Thứ Tư, 13 tháng 1, 2010

Tín hiệu vui từ phum sóc...

Đua ghe ngo của bà con dân tộc Khmer luôn góp phần tạo khí thế sôi nổi và màu sắc sinh động trong các dịp lễ hội ở Hậu Giang.
“5 năm qua, hầu hết chương trình, dự án dành cho đồng bào dân tộc Khmer đều được tỉnh Hậu Giang triển khai thực hiện rất tốt” - ông Sơn Song Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết.

* Phát triển sản xuất...

Hậu Giang có hơn 5.500 hộ dân tộc Khmer, với trên 25.500 nhân khẩu. Người Khmer sống hòa thuận trong cộng đồng cùng các dân tộc Hoa, Kinh và được Đảng, chính quyền quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con có cuộc sống ổn định.

5 năm qua, Hậu Giang đầu tư trên 200 tỉ đồng để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho bà con đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn. Với những chương trình, dự án hỗ trợ đất sản xuất, đất ở; hỗ trợ xây dựng nhà, nước sạch, điện sinh hoạt; giải quyết việc làm; vốn sản xuất;... Nhờ đó, nhiều hộ Khmer chí thú làm ăn, thoát nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

Gia đình bà Thị Kiệp, ấp 7, ở xã Vị Tân (TX.Vị Thanh) 6 năm liền là hộ nghèo. Bà nói, cứ ngỡ sẽ không bao giờ thoát được cảnh thiếu trước, hụt sau. Nhưng từ khi được Nhà nước xây nhà tình thương, hỗ trợ vốn sản xuất, gia đình bà đã trả lại sổ nghèo. Chỉ được hỗ trợ 1 triệu đồng không hoàn lại, bà bắt tay vào nuôi heo. Sau nhiều lứa chăn nuôi thành công, đến cuối năm 2009, gia đình bà được xét thoát nghèo.

* Nâng cao dân trí...

Còn gia đình bà Thị Cụ, ở ấp 10, xã Lương Nghĩa (huyện Long Mỹ) trước đây nghèo lắm, nhưng nổi tiếng là một gia đình hiếu học. Bà Cụ có đến 8 đứa con, gia đình lại khó khăn, nên không đủ điều kiện cho con ăn học. Mấy người con đầu phải dang dở việc học do hoàn cảnh khó khăn, nên những người con sau, bà quyết tâm cho đi học để thoát nghèo. Tằn tiện và nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho con em dân tộc Khmer, các con của bà tiếp tục được đi học. Bà Cụ nói: “Giờ tui có hai đứa con đang theo học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, còn một đứa đã tốt nghiệp THPT đang chờ đi học cử tuyển. Hàng tháng, chi phí ăn uống, dụng cụ học tập đều đã có Nhà nước hỗ trợ. Nếu không có Nhà nước quan tâm, chắc tụi nó dốt hết rồi. Tôi quyết tâm cho 3 đứa ăn học đến nơi đến chốn để sau này còn giúp ích cho gia đình và xã hội nữa”.

Không chỉ riêng gia đình bà Thị Cụ, mà ở cái xóm nhỏ nghèo này những gia đình người Khmer đã quan tâm đến việc học của con em mình nhiều hơn. Bà con lối xóm gặp nhau ngoài đường, ngoài chợ, không ai hỏi nhau nhà có bao nhiêu công đất, lúa vụ này bán được bao nhiêu, mà thay vào đó là những câu thăm hỏi liên quan đến chuyện học hành của con cháu mình.

* Và bảo tồn văn hóa...

Các hoạt động vui chơi, giải trí cho bà con - đặc biệt là văn hóa dân tộc luôn được tôn trọng, gìn giữ và tạo điều kiện để được phát huy. Trong các dịp lễ của đồng bào dân tộc Khmer như: Chol Chnam Thmây, Sene Đôn Ta, Ok Om Bok, các cơ quan chức năng đều tổ chức đoàn đến thăm và chúc mừng bà con, các lễ hội đua ghe ngo, thi văn nghệ, nấu ăn... Trong những hoạt động văn hóa đó, đua ghe ngo trở thành hoạt động truyền thống, mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer miền sông nước Nam bộ. Riêng năm 2009, tỉnh đầu tư đóng thêm 3 chiếc ghe ngo mới trị giá trên 660 triệu đồng để tặng bà con Khmer.

Theo đánh giá của ông Sơn Song Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ: “Hiện tại địa bàn tỉnh Hậu Giang không còn hộ Khmer nghèo bức xúc về nhà ở. Trường Dân tộc nội trú dành cho con em đồng bào dân tộc Khmer được xây dựng khá khang trang, đầu tư trang thiết bị dạy học hoàn chỉnh. Có gần 500 cán bộ, sinh viên dân tộc Khmer được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ... Với những nỗ lực ấy, thể hiện rõ việc chăm lo đến đời sống, tinh thần bà con dân tộc Khmer của tỉnh Hậu Giang”.
Đến nay, trong tỉnh đã có 6 chiếc ghe ngo, với các đội ghe ngo của đồng bào Khmer thi thố, vui chơi dịp lễ hội. Ông Sơn Mến, ấp 11, xã Lương Nghĩa (huyện Long Mỹ), là một thành viên khá nhiệt tình trong đội ghe ngo, cho biết: “Từ khi được Nhà nước đóng tặng cho chiếc ghe ngo, bà con ai cũng vui. Người dân tộc Khmer chúng tôi có rất nhiều lễ hội trong năm, nhưng lễ hội nào cũng được chính quyền địa phương, lãnh đạo tỉnh tạo mọi điều kiện để chúng tôi được vui chơi giải trí. Chúng tôi vui vì được sự quan tâm không chỉ về mặt vật chất mà còn về tinh thần”.

Những năm qua, Hậu Giang còn quan tâm hỗ trợ đầu tư sửa chữa, nâng cấp những ngôi chùa Khmer, xây dựng nhà văn hóa để bà con Khmer đến vui chơi, sinh hoạt. Bây giờ, hầu hết các khuôn viên các nhà chùa đều rộng, có dàn nhạc ngũ âm để bà con Khmer vui chơi vào mùa lễ hội. Sư Thạch Đường, chùa Ô - Chum - Wong - Sa, ấp Thạnh Trung, xã Hỏa Lựu (TX.Vị Thanh) bày tỏ: “Năm qua, chùa được Nhà nước xây dựng thêm chính điện, tặng ghe ngo, giàn nhạc ngũ âm... Các sư và bà con ở đây vui lắm!”.

Cùng với những chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào người dân tộc Khmer ở Hậu Giang đã và đang chuyển biến mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm vượt khó, cần cù, vươn lên nâng cao mức sống, tập trung lo cho tương lai con cháu.
Bài, ảnh: DUYÊN HẢI

Không có nhận xét nào: