đức và nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của đồng bào dân tộc Khmer. Nội dung của đề án gồm: xây dựng cơ sở vật chất ( hội trường nhà diễn tập , phòng làm việc, phòng chuyên luyện tập nghệ thuật dân tộc, hệ thống hạ tầng kỹ thuật), mua sắm các trang thiết bị ( nội thất, âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ, máy phát điện), phương tiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, diễn viên, xây dựng vở mới,…với tổng kinh phí trên 31 tỷ 800 triệu đồng. Trong đó vốn đầu tư phát triển 27 tỷ đồng và vốn sự nghiệp trên 4,8 tỷ đồng ( ngân sách TW 19 tỷ đồng, ngân sách tỉnh và huy động trên 12,8 tỷ đồng)./.

Theo Báo Sóc Trăng


Vĩnh Châu: Trên 8.000 hộ Khmer hưởng lợi trợ giá, trợ cước

4 năm qua, huyện Vĩnh Châu đã có 8.226 hộ đồng bào Khmer hưởng lợi từ chương trình trợ giá, trợ cước của Chính phủ, với tổng kinh phí 3,490 tỷ đồng; Chương trình 134 hỗ trợ 3.690 căn nhà, lắp đặt đồng hồ nước 230 hộ.

Xuất phát từ Chương trình trợ giá, trợ cước của Chính phủ, nhiều mô hình đã được triển khai thực hiện như: chăn nuôi heo, nuôi bò, trồng hành tím, nuôi tôm, nuôi cua… đã góp phần tích cực trong việc tạo công ăn việc làm tại địa phương; tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo . Đến nay, toàn huyện đã có 3.575 hộ đồng bào khmer thoát nghèo từ chương trình trợ giá, trợ cước của Chính phủ ( năm 2003 có 780 hộ; năm 2004: 1.086 hộ; năm 2005: 746 hộ và năm 2006: 963 hộ).

Ông Lâm Minh Liên – Trưởng phòng dân tộc – Tôn giáo huyện Vĩnh Châu cho biết: “ Tuy nhiên, công tác tuyên truyền chưa đi vào chiều sâu; một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo đúng mức, thiếu kiểm tra đôn đốc việc sử dụng vốn; sự phối hợp giữa các cơ quan ban, ngành đôi lúc còn chưa đồng bộ; ý thức tự lực tự cường chưa cao và rút kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất không kịp thời”.

Theo Báo Sóc Trăng

TP. Sóc Trăng: Xây dựng các phương án hỗ trợ đồng bào Khmer

Phòng Dân tộc – Tôn giáo TP. Sóc Trăng vừa xây dựng các phương án trình lên UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ đồng bào Khmer trong năm 2008. Các phương án bao gồm: chuyển đổi sản xuất; đào tạo nghề; giải quyết việc làm và đất ở cho đồng bào Khmer đời sống khó khăn.

Theo đồng chí Hên Son – Trưởng phòng Dân tộc Tôn giáo TP. Sóc Trăng, dự kiến tổng kinh phí hỗi trợ cho đồng bào Khmer là 1,435 tỷ đồng; trong đó hỗ trợ về đất ở cho 29 hộ với tổng kinh phí 1,044 tỷ đồng ( mỗi hộ 36 triệu đồng). Kinh phí này sẽ được phân bổ cho phường 5 và phường 10. Còn lại dự kiến sẽ mở 7 lớp đào tạo nghề: đan đát, may công nghiệp, se nhang, điện gia dụng và thú y ( mỗi lớp 30 học viên ). Ngoài ra còn triển khai nghị định 289 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 18/3/2008 về ban hành một số chính sách; hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số; hộ thuộc diện chính sách; hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân.

Theo Báo Sóc Trăng

Thứ Tư, 8 tháng 10, 2008

Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh Trà Vinh

Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh Trà Vinh được thành lập ngày 14/4/1963, tại ấp Cây Xanh, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh – quê hương của nữ Anh hùng lực lượng vũ Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh Trà Vinh được thành lập ngày 14/4/1963, tại ấp Cây Xanh, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh – quê hương của nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Út (chị Út Tịch).

Lực lượng của Đoàn lúc đó có 40 người, với 05 chương trình kịch mục như: Vở Dù-kê “Nghĩa tình trong giông tố”, “Thạch Sanh – Lý Thông”, Múa Sa-Dam, Múa Chhu Chhai, các điệu múa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cùng nhiều ca khúc chính trị bằng hai thứ tiếng Kinh và Khmer.


Từ đó đến nay, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh đã trải qua rất nhiều những năm tháng thăng trầm, biến đổi, những tháng ngày vinh quang và thử thách, nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự yêu thương che chở, đùm bọc, ủng hộ của quần chúng nhân dân trong và ngoài tỉnh, Đoàn luôn vượt qua những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa văn nghệ của nhân dân, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc… Đoàn tham gia tốt và đạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc Hội thi, hội diễn, liên hoan ca múa nhạc do Trung ương hoặc các tỉnh trong khu vực tổ chức.

Ngoài ra Đoàn còn thường xuyên biểu diễn các tiết mục ca, múa, nhạc dân tộc, các trích đoạn Dù kê phục vụ khách trong và ngoài nước đến thăm và làm việc với tỉnh Trà Vinh. Đặc biệt, từ khi thành lập đến nay, Đoàn nghệ thuật Khmer Anh Bình Minh còn là cái nôi đào tạo nhiều diễn viên, nghệ nhân, soạn giả… kế thừa không những của Đoàn, mà còn cung cấp cho các Đoàn, Đội Khmer tỉnh nhà và các tỉnh trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long; nổi bật hơn hết là sau Hội diễn nghệ thuật quần chúng Khmer tỉnh Trà Vinh lần thứ I năm 2004, Đoàn đã chọn 22 em trẻ có năng khiếu và đạt giải cao trong Hội diễn, mở lớp đào tạo bồi dưỡng cho các em thời gian gần 2 năm để bổ sung vào lực lượng của Đoàn, thay thế những diễn viên, nghệ sĩ đã lớn tuổi. Và trong quá trình lưu diễn phục vụ, Đoàn có 07 đồng chí cán bộ, diễn viên đã hy sinh trong thời kỳ kháng chiến.

Cho đến hôm nay, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh là một trong những đoàn nghệ thuật Khmer ở Nam Bộ có chương trình ca múa nhạc, ca kịch dù kê vừa giữ được nét nghệ thuật truyền thống, vừa có sự tiếp nhận văn hóa hiện đại được khán giả Trà Vinh cũng như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hết sức yêu thích, mến mộ.

Với những thành tích trên, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh đã được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen, cờ, huy hiệu (vàng, bạc…). Đặc biệt, năm 1997, Đoàn được Chủ tịch nước phong tặng Huân chương Lao động hạng III; Năm 2000, Đoàn được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Đoàn Nghệ thuật Khmer Triều An - huyện Trà Cú - Trà Vinh

Đoàn nghệ thuật Khmer Triều An – huyện Trà Cú được Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Trà Vinh cho phép thành lập dưới dạng thể nghiệm vào tháng 10 năm 2007. Trụ sở của Đoàn nghệ thuật Khmer Triều An –Trà Cú được đặt tại Ấp Chợ-xã Hàm Giang huyện Trà Cú.

Đoàn hiện có 46 diễn viên, nhạc công chủ yếu là lực lượng nghệ nhân, nghệ sĩ, đã từng tham gia biểu diễn thành công tại các cuộc Hội diễn nghệ thuật quần chúng Khmer tỉnh Trà Vinh lần thứ II năm 2007. Đoàn đã tập dượt và đang đưa vào biểu diễn 04 kịch bản Dù-kê, Dì-kê, các tiết mục ca múa nhạc dân tộc, trình diễn nhạc cụ dân tộc… mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, phù hợp với nhu cầu thưởng thức, sở thích của quần chúng nhân dân tỉnh Trà Vinh.

Trà Vinh: Họp mặt mừng lễ SÊNE ĐÔLTA

Sau khi viếng Ðền thờ Bác Hồ và nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, xem chương trình biểu diễn của Ðoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh… Ðồng chí Thạch Hel đọc thư của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh chúc mừng lễ Sêne Ðôlta năm 2008. Ðồng chí Thạch Dư, Trưởng Ban Dân tộc báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện chính sách dân tộc của Ðảng, Nhà nước giữa hai mùa Sêne Ðôlta. Trong năm qua, bằng nhiều nguồn vốn của các chương trình, dự án của Trung ương và địa phương, Trà Vinh tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II với tổng số vốn đầu tư 23.340 triệu đồng xây dựng 83 công trình cơ sở hạ tầng; đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng; hỗ trợ giáo dục pháp lý, nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào... Chương trình 134 tiếp tục đầu tư với số vốn 25.997 triệu đồng xây dựng 3.333 căn nhà cho đồng bào Khmer nghèo có khó khăn về nhà ở. Cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp có nhiều biện pháp chỉ đạo, lồng ghép các chương trình, dự án phát triển toàn diện vùng đông đồng bào Khmer đạt hiệu quả, làm thay đổi diện mạo, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer từng bước được nâng lên rõ rệt. Công tác giáo dục, đào tạo nghề, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc và nhiều lĩnh vực được quan tâm.
Phát biểu tại buổi họp mặt, sau khi khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm 2008, nêu bật những thành tựu và tiến bộ của tỉnh có phần đóng góp tích cực của sư sãi, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Khmer trong tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hoàn Kim kêu gọi “ ... Toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân Kinh - Khmer - Hoa trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nêu cao ý thức tự lực, tự cường, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; Thực hiện tốt mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là vùng có đông đồng bào Khmer, góp phần đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững. Tăng cường ý thức cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; Phát động phong trào thi đua sôi nổi trong các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân, tập trung hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2008, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ VIII”.

Tin, ảnh: Bá Thi - Hoài Nhi

Vĩnh Long: Trên 2,3 tỉ đồng đầu tư nước máy cho đồng bào dân tộc

(VinhLong Portal) - Chủ tịch UBND tỉnh vừa có quyết định bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để đầu tư nâng cấp mở rộng đường ống chính các hệ thống cấp nước tập trung và hỗ trợ đồng hồ nước cho đồng bào dân tộc

Tổng nguồn vốn là 2.340.000.000 đồng cho các công trình sau: Mở rộng đường ống chính dài 4.000 m và hỗ trợ 200 đồng hồ nước thuộc hệ thống cấp nước xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình; mở rộng đường ống chính dài 6.000 m và hỗ trợ 300 đồng hồ nước thuộc hệ thống cấp nước xã Đông Bình, huyện Bình Minh và hỗ trợ 200 đồng hồ nước thuộc hệ thống cấp nước xã Trà Côn và Hựu Thành, huyện Trà Ôn.
Nguyễn sang (BVL)

Vĩnh Long: Một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân

(VinhLong Portal) - Quyết định sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 1 Quyết định 289/QĐ-TTg, về việc ban hành Một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân.

Ngày 18/3/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 289/QĐ-TTg, về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một vài điểm chưa thống nhất trong thực hiện, nên ngày 25/9/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1366/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 1 Quyết định 289/QĐ-TTg, về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân, như sau:
"1. Cấp bằng tiền tương đương với 05 lít dầu hỏa/năm (dầu thắp sáng) cho các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sác và hộ nghèo chưa sử dụng điện lưới (bao gầm các hộ ở nơi chưa có điện lưới và những nơi có điện lưới đi qua nhưng chưa có điều kiện sử dụng điện lưới)."
N.H.N

Vĩnh Long: Tổ chức triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

(VinhLong Portal) - Thực hiện Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg ngày 09/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2008 - 2010 và Công văn số 886/UBDT-CSDT ngày 03/10/2008 của Ủy ban Dân tộc về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg ngày 09/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ

Để hỗ trợ trực tiếp những hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn thực sự có nhu cầu về đất sản xuất và đào tạo nghề, tạo điều kiện cho các hộ phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống ổn định, ngày 08/10/2008, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản giao Trưởng ban Dân tộc chủ trì kết hợp cùng Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tham mưu UBND tỉnh căn cứ nội dung Công văn số 886/UBDT-CSDT ngày 03/10/2008 của Ủy ban Dân tộc về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg ngày 09/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng Đề án hoặc kế hoạch thực hiện theo đúng quy định và đạt hiệu quả, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt thực hiện tổ chức thành lập tổ công tác khảo sát, rà soát hoàn cảnh từng hộ cụ thể, xác định xem hộ nào thật sự có nhu cầu đất sản xuất (có đất nhưng vì hoàn cảnh, đã cầm cố cho người khác, nay có nhu cầu chuộc đất), hộ nào không có đất, nhưng có nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm....Sau đó lập biên bản, tổng hợp các trường hợp trên thành danh sách và đề xuất ý kiến trình Ban Chỉ đạo xem xét quyết định.
N.H.N

Tóm tắt nội dung Quyết định 74/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Ngày 09/6/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 74/2008/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2008 - 2010.
Mục tiêu là đến năm 2010, toàn bộ số hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng đồng bằng sông Cửu Long có đất ở; trên 80% số hộ trong diện nghèo, đời sống khó khăn có đất sản xuất, có việc làm, tạo thu nhập ổn định; trên 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề.
Theo đó, Nhà nước sẽ giao đất trực tiếp cho các hộ gia đình để sản xuất hoặc để ở. Căn cứ quỹ đất, hạn mức đất và khả năng của địa phương, UBND cấp tỉnh, thành phố xem xét, quyết định giao đất ở cho các đối tượng này phù hợp với điều kiện và tập quán ở địa phương. Mức hỗ trợ để mua đất cấp trực tiếp bình quân cho mỗi hộ chưa có đất ở là 10 triệu đồng.
Đối với đất sản xuất, định mức cho mỗi hộ tối thiểu là 0,25 ha đất ruộng lúa nước 1 vụ hoặc 0,15 ha đất ruộng lúa nước 2 vụ hoặc 0,5 ha đất đồi, gò hoặc đất nuôi trồng thủy sản. Mức hỗ trợ cho mỗi hộ để có đất sản xuất không quá 20 triệu đồng/hộ.
Những hộ không có nhu cầu về đất sản xuất hoặc những địa phương không còn quỹ đất thì hỗ trợ bằng tiền để các hộ này có điều kiện tự tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề khác. Những hộ có nhu cầu vốn để mua sắm nông cụ, máy móc hoặc cần vốn để làm thêm các ngành nghề khác, tăng thu nhập, được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/hộ và được vay vốn theo hình thức tín chấp tối đa không quá 10 triệu đồng/hộ trong 3 năm với lãi suất bằng 0%.
Ngoài ra, những lao động có nhu cầu học nghề để đi làm công nhân, đi xuất khẩu lao động được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/lao động. Riêng lao động đi xuất khẩu còn được vay theo hình thức tín chấp tối đa 20 triệu đồng/người.
Trường hợp lao động đã được hỗ trợ vốn để đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, nhưng sau khi đào tạo không tham gia lao động sẽ không được hưởng các chính sách hỗ trợ vây vốn tìm việc làm, hỗ trợ ổn định cuộc sống.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
www.luatvietnam.vn

Chương trình 135 ở Sóc Trăng: Giao thông là trọng điểm

Tiếp chúng tôi tại Văn phòng làm việc, ông Huỳnh Phương Thảo, Chủ tịch UBND xã Tham Đôn tự tin khẳng định: "Những vấn đề bức xúc của xã vài năm trước đây như điện, đường, trường, trạm, thủy lợi...đến nay cơ bản được giải quyết. Bây giờ bà con có điều kiện thuận lợi hơn để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình. Xã Tham Đôn đã rút ra khỏi CT 135 và đang được tỉnh xác định là vùng trọng điểm phát triển mô hình trồng rau màu (rau hẹ, dưa chuột, dưa hấu). phát triển làng nghề đan lát thủ công truyền thống. Xã có thuận lợi là nằm cạnh tỉnh lộ giao thông... nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản khá dễ dàng, thị trường tiêu thụ mở rộng thuận lợi hơn trước".
Ghé thăm ngôi nhà xây kiên cố, với những tiện nghi sinh hoạt khá đắt tiền của đôi vợ chồng trẻ Sơn Nam - Danh Thị Hạnh ở ấp Tắc Gồng (Tham Đôn), anh Nam phấn khởi cho biết: "Hiện nay, bình quân 3 ngày, mình lại thu hoạch bông hẹ một lần, mỗi lần bẻ được 25 - 30 kg, bán được khoảng 300.000 đồng. Giờ có đường giao thông thuận tiện rồi nên người ta đến tận vườn mua hẹ, mình không phải chở ghe đi bán vất vả như trước nữa". Được biết, ngôi nhà của vợ chồng anh Nam xây cất năm 2006 với tổng chi phí gần 70 triệu đồng. ''Số tiền này mình tích lũy từ thu hoạch bông hẹ, dưa leo, đậu côve và sữa bò"-anh Nam tiết lộ. Hiện nay, gia đình anh chị có thu nhập ổn định vài chục triệu đồng mỗi năm.
Chúng tôi cũng đã có mặt tại huyện Long Phú để tiếp xúc với Đại đức Sơn Sao, trụ trì chùa Bâng Kol, ấp Phú Đức. Nói về sự đổi mới trên quê hương, đại đức Sơn Sao nhấn mạnh: "Cách đây chừng 5 năm, bà con muốn lên trung tâm huyện phải đi bằng ghe xuồng mất cả tiếng đồng hồ mới tới, cán bộ xuống công tác cũng phải nghỉ lại qua đêm vì trời tối, đi ghe xuồng không đèn rất nguy hiểm. Bây giờ được Nhà nước đầu tư đường bê tông, đi đâu cũng thuận tiện, không tốn nhiều thời gian như trước". Thật vậy, huyện Long Phú hôm nay đã có đường giao thông cấp phối hoặc nhựa hóa tỏa xuống tất cả các xã.
Tuyến đường từ thị trấn Long Phú đến các xã Long Phú, Đại Ân 2, Trung Bình, Lịch Hội Thượng, Liêu Tú không chỉ được đầu tư bằng nguồn vốn 135 mà còn được lồng ghép từ nhiều nguồn vốn khác và còn có sự đóng góp rất tích cực về ngày công lao động của bà con nhân dân địa phương.
Không chỉ ở Long Phú, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, việc triển khai lồng ghép nguồn vốn 135 với các nguồn vốn khác để tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hạng mục giao thông cũng được các huyện khác như Vĩnh Châu, Thạnh Trị, Ngã Năm, Kế Sách... triển khai thực hiện có hiệu quả thiết thực, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại nhiều vùng, làm chuyển biến đời sống cũng như nhận thức cho bà con Khmer vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh. Trong 2 năm (2006-2007), từ nguồn vốn triển khai dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc CT 135 giai đoạn II (gồm 47 tỉ đồng), tỉnh Sóc Trăng đã triển khai xây dựng thêm 105 công trình giao thông (chiếm trên 70% tổng số hạng mục công trình thuộc Chương trình), trong đó có 21 công trình cầu, 84 công trình đường với tổng chiều dài gần 200km cho 38 xã 135 trong khu vực.
Tuy nhiên, trong khi nguồn vốn Chương trình có hạn mà nhu cầu đầu tư của các địa phương lại quá lớn nên Sóc Trăng đã không tránh khỏi việc đầu tư dàn trải, dẫn tới chất lượng công trình chưa cao. Sau vài ba năm đưa vào sử dụng, nhiều công trình giao thông đã bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, đơn cử như tuyến đường vào trung tâm xã Lai Hòa, huyện Vĩnh Châu.
Ông Phạm Tiến Hải, Trưởng phòng Kinh tế Kỹ thuật, Thư ký Chương trình 135 - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng cho rằng: "Đối với những công trình giao thông xuống cấp hư hỏng lớn, tỉnh đã có văn bản giao cho các địa phương (cấp huyện) tự cân đối ngân sách để tiến hành sửa chữa. Nhưng kinh phí duy tu, bảo dưỡng chủ yếu trích từ nguồn vốn sự nghiệp giao thông, trong khi đó nguồn vốn này lại hạn hẹp nên các địa phương chỉ xử lý theo kiểu chắp vá tạm thời chứ chưa thực hiện được đồng bộ, bền vững lâu dài".
Mong rằng, tỉnh Sóc Trăng sẽ có những giải pháp khả thi để khắc phục những mặt hạn chế, tồn tại trong quá trình triển khai CT 135 giai đoạn II nhằm hoàn thành cơ bản các mục tiêu của Chương trình vào năm 2010.
Ngọc Ánh



Chương trình 135 góp phần tạo diện mạo mới cho vùng đồng bào Khmer

KTNT- Với hơn 30% dân số là người Khmer, chủ yếu sống ở 38 xã đặc biệt khó khăn, vấn đề xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào luôn là nỗi trăn trở của lãnh đạo tỉnh Trà Vinh. Thông qua nhiều nguồn vốn, trong đó có Chương trình 135 và 134, tỉnh đã tạo nên những đổi thay chiến lược cho vùng đồng bào. Về vấn đề này, ông Thạch Dư, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết:
Trà Vinh là một trong những tỉnh có đông đồng bào Khmer ở khu vực ĐBSCL. Khi mới thành lập, tỉnh đối mặt với nhiều thách thức bởi hạ tầng yếu kém, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi. Tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân rất khó khăn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Được sự đầu tư của Chương trình 135, kết cấu hạ tầng của các địa phươg ngày càng hoàn thiện, điều kiện sản xuất và đời sống nhân dân được nâng lên. Với số vốn 167,202 tỉ đồng, các địa phương đã đầu tư 484 công trình các loại, gồm: 230 công trình giao thông nông thôn, 55 trường học, 14 công trình điện hạ thế, 10 trạm y tế, 84 chợ, 5 công trình thủy lợi, 86 nhà văn hóa xã. Thực hiện giai đoạn II của Chương trình 135, các địa phương đã xây dựng được 107 công trình trường học, giao thông, thủy lợi, chợ, trạm y tế...với tổng vốn đầu tư 50,86 tỉ đồng. Hiện, các xã có đông đồng bào Khmer đều có đường ô tô đến trung tâm, hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất, một số khu vực có thể sản xuất 2 - 3 vụ lúa/năm; các xã đều có điện sử dụng, hệ thống trường lớp được kiên cố hóa...
Để đạt được kết quả đó, Ban Dân tộc tỉnh - đơn vị trực tiếp triển khai các chương trình, đã có những việc làm cụ thể gì?
Với tư cách là cơ quan thường trực thực hiện các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, Ban Dân tộc tỉnh đã kết hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư căn cứ vào thực trạng của từng xã để tham mưu tỉnh phân bổ nguồn vốn một cách hợp lý. Khi được phân bổ vốn, các địa phương họp dân lấy ý kiến lựa chọn công trình cần đầu tư, đề nghị tỉnh xem xét, sau đó Ban Dân tộc kết hợp với các ngành liên quan trình UBND tỉnh chính thức phê duyệt. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi thường xuyên theo dõi, kịp thời nắm tình hình để giải quyết các vấn đề phát sinh; tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo cho cán bộ cơ sở nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc thực hiện Chương trình 134, 135 cũng như cách xây dựng và quản lý tốt các dự án được hỗ trợ đầu tư.
Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tập trung vào những vấn đề gì?
Trong giai đoạn 2, Ban Dân tộc sẽ kết hợp với các sở, ban ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách việc thực hiện các Chương trình 134 và 135 phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đặc thù vùng đồng bào Khmer. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề như quản lý và sử dụng nguồn vốn có trọng tâm, trọng điểm gắn với đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo bền vững, giải quyết tốt nhu cầu về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho nhân dân, tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng, tạo tiền đề cho bà con xóa đói giảm nghèo bền vững.
Xin cảm ơn ông.
Đào Thái thực hiện.

Thứ Ba, 7 tháng 10, 2008

Khai mạc Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần III


Ngày 06/10/2008, Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông (PGNT) Khmer lần III năm 2008 do Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tổ chức đã khai mạc tại Bạc Liêu. Ông Nguyễn Thế Doanh, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ cùng đại diện các vị chức sắc GHPGVN, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo, sư sãi các tỉnh ĐBSCL và một số tỉnh miền Đông Nam bộ có PGNT Khmer đã đến dự. Hội nghị tập trung đánh giá, rút kinh nghiệm triển khai thực hiện một số vấn đề liên quan của PGNT Khmer; phổ biến chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; triển khai một số hoạt động của GHPGVN nhiệm kỳ VI 2007 - 2012...
Ông Nguyễn Thế Doanh, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ
(bìa, trái) gặp gỡ thân mật các đại biểu bên lề hội nghị

Theo đánh giá của GHPGVN, thời gian qua, Đảng, Nhà nước chính quyền các cấp tạo nhiều điều kiện cho PGNT Khmer phát triển. Đến nay có 452/452 chùa Khmer đã khắc con dấu và đưa vào sử dụng; hỗ trợ mở các lớp học trong chùa; thành lập Học viện PGNT Khmer tại quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ; công nhận các di tích chùa và khen thưởng cho các sư có công với cách mạng; cấp giấy chứng nhận tu sĩ; in kinh sách Khmer phục vụ việc học của chư tăng và tín đồ,...Tuy nhiên, ở một số nơi, việc thực hiện công tác này còn chậm.
Tại Hội nghị, các vị chức sắc tôn giáo các tỉnh, thành đề xuất: thời gian tới, GHPGVN, Chính phủ cần tiếp tục việc hỗ trợ xây dựng các chùa đã xuống cấp; hỗ trợ đào tạo tăng tài, chuyên môn nghiệp vụ; thống nhất chương trình giảng dạy lớp Pali, giáo lý Vini; đẩy mạnh việc công nhận các di tích chùa và khen thưởng các sư có công với cách mạng; tiếp tục cấp giấy chứng nhận tu sĩ...
Ông Nguyễn Thế Doanh, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ cho biết: Chính phủ luôn quan tâm tạo điều kiện cho PGNT Khmer phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Thời gian tới, Ban Tôn giáo Chính phủ cùng với GHPGVN, các địa phương sẽ thống nhất mô hình chuẩn của lớp học, trường học trong chùa; thống nhất chương trình học và cấp giấy chứng nhận tu học của các sư hệ phái PGNT Khmer; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Học viện PGNT Khmer; bồi dưỡng, bổ nhiệm trụ trì và các ban quản trị chùa có đủ năng lực trong hoạt động...
T.TÂM

Cà Mau: Hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo

UBND tỉnh Cà Mau đã quyết định chi ngân sách 69 tỉ đồng thực hiện một số chính sách hổ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Theo đó, từ nay đến 2010, tỉnh sẽ đảm bảo 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có đất sản xuất. Tỉnh sẽ điều chỉnh 100 ha đất giải quyết nhu cầu về đất ở cho bà con. 80% hộ nghèo có việc làm, có thu nhập ổn định, 50% trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề.
Hiện nay, Cà Mau còn 1.800 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa có đất sản xuất. Như vậy số đất cần cho các hộ này là 500 ha, tổng số tiền lên tới 23 tỉ đồng. 800 hộ cần mua sắm nông cụ, máy móc hoặc làm nghề dịch vụ với số tiền khoảng 10 tỉ đồng. Trên 10.000 lao động có nhu cầu được đào tạo nghề với kinh phí 10 tỉ đồng. Để chính sách sớm đi vào cuộc sống, đảm bảo đúng đối tượng, công bằng, minh bạch, UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các sở ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tiến hành các bước thủ tục theo quy định./.
Trần Thành Niên