Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2010

Thấm dần con chữ Khmer

Sóc Trăng có 377.000 người dân tộc Khmer, chiếm gần 29 phần trăm dân số của tỉnh, đông nhất vùng ĐBSCL. Việc học của bà con Khmer được quan tâm và hiện đã mở rộng nhiều trường lớp dạy song ngữ Khmer-Việt.
Việc học được đặt lên hàng đầu
Giờ tự học ở trường THPT Dân tộc Nội trú Sóc Trăng Ảnh: Xuân Lương
Đồng bào dân tộc Khmer, xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) còn nghèo, hơn 80 phần trăm dân số là người Khmer nhưng việc học của con em họ luôn được coi trọng. Hiện, Đại Tâm đã có hàng trăm người Khmer là giáo viên, kỹ sư, bác sỹ, chủ doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND xã Ngô Quang Thế tâm sự: “Trước đây bà con Khmer thường suy nghĩ, không có cái ăn mới chết, không có cái chữ chẳng sao, nhưng bây giờ khác lắm rồi. Mọi người đã đặt việc lo cho con học hành lên hàng đầu. Toàn xã hiện có hơn 400 học sinh Khmer thi đậu vào các trường cao đẳng, đại học”.
Gia đình ông Diệp Tấn Phường ở ấp Đại Chí là một trường hợp tiêu biểu. Ông làm ruộng, vợ ông đẩy xe bán bánh mì, nhưng ba người con của ông đều được ăn học thành đạt.
Cô con gái đầu Diệp Thị Ngọc Thanh đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm, hiện là Phó hiệu trưởng trường THPT Lê Lợi (TP Sóc Trăng); cô tiếp theo Diệp Thị Ngọc Thương, tốt nghiệp Đại học Cần Thơ, kỹ sư hóa học, công tác tại nhà máy bia Sài Gòn-Sóc Trăng; cậu út Diệp Minh Hoàng, tốt nghiệp Đại học Tài chính, công tác tại Ngân hàng Công thương Chi nhánh Sóc Trăng.
Gia đình ông Hứa Trung Hải ở ấp Tâm Trung, bán 20 công ruộng để lo cho hai người con lớn tốt nghiệp đại học. Gia đình ông Chung Hữu Duyên, cha chạy xe lôi, mẹ làm ruộng nuôi bốn người con học đại học. Gia đình ông Lâm Ươl ở ấp Đại Nghĩa Thắng có sáu người con đều đã học đại học.
Tiến dần đến phổ cập song ngữ
Trong hệ thống giáo dục chung, năm học 2009-2010 này, Sóc Trăng có trên 68.000 học sinh dân tộc Khmer ở 152 trường từ mầm non đến THPT, học song ngữ Việt – Khmer. Hệ thống trường dân tộc nội trú có 1.500 học sinh ở một trường THPT tại TP Sóc Trăng và sáu trường THCS ở các huyện Vĩnh Châu, Thạnh Trị, Kế Sách, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên và Long Phú.
Sóc Trăng còn có Trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam bộ, hàng năm đào tạo văn hóa và đào tạo giới nghiệp cho trên 100 sư sãi ở các tỉnh ĐBSCL. Tại 92 chùa Khmer trong tỉnh, cũng thường xuyên tổ chức các lớp dạy chữ Khmer miễn phí.
Việc dạy và học tiếng nói, chữ viết Khmer được chính quyền, phụ huynh học sinh quan tâm nên số lượng người học, biết chữ Khmer ngày càng tăng. Giáo viên dạy chữ Khmer được hưởng chính sách ưu đãi, phụ cấp thêm 50 phần trăm lương.
Học sinh Khmer được miễn học phí, muợn sách giáo khoa, cấp dụng cụ học tập. Với học sinh ở các trường dân tộc nội trú được nhà nước lo toàn bộ việc học hành, ăn, ở.
Toàn tỉnh đã có 3.070 giáo viên Khmer, chiếm hơn 24,1 phần trăm tổng số giáo viên. Trường Cao đẳng Sư phạm của tỉnh hàng năm tổ chức các khóa đào tạo giáo viên dạy hai thứ chữ, tạo nguồn bổ sung giáo viên cho các trường trong tỉnh.
Ông Trần Việt Hùng, GĐ Sở GD&ĐT Sóc Trăng, cho biết, năm học 2008-2009 vừa qua, sở tổ chức kiểm tra trên 6.600 học sinh, kết quả có 98 phần trăm học sinh được công nhận đạt trình độ tiếng Khmer.

Học sinh người Khmer ở Sóc Trăng được xét tuyển vào các trường đại học ngày càng tăng. Từ năm 2001 đến nay có 962 người được cử tuyển vào các trường đại học.

Xuân Lương (TPO)

Không có nhận xét nào: