Thứ Hai, 29 tháng 12, 2008

Kiên Giang: Giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer


Những năm qua, tỉnh luôn làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2000, toàn tỉnh có 12.205 hộ dân tộc Khmer nghèo, đến cuối năm 2007 còn 9.483 hộ , mỗi năm giảm khoảng 1,85%.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy, hiện nay kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Kiên Giang phát triển còn chậm, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội còn thấp kém so với mặt bằng chung của tỉnh. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc còn ít và hầu hết hộ dân tộc Khmer sống chủ yếu bằng nghề nông. Tuy nhiên, nhờ những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, của các tổ chức từ thiện xã hội nên số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer đã giảm đáng kể. Năm 2005, toàn tỉnh có 12.205 hộ dân tộc Khmer nghèo (chiếm 26,1% so với hộ dân tộc Khmer) đến cuối năm 2007 còn 9.483 hộ (chiếm 22,35%). Mỗi năm giảm khoảng 1,85%. Nhưng nếu tính chung cả số hộ cận nghèo (gần 4.500 hộ) thì cả hai diện lên đến gần 14.000 hộ (chiếm đến 32,85%). Nếu so với số hộ nghèo toàn tỉnh, thì đồng bào dân tộc Khmer chiếm đến 30,35%, nhưng nếu tính trên số khẩu thì chiếm gần 42%, trong khi đó số hộ nghèo toàn tỉnh chỉ chiếm 8,98% tổng số hộ toàn tỉnh.

Điều này cho thấy, bình quân số khẩu trong mỗi gia đình người Khmer cao hơn số khẩu bình quân chung trong mỗi gia đình và bình quân số khẩu trong hộ nghèo lại cao hơn số khẩu của những hộ không nằm trong diện nghèo. Nếu bình quân mỗi hộ nghèo của người Khmer có 5 khẩu, thì toàn tỉnh có gần 50.000 người Khmer có mức thu nhập dưới 200 ngàn đồng/tháng. Theo ông Danh Ngọc Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, mỗi năm số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer giảm đáng kể, nhưng số hộ tái nghèo cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ. Nếu như năm 2007, có 3.156 hộ thoát nghèo, thì lại có 1.758 hộ nghèo mới phát sinh. Điều này chứng tỏ, công tác xóa đói giảm nghèo của ta đang thực hiện chưa mang tính bền vững.

Cũng theo ông Danh Ngọc Hùng, hiện tình trạng cầm cố, sang bán đất đai trong đồng bào dân tộc Khmer vẫn tiếp tục diễn ra. Và theo khảo sát của chính quyền các địa phương, hầu hết hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer không còn đất sản xuất, nghề nghiệp mưu sinh của bà con là làm thuê mướn nhưng không ổn định vì là lao động thủ công làm theo mùa vụ, nhưng con đông nên cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Một bộ phần khác khá đông được vận động, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, như đưa đi lao động ở các khu công nghiệp… thì có cuộc sống tương đối hơn. Nhưng trong số này, có một bộ phận không nhỏ khác không hoặc chậm thích nghi với tính kỹ luật lao động công nghiệp, làm được một thời gian thì bỏ việc nên rơi vào tình trang thất nghiệp, phải trông chờ vào sự giúp đỡ của chính quyền, xã hội.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang gần 3 năm qua Nhà nước đã đầu tư hơn 46 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng cho những xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; cất 7.200 căn nhà cho đồng bào dân tộc Khmer ngheo với tổng trị giá 567 tỷ đồng. Nhưng nếu tính từ khi thực hiện Chương trình 134 đến nay thì đã cất 12.252 căn (gần 817 tỷ đồng) đạt gần 29% so với số tổng hộ dân tộc Khmer toàn tỉnh (42.413 hộ). Đến nay tỉnh ta đã có 24/42 xã của 9 huyện đã thoát khỏi Chương trình 135 và hiện toàn tỉnh còn 18 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Có thể nói, công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh ta phát huy hiệu quả chưa cao là do nhiều nguyên nhân hợp thành. Dễ thấy nhất, là việc sử dụng các nguồn vốn chưa đúng mục đích, trong khi đó việc hướng dẫn quản lý của chính quyền, mặt trận, các đoàn thể ở địa phương có nơi chưa làm tốt. Một bộ phận người dân chưa tích cực trong lao động sản xuất, còn trông chờ hoặc ỷ lại vào các chính sách của Nhà nước, sự giúp đỡ của xã hội nên chưa quyết tâm tự lực vươn lên.

Để giảm nghèo, nâng cao đời sống, làm thay đổi bộ mặt nông thôn trong vùng đồng bào dân tộc, trước mắt cần tập trung nhiều nguồn vốn để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc, các xã đặc biệt khó khăn nhằm hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng. Triển khai các chính sách hỗ trợ của Chương trình 135, 134 mà nhất là đến năm 2010, tỉnh ta phải cơ bản thực hiện đạt theo Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ “về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2008-2010”-theo Nghị quyết Tỉnh ủy.

Tuy nhiên, theo ông Danh Ngọc Hùng, sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện Quyết định 74. Ông Hùng lý giải, về giải quyết đất ở thông qua việc vận động bà con, thân nhân cho đất và đưa vào các cụm, tuyến dân cư vượt lũ xem như cơ bản hoàn thành. Riêng về hỗ trợ đất sản xuất, thì tỉnh ta không còn đất để cấp cho đồng bào, còn mua để cấp thì không thể thực hiện được. Do mức hỗ trợ từ Trung ương chỉ 10 triệu đồng/hộ, mỗi hộ vay thêm tối đa không quá 10 triệu đồng. Tính theo giá hiện tại, 20 triệu đồng chỉ mua được khoảng 1 công đất và nguy cơ bà con sẽ sang bán. Theo đó, ông Danh Ngọc Hùng đề xuất, chỉ giải quyết đất cho những hộ hiện đang cầm cố, có nhu cầu chuột lại để sản xuất. Số còn lại nên chuyển đổi ngành nghề khác, học nghề để làm công nhân, xuất khẩu lao động…

Tại Hội nghị kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội VIII Đảng bộ tỉnh, Đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, công tác xóa đói giảm nghèo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của mỗi bản thân người nghèo. Vì vậy, các cấp các ngành cần quan tâm chỉ đạo cho các đoàn thể cùng tham gia trong việc quản lý, hướng dẫn cung cách làm ăn, giáo dục ý thức vượt khó vươn lên cho bà con và phải thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình.

Theo VIỆT TIẾN(CTV)
(Báo Điện tử Đảng Cộng sản)

Không có nhận xét nào: