Thứ Hai, 22 tháng 12, 2008

60 năm Ngày Nhân quyền LHQ (10/12/1948- 10/12/2008): Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ngày càng tốt hơn

Việt Nam cam kết tôn trọng, thúc đẩy, bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của con người theo các nguyên tắc Hiến chương LHQ và các chuẩn mực quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia

Đảng ta khẳng định rõ, quyền con người là giá trị chung của nhân loại. Đó là thành quả đấu tranh lâu dài của nhân dân lao động và các dân tộc trên thế giới chống lại mọi áp bức, bóc lột. Trong xã hội có phân chia giai cấp đối kháng, khái niệm quyền con người có tính giai cấp sâu sắc. Việt Nam đã tích cực thúc đẩy, bảo vệ và đấu tranh nhân quyền. Những thành tựu mà Việt Nam đạt được là rất to lớn và cơ bản, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Pháp luật Việt Nam thúc đẩy, bảo vệ và phát triển quyền con người, quyền công dân

Ngay sau khi giành độc lập năm 1945, một năm sau đó, Hiến pháp năm 1946- Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được ban hành, đã thiết lập và đảm bảo cho công dân thực hiện và hưởng thụ các quyền tự do, dân chủ. Trong các Hiến pháp tiếp theo (1959, 1980, 1992), quyền con người, quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân Việt Nam được phát triển, mở rộng và hoàn thiện cả về nội dung, số lượng và cơ chế đảm bảo.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, hai năm sau đó- năm 1977, Việt Nam trở thành thành viên của LHQ. Từ đó đến nay, nước ta đã tham gia nhiều công ước quốc tế về quyền con người và tích cực đóng góp vào các hoạt động bảo vệ nhân quyền quốc tế. Nước ta đã tham gia ký và phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989. Trong các năm 1994, 1996, Việt Nam tiếp tục gia nhập một loạt các công ước quốc tế khác về quyền trẻ em hoặc liên quan đến quyền trẻ em do T ổ chức Lao động quốc tê thông qua.

Trong hoạt động lập pháp từ năm 1987 đến nay, đặc biệt sau khi Hiến pháp năm 1992 được thông qua, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục thực hiện chủ trương, đường lối nhất quán tất cả là vì con người, đề cao các giá trị của quyền con người. Con người được coi là nhân tố tạo dựng xã hội dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Đồng thời Nhà nước thực thi pháp luật cũng như công dân thực hiện có hiệu quả các quyền của mình theo Hiến pháp và pháp luật sẽ đảm bảo tốt cho việc hưởng thụ nhân quyền cuả tất cả mọi người. Nếu so sánh với các quy định nhân quyền quốc tê, ở mức độ khái quát, có thể khảng định: Hệ thống pháp luật của Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra cho việc thúc đẩy, bảo vệ và phát triển quyền con người, quyền công dân. Những nỗ lực phấn đấu và thành quả thực hiện trên lĩnh vực bảo vệ nhân quyền ở nước ta trong suốt thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao với việc Việt Nam được bầu làm thành viên Uỷ ban nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2001- 2003 và hiện nay đang là Uỷ viên không thường trực HĐBA/LHQ.

Những thành tựu to lớn và không thể phủ nhận

Có thể khẳng định rằng những thành tựu bảo vệ, đấu tranh nhân quyền mà Việt Nam đạt được đến nay là rất to lớn và cơ bản trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Năm 1998, Đảng ta đã ra Chỉ thị về “Quy chế dân chủ ở cơ sở” mà nội dung cơ bản là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Các quyền tham gia quản lý của nhân dân đã được thể chế hoá, cụ thể hoá trong các Nghị định của Chính phủ; Công tác bầu cử, ứng cử đã được đổi mới theo hướng mở rộng sự lựa chọn cho cử tri; Tổ chức và sinh hoạt Quốc hội có những cải tiến và đổi mới theo hướng đảm bảo cho hoạt động của Quốc hội hiệu quả hơn, có thực quyền, thật sự là cơ quan quyền lực, đại diện của nhân dân. Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương khoá X đã chủ trương xem xét sửa đổi các danh mục bí mật nhà nước nhằm mở rộng công khai, nghiên cứu ban hành luật về đảm bảo quyền được thông tin của công dân. Chủ trương này được xem là giải pháp quan trọng trong công tác phọng chống tham nhũng.

Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được tôn trọng. Luật báo chí quy định rõ: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí…”, báo chí “không bị kiểm duyệt”. Hiện nay, cả nước có hơn 700 cơ quan báo chí (báo, tạp chí, hãng thông tấn) và gần 70 Đài phát thanh, truyền hình, đài truyền hình kỹ thuật số của Trung ương và địa phương.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được đảm bảo, dựa trên quan điểm “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng đất nước. Hội nghị lần thứ 7 BCHTƯ Đảng khoá IX đã ban hành Nghị quyết 25 NQ/TƯ ngày 12/3/2003 về Công tác tôn giáo. Tiếp đó Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18/6/2004 và ngày 1/3/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định 22/2005/NĐ- CP hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.

Những con số biết nói

Cùng với việc công bố cuốn sách “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”, hiện nay Nhà nước ta công nhận tư cách pháp nhân cho hơn 28 tổ chức tôn giáo. Chỉ tính riêng từ tháng 9/2006 đến nay đã có 13 hệ phái, tổ chức tôn giáo được cấp đăng ký hoạt động. Một số tổ chức, hệ phái mặc dù chưa được công nhận nhưng vẫn duy trì sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật tạo nên đời sống tâm linh tôn giáo phong phú ở khắp các vùng miền trên cả nước. Hiện các tôn giáo có trên 20 triệu tín đồ, chiếm 25% dân số cả nước với khoảng 80 ngàn chức sắc; cơ sở thờ tự có trên 26 ngàn cùng hàng chục trường lớp đào tạo chức sắc các tôn giáo. Phật giáo có 4 học viện và 32 trường trung cấp phật học; Công giáo có 6 Đại chủng viện; Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) có 1 Viện Thánh kinh Thần học. Đạo Cao đài và Phật giáo Hoà hảo tổ chức các lớp học giáo lý hạnh đường tại các cơ sở thờ tự…

Quyền của các dân tộc thiểu số, mặc dù còn có nhiều hạn chế do điều kiện điạ lý và hoàn cảnh lịch sử để lại, hiện nay đã có nhiều tiến bộ đáng kể, đặc biệt là về xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 24/NQ- TƯ “Về công tác dân tộc” với các chương trình 134, 135 (giai đoạn 1 và 2), tình hình phát triển kinh tế- xã hội ở các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã có những bước chuyển biến quan trọng và thu được những thành tựu to lớn. Lương thực bình quân đầu người tăng từ 250 kg/người năm 2003 lên bình quân 350 kg/người trong năm 2007. Tính đến hết tháng 6 năm nay, thực hiện Quyết định 134/TTg của Thủ tướng Chính phủ, 340 ngàn hộ DTTS nghèo đã được giải quyết về nhà ở và 62.310 hộ DTTTS nghèo được hỗ trợ đất ở. Tỷ lệ hộ nghèo đói giảm nhanh qua các năm, góp phần kiềm chế dần tốc độ phân hoá giàu nghèo giữa các vùng, các nhóm dân tộc.

100% số huyện và 95% xã vùng DTTS đã có điện, nhiều tỉnh đã có 100% số xã có điện. Đến hết năm 2007, 100% các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) có trường tiểu học, nhà mẫu giáo và các lớp bán trú dân nuôi, tình trạng học 3 ca đã bị xoá bỏ toàn bộ, 90- 95% trẻ em trong độ tuổi đến trường, 90% xã ĐBKK có trường Trung học cơ sở, 100% các huyện có trường Trung học phổ thông, một số huyện vùng cao, vùng sâu có trường Phổ thông dân tộc nội trú. Cũng đến cuối năm 2007, 100% các huyện có trung tâm y tế, bác sỹ và cán bộ y tế. Hầu hết các xã ĐBKK có trạm y tế. Đa số thôn bản có cán bộ y tế làm nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho đồng bào.

Thực thi nhân quyền gắn liền với bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền và an ninh quốc gia

Trong báo cáo phát triển con người năm 2007- 2008 của Chương trình Phát triển LHQ, Việt Nam tăng 4 bậc so với năm 2007 về chỉ số phát triển con người (xếp thứ 105 trong danh sách 177 nước xếp hạng). Tuy nhiên, chúng ta không thể tự mãn với những thành quả nhân quyền mà chúng ta đạt được, bởi nhân quyền là một vấn đề nhạy cảm, dễ bị lợi dụng về chính trị. Đảm bảo thực hiện quyền con người là cả một quá trình phấn đấu lâu dài, không thể một sớm, một chiều, nhất là đối một đất nước như nước ta đã phải chịu biết bao hy sinh mất mát về người và của do thực dân, đế quốc gây nên và hậu quả chiến tranh để lại còn rất nặng nề.

Bài học rút ra từ cuộc đấu tranh chống thực dân đế quốc xâm lược của dân tộc ta cho thấy thực thi nhân quyền phải gắn liền với bảo vệ nền độc lập dân tộc, chủ quyền và an ninh quốc gia. Đảng, Nhà nước ta kiên quyết chống tiêu tực, tham nhũng. Nhưng trong quá trình giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc phải bảo đảm chính trị xã hội ổn định, đồng thời cũng cần cảnh giác và càng không thể mơ hồ với những luận điệu sai trái và thù địch coi: nhân quyền cao hơn chủ quyền; nhân quyền không biên giới quốc gia; quá nhấn mạnh tính phổ biến của nhân quyền mà coi nhẹ các yếu tố có tính đặc thù về lịch sử, văn hoá, dân trí, trình độ phát triển kinh tế, xã hội hay coi tự do, lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng, quốc gia, dân tộc…, để đi đến sao chép một cách máy móc mô hình dân chủ, nhân quyền của nước này, áp đặt cho nước khác, hay lợi dụng tính nhạy cảm của nhân quyền nhằm can thiệp công việc nội bộ quốc gia, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định từ bên trong phục vụ cho ý đồ chính trị đen tối thì nhân quyền chẳng những không được đảm bảo mà hành vi đó còn là vi phạm, chà đạp nhân quyền không thể chấp nhận được.

Đảng, Nhà nước ta nhận thức sâu sắc rằng, cam kết và thực thi các quy định nhân quyền quốc tế, trước hết và chủ yếu là trách nhiệm thuộc về quốc gia thành viên, đồng thời coi trọng đối thoại và hợp tác quốc tế, coi đó vừa là đòi hỏi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, vừa là cơ hội để học tập kinh nghiệm trong xây dựng và thực thi pháp luật bảo đảm quyền con người, cơ hội chia sẻ quan điểm, giá trị chung, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ nhân quyền trong khu vực và trên thế giới; đồng thời chia sẻ những điểm còn có sự khác biệt trong cách hiểu và thực thi nhân quyền, qua đó làm cho nhân dân và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về quan điểm và chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta về quyền con người; khảng định những thành tựu về nhân quyền mà chúng ta đã đạt được.

Việt Nam đã và đang chủ động tham gia vào cuộc đấu tranh chung vì quyền con người; sẵn sàng đối thoại với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan về vấn đề nhân quyền. Nhưng chúng ta cũng kiên quyết làm thất bại các âm mưu, hành động xuyên tạc, lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tôc”, “tôn giáo” hòng can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và ổn định chính trị của Việt Nam. Đối thoại và hợp tác quốc tế trên lĩnh vực nhân quyền phải dựa trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì mục tiêu chung là bảo vệ, thúc đẩy quyền con người ngày càng tốt hơn./.(VOV)

Không có nhận xét nào: