Thứ Hai, 3 tháng 11, 2008

Tưng bừng "Ngày hội văn hóa thể thao Khmer Nam Bộ"

Bà Sơn Thị Ánh Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, Trưởng Ban tổ chức “Ngày hội văn hoá thể thao Khmer Nam Bộ” lần thứ 3 (được tổ chức tại TX Trà Vinh từ ngày 5-10/4) cho biết đây là một ngày hội có ý nghĩa lớn của người Khmer Nam Bộ. Đây là dịp để bà con dân tộc Khmer giao lưu văn hoá chia sẻ kinh nghiệm và giới thiệu cho đồng bào cả nước những nét văn hoá - thể thao độc đáo . Đã có trên 2 ngàn diễn viên, vận động viên của các tỉnh khu vực ĐBSCL và miền Đông, TP.HCM về dự hội. Các đoàn đã diễn tập và giao lưu với các sư sãi, phật tử tại 8 ngôi chùa Khmer trên đất Trà Vinh.

Dâng hương đền thờ Bác

Những ngày này, thị xã Trà Vinh tưng bừng cờ hoa, biểu ngữ. Cả một rừng người kéo về xem đua ghe ngo trên sông Long Bình, hay xem thi đấu cờ Ốc, kéo co, đẩy cây, thả diều. Hoặc trầm trồ với cảnh sắc lung linh khi các nhà sư thả lên trên bầu trời “xanh” 54 đèn gió tượng trưng cho 54 dân tộc anh em. Các phụ nữ thì trổ tài vén khéo của mình qua phần thi ẩm thực những món nổi tiếng của người Khmer Nam Bộ như: bún nước lèo, bánh bía, bánh mè láo, bánh ống và nhất là không thể thiếu món cốm dẹp đặc trưng. Hằng đêm, các tiếc mục văn nghệ đậm đà bản sắc được các đoàn thay phiên biểu diễn như: hát tuồng răm vông, múa dù kê, hoà tấu nhạc ngũ âm, trình diễn thời trang áo cưới, áo đời thường và áo lễ hội của người Khmer.

Ông Đinh Văn Ngữ, Thứ trưởng Bộ Văn hoá -Thông tin (VH-TT), Trưởng ban chỉ đạo cho biết: “Làm sao để người Khmer Nam Bộ phát huy truyền thống văn hoá dân tộc gắn liền với phát triển đời sống kinh tế. Ngày hội không những để giao lưu văn hoá thể thao mà còn là dịp giới thiệu tiềm năng kinh tế của người dân Khmer ở mỗi địa phương mình. Tôi được biết người Khmer ở An Giang chuyên dệt thổ cẩm, làm đường thốt nốt; người Khơ me Trà Vinh lại chuyên về gỗ mỹ nghệ, làm chiếu... Và có nhiều nghệ nhân rất độc đáo như thổi kèn bằng lá, xây đình chùa, làm mặt nạ truyền thống... tất cả đều có thể gắn với phát triển du lịch. Xem qua các gian hàng trưng bày các sản phẩm, hiện vật bảo tồn, trang phục và hình ảnh sinh hoạt cho thấy tính đa dạng trong văn hóa bà con Khmer ở Nam bộ là rất lớn”. Ông Lê Xuân, Vụ trưởng, Giám đốc văn phòng đại diện phía Nam (Bộ VH - TT) cho biết: Ngày hội lần này có những nét mới , hầu hết các tiếc mục phản ảnh chân thực cuộc sống thể hiện đậm nét dân tộc mà không bị lai căng. Có trên 80% lực lượng diễn viên trẻ tuổi từ 15 - 25 ở các đoàn Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang cho thấy đội ngũ kế thừa rất hùng hậu. Chị Bửu Hiếu Giám đốc bảo tàng Cần Thơ cho biết: năm nay các tỉnh đều chịu khó đầu tư sản phẩm đủ màu sắc và nội dung, tuy nhiên mỗi tỉnh đều có nét riêng của mình, như Cần Thơ có một bàn lễ vật cho đêm cúng trăng, An Giang nhiều sản phẩm dệt thổ cẩm, đường thốt nốt. Nhiều gian hàng còn tổ chức bán bún nước lèo, nước thốt nốt, cốm dẹp, bánh ống... thu hút rất nhiều người đến ăn uống.

Theo ban tổ chức thì đây là ngày hội có tính chất qui mô và hiện đại hơn so với 2 lần trước, số lượng diễn viên, vận động viên và nghệ nhân tham gia cũng nhiều hơn. Chất lượng nội dung các chương trình văn nghệ cũng thể hiện ngày càng chuyên nghiệp.

Bài và ảnh: Trương Công Khả

Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)

Không có nhận xét nào: