Thứ Tư, 7 tháng 1, 2009

Cách mạng Việt Nam với tuyên ngôn thế giới về quyền con người

Cách đây vừa tròn 60 năm, ngày 10 tháng 12 năm 1948, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người. Để ghi nhớ ý nghĩa, tầm quan trọng lớn lao của văn kiện lịch sử này, Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày ra đời của bản Tuyên ngôn này làm Ngày Nhân quyền thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 tại Hà Nội. Ảnh internet

Trong thế kỷ XX, sự ra đời của Liên hợp quốc năm 1945 đã mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ quốc tế. Mặc dù các quốc gia, dân tộc vẫn còn có sự khác biệt và mâu thuẫn về hệ tư tưởng, chính trị, kinh tế… song từ đây các quốc gia, dân tộc đã có thể giải quyết các bất đồng và hợp tác với nhau trong việc giải quyết những vấn đề song phương, đa phương và toàn cầu dựa trên nguyên tắc: Bình đẳng, tôn trọng chủ quyền quốc gia và giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình. Các nguyên tắc cơ bản này được trân trọng ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc. Cũng trong văn kiện lịch sử này, quyền con người được xem là một mục tiêu, một trụ cột của Hiến chương và hoạt động của Liên hợp quốc.

Không phủ nhận rằng, ngày nay trên thế giới vẫn đang tồn tại những lực lượng chính trị cường quyền lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia-dân tộc, nhất là các nước đi theo con đường XHCN và độc lập dân tộc, trong đó có Việt Nam. Song không phải vì vậy mà những tư tưởng cao cả của bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người mất đi giá trị của mình.

Văn kiện lịch sử này bao gồm hai phần:

- Phần I, trình bày cô đúc các giá trị nền tảng của quyền con người - trước hết đó là nhân phẩm - giá trị vốn có của con người; kinh nghiệm lịch sử của nhân loại - đó là việc coi thường và xâm phạm đến các quyền con người đã dẫn đến những hành vi man rợ đối với nhân loại; cơ chế bảo đảm quyền con người-đó là nhà nước pháp quyền và hợp tác hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc.

- Phần II, gồm 30 điều đề cập tới các nguyên tắc, các quyền và tự do cơ bản của con người. Đó là các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Những quy định này được xem là các chuẩn mực của cộng đồng quốc tế về quyền con người.

Tuy không phải là một văn kiện có tính ràng buộc về pháp lý, song giá trị về chính trị, đạo lý và ý nghĩa pháp lý của văn kiện này cao hơn bất cứ một văn kiện nhân quyền nào khác. Dựa trên Tuyên ngôn, Liên hợp quốc đã xây dựng hệ thống công ước quốc tế về quyền con người và tạo lập các cơ quan nhân quyền của Liên hợp quốc.

Không phải ngẫu nhiên Tuyên ngôn thế giới về quyền con người đã vượt qua được sự thử thách khắc nghiệt của thời gian. Trước hết, về nội dung Tuyên ngôn là sự kết tinh những giá trị văn hóa tinh thần, đặc biệt sự tôn trọng nhân phẩm, tinh thần nhân đạo - khoan dung là những giá trị vốn có của các quốc gia dân tộc, không phân biệt hệ tư tưởng, chế độ chính trị và bản sắc văn hóa. Thứ hai, văn kiện này ra đời trong một bối cảnh chính trị đặc biệt và hiếm có - khi nhân loại vừa trải qua một cuộc chiến tranh thảm khốc do chủ nghĩa phát-xít gây ra; khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế, xã hội và văn hóa, nhất là Hồng quân Liên Xô đã góp phần quan trọng nhất vào thắng lợi của cuộc chiến tranh đánh bại chủ nghĩa phát-xít. Tóm lại, đó là thời điểm mà các quốc gia dân tộc có cơ hội tốt nhất để đi đến những nhận thức chung về những gì mà tất cả các quốc gia dân tộc phải bảo vệ - đó là quyền con người. Thứ ba, tuy đưa ra các nguyên tắc và các quy định về quyền con người song văn kiện này dừng lại ở một tuyên ngôn chính trị và một khuôn khổ rộng rãi, mềm dẻo về pháp lý, tạo điều kiện cho các quốc gia có thể lựa chọn, chấp nhận tùy theo điều kiện của mình.

Tuyên ngôn cùng với các công ước và các cơ quan nhân quyền của Liên hợp quốc đã tạo thành một cơ chế quốc tế bảo vệ quyền con người. Quyền con người từ đây không chỉ là mối quan tâm của các quốc gia, dân tộc mà còn trở thành mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.

Nhân đạo, khoan dung, bảo vệ con người, lấy dân làm trọng là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Tư tưởng “khoan sức dân” của Trần Quốc Tuấn, “lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn”, “lấy chí nhân để thay cường bạo” của Nguyễn Trãi là một minh chứng

Từ giữa thế kỷ thứ XIX, thực dân Pháp đã xâm lược nước ta. Mặc dù cuộc Cách mạng dân chủ tư sản Pháp năm 1789 đã giương cao ngọn cờ Tự do, Bình đẳng, Bác ái, song ở Việt Nam cũng như các thuộc địa khác, chủ nghĩa thực dân vẫn không hề chia sẻ những thành quả dân chủ, nhân quyền với các thuộc địa. Trái lại, chúng đã câu kết với bè lũ tay sai, duy trì chế độ phong kiến, vương quyền, tạo thành một chế độ lai tạp - thực dân - phong kiến tàn bạo, thối nát.

Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra một thời đại mới cho dân tộc ta – thời đại độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Đây là lần đầu tiên các quyền công dân và quyền con người được xác lập trên đất nước ta.

Lễ tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2-9-1945. Ảnh: theo baotanghcm

Trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ, năm 1776, bản Tuyên ngôn Dân quyền Nhân quyền của Pháp, năm 1789 - “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc…”. “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”… Người nói: “Đó là những lời bất hủ” là “lẽ phải không ai chối cãi được”. “Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Hiếm có một quốc gia nào ngay sau khi giành được chính quyền đã lập tức bầu cử Quốc hội, xây dựng và ban hành Hiến pháp, trong đó các quyền và tự do cơ bản của công dân - bộ phận quan trọng nhất của quyền con người đã được trân trọng ghi nhận. Đồng thời, tính mạng tài sản của kiều dân nước ngoài cũng được bảo vệ, “những người ngoại quốc đấu tranh cho dân chủ và tự do mà phải trốn tránh được phép ngụ cư trên đất Việt Nam”. Có thể nói những quy định của Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chứa đựng những tư tưởng pháp quyền tiên tiến của nhân loại.

Trong hai cuộc kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ kéo dài 30 năm, lẽ đương nhiên nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng là đánh bại quân xâm lược, bảo vệ độc lập, đồng thời cũng là bảo vệ quyền sống, nhân phẩm, danh dự của cả dân tộc. Tuy vậy, không lúc nào Đảng và Nhà nước ta không quan tâm đến xây dựng nhà nước, chính quyền của nhân dân và chăm lo cải thiện đời sống của người lao động.

Đổi mới là một thời kỳ đặc biệt của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Đó là thời kỳ Đảng ta sửa chữa sai lầm, nhận thức lại CNXH và con đường đi lên CNXH. Trong đó có vấn đề con người và quyền con người. Bản lĩnh của Đảng ta đã thể hiện rõ trong bước ngoặt lịch sử này. Đảng ta chủ trương chọn lọc - kế thừa các giá trị của nền văn minh nhân loại, trong đó kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, dân chủ và quyền con người. Tuy nhiên Đảng ta đã quán triệt nguyên tắc: Đổi mới phải dựa trên chủ nghĩa Mác – Lê-nin, giữ vững định hướng XHCN, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng và quyền làm chủ của nhân dân. Việt Nam không chấp nhận mô hình dân chủ, nhân quyền của phương Tây, không sao chép mô hình “dân chủ công khai”, “đa nguyên, đa đảng” của cải tổ. Nhờ sự lãnh đạo vững vàng, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta đã vượt qua khủng hoảng kinh tế – xã hội, từng bước vươn lên đạt được những thành tựu to lớn về nhiều mặt: Chính trị ổn định; kinh tế phát triển; tuy đang phải đối diện với khó khăn do cuộc khủng hoảng toàn cầu, song kinh tế nước ta vẫn giữ được đà tăng trưởng, Việt Nam vẫn là quốc gia có sức hấp dẫn lớn các nhà đầu tư; xã hội-cởi mở, đoàn kết; giá trị văn hóa của các dân tộc đang được khôi phục và phát triển; quan hệ quốc tế rộng mở, vị thế của đất nước được nâng cao – Việt Nam đã từng là Ủy viên của Ủy ban Nhân quyền, nay là Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc, hiện nay là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trên lĩnh vực quyền con người, lần đầu tiên khái niệm quyền con người đã được đưa vào Cương lĩnh (năm 1991) của Đảng và Hiến pháp (1992) của Nhà nước.

Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết, phê chuẩn hầu hết các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Những quy định của pháp luật Việt Nam đã bao quát đầy đủ các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và tương thích với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia.

Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trên lĩnh vực quyền con người là quang minh, chính đại, phù hợp với đặc thù về lịch sử, văn hóa của dân tộc và với quan niệm chung của cộng đồng quốc tế, đó là:

- Quyền con người gắn với độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia.

- Quyền và tự do cá nhân đi đôi với nghĩa vụ, trách nhiệm công dân.

- Quyền và tự do của mỗi người đi đôi với kỷ cương, phép nước.

- Bảo đảm quyền con người thuộc trách nhiệm của nhà nước, của hệ thống chính trị và của tất cả mọi người.

- Các dân tộc, các tôn giáo, người có đạo và người không có đạo, đoàn kết, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ.

Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam kiên quyết bác bỏ mọi hình thức lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào công việc của mình, Việt Nam không chấp nhận sự áp đặt các quan điểm dân chủ, nhân quyền từ bên ngoài cho Việt Nam. Đồng thời Việt Nam sẵn sàng đối thoại trên tinh thần tôn trọng chủ quyền quốc gia, xây dựng và hợp tác trong việc giải quyết những bất đồng trên lĩnh vực nhân quyền.

TS. CAO ĐỨC THÁI

Không có nhận xét nào: