Thứ Tư, 26 tháng 11, 2008

Bảo tàng Sóc Trăng với việc sưu tầm hiện vật người Khmer

Sóc Trăng là một vùng đất khai phá lâu đời, có nhiều lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa đặc sắc, tiêu biểu cho sự hình thành và phát triển của vùng đất Nam bộ.

Sóc Trăng có ba dân tộc Kinh-Hoa-Khmer cùng sinh sống lâu đời. Chính sự cộng cư đó đã giúp cho việc giao lưu văn hoá, sáng tạo nên những công cụ thiết yếu phục vụ đời sống gia đình và cộng đồng xã hội ngày thêm phong phú.

Hơn ba năm qua, Bảo tàng Sóc Trăng cùng với khoa Bảo tàng - Du lịch của Trường Cao đẳng Văn hoá TP Hồ Chí Minh tổ chức nhiều đợt khảo sát và sưu tầm các hiện vật tại tám huyện, thành phố trong tỉnh.

Đến nay, Bảo tàng Sóc Trăng sưu tầm hơn 13 nghìn hiện vật có giá trị trong đó có trên 50% hiện vật của đồng bào Khmer hiến tặng. Các công cụ cầm tay được trưng bày, giới thiệu một cách có hệ thống về sản xuất nông nghiệp của người Khmer từ các thế kỉ trước, phản ánh rõ nét về đời sống kinh tế, sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng, thể hiện sự khéo tay của các nghệ nhân thời xưa. Mô hình sân khấu Rô-băm, được thiết kế công phu giúp khách đến tham phần nào hiểu nghệ thuật sân khấu của người Khmer Nam Bộ. Những hiện vật mới sưu tầm trưng bày tại Bảo tàng Sóc Trăng được nhiều khách đánh giá cao. Một khách du lịch người Pháp, nhận xét: “Chúng tôi đã đi tham nhiều nơi để tìm hiểu về văn hoá người Khmer ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Bảo tàng Sóc Trăng, đã để lại trong tôi ấn tượng tốt đẹp về một nền văn hoá rất đặc trưng của dân tộc Khmer ở Nam Bộ”.

Sóc Trăng có 92 ngôi chùa Khmer, hầu hết đều hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Sóc Trăng. Chùa Khléang (phường 6, TP Sóc Trăng) là một trong số chùa đã hiến tặng các tượng Phật cổ cho bảo tàng nhiều nhất. Những tượng Phật cổ ở đây có đường nét hoa văn trạm khắc công phu và tỉ mỉ đến từng chi tiết. Hoà thượng Tăng Nô sư cả chùa Khléang cho biết: “Chùa Khléang luôn ý thức gìn giữ các hiện vật cổ và đã tặng một số cho bảo tàng Sóc Trăng. Nếu mình để các hiện vật ở trong chùa thì ít có người xem. Còn bảo tàng trưng bày thì khách trong và ngoài nước đến xem và hiểu biết thêm nền văn hoá của dân tộc Khmer”. Nền văn học viết của người Khmer đã có từ lâu đời, chủ yếu là những tác phẩm được chép trên các tập lá buông (satra), lá sătra rít (cọ), lá sătra (thốt nốt) và được lưu hành rộng rãi trong dân gian bằng hình thức truyền khẩu. Theo số liệu khảo sát của Bảo tàng Sóc Trăng thì hiện nay, hiện vật vẫn còn khá nhiều trong dân cư ở các phum sóc, chùa chiền. Chùa Sóc Dồ (huyện Mỹ Tú) đang lưu giữ những dòng kinh Phật cổ được trạm khắc trên lá thốt nốt từ xa xưa. Theo thời gian, chữ viết cũng phai nhạt dần, nhưng được nhiều thế hệ sư sãi tu học trong chùa bảo quản kĩ nên vẫn còn rõ nét. Sư cả chùa Sóc Dồ, Đại đức Thạch Sal cho biết: Sư đến chùa tu học thì đã thấy kinh Phật viết trên lá thốt nốt này rồi. Đây là hiện vật quý hiếm, nhà chùa sẽ gửi cho Bảo tàng Sóc Trăng để bảo tồn, trưng bày cho các phật tử và khách du lịch xem. Đối với hiện vật quý hiếm làm bằng chất liệu đồng hoặc kim loại quý của ông bà để lại cho gia đình, người Khmer sẵn lòng đem đến hiến tặng. Hộp trang sức của gia đình ông Lâm Khươl ở xã An Hiệp (Mỹ Tú) hiến tặng cho bảo tàng tỉnh cũng là một hộp đựng đồ trang sức quý giá, không có hộp nào đẹp bằng.

Bảo tàng Sóc Trăng được xây dựng với kinh phí khoảng 7 tỉ đồng, sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2008, để bảo tồn giá trị di sản văn hoá lịch sử, truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các hiện vật mới sưu tầm sẽ được trưng bày tại Bảo tàng theo các chuyên đề giới thiệu về ba nền văn hoá Kinh-Hoa-Khmer phục vụ nhân dân vào các dịp lễ tết, thu hút khách trong và ngoài nước đến thăm, tìm hiểu, khai thác tư liệu về văn hoá-lịch sử vùng đất Sóc Trăng.

Theo báo Người cao tuổi

Không có nhận xét nào: