Thứ Ba, 20 tháng 1, 2009

Bảy Núi vào mùa nấu đường thốt nốt


Vào dịp cuối năm, nông dân Khmer vùng Bảy Núi (thuộc các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn-An Giang) bắt đầu bước vào mùa khai thác nước cây thốt nốt để nấu đường đón năm mới.

Cây thốt nốt-nguồn nguyên liệu làm đường của bà con Khmer vùng Bảy Núi.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tri Tôn, toàn huyện có 11 cơ sở chế biến đường thốt nốt với 65 hộ gia đình và 730 lao động người Khmer tham gia, cho thu nhập bình quân 600.000đồng/người/tháng. Người tham gia làm đường thốt nốt tập trung ở các xã Núi Tô, Ô Lâm (xã 135), Cô Tô, Châu Lăng và Lê Trì. Phần lớn, bà con đều khai thác nước thốt nốt và nấu đường theo cách truyền thống để tạo ra sản phẩm đường thùng, đường chảy, ít người chế biến thành đường tán và có bao bì, nhãn mác bắt mắt người tiêu dùng. Vì vậy, hiệu quả kinh tế thấp, giá trị lợi nhuận không cao. Mặt khác, do thiếu vắng mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nên giá cả đường thốt nốt bấp bênh, không ổn định. Ngành chức của huyện cùng các xã đã có nhiều nỗ lực, song hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn.

Bằng nguồn vốn tài trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh An Giang phối hợp 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên đã triển khai dự án “Hỗ trợ nông dân Khmer nghèo khai thác và chế biến đường thốt nốt” tại các xã Núi Tô, Lê Trì, Châu Lăng (huyện Tri Tôn) và An Cư (xã 135), An Hảo, Văn Giáo (huyện Tịnh Biên). Có hơn 100 hộ được ưu tiên hưởng lợi, với tổng vốn đầu tư hơn 300 triệu đồng. Qua đó, tạo điều kiện cho đồng bào Khmer làm nghề nấu đường thốt nốt có dịp tiếp cận và ứng dụng theo phương pháp khoa học; giúp sản phẩm đặc sản đảm bảo chất lượng và tăng cao giá trị kinh tế; vừa nâng được mức lợi nhuận và thu nhập kinh tế gia đình. Các ngành, các cấp đã đánh giá cao về hiệu quả kinh tế lẫn hiệu quả xã hội của dự án này, còn nông dân Khmer ở trong vùng dự án thì phấn khởi đón nhận và nhiệt tình nhân rộng.

Thông qua nguồn vốn hợp phần Hỗ trợ sản xuất (thuộc Chương trình 135) của Chính phủ và Chương trình dân tộc của tỉnh An Giang, 2 năm 2007-2008, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tịnh Biên đã kết hợp với Hội Nông dân huyện hỗ trợ tổng vốn hàng trăm triệu đồng cho 20 hộ khai thác nước và nấu đường thốt nốt, 25 hộ mua bán đường thốt nốt và 41 hộ xây lò nấu đường tại các xã An Cư, An Hảo, Tân Lợi, Vĩnh Trung, Văn Giáo, Nhơn Hưng, An Phú... Ngoài ra, hàng trăm hộ Khmer nghèo khác được các đoàn thể lập dự án, đề nghị vay vốn ngắn hạn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện và vốn hỗ trợ của các đoàn thể. Nhờ vậy, nghề thủ công truyền thống khai thác nước và nấu đường thốt nốt ở Tịnh Biên tiếp tục duy trì. Nhiều cơ sở phát triển chiều sâu và vươn ra thị trường tiềm năng ngoài tỉnh, xây dựng được thương hiệu sản phẩm và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Những ngày này, dạo quanh các phum, sóc dẫn ra các chân núi, đâu đâu cũng thấy nhộn nhịp cảnh khai thác nước và nấu đường thốt nốt. Người làm nghề ráo riết kiểm tra lại cây đài leo, dụng cụ đựng nước, dự trữ chất đốt và sửa chữa lò, sắm sửa thêm nồi, thau... để nấu đường trong niên vụ mới vào mùa khô 2008-2009. Một tương lai tươi sáng đang mở ra phía trước cho bà con Khmer vùng Bảy Núi khi ngành Du lịch tỉnh An Giang đang xúc tiến đầu tư phát triển du lịch sinh thái, làng nghề, và đặc sản đường thốt nốt sẽ theo chân khách du lịch đi muôn phương.

T.A

Không có nhận xét nào: