Thứ Hai, 8 tháng 12, 2008

Rực rỡ sắc màu, thắm tình đoàn kết Ngày hội VHTT&DL của đồng bào Khmer Nam Bộ

Nguồn: Website Đảng CSVN
Cập nhật: 08/12/2008, 07:12:00

Tối 05/ 12, tại Quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ 4 đã chính thức khai mạc. Tham dự sự kiện lớn này có các đồng chí: K’so Phước, Chủ tịch HĐDT Quốc hội; Sơn Song Sơn, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VH- TT& DL…cùng đông đảo đại diện các Bộ, ban, ngành TW và địa phương.


Có thể nói sau 3 lần tổ chức lần lượt ở các tỉnh thành, lần thứ 4 này, ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ đã diễn ra thành công nhất- ngay từ lễ khai mạc- với sự thể hiện tuyệt vời của bản sắc văn hóa, sự trình diễn đầy màu sắc của nghệ thuật truyền thống.


Ngay từ chiều, không khí lễ hội đã tràn ngập vùng đất Ô Môn, khi hơn 2000 ngàn diễn viên không chuyên- những người nông dân thường ngày chăm lo cày cuốc từ 12 tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Kiên Giang, Hậu Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Thành phố Hồ Chí Minh… tạm xa công việc đồng áng, trở thành diễn viên chân chất, mộc mạc, tụ hội về đây. Trong buổi tổng duyệt, trên 3000 khán giả tập trung đã làm nóng bầu không khí trước lễ hội. Trước giờ khai mạc, trời còn thử thách lòng người bằng cơn mưa đột ngột, nhưng không vì thế mà dòng người đổ về lễ hội bớt đông. Sự nô nức, không khí hồi hộp, phấp phỏng của mỗi người dân chờ sân khấu mở màn chứng tỏ Ngày hội văn hóa này không hề mang tính hình thức, mà đã trở thành niềm mong chờ, thành nguồn động viên tinh thần lớn lao của đồng bào Khmer Nam Bộ. Rực rỡ màu sắc, tràn ngập tự hào và ấm áp tình đoàn kết, đó là những cảm nhận rõ nhất từ lễ hội.

Sau lời khai mạc ngắn gọn của Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái, trên sân khấu rộng lớn mô phỏng kiến trúc mái chùa Khmer cổ kính, các tiết mục nghệ thuật truyền thống đặc sắc đã liên tiếp gây bất ngờ cho khán giả. Chỉ là những điệu múa, lời ca quen thuộc, đã thấm sâu vào máu thịt của đồng bào, biểu diễn là những con người hàng ngày ra đồng vẫn hát cho quên nỗi nhọc nhằn, nhưng trên sân khấu, đã say nồng hơn, lung linh hơn, có lẽ bởi ở đây họ được giao lưu, được thể hiện, được chia sẻ… Những tiết mục Múa mặt nạ theo truyền thuyết dân gian Khmer; múa Tạ ơn mặt trăng; Múa mừng năm mới… của các đoàn Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Thơ đã đưa lại những cảm giác ngạc nhiên và tự hào cho khán giả về kho tàng văn hóa quý báu của dân tộc.


Gây bất ngờ và hấp dẫn nhất trong đêm khai mạc lễ hội là phần biểu diễn trang phục dân tộc của đồng bào Khmer Nam Bộ. Những tà áo dài truyền thống của phụ nữ Khmer phổ biến với cổ trái tim, tay bó sát, thân suôn thẳng; tà áo dài lễ tết truyền thống, trang phục đi chùa, trang phục cưới truyền thống… trải qua thời gian, vẫn giữ nét đẹp giản dị, dịu dàng, kín đáo đặc trưng của phụ nữ Khmer, trên sân khấu lễ hội thật sự là buổi trình diễn trang phục ấn tượng.


Lễ khai mạc kết thúc với phần trình diễn “ Đại sân khấu”, xóa nhòa khoảng cách khi tòan bộ diễn viên của đêm hội cùng hòa chung khúc hát Xamakhi, giao lưu cùng khán giả. Một đêm diễn quá thành công, quá ấn tượng, quá nhiều màu sắc… là những trầm trồ của khán giả và du khách tham dự đêm khai mạc.


Theo Ban tổ chức, sẽ có rất nhiều điều bất ngờ, thú vị nữa sẽ diễn ra trong suốt những ngày lễ hội. Điều này thật dễ hiểu, bởi với hơn 1,3 triệu người, dân tộc Khmer gắn bó mật thiết, lâu đời trong cộng đồng 54 dân tộc anh em, là dân tộc có tiếng nói riêng, chữ viết riêng, có nền văn hóa nghệ thuật dân gian vô cùng đặc sắc, phong tục tập quán phong phú và giàu bản sắc, có tính cộng đồng cao. Việc tổ chức thành công ngày hội văn hóa thể thao và du lịch đồng bào Khmer, đưa việc tổ chức trở thành nề nếp sẽ có ý nghĩa lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ.

Không có nhận xét nào: