Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2009

Rộn ràng Chol Chnam Thmay



Chạy dọc những con đường đan nhỏ vào các xã– nơi tập trung đông đồng bào dân tộc Khmer, chúng tôi cảm nhận được không khí Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của bà con Khmer đang lan tỏa đến mọi nhà. Còn 3 ngày nữa mới tết nhưng bà con đã quét dọn nhà cửa, chuẩn bị nhiều thứ đón tết. Sân đầy củi, lá chuối rọc sẵn để trước thềm sân chuẩn bị gói những đòn bánh tét tròn đầy. Nước đổ đầy ghè, đầy chum, mọi người sửa sang bàn thờ Phật, trang hoàng nhà cửa, quét dọn sân nhà, kết cổng chào. Không khí trong các chùa càng rộn rịp hơn khi các sư sãi, phật tử cùng quét dọn bàn thờ, khuôn viên chùa...Tất cả đã sẵn sàng cho cái Tết Chol Chnam Thmay vui vẻ và đầm ấm.

* Vui đón Chol Chnam Thmay

Gia đình anh Thạch Dư và chị Thạch Thị Sương ở ấp Sóc Ruộng (Tân Mỹ, Trà Ôn) tất bật chuẩn bị đón tết cổ truyền từ mấy ngày nay. Những chậu kiểng được tỉa tót, bên cạnh là sắc vàng của khóm vạn thọ làm khoảng sân trước nhà thêm tươi mắt. Chị Sương chọn những trái bưởi chín vàng, trái to đều bẻ ở ngoài vườn đem chưng trên bàn thờ. Chị cho biết “ sáng đi chợ thị trấn mua được chục ký nếp ngon, tết nào cũng vậy đều gói hơn 50 đòn bánh tét để đem cúng chùa và tặng cho bà con. Gà vịt có sẵn rồi, ngày mai mua thêm thịt và vài thứ để anh cùng bạn bè lai rai trong 3 ngày tết”.

Anh Đặng Văn Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ (trái) thăm hỏi việc làm ăn của đồng bào dân tộc.
Gia đình anh chị là tấm gương sáng, điển hình của tỉnh với các danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu” và “Gia đình hiếu học”. Nhớ ngày xưa, hai vợ chồng cặm cụi “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” làm việc nuôi các con ăn học. Cực không dám than vì sợ mọi người cười, khổ cũng không cho con biết và có lúc gia đình phải lúc bán 5 công đất, rồi cố thêm 6 công để quyết chí nuôi các con ăn học. Giờ đây, khi kể về các con trong đôi mắt anh chị không giấu được niềm tự hào. Cả 5 người con của anh chị- 4 người có bằng đại học 1 người cao đẳng, đều có công ăn việc làm và thành đạt. Ngày xưa, chuyện cho con ăn học như gia đình anh Dư chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng giờ đây khi đời sống của đồng bào Khmer ngày càng được cải thiện thì chuyện lo cho con ăn học như thế không còn là chuyện hiếm- anh Đặng Văn Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ cho biết.

Dạo quanh các chùa, không khí càng rộn rịp hơn. Sư sãi, phật tử quét dọn bàn thờ, khuôn viên chùa. Những giai điệu lâm thol với tiếng trống và tiếng hát giòn giã được phát ra từ chùa Gò Xoài đã làm xôn xao một khu xóm. Chúng tôi nghe mà thấy lòng mình cũng như đang hòa nhịp theo từng tiếng nhạc, hòa vui vào cái tết của đồng bào Khmer. Trước sân chùa, bà Thạch Phanh (85 tuổi) ngồi làm cỏ. Bà nói: “Nhà bà sát bên chùa, già rồi để việc nấu nướng dâng cơm cúng chùa cho con cháu, bà sang chùa mần cỏ cho sạch đón tết”. Bọn trẻ thấy bà làm cũng hăng hái phụ nhổ cỏ, vừa làm vừa cười nói rôm rả bằng thứ tiếng Khmer nghe rất vui tai. Khi chúng tôi hỏi các em nói gì mà vui thế? Em Thạch Dân (13 tuổi) hý hửng khoe: “Con nôn đến tết quá đi, cả bọn hẹn nhau tết sẽ cùng tụ tập ở sân chùa chơi ném bóng, gieo hột, kéo co, xem múa hát... Tết tụi con được lì xì giống như tết Việt nữa”. Em Thạch Phước Đa Ra cho biết: “Tết thường cùng bạn bè đi chơi chùa, lại nhà chúc tết nhau và sẽ cùng nhảy lâm thol với nhau nữa. Vui lắm!”.

* Niềm vui nhân đôi

Anh Kim Chính năm nay đón tết trong niềm vui nhân đôi, ngoài việc có được ngôi nhà lành lặn từ Chương trình 134, anh vừa được hỗ trợ tiền để kéo nước sạch về nhà sử dụng. Anh cho biết: “Nhờ Đảng và Nhà nước hỗ trợ chứ với 2 công ruộng làm còn không đủ ăn nói chi cất được nhà, kéo được nước”. Anh chỉ là một trong số nhiều hộ bà con người dân tộc được Nhà nước chăm lo hỗ trợ nhà, nước sạch... thời gian qua.

Bà con Khmer chuẩn gói bánh dâng chùa và biếu người thân.

Anh Thạch Sa Ron- Ban quản trị chùa CầnThay cho biết: “Ngoài việc hỗ trợ đời sống vật chất, Đảng và Nhà nước còn quan tâm đến đời sống tinh thần: tặng bộ nhạc ngũ âm, tổ chức đua ghe ngo và đặc biệt năm nay tỉnh tiếp tục tổ chức hội thi trang phục truyền thống... đã góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống lâu đời của dân tộc chúng tôi”.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, hiện nay bộ mặt nông thôn nơi có đông đồng bào dân tộc có nhiều đổi mới, không còn nhà tre, lá lụp xụp như trước đây, tất cả hộ nghèo đều nhà tôn, cột đúc vững chắc, nền gạch sạch sẽ đã tạo một tâm lý phấn khởi trong đời sống của đồng bào. Đến nay, các xã vùng đồng bào dân tộc tỷ lệ có điện sử dụng lên đến 95%, số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 70%, trường học bê tông kiên cố đạt 100%. Mỗi xã đều có trạm y tế đạt chuẩn và được trang bị đủ phương tiện, đáp ứng cho công tác điều trị bệnh. Một niềm phấn khởi mới lại đến với đồng bào dân tộc là hiện nay, từ nguồn vốn của tỉnh và Trung ương, sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chương trình, chính sách: cho vay vốn phát triển sản xuất; giải quyết việc làm; hỗ trợ có mục tiêu hàng năm cho việc giải quyết đất ở, đất sản xuất và nước sạch cho đồng bào dân tộc nghèo, đời sống khó khăn... để nâng dần mức sống của đồng bào dân tộc Khmer.

Hiện hầu hết các chùa đều có dàn nhạc ngũ âm để phục vụ đời sống tinh thần của đồng bào nhân các dịp lễ, tết.


Cùng hòa chung không khí vui tươi của người dân trong những ngày cận tết, cuộc sống mới đang từng ngày tạo nét khởi sắc trong các phum, sóc Khmer. Và từ những đổi thay đó, chắc chắn rằng năm nay, đồng bào dân tộc Khmer sẽ có một cái tết vui vẻ và đầm ấm hơn.

Không có nhận xét nào: