Thứ Hai, 9 tháng 2, 2009

CHƯƠNG TRÌNH 134,135: GÓP PHẦN KHỞI SẮC Ở THẠNH TRỊ


Thạnh Trị (Sóc Trăng) là huyện vùng nông thôn sâu có đông người dân tộc Khmer sinh sống chiếm 37,7% có 6 xã đặc biệt khó khăn. Những năm qua, nhờ triển khai đồng bộ có hiệu quả CT 134, 135 nên diện mạo nông thôn Thạnh Trị đã có nhiều khởi sắc.

Ban chỉ đạo XĐGN của huyện xây dựng đề án nhằm hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, cây, con giống sao cho phù hợp với điều kiện sản xuất của từng hộ. Hiện nay một mô hình mang tính khép kín đang được rất nhiều hộ nông dân trong vùng triển khai thực hiện có hiệu quả. Đó là nuôi bò, lấy phân nuôi trùn quế để cung cấp cho các hộ nuôi cá bống tượng đem lại lợi ích kinh tế khá cao, hay mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá rô đồng… đã giúp nhiều hộ không những thoát nghèo bền vững, mà còn vươn lên trong cuộc sống.
Trong ba năm qua, bằng nguồn vốn Chương trình 134 hỗ trợ đã xây dựng bàn giao gần 4.000 căn (mỗi căn trị giá từ 5-6 triệu đồng) cho các hộ dân tộc Khmer nghèo bức xúc về nhà ở và cơ bản đã giải quyết xong về vấn đề nhà ở cho những hộ có nhu cầu. Các đoàn thể như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Cựu chiến binh, Hội nông dân… phối hợp với trạm khuyến nông-khuyến ngư-bảo vệ thực vật mở hàng trăm lớp tập huấn, hội thảo phổ biến kiến thức kỹ thuật, qui trình canh tác sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản cho hội viên. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu có hiệu quả kinh tế khá cao trong cộng đồng người dân tộc Khmer như mô hình đưa màu xuống chân ruộng lúa ở Lâm Kiết, Tuân Tức cho thu nhập trên 70 triệu đồng/ha, hay mô hình sản xuất lúa chất lượng cao (với 2 vụ/năm cho năng suất trên 11 tấn/ha/năm) ở Thạnh Tân, Thạnh Trị cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha, mô hình nuôi cá rô đồng trong ruộng lúa ở Thị trấn Phú Lộc, Lâm Tân, Châu Hưng…vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa góp phần bảo vệ môi trường cho thu nhập từ 30-45 triệu đồng/ha.
Hiện nay, hệ thống đường giao thông đã có 100% đường liên ấp liên xã; 50% đường ấp liền ấp và 70% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia; 50% hộ dân được dùng nước sạch; 100% xã có Trường tiểu học & Trung học cơ sở; 100% xã có trạm y tế. Về nước sạch, đang triển khai theo mô hình giếng khoan; cung cấp lu chứa nước; cây nước tập trung cho cụm dân cư, dự kiến đến cuối năm 2008 cơ bản sẽ có 80% hộ dân Khmer được sử dụng.
PHƯƠNG NGHI

Không có nhận xét nào: