Thứ Năm, 25 tháng 12, 2008

Lễ hội Đua ghe Ngo ở Trà Vinh

Cuộc thi đua ghe Ngo là một sinh hoạt văn hóa, thể thao có sức thu hút hàng vạn người tham gia, không chỉ có đồng bào Khmer mà còn có đông đảo người Kinh, Hoa cũng hưởng ứng cuồng nhiệt. Ghe Ngo thường là thuyền độc mộc làm bằng loại gỗ tốt, ra đời từ nhiều thế kỷ trước đây. Người Khmer coi ghe Ngo không như các ghe thông thường mà như là một vật thiêng. Vì vậy trước khi đem ghe đi thi, họ thường làm lễ tạ thần, thắp hương cúng vái. Đội quân để bơi ghe được chọn lựa kĩ càng, họ đều là những trai tráng khỏe mạnh, có kinh nghiệm, biết phối hợp động tác chặt chẽ. Người ngồi đầu chỉ huy là người có uy tín và am hiểu sông nước. Theo nhịp thúc quân của người đứng ở giữa ghe, cả mấy chục chiếc dầm giơ lên, bổ xuống nước rập ràng, tiếng hò reo cổ vũ náo nhiệt vang dội cả một khúc sông.Hàng năm, ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có đông người Khmer sinh sống thì vào dịp lễ Ok om Bok đều có tổ chức đua ghe Ngo như một sinh hoạt văn hóa - thể thao truyền thống không thể thiếu.
Ngày nay, ngoài sự quan tâm phát triển về mọi mặt như hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng sơ sở hạ tầng, hỗ trợ các dịch vụ cải thiện đời sống và trợ giúp pháp lý cho đồng bào nghèo… Đảng, Nhà nước ta còn đặc biệt chú trọng chăm lo đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào Khmer nói riêng. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của người Khmer được nâng lên rõ rệt. Với chủ trương đó, ngày lễ Ok Om Bok ngày nay ở Trà Vinh được Sở VH-TT-DL tổ chức với quy mô lớn thu hút không chỉ người Khmer mà còn cả người Kinh, người Hoa trong và ngoài tỉnh đến tham dự. Hòa nhập cùng xã hội hiện đại, lễ hội Ok Om Bok vẫn bảo tồn và phát huy được những yếu tố truyền thống đặc sắc của mình. Bên cạnh đó, những yếu tố hiện đại như lễ hội được tường thuật trực tiếp trên phương tiện truyền thông đại chúng, lễ hội có nhà tài trợ… càng làm cho lễ hội thêm long trọng, hấp dẫn hơn. Vào ngày rằm tháng Mười Âm lịch năm nay (ngày 12/11/2008), dòng sông Long Bình hiền hòa (F5-thị xã Trà Vinh) lại vui mừng chào đón hàng vạn người dân đến cổ vũ các đội đua ghe ngo ở các huyện, thị trong tỉnh về tham dự, đặc biệt năm nay có 03 đội ghe ngo của các tỉnh bạn là Cần Thơ, Vĩnh Long và Hậu Giang cùng tranh tài. Người dân lại có dịp thưởng thức những sải chèo nhịp nhàng, mạnh mẽ. Toàn đội như hòa làm một, thống nhất một ý chí cùng lao về phía trước. Kết quả chung cuộc không còn quan trọng, sự đoàn kết cống hiến hết mình của mỗi người là điều họ muốn đạt được sau giải đấu. Cũng có lẽ là vì thế, là vì đội chiến thắng chỉ có thể là đội thể hiện được sự đoàn kết cao nhất, nên giải đấu ngày càng hấp dẫn, thu hút người xem. Lễ hội kết thúc cũng là lúc họ lại trở về với cuộc sống thường ngày. Ra về, họ lại mang theo hình ảnh về những mái chèo, về sự rực rỡ cờ hoa, về sự náo nhiệt… Nhưng phía sau những hình ảnh đó là bài học quý báu về sự đoàn kết. Đoàn kết để cùng nhau vượt qua những lúc khó khăn, đoàn kết để đấu tranh chống lại thiên tai… Đoàn kết để cùng nhau về đích sớm dù đang xuôi hay ngược dòng, họ hiểu rằng nếu có một ai đó lạc tay chèo cũng ảnh hưởng đến sự cố gắng chung của mọi người. Và đoàn kết cũng là điều kiện để đập tan mọi ý đồ chia rẽ, phá hoại của kẻ địch. Các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam nói chung, dân tộc Kinh, Khmer, Hoa ở Trà Vinh nói riêng như đang cùng ngồi trên một chiếc ghe Ngo, cùng đoàn kết, thống nhất chung vai xây dựng quê hương, đất nước ngày càng hòa bình, ấm no dưới sự quan tâm và lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Đua ghe Ngo chào mừng lễ hội Ok Om Bok thực sự đã trở thành một sinh hoạt văn hóa bổ ích không thể thiếu trong đời sống đồng bào người Khmer. Cùng với các ngày lễ như Chol Chhnam Thmay, Sent Dolta… Lễ hội Ok Om Bok là một lễ hội truyền thống quý báu cần được bảo tồn và phát huy./.
T.V.T

Không có nhận xét nào: