Thứ Hai, 29 tháng 12, 2008

Về xứ Bạc Liêu


Bạc Liêu nằm gần cuối vùng đất phía Nam Tổ quốc. Những dòng hải lưu Bắc - Nam tích tụ phù sa bồi lắng, đã hình thành nên vùng đồng bằng màu mỡ, phì nhiêu, cò bay thẳng cánh giáp với biển Đông mênh mông lộng gió. Bạc Liêu cách TP Hồ Chí Minh 300km, TP Cần Thơ 120km về phía nam theo Quốc lộ 1A trên đường đi Cà Mau.

Tháp cổ và chùa

Đến Bạc Liêu thăm những di tích và danh thắng của vùng đất có nhiều giai thoại hấp dẫn đối với du khách sẽ rất thú vị.

Ở phường 3, thị xã Bạc Liêu có chùa Quan Đế nằm ven sông Bạc Liêu mang đậm dấu ấn kiến trúc văn hóa của người Hoa. Được biết vào năm 1835, ông Châu Quai đứng ra vận động đóng góp xây dựng chùa. Trong chánh điện chùa thờ tượng Quan Vân Trường (Quan Công) mặc giáp trụ uy nghi, hai bên là hai tướng Quan Bình và Châu Xương cùng với nhiều vị thánh linh, thánh mẫu theo truyền thuyết của người Trung Hoa. Chùa Ông (tên gọi tắt của chùa Quan Đế) là nơi người Hoa xưa nay hay đến cầu khẩn và có khi giao kèo làm ăn với nhau qua chữ tín. Nghệ thuật kiến trúc ở đây từ xưa đã đạt độ tinh xảo với những hoa văn và đường nét chạm trổ sắc sảo, giàu bản sắc văn hóa của vùng Hoa Nam (Trung Quốc).

Tháp cổ Vĩnh Hưng ở huyện Vĩnh Lợi có niên đại từ thế kỷ thứ 9, được các nhà khảo cổ phát hiện vào năm 1911. Tháp có chân nền hình chữ nhật, dài 6,9m, rộng 5,6m và cao 8,9m. Kiến trúc khá đơn giản gồm một gian hình chữ nhật, tường dày, nóc cao cuốn cong thành vòm nhưng đặc biệt trong tháp có những tượng thần bằng đá xanh, đầu tượng Phật bằng đồng, tượng nữ thần Brahma mặt đồng và nhiều tượng cổ khác. Tháp cổ Vĩnh Hưng còn có tên là tháp Lục Hiền, tháp Bhad Dhat... Điều thú vị ở đây là trong những năm đầu của thế kỷ 20, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra tấm bia có khắc chữ Phạn ghi thời điểm năm 892 sau Công nguyên. Xuất xứ tấm bia này và con đường nó đến đây vẫn còn là những bí ẩn cùng với nhiều giả thuyết.

Hằng năm nhân dân địa phương tổ chức lễ cúng lớn tại tháp cổ vào ngày 15 tháng giêng âm lịch...

Chùa Khmer Xiêm Cán thuộc ấp Biển Tây, xã Hiệp Thành cách thị xã Bạc Liêu hơn 6km trên đường về Vĩnh Châu (Sóc Trăng) là một công trình kiến trúc hoành tráng với các nhóm chùa, tháp, mộ táng có nhiều hoa văn, phù điêu, họa tiết rất chi li, với những gam màu sặc sỡ, thể hiện phong cách văn hoá Phật giáo Tiểu thừa của đồng bào dân tộc Khmer. Chùa nằm trong một khuôn viên rất rộng rãi, chia làm nhiều khu vực như chánh điện, sa la, am cốc, nhà ở các sư sãi, mộ táng, lò thiêu, tháp tro cốt. Trên các vách bên trong nội thất, chánh điện của chùa và các am cốc có nhiều bức bích họa vẽ theo trình tự kể về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca từ lúc giáng sinh đến khi xuất thế, nhập Niết Bàn. Khuôn viên thoáng đãng của chùa có nhiều cây thốt nốt lâu năm đứng trầm tư, hoa hướng dương, hoa lài trồng ở đây làm cho cảnh vật thêm u nhã, thanh tịnh. Nhiều nhất là hoa hướng dương và hoa lài.

Chùa Xiêm Cán còn là một trung tâm văn hóa, giáo dục của đồng bào dân tộc Khmer ở khu vực. Nơi đây có trường dạy chữ Khmer, chữ Ba-li, dạy kinh Phật... Các lễ hội truyền thống thường được tổ chức trang nghiêm và long trọng với rất nhiều nhân dân địa phương và khách các nơi về tham dự.

Nhà Công tử Bạc Liêu

Người ta truyền miệng rằng, đến Bạc Liêu mà không ghé tham quan nhà công tử Bạc Liêu kể như là chưa đến xứ này.

Rạch Bạc Liêu gần cầu Cao Văn Lầu ngày nay là một dải quần thể “nhà Tây”. Ở đây còn có các cụm biệt thự, nhà cổ, dinh thự, công sở được xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ 20. Nhiều vật liệu xây dựng được đem qua từ Pháp quốc như: thép đúc sẵn, cửa lá sách, gạch lót nền...

Nhà của “công tử Bạc Liêu” Trần Trinh Huy do cụ thân sinh là ông Trần Trinh Trạch xây dựng năm 1919 trên một khu đất rộng rãi, thoáng đãng, kiến trúc cân đối, hài hòa mang phong cách Tây phương cuối thế kỷ 19 bước sang đầu thế kỷ 20. Tầng trệt có 2 phòng ngủ, 2 đại sảnh. Tầng trên có 3 phòng ngủ, 2 đại sảnh. Ngày nay trải qua những thăng trầm, biến động của lịch sử, khu nhà cổ này được Công ty Du lịch Bạc Liêu sử dụng làm nhà hàng khách sạn “Công tử Bạc Liêu” từ năm 2003. Bạn có thể thuê phòng ở đây nghỉ đêm và ăn uống, sinh hoạt tại nhà công tử với giá từ 200.000 đến 240.000 đồng/phòng/ngày đêm. Riêng phòng của “công tử” số 101 có giá đặc biệt là 340.000/ đồng/ngày đêm. Thức ăn thì có lẩu hải sản với cá kèo, tôm, mực, cá vò viên có giá từ 80.000 đến 150.000 đồng/cái lẩu. Những vật dụng trong khu nhà cổ còn lại rất ít, người ta đã phục chế lại khá nhiều hạng mục và bảo tồn những gì còn giữ được, mang dấu ấn của một gia đình đại phú thời Pháp thuộc. Không chỉ nhà của Công tử Bạc Liêu, thị xã Bạc Liêu có hơn 30 căn nhà cổ như thế. Có thể nói đây là một di sản văn hóa quý giá đặc trưng của Bạc Liêu trong thời kỳ Pháp thuộc, phản ánh một giai đoạn lịch sử có nhiều thăng trầm, biến động trên vùng đất này.

Khi màn đêm buông xuống, khách quây quần bên chiếc bàn mà công tử Bạc Liêu ngày xưa tiếp khách, nấu và ăn chè đậu xanh bằng những tờ giấy bạc 10 đồng Đông Dương hình bộ lư khách có thể ngồi nghe các cô gái xinh xắn, duyên dáng trong bộ áo bà ba phục vụ đàn ca tài tử... Trong tiếng đàn nguyệt rưng rưng thánh thót, tiếng đàn tranh réo rắt du dương, tiếng ngân nga não nuột của người “ca nữ” hát khúc “Dạ cổ hoài lang”, khách sẽ bồi hồi thấy mình như ngược dòng quá khứ của vùng đất phương Nam nhiều huyền thoại...

(Theo Báo Cần Thơ)

Không có nhận xét nào: