Thứ Năm, 9 tháng 4, 2009

Đồng bào Khmer xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn (An Giang): Chuẩn bị đón Tết Chôl - Chnam - Thmây



Anh Chau Sóc Kunh bên ruộng mè.


Ô Lâm là xã vùng sâu thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Từ trước đến nay, Ô Lâm được xem là xã nghèo của tỉnh, nơi có đến 98% đồng bào Khmer sinh sống. Song, những năm gần đây, nhờ Nhà nước đầu tư nhiều cơ sở hạ tầng, chương trình nước sạch, chương trình nhà ở… nên đã làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo của vùng đất nằm dưới chân núi Cô Tô này.

Những ngày cuối tháng 3, ngày cận kề với Tết Chôl - Chnam - Thmây, chúng tôi đến có dịp đến Ô Lâm công tác. Ấn tượng đầu tiên là không khí thu hoạch vụ lúa đông xuân đang tất bật hơn bao giờ hết.

Gặp ông Tiêu Phú Hưng - Bí thư Đảng ủy xã, ông cho biết: Năm nay, bà con đồng bào Khmer ở đây ăn Tết Chol - Chnam - Thmây với hai niềm vui được mùa lẫn được giá".

Không vui sao được khi giá lúa năm nay đang ở mức 4.300 - 4.800đ/kg, cao hơn tết năm vừa rồi trên 1.000đ/kg. Đã vậy, năm nay năng suất lúa cũng đạt mức cao nhất trong gần 10 năm qua, đạt mức trung bình 8 tấn/ha, tính ra mỗi công ruộng nông dân thu được đến 3,5 triệu, trừ chi phí khoảng 30%, nông dân lời hơn 2 triệu đồng/công - ông Chau Kim Cương, nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh ngụ ấp Phước Lộc vui vẻ cho biết.

Khi hỏi về việc chuẩn bị đón Tết, người dân nơi đây ai ai cũng có chung niềm hân hoan bởi nhờ vào chính sách chăm lo cho đồng bào của Đảng và Nhà nước, bà con có được nguồn vốn, điều kiện đi lại, có nguồn nước tưới, nước sạch sinh hoạt.

Đồng thời, các ngành chức năng còn hỗ trợ khoa học kỹ thuật giúp bà con sản xuất có hiệu quả, nhờ vậy cuộc sống của họ so với vài năm trước đã khá hơn rất nhiều.

Đồng thời, từ năm 1997 đến năm 2006, Ô Lâm được hưởng thụ từ chương trình xây dựng trung tâm cụm xã miền núi vùng cao nên đã được Nhà nước đầu tư trên 7 tỷ đồng (134, 135), ngân sách huyện, tỉnh và các nhà hảo tâm tài trợ với tổng số tiền lên đến 7,5 tỷ; chương trình xét cấp đất cho hộ nghèo không đất, thiếu đất sản xuất cho 810 hộ với diện tích 485ha, tổng kinh phí lên đến 10 tỷ đồng và nhiều chương trình hỗ trợ cây giống, con giống, phân bón… Vì vậy, bà con đã có điều kiện sản xuất nên đời sống, nhất là đời sống của đồng bào Khmer từng bước phát triển, cuộc sống nhiều đổi mới, tỷ lệ hộ nghèo năm 2000 là 45%, nay chỉ còn 23%.

Từ năm 2006 đến nay, bà con Khmer ở đây còn được chuyển giao kỹ thuật trồng mè đen, loại cây này đang làm cho nông thôn ở Ô Lâm đổi thay đáng kể. Anh Chau Sóc Kunh, ngụ ấp Phước Thọ, cho biết: "Thay vì mùa này bỏ ruộng phơi đồng thì mình sạ mè đen, do loại cây này chỉ bón phân lót 1 lần/vụ và không cần tưới nước nên hiệu quả mang lại khá cao, trồng 1ha mè chỉ cần thu hoạch 3 công là đủ vốn, còn lại là tiền lời. Hiện tại, 1kg mè đen được thương lái mua với giá 21.000đ, tính ra mỗi công mè đen thu được 70kg thì người trồng bỏ túi 1,4 triệu đồng...".

Theo ông Chau Sa Im, chính vì hiệu quả kinh tế như thế nên năm nay, toàn xã đã có đến 200ha trồng mè, có thu nhập thêm khoảng 2,8 tỷ đồng. Ngoài ra, việc "Sind hóa" 70% số bò trong tổng số 5.600 con cũng là tín hiệu lạc quan trong đời sống kinh tế của bà con, nên Tết Chôl-Chnam-Thmây năm nay ai cũng vui vẻ chuẩn bị đón tết. Điều đáng mừng, là đa số đồng bào Khmer đã biết tiết kiệm hơn trong chi tiêu, không còn phô trương như những năm trước. Bà con đã chuẩn bị mọi thứ và sẵn cho Tết Chôl-Chnam -Thmây với tinh thần vui vẻ, lành mạnh, tiết kiệm./.


Đức Văn - T. Thanh

Không có nhận xét nào: