Thứ Hai, 11 tháng 1, 2010

Đổi thay toàn diện vùng đồng bào Khmer ở huyện Mỹ Tú

Đến Mỹ Tú vào những ngày giáp Tết nguyên đán mới thấy hết khí thế sôi động của một huyện thuần nông vùng đồng bào dân tộc Khmer. Cánh đồng lúa vàng bát ngát như báo hiệu một vụ mùa bội thu. Xen vào đó là màu xanh đậm của dưa hấu – loại cây được hỗ trợ bằng nguồn vốn của Chương trình 135 đang vào vụ thu hoạch.

Dưa hấu của bà con Khmer được hỗ trợ từ nguồn vốn 135.

Ngay chân ruộng dưa hấu của gia đình, anh nông dân Thạch Suôl cho biết: Tuy thời tiết năm nay không thuận lợi lắm với nhà nông, nhưng với kinh nghiệm và dày công chăm sóc nên 2 công dưa hấu của gia đình anh năm nay được mùa. Vì được hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc nên dưa hấu bán tại chân ruộng ước đạt 4.000-5.000 đồng/kg.

Phần lớn đồng bào dân tộc Khmer ở huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng sống tập trung ở 9/16 xã của huyện với trên 15 ngàn hộ, dân số gần 70 ngàn người. Từ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các nguồn đầu tư qua các chương trình, dự án như 134, 135, trợ giá trợ cước, hỗ trợ sản xuất… các cấp, ngành trong huyện đã tập trung đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội của huyện một cách toàn diện, nhất là tập chung cho các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, từ nguồn vốn đầu tư của các chương trình, dự án cộng với đóng góp trong dân, huyện đã đầu tư trên 123 tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Tính đến thời điểm này, 100% số xã, ấp vùng dân tộc Khmer có đường bê tông hoặc trải nhựa, gần 70% số hộ Khmer được sử dụng điện lưới quốc gia và hệ thống nước sạch. Nhiều mô hình sản xuất-kinh doanh có hiệu quả được khuyến khích nhân rộng như mô hình trang trại nuôi heo, gà công nghiệp, nông lâm thuỷ sản kết hợp, thu hút và đem lại thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động trong vùng.

Nhờ được đầu tư đúng hướng nên đến nay 9/16 xã tập trung đông đồng bào dân tộc Khmer trong huyện đã có trạm y tế, phòng khám khu vực, trong đó có 7/9 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia. Có trạm y tế, đồng bào đã quan tâm nhiều hơn đến công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Bên cạnh đó công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở là người dân tộc ở Mỹ Tú cũng được coi trọng, toàn huyện hiện có 37 cán bộ y tế là người dân tộc Khmer.

Công tác giáo dục được quan tâm ngày càng toàn diện hơn, huyện có 5 điểm trường trung học phổ thông, 1 trường trung học cơ sở dân tộc nội trú, tại các xã đều có hệ thống trường trung học cơ sở. Năm học 2007-2008, huyện huy động được gần 12 ngàn học sinh dân tộc Khmer ở các cấp học đến trường, phong trào học tiếng Khmer cũng được chú trọng với 255 lớp học song ngữ (tiếng Việt và tiếng Khmer) với 6.418 học sinh ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, 536 giáo viên người dân tộc Khmer. Phong trào xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở ở huyện đều đã được công nhận đạt chuẩn.

Không chỉ có vậy, phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các vị sư sãi, à cha và đồng bào Khmer thực hiện tốt. Năm 2007 có trên 11 ngàn hộ, 34/56 ấp được công nhận đạt chuẩn văn hoá. Công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công, giúp nhau xoá đói giảm nghèo luôn được cấp uỷ đảng, cộng đồng và khu dân cư quan tâm và thực hiện tốt, do vậy tỉ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn giảm nhanh (4-5%/năm, giảm hơn 1% so với chỉ tiêu nghị quyết của đại hội Đảng bộ huyện đề ra)…

Tiếp chúng tôi trong bộn bề công việc của những ngày giáp Tết, ông Lâm Ren, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng không giấu được niềm vui: Từ một huyện nghèo, nay Mỹ Tú đã vươn lên, có nhiều nét khởi sắc. Thành công này nhờ định hướng đúng của cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, nhưng điều đáng phấn khởi nhất là đồng bào Khmer đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm xưa cũ, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, tránh được tâm lý trông chờ, ỷ lại. Điều này đã được khẳng định rõ, không chỉ ở Mỹ Tú mà còn ở những vùng tập trung đông đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh.

Bài và ảnh: Mạnh Cường

Không có nhận xét nào: