Thứ Năm, 1 tháng 1, 2009

Năm 2008: Năm thành công của ngoại giao Việt Nam



(ĐCSVN)Năm 2008, năm ngoại giao Việt Nam đạt được nhiều thành công. Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dành cho Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cuộc trả lời phỏng vấn về những thành tựu này.

Thưa Thứ trưởng, trong năm 2008, chúng ta đã chứng kiến một số lượng lớn các đoàn nước ngoài đến thăm và làm việc tại Việt Nam, cũng như đoàn Việt Nam đi thăm các nước trên thế giới. Có thể nói đó là một năm thành công của ngoại giao Việt Nam?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Đối ngoại của Việt Nam năm 2008 có thể nói là rất thành công. Chúng ta rất chủ động và triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước và đã đóng góp vào việc xây dựng môi trường hòa bình cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Trong ngoại giao song phương, chúng ta đã tích cực chủ động để đưa quan hệ của Việt Nam với các nước láng giềng, các nước bạn bè truyền thống đi vào chiều sâu và công tác có trọng tâm, trọng điểm để đạt hiệu quả cao nhất. Chúng ta nâng tầm quan hệ Việt Nam-Trung Quốc lên quan hệ hợp tác, đối tác chiến lược toàn diện, đưa quan hệ của Việt Nam với Campuchia, Lào không chỉ phát triển về mặt chính trị mà còn tăng cường quan hệ về mặt kinh tế; đối với các nước như Nga, chúng ta đã triển khai các biện pháp cụ thể để thực hiện quan hệ chiến lược với Nga và đã đưa quan hệ với Nga lên nhiều bước phát triển mới qua các chuyến đi thăm của các nhà lãnh đạo cao cấp Việt Nam; quan hệ với Mỹ đi vào ổn định trên cơ sở hợp tác hữu nghị, đối tác nhiều mặt và tôn trọng lẫn nhau, hai bên cùng có lợi; Với các nước như EU, với Nhật Bản, Ấn Độ, thì chúng ta cũng có nhiều các biện pháp cụ thể để triển khai quan hệ đối tác chiến lược và các nước bạn bè truyền thống, chúng ta cũng đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể để tăng cường, làm sống động quan hệ. Điều đó được thể hiện trong các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Việt Nam đi các nước cũng như các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam trong năm qua.

Về ngoại giao đa phương, năm 2008 cũng chứng kiến những kết quả tích cực, chúng ta đã hoàn thành 1 năm trong vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, và được các nước đánh giá rất cao sự đóng góp của Việt Nam. Việt Nam luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm và đóng góp vào việc xây dựng hòa bình trên thế giới nhưng đồng thời giữ vững được nguyên tắc trong chủ trương, chính sách đối ngoại của Việt Nam, từ đó đưa vị thế của Việt Nam lên cao trên trường quốc tế. Chúng ta cũng đã tham gia tích cực để làm cho Hiến chương của ASEAN có hiệu lực và đã đóng góp để Hiến chương chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2009.

Với các diễn đàn khác, chúng ta cũng đã tham gia tích cực như diễn đàn APEC, ASEM chúng ta đều đóng góp những sáng kiến hoặc tham gia tích cực để thực hiện trách nhiệm của chúng ta trong tổ chức Thương mại thế giới.

Trong công tác phân giới cắm mốc, chúng ta cũng đã hoàn thành rất nhiều công việc, sớm phấn đấu hoàn thành việc phân giới cắm mốc với Trung Quốc, phân định cắm mốc với Campuchia, và tăng dày, tôn tạo cột mốc với Lào. Chúng ta cũng đã xử lý cả những vấn đề xảy ra trên biển Đông.

Các công tác khác như ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, công tác bảo vệ cộng đồng, bảo vệ công dân cũng đã có nhiều thành công.

Công tác ngoại giao song phương và đa phương đều được chú trọng vì đó là chủ trương, là đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta chính vì thế mà chúng ta chủ động, tích cực tham gia vào các diễn đàn đa phương, trong diễn đàn đa phương, chúng ta cũng chủ động phát triển quan hệ song phương. Có thể nói quan hệ song phương và đa phương có mối liên hệ chặt chẽ, bổ sung cho nhau.

Theo Thứ trưởng thì đâu là điểm nhấn quan trọng nhất của ngoại giao Việt Nam năm 2008?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Điểm nhấn quan trọng nhất của ngoại giao Việt Nam năm 2008 là tham gia vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốckhẳng định vai trò và vị thế của chúng ta trên trường quốc tế. Các nước coi trọng những đóng góp của Việt Nam trên trường quốc tế. Chúng ta trưởng thành nhiều trong diễn đàn đa phương. Chúng ta không chỉ giải quyết các vấn đề của chúng ta mà còn cùng các nước tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Bắt đầu từ tháng 1/2009, chúng ta sẽ bắt đầu đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Hội nghị giải trừ quân bị tại Geneva của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, chúng ta đã chuẩn bị tích cực trong năm 2008, và tham khảo các nước để đưa ra chương trình nghị sự cho khóa họp của Hội nghị giải trừ quân bị. Một vài năm gần đây, Hội nghị giải trừ quân bị không tạo ra những bước tiến, thì chúng ta đang cố gắng cùng với các nước để tháo gỡ những bế tắc trong Hội nghị giải trừ quân bị này.

Hội nghị giải trừ quân bị đóng vai trò quan trọng trong vấn đề giải trừ quân bị.

Vậy thưa Thứ trưởng Công tác ngoại giao đa phương năm 2009 sẽ được thực thi như thế nào ?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Trong năm 2009, chúng ta vẫn tiếp tục là thành viên Hội đông bảo an Liên Hợp Quốc và hoàn thành nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2 năm của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Năm 2009 cũng là năm Hiến chương ASEAN đi vào hoạt động, cần tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ cho Hiến chương này. Các nước thúc đẩy vòng đàm phán Doha về nông nghiệp thì chúng ta cũng phải tham gia thương lượng để góp phần làm cho vòng đàm phán Doha thắng lợi.

Năm 2008, cả thế giới đã chứng kiến những biến động rất lớn và năm 2009 cũng được dự báo là năm khó khăn đối với hầu hết các nước, ngành ngoại giao đã làm gì để đối phó với những khó khăn trong năm tới?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Ngoại giao phục vụ kinh tế là một trong những trọng tâm của ngành ngoại giao đã được đề ra từ Hội nghị ngoại giao lần thứ 25. Công tác ngoại giao kinh tế thực sự chúng ta cũng đã làm trong nhiều năm nhưng năm 2008 chúng ta nhấn mạnh ngoại giao kinh tế để phục vụ mục tiêu phát triển. Ngoại giao kinh tế có 4 phương châm là: mở đường đột phá, tham mưu, song hành, và giải quyết những vướng mắc. Trong vấn đề kinh tế đối ngoại, chúng ta đã tạo ra được nhiều bước đột phá, mở đường, và thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác kinh tế. Các đối tác lớn như Anh, Nga, Hoa Kỳ, thông qua các chuyến đi thăm của nhà lãnh đạo của chúng ta đã làm tăng cường thêm các hoạt động ngoại giao, hàm lượng kinh tế, để đẩy mạnh các nội dung kinh tế vào các thị trường này.

Chúng ta cũng đột phá mở ra nhiều thị trường mới như thị trường Trung Đông. Đầu tư của Trung Đông vào Việt Nam cũng là một điểm sáng. Chúng ta tạo ra được đột phá trong hợp tác lao động với những thị trường lâu đời như Canada và Phần Lan, tiếp cận được thị trường lao động có thu nhập cao. Về tham mưu, với đội ngũ đại diện của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài có quan hệ với các bộ ngành, các viện nghiên cứu của các nước để thu thập thông tin, tham mưu cố vấn đánh giá về tình hình kinh tế và tài chính thế giới để tham mưu cho Chính phủ về vấn đề này. Về vấn đề song hành với doanh nghiệp, đã tham mưu và giới thiệu cho các doanh nghiệp khi nào nên đầu tư ra bên ngoài để làm ăn, hoặc tư vấn cho các doanh nghiệp về những đối tác ở bên ngoài, thẩm định những đối tác đó và giải quyết.

Mạnh Hùng

Không có nhận xét nào: