Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2008

Tưng bừng Lễ hội Văn hóa Khmer

Thứ sáu, 05/12/2008 22 giờ 03 GMT+7

Sáng 5-12, quận Ô Môn đã bừng lên sinh khí mới. Đặc biệt là ở Trung tâm Văn hóa - Thông tin quận Ô Môn. Hàng ngàn lượt người dân từ khắp nơi lũ lượt về đây, nơi tập trung hầu hết các hoạt động của Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) vùng Đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ IV-2008.

Dù buổi tối, lễ tuyên bố khai mạc mới diễn ra, nhưng từ sáng sớm không khí đã tưng bừng nhộn nhịp vì đã bắt đầu diễn ra các môn thể thao và trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào Khmer tại Trung tâm Văn hóa quận Ô Môn. Đây là một công trình đẹp và hoành tráng được xây dựng với kinh phí 70 tỉ đồng, khởi công cuối năm 2007 và vừa kịp hoàn thành làm nơi tổ chức lễ hội. Những tiếng reo hò của người xem các cuộc thi đấu vang dội từng chập khiến không khí như nóng lên. Được biết đây chỉ là các món chơi phụ, còn “cái đinh” của hoạt động thể thao là Giải đua ghe ngo toàn quốc 2008 - những cuộc đua tranh quyết liệt diễn ra tại cồn Cái Khế với sự tham gia của gần 800 VĐV thuộc 9 đội ghe nam và 3 đội ghe nữ trong hai ngày 7 và 8 -12.

Khu triển lãm cũng nằm trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa quận Ô Môn. Mỗi gian triển lãm của địa phương đều thể hiện những nét đặc trưng chung nhưng vẫn có bản sắc riêng của từng vùng. Chẳng hạn như gian trưng bày của TP Cần Thơ nổi bật với mô hình các nhà sư, Achar và Phật tử chuẩn bị nước thơm tắm Phật tại chính điện trong dịp Tết mừng năm mới. Còn gian trưng bày của đoàn Vĩnh Long tái hiện các công đoạn làm cốm dẹp - món ăn đặc sản của đồng bào Khmer từ công đoạn rang nếp, giã chày đôi, sàng lọc, chọn những hạt cốm ngon cho đến công đoạn trộn cốm. Chị Sơn Thị Loan, nhà ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, một khách tham quan nói: “Tôi rất thích ăn cốm dẹp. Sau khi tham quan mô hình này, tôi thấy trân trọng hơn từng hạt cốm”. Tại gian trưng bày của tỉnh Trà Vinh, người tham quan tận mắt nhìn nghệ nhân Lâm Phene ở xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, biểu diễn chế tác các loại mão, mặt nạ cổ truyền. Nếu như khu trưng bày của đoàn An Giang khiến mọi người thán phục bởi sự trình diễn các loại nhạc cụ dân tộc của những “nhạc công” nhỏ tuổi thì gian trưng bày của tỉnh Hậu Giang lại làm người xem thích thú với các món ăn truyền thống...

Các môn thể thao và trò chơi dân gian đã lôi kéo nhiều chàng trai, cô gái. Phần triển lãm thu hút bà con tuổi trung niên. Phần giới thiệu những món ăn tiêu biểu, độc đáo được nhiều phụ nữ quan tâm. Tại khu ẩm thực, các đơn vị tham gia đã mang đến lễ hội những món ăn độc đáo trong văn hóa ẩm thực của đồng bào Khmer... của từng vùng. Cốm dẹp là một đặc sản chung của bà con Khmer được hầu hết các đoàn đều trưng bày và giới thiệu, trong đó nổi bật nhất là đoàn Vĩnh Long có thêm phần tái hiện các công đoạn làm cốm dẹp, có nhân viên phụ trách giới thiệu minh họa cho mô hình. Tỉnh An Giang giới thiệu các món ăn chế biến từ trái thốt nốt như: đường, bánh bò, thạch... Tỉnh Hậu Giang trình bày một bàn tiệc thịnh soạn của đồng bào Khmer với điểm nhấn trên bàn tiệc là sim lo – một món canh tiêu biểu trong kho tàng ẩm thực của người Khmer ở ĐBSCL. Anh Lê Thành Phước, Trưởng phòng Di tích của Bảo tàng Hậu Giang, nói: “Dù nấu với nguyên liệu nào, sim lo của người Khmer cũng đều lấy mắm sặt làm chuẩn. Mắm được nấu cho nhừ, lược bỏ xương; sau đó mới cho vài cọng sả đập dập, rau, cá lóc hoặc lươn vào cũng nấu nhừ. Còn sim lo nấu với bầu vừa ngọt vừa mát miệng. Mùi thơm và vị mặn của mắm thấm vào từng miếng bầu mềm mụp, vào từng thớ cá, ăn quên thôi”.

Các vận động viên đang tham gia trò chơi đẩy gậy.

Giám khảo đang chấm điểm gian trưng bày triển lãm của đơn vị TP Cần Thơ.

Nghệ nhân đoàn Cà Mau đang biểu diễn dàn ngũ âm.

Phần trình diễn các công đoạn làm cốm dẹp của đoàn An Giang.

Giám khảo đang chấm điểm phần văn hóa ẩm thực của đoàn Hậu Giang. Ảnh: LY GIANG

Chỉ mới ngày đầu khởi động, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào Khmer Nam Bộ đã dậy lên không khí nhộn nhịp của hội hè phản ánh nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer Nam Bộ. Đặc biệt, trong những ngày tới sau lễ khai mạc, tại Trung tâm Văn hóa quận Ô Môn sẽ tiếp tục diễn ra nhiều hoạt động văn hóa truyền thống, như: biểu diễn trang phục dân tộc, giao lưu văn hóa nghệ thuật và thả đèn gió... chắc chắn không chỉ lôi cuốn bà con Khmer mà còn thu hút đông đảo đồng bào người Kinh, người Hoa, người Chăm... ở Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều dân tộc anh em khác khắp nơi trong cả nước.

Nhóm PV

Không có nhận xét nào: