Thứ Năm, 20 tháng 11, 2008

Giảm nghèo trong vùng đồng bào Khmer ở kiên giang: Cần cách làm khác

Kiên Giang là một trong những tỉnh có đồng bào Khmer ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tạo điều kiện cho bà con giảm nghèo, các cấp, ngành trong tỉnh đã đề ra những giải pháp đồng bộ, nhưng việc thực hiện không đơn giản.

Nhờ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là Chương trình 135 và 134, diện mạo vùng đồng bào Khmer ở Kiên Giang ngày càng khởi sắc. Số hộ nghèo giảm đáng kể. Năm 2005, toàn tỉnh có 12.205 hộ Khmer nghèo (chiếm 26,1%) thì đến cuối năm 2007 chỉ còn 9.483 hộ (chiếm 22,35%). Tuy nhiên, theo ông Danh Ngọc Hùng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, mỗi năm số hộ nghèo giảm đáng kể, nhưng số hộ tái nghèo cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ. Năm 2007, ước tính có 3.156 hộ thoát nghèo nhưng có tới 1.758 hộ nghèo mới phát sinh. Điều này chứng tỏ, công tác xóa đói giảm nghèo chưa bền vững.

Nguyên nhân là do việc sử dụng các nguồn vốn chưa đúng mục đích, trong khi đó việc hướng dẫn, quản lý của chính quyền, mặt trận, các đoàn thể ở địa phương có nơi chưa làm tốt. Một bộ phận người dân chưa tích cực lao động sản xuất, còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, sự giúp đỡ của xã hội.

Để giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc, Kiên Giang xác định sẽ tập trung nhiều nguồn vốn để hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng; hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giúp bà con dần thay đổi tập quán canh tác lạc hậu.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, việc triển khai hỗ trợ đất sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do quỹ đất công để cấp cho đồng bào hầu như không còn, còn mua để cấp thì không thể thực hiện được. Do mức hỗ trợ của Trung ương có 10 triệu đồng/hộ, mỗi hộ vay thêm tối đa không quá 10 triệu đồng. Tính theo giá hiện tại, 20 triệu đồng chỉ mua được khoảng 1 công đất (1.000m2). Theo đó, ông Hùng đề xuất, chỉ giải quyết đất cho những hộ hiện đang cầm cố, có nhu cầu chuộc lại để sản xuất. Số còn lại nên chuyển đổi ngành nghề khác, học nghề để làm công nhân hoặc xuất khẩu lao động.


Việt Tiến (KTNT)

Không có nhận xét nào: