Thứ Hai, 22 tháng 12, 2008

Trà Vinh phát triển đảng viên người dân tộc Khmer


Trà Vinh là một trong những tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được Trung ương đánh giá là địa phương làm tốt công tác phát triển đảng viên người dân tộc Khmer.

Trong những năm qua, thực hiện việc xây dựng hệ thống chính trị trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, tỉnh Trà Vinh đã có những chuyển biến về nhiều mặt, như cơ sở hạ tầng được tập trung đầu tư, công tác xóa đói giảm nghèo được đẩy mạnh, đời sống nhân dân trong tỉnh nói chung và đồng bào Khmer nói riêng ngày càng được cải thiện. Đặc biệt việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi được tập trung triển khai, sản xuất được giữ vững. Đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo ngày càng được củng cố vững chắc; mối quan hệ tổ chức đảng, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân ngày càng gắn bó mật thiết, trong đó phải nói đến vai trò làm cầu nối của các cấp ủy đảng đối với nhân dân, mà đảng viên là người dân tộc Khmer làm nòng cốt. Đến nay toàn tỉnh đã có 312/751 khóm, ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer là khóm ấp văn hóa và 29 chùa Khmer được công nhận là cơ sở tôn giáo văn minh. Qua phân tích 41 đảng bộ xã có hơn 30% đồng bào Khmer, trong đó có 21 đảng bộ xã đạt trong sạch vững mạnh, 17 đảng bộ hoàn thành nhiệm vụ và chỉ có 1 đảng bộ yếu kém.

Hiện toàn tỉnh có 2.715 đảng viên là người dân tộc Khmer, chiếm 12,88% so với đảng viên toàn tỉnh. Lúc mới tách tỉnh năm 1992, Trà Vinh chỉ có 667 đảng viên là người Khmer, chiếm 6,77% tổng số đảng viên toàn tỉnh. Qua học tập và thực tiễn công tác, nhiều đồng chí được đề bạt giữ những chức vụ quan trọng trong cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Hiện nay toàn tỉnh có 2.296 cán bộ công chức là người Khmer, chiếm 18% tổng số cán bộ công chức toàn tỉnh, trong đó có 5 người là Tỉnh ủy viên, 17 người là Huyện ủy viên, 218 người trong đảng ủy cấp xã, 785 là đại biểu HĐND 3 cấp nhiệm kỳ 2004-2009 và 3 đồng chí là đại biểu Quốc hội khóa IX; 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh, 1 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và 3 Phó Chủ tịch UBND huyện, 15 Phó, Trưởng ngành tỉnh, 41 Trưởng, Phó cấp tỉnh và huyện... là người dân tộc Khmer.

Theo Tạp chí Dân tộc và Phát triển




Không có nhận xét nào: