Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2010

Năm 2010: Nâng lễ hội đua ghe ngo lên Fesival Ooc-om-boc

"Sóc Trăng sẽ nâng lễ hội đua ghe ngo của tỉnh lên mức"Fesival Ooc-om-boc & đua ghe ngo Sóc Trăng"vào năm 2010, nhân dịp đại lễ kỷ niệm 1. 000 năm Thăng Long - Hà Nội và lâu dài sẽ được tỉnh tổ chức thường niên".

Đó là khẳng định của ông Lê Thanh Cần - Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - tại Hội thảo khoa học"Bảo tồn và phát huy Lễ hội Ooc-om-boc & đua ghe ngo Sóc Trăng"do tỉnh Sóc Trăng và Viện Văn hóa nghệ thuật VN Phân viện TPHCM vừa phối hợp tổ chức.

Lễ hội Ooc-om-boc của người Khmer Sóc Trăng (nói riêng) và Nam Bộ (nói chung) là tổng thể của một nét sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, tín ngưỡng và lễ hội của những cư dân nông nghiệp; trong đó chủ điểm là lễ hội Ooc-om-boc, là hội đua ghe ngo.

Lễ hội diễn ra trong 3 ngày với những hoạt động mang tính tính ngưỡng; đêm rằm là lễ cúng trăng để tạ ơn thần mặt trăng, dâng lên người những sản vật đầu tiên của một vụ mùa và thả đèn nước (Loy- pro- típ).

Hôm sau là hội đua ghe ngo với ý nghĩa đưa nước ra biển cả, trả nước về cho thần rắn Naya.

Dù nhìn ở góc độ nào, các nhà nghiên cứu đều có chung nhận xét: Lễ hội Ooc-om- boc - đua ghe ngo ở Sóc Trăng có những nét độc đáo riêng biệt.

TS Phú Văn Hẳn - Trung tâm Nghiên cứu dân tộc và tôn giáo, Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ - nhận định:"Đây là một lễ hội độc đáo mang tính dân tộc và cộng đồng rất cao của người Khmer Sóc Trăng. Việc lễ hội này trở thành lễ hội chung của quốc gia là xứng đáng".

Còn riêng với mảng bảo tồn, ông đề nghị:"Trước hết cần phải giữ gìn được những bản sắc độc đáo đó thông qua các hoạt động phục dựng, biên soạn tài liệu và cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn".

Nhìn chung ý kiến của các nhà nghiên cứu tại hội thảo đều cho rằng ngoài việc bảo tồn, gìn giữ bản sắc thì cần phải nâng tầm và đưa lễ hội ngày càng vươn xa để xứng tầm với một hoạt động nằm trong hệ thống lễ hội thường niên của quốc gia.

Hiện nay, Sóc Trăng đã hoàn thành đường đua ghe ngo trên kênh Maspero dài 1.200 mét với hai dãy khán đài cùng bờ kè có phân cấp để phục vụ người đến xem. Những con đường vào khu vực đường đua, các công trình phụ trợ (bãi đỗ xe, nhà điều hành, nhà nghỉ cho VĐV) cũng đã được khởi công xây dựng... Nhưng quan trọng hơn cả là, đến thời điểm này, tất cả 84 điểm chùa Khmer trong tỉnh đều đã có ghe ngo hoặc được hỗ trợ đóng mới ghe là cơ sở vững chắc để Sóc Trăng tổ chức thành công Festival Ooc-om-boc vào năm 2010.

Còn lễ hội đua ghe ngo năm nay với số lượng trên 60 ghe tham gia (dự kiến) sẽ là bước"tổng dượt"cho Festival.


Nguồn: LĐ (vietravel-vn.com)

Không có nhận xét nào: