Thứ Năm, 19 tháng 2, 2009

Lễ cúng trăng của người Khmer Nam bộ

Người Khmer quan niệm mặt trăng là một vị thần điều tiết và có ảnh hưởng lớn đến mùa màng. để tưởng nhớ công ơn, vào dịp thu hoạch hoa màu họ làm lễ cúng trăng và được tổ chức thống nhất vào đúng đêm rằm tháng 10 tại khuôn viên chùa, cũng có thể ở nhà hoặc nhiều nhà cùng tập trung trên khoảng sân rộng rãi không có bóng cây che khuất. Họ trải chiếu ngồi quay về hướng mặt trăng, đợi lúc trăng cao toả sáng, một người cao niên làm chủ lễ sẽ nói lên lòng biết ơn, xin mặt trăng tiếp nhận lễ vật và cầu cho mưa thuận gió hoà trong năm tới. Thức cúng đặc biệt không thể thiếu trong lễ này là cốm dẹp, được quết từ lúa nếp. Cúng xong, trẻ em được gọi đến cũng chắp tay hướng về mặt trăng, chủ lễ lấy cốm dẹp đút vào miệng các em. Chính vì nghi thức này mà lễ cúng trăng còn gọi là Okombok, tức là "Đút cốm dẹp".
Do tín ngưỡng Phật giáo, lễ cúng trăng còn liên quan đến câu chuyện ngụ ngôn "Con thỏ và mặt trăng". Xưa kia, thỏ từng là một kiếp hoá thân của Đức Phật sống bên bờ sông Hằng. Một hôm, thần Sakah xuống trần giả làm người ăn xin để thử lòng thỏ, không có gì làm phước, thỏ đốt lên đống lửa nhảy vào và nói "Mời người dùng thịt này". Lửa bỗng tắt ngấm và người ăn xin biến mất, thần Sakah hiện ra khen ngợi lòng hy sinh cao đẹp của thỏ và vẽ hình thỏ lên mặt trăng. Vì vậy, lễ cúng trăng còn để tưởng nhớ đến tiền kiếp của Phật thích ca.
Trò chơi dân gian chủ yếu trong dịp này là các cuộc đua ghe ngo, thường diễn ra trước đó một hai ngày và kết thúc vào trưa rằm âm lịch để trở về làm lễ cúng trăng. Qua lễ hội cũng là thời điểm bước vào mùa khô, hoa màu thu hoạch xong, các gánh hát Yukê (một loại hình kịch hát dân gian đặc trưng của người Khmer Nam Bộ) do nhân dân trong phum srok lập ra bắt đầu lưu diễn vui chơi. Sau đó, mọi người lại trở về với ruộng rẫy khi đến mùa cày cấy.
Lê Phước Vinh

Không có nhận xét nào: