Thứ Ba, 13 tháng 1, 2009

Nét mới trong phong trào văn hóa-thể thao huyện Gò Quao


Một tiết mục văn nghệ mang đậm nét truyền thống Khmer Nam bộ - Ảnh: BCB
Là huyện vùng sâu của Kiên Giang và là một trong những huyện có đông đồng bào Khmer nên thế mạnh của Gò Quao nằm ở các đội văn nghệ quần chúng và các môn thể thao dân tộc đòi hỏi phải có sức khỏe dẻo dai và sự khéo léo. Những năm qua và nhất là năm 2008, nơi đây đã tổ chức rất tốt các hoạt động văn nghệ, thể thao nhằm mang lại sinh khí mới trong đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

Có dịp đến Gò Quao vào những ngày lễ, tết, lòng du khách như thêm rộn ràng với lời ca tiếng hát của những người nông dân quanh năm chăm chỉ với ruộng đồng. Sau những giờ lao động mệt nhọc họ thường tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ và đội văn nghệ quần chúng. Thế cho nên thật dễ hiểu khi ở vùng quê này có tới 13 đội văn nghệ quần chúng, 01 câu lạc bộ đờn ca tài tử và 03 câu lạc bộ hát với nhau. Phát huy thế mạnh này và để tạo sân chơi lành mạnh cho các diễn viên không chuyên nên đầu năm vào dịp mừng Đảng, mừng Xuân, Phòng Văn hóa-Thông tin huyện (VHTT) tổ chức Liên hoan văn nghệ quần chúng các xã, thị trấn. Có gần 200 diễn viên không chuyên đến từ 10 xã, thị trấn tham gia vào đêm liên hoan văn nghệ. Trước đó, đã tổ chức theo 3 cụm tại các xã, sau đó đêm chung kết mới diễn ra tại Trung tâm VHTT huyện. Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trong đồng bào Khmer, tiếp tục duy trì và tổ chức thành công Liên hoan văn nghệ Khmer lần thứ IV tại xã Thới Quản và Định An. Vào những ngày diễn ra liên hoan văn nghệ đã có khoảng 6.000 lượt người đến xem và thưởng thức gần 60 tiết mục của 150 diễn viên không chuyên phục vụ. Hầu hết bà con đều thích văn nghệ quần chúng vì đó là những lời ca, điệu múa hết sức mộc mạc mà chan chứa ân tình lại gần gũi với đời sống thường nhật của mỗi người dân trong các phum sóc ở Gò Quao. Từ lời ca tiếng hát được cất lên trong lao động sản xuất và trong sinh hoạt cộng đồng, nay cũng chính những con người ấy lại mang tiếng hát lời ca, điệu múa lên sân khấu phục vụ rộng rãi bà con mình. Còn có niềm vui nào hơn thế. Và niềm vui ấy lại như được nhân lên gấp nhiều lần khi được tham gia vào đêm Liên hoan giao lưu văn nghệ với các diễn viên “thứ thiệt” của Đoàn Nghệ thuật Khmer của tỉnh và đội bạn Châu Thành tại Ngày hội VHTT dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang lần II năm 2008. Từ hình thức này, Gò Quao đã mạnh dạn chuyển sang hình thức giao lưu trong văn nghệ quần chúng với các huyện Châu Thành, Giồng Riềng- nơi cũng có đông đồng bào Khmer; giao lưu đờn ca tài tử với huyện Hồng Dân tỉnh Bạc Liêu và huyện Vị Thủy tỉnh Hậu Giang. Đây được xem như nét mới có hiệu quả trong hoạt động văn hóa văn nghệ ở Gò Quao. Phong trào văn nghệ quần chúng trong các cơ quan ban ngành cũng có bước phát triển. Đó là Hội thi tiếng hát giáo viên, hội trại tòng quân, sân chơi tuyên truyền “Luật Thuế thu nhập cá nhân”, “Luật Phòng, chống ma tuý”, “Luật An toàn giao thông”…

Cũng trong năm 2008, thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, Đội Thông tin lưu động đã dàn dựng, tập dợt kịch bản “Làm giàu từ đất quê mình” tổ chức tuyên truyền phục vụ các xã, thị trấn có 8.000 lượt người xem; kịp thời vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt chủ trương của huyện về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân, đã cho phép 25 đoàn cải lương, xiếc, ca nhạc…về biểu diễn phục vụ tại xã, ấp.

Hoạt động TDTT được quan tâm và diễn ra sôi nổi với việc tập luyện thường xuyên tại 12 sân bóng đá mini và 52 sân bóng chuyền từ huyện tới xã, ấp. Vào dịp mừng Đảng, mừng Xuân tổ chức Giải bóng đá huyện quy tụ 12 đội chia thành 3 cụm đá tại sân xã Vĩnh Tuy, Vĩnh Thắng và sân vận động huyện. Với việc chia cụm và hướng về cơ sở tổ chức nên có tới trên 10.000 lượt người xem và cổ vũ. Từ giải ở cơ sở, huyện đã tuyển chọn thành lập đội tham dự và đoạt Cúp vô địch tại Giải vô địch bóng đá tỉnh năm 2008. Đã phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện tổ chức Hội thao CNVC-LĐ gồm các môn bóng chuyền, cầu lông, ném bóng vào rổ và kéo co; phối hợp với Huyện Đoàn tổ chức Giải bóng đá U.10 có 9 đội tham gia thi đấu; phối hợp tổ chức thành công Giải bóng đá tứ hùng, giải bóng chuyền, thi làm dàn thủy lục đẹp và đua ghe ngo tại Ngày hội VHTT dân tộc Khmer tỉnh lần II. Đặc biệt, Gò Quao được biết đến là địa phương có thế mạnh về đua thuyền truyền thống và ghe ngo. Nơi đây các chùa Khmer có tới 10 chiếc ghe ngo và 03 thuyền truyền thống. Không chỉ xuất sắc trong các giải trên sân nhà, các tay đua đội ghe ngo, thuyền truyền thống của Gò Quao còn mang vinh quang về cho Kiên Giang và đất nước trong các giải thi đấu trong và ngoài nước. Tại Giải đua thuyền truyền thống vô địch tỉnh, Gò Quao xếp hạng Nhất toàn đoàn với 4 giải nhất, 3 giải nhì và 3 giải ba ở các nội dung. Giải vô địch đua ghe ngo tỉnh có tổng số 8 giải thưởng ở hai nội dung đua ghe ngo nam, nữ thì Gò Quao đoạt được 5 giải. Giải vô địch đua thuyền truyền thống toàn quốc, đội đua thuyền Gò Quao đóng góp rất lớn vào thành tích vô địch của Kiên Giang. Giải vô địch đua ghe ngo toàn quốc nằm trong khuôn khổ Ngày hội VHTTDL vùng đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ IV tại Cần Thơ, Gò Quao được chọn 02/03 ghe ngo đại diện cho Kiên Giang tham dự. Đó là đội ghe ngo nữ xã Định An và đội ghe ngo nam xã Vĩnh Phước B, thi đấu đoạt 03 HCV và 01 HCĐ. Ngoài ra, ghe ngo của huyện Giồng Riềng cũng mang về 01HCĐ. Với thành tích này cùng với thành tích của đội đẩy gậy, kéo co, bóng đá đã đưa thể thao Kiên Giang xếp hạng Nhất toàn đoàn tại Ngày hội.

Chỉ bấy nhiêu thôi, chắc chắn chưa thể nói hết những nỗ lực phấn đấu của VHTT Gò Quao trong năm qua. Nhưng những gì địa phương đã, đang và sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa đã đưa Gò Quao xứng đáng được nhận cờ thi đua xuất sắc của Bộ VHTTDL.

Lê Diệp

Không có nhận xét nào: