Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2008

Phật giáo Nam tông Khmertrong bối cảnh thống nhất và hội nhập của Phật giáo VIệt Nam

Phật giáo Nam tông Khmertrong bối cảnh thống nhất và hội nhập của Phật giáo VIệt Nam

Hoà thượng Dương Nhơn
Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia thống nhất, đa dân tộc. Đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ với dân số hiện nay khoảng 1,3 triệu người là một trong số 54 dân tộc, là cư dân có mặt lâu đời trên vùng đất Nam Bộ. Đồng bào dân tộc Khmer sống tập trung nhất ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Tây Nam Bộ, một bộ phận sống ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Người Khmer có tiếng nói và chữ viết khá hoàn chỉnh, có nền văn hoá phong phú và đa dạng.
Phật giáo Nam Tông là tôn giáo chính thống của dân tộc Khmer. Văn hoá của Phật giáo ảnh hưởng nhiều đến đời sống tinh thần và trở thành yếu tố chi phối tư tưởng, tình cảm của cộng đồng dân cư. Ngôi chùa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, nơi dạy chữ dân tộc, dạy văn hoá và cũng là trung tâm sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Khmer. Theo số liệu thống kê gần đây, toàn vùng có 453 chùa với khoảng 10.000 sư sãi, trong đó có 53 Hoà thượng, 60 Thượng toạ và 596 Đại đức. Quản lý, điều hành các hoạt động Phật sự, của chư Tăng và Phật tử có hội Mêkon, các Ban Trị sự và Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước các tỉnh, thành. Hiện nay, tỉnh Trà Vinh có Hội Mêkon. Trong Ban Trị sự các tỉnh, thành đều có các vị chức sắc của Phật giáo Nam Tông là thành viên. 7/9 tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước.
Sư sãi và đồng bào Phật tử Khmer Nam Bộ có truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo trong lao động, có ý thức nâng cao dân trí, xây dựng khối đoàn kết, dũng cảm trong đấu tranh và mơ ước một xã hội bình đẳng, tự do, công bằng, bác ái. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, truyền thống đó ngày càng phát huy mạnh mẽ, trở thành sức mạnh to lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa.
Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển, với tư tưởng chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sư sãi và đồng bào Phật tử Khmer đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thông qua các cuộc vận động của cách mạng, đồng bào Khmer Nam Bộ đã xuất hiện nhiều phong trào đấu tranh chống xâm lược. Nòng cốt trong các phong trào đó là những chức sắc tiêu biểu, trí thức tôn giáo là người dân tộc Khmer.
Sau ngày 30/4/1975, ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, các tổ chức Phật giáo hai miền thống nhất mở đại hội và tổ chức thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có Hiến chương và chương trình hoạt động của Giáo hội. Phật giáo Nam Tông Khmer đã tham gia đại hội với tư cách là thành viên trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tính biệt truyền của một hệ phái. Từ ngày thống nhất đến nay, nhiều vị chức sắc tiêu biểu của Phật giáo Nam Tông Khmer đã được Đại hội lần lượt suy tôn vào Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam như Hòa thượng Maha Thạch Srây, Hòa thượng Thạch Som, Hòa thượng Châu Mum, Hòa thượng Danh Nhưỡng, Hòa thượng Dương Nhơn. Phật giáo Nam Tông và Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng góp phần tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trải qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng lâu dài cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa, hầu hết Sư sãi và đồng bào Phật tử Khmer, mà nòng cốt là các vị chức sắc tiêu biểu, khẳng định rõ vị thế và vai trò của mình, tích cực tham gia các phong trào cách mạng tại địa phương, vận động sư sãi và đồng bào Phật tử Khmer phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Tham gia phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Động viên sư sãi và đồng bào Khmer hưởng ứng cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc.
Ngày nay, trong công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, sư sãi và đồng bào Phật tử Khmer thể hiện tinh thần phấn khởi, tin tưởng vào chính sách đổi mới đối với tôn giáo, dân tộc của Đảng và Nhà nước. Thấy rõ quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tôn giáo là rất phù hợp và đúng đắn thể hiện chính sách nhất quán về tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và không tín ngưỡng tôn giáo của công dân. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về tôn giáo xác định: “Tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Nghị quyết Đại hội X của Đảng cũng nêu rõ: “Đồng bào các tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo bình đẳng theo pháp luật”.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trực tiếp là sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể ở địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội ở vùng tôn giáo và dân tộc nói chung, vùng đồng bào Phật tử Khmer Nam Bộ nói riêng. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện, dân trí được nâng lên, văn hoá của dân tộc được bảo tồn và phát huy, tôn giáo truyền thống của dân tộc được tạo điều kiện hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Các vị chức sắc lãnh đạo các cấp Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước hoạt động đúng Điều lệ, tôn chỉ mục đích của Hội, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Nhiều ngôi chùa Khmer được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá. Các chùa có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng được hỗ trợ kinh phí để sửa chữa và xây dựng mới. Việc học hành của các nhà sư, việc in ấn kinh sách Phật giáo để phục vụ tu hành và việc tổ chức các lễ hội tôn giáo, dân tộc được các cấp chính quyền và ban ngành chức năng tạo điều kiện và hỗ trợ.
Cùng với chính quyền và đoàn thể các cấp, các vị chức sắc trong Phật giáo Khmer Nam Tông tích cực tuyên truyền, vận động sư sãi và đồng bào Phật tử thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tham gia tốt các phong trào cách mạng tại địa phương, nhất là lĩnh vực xoá đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự và góp phần vào việc xây dựng khối đại đoàn kết tôn giáo và dân tộc.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong thời kỳ hội nhập quốc tế, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước hiện nay, Phật giáo Nam Tông Khmer cũng đối mặt với một số vấn đề cần được quan tâm như:
- Các thế lực thù địch luôn tìm cách tác động, móc nối, lôi kéo sư sãi và đồng bào Phật tử Khmer để thực hiện ý đồ xấu, xuyên tạc và bôi nhọ chính sách tôn giáo và dân tộc của Đảng và Nhà nước.
- Hộ nghèo còn chiếm tỉ lệ cao, việc thích nghi với cơ chế thị trường còn nhiều bất cập, thiếu thông tin, việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật còn thấp kém, chuyển dịch kinh tế nông nghiệp còn lúng túng, dịch bệnh, thiên tai thường diễn ra, giá cả biến động từng lúc bất lợi cho nông dân. Việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động còn quá ít. Việc bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống có mặt còn khó khăn. Hiệu quả công tác giáo dục đào tạo vùng dân tộc còn thấp. Chương trình giảng dạy, hiệu quả dạy học trong hệ thống các trường chùa còn nhiều bất cập, chưa được quản lý và chỉ đạo thống nhất là những khó khăn chung cho Phật tử Khmer.
- Những yếu kém của Phật giáo Nam Tông bao gồm những khó khăn về mặt giáo quyền, tình trạng thiếu liên thông trong việc học hành của các nhà sư, bất đồng trong tổ chức lễ hội tôn giáo, dân tộc. Sự yếu kém trong quản lý, điều hành cơ sở thờ tự và hoạt động Phật sự chậm được khắc phục. Những khó khăn trong hoạt động của Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước, của Trường Bổ túc văn hóa - Pali Trung cấp Nam Bộ, nhất là của Học viện Phật giáo Nam Tông mới được thành lập tuy được các ban ngành chức năng và địa phương quan tâm giúp đỡ nhưng chưa có hệ thống căn bản. Một số nơi trong vùng dân tộc còn có những hoạt động tôn giáo với mưu cầu lợi ích vật chất làm ảnh hưởng xấu đến phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc. Có nơi, một số sư sãi trẻ do nhận thức thấp kém đã bị kẻ xấu lợi dụng gây mất trật tự an toàn xã hội làm ảnh hưởng đến vị trí và vai trò của Phật giáo Nam Tông và cộng đồng dân tộc Khmer.
- Trình độ năng lực hạn chế của các vị sư và chức sắc trong Phật giáo Nam Tông có phần ảnh hưởng đến các mặt hoạt động, nhất là trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, các hoạt động xã hội trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và trong hội nhập kinh tế thế giới hiện nay.
Từ thực trạng trên, đối với vấn đề Phật giáo Nam Tông Khmer trong bối cảnh thống nhất và hội nhập của Phật giáo Việt Nam, tôi xin có một số kiến nghị, đề xuất như sau:
1. Cần nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của sư sãi và đồng bào Phật tử Khmer, diễn biến tình hình trong vùng dân tộc, nhất là những vấn đề bức xúc của địa phương để kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền những giải pháp giải quyết kịp thời không để nảy sinh phức tạp có tính điểm nóng.
2. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện với mức đầu tư thích hợp đối với vùng dân tộc, tôn giáo và địa bàn khó khăn để sớm thu hẹp sự chênh lệch về các mặt giữa các dân tộc, tôn giáo trên địa bàn.
3. Thấy rõ tính đặc thù trong quan hệ giữa tôn giáo với dân tộc của đồng bào Khmer và truyền thống cách mạng của Phật giáo Nam Tông để có cách nhìn đúng đắn đối với các chức sắc trong cộng đồng dân tộc và giải quyết tốt mối quan hệ tôn giáo và dân tộc. Tiếp tục phát huy vai trò của Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước trong việc quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động của Phật giáo, vận động giới sư sãi và đồng bào Phật tử, nhất là vai trò của các vị chức sắc tiêu biểu. Cho phép thành lập Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước các tỉnh An Giang và Vĩnh Long, trên cơ sở đó hình thành Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước cấp cao hơn tỉnh để thống nhất Điều lệ, thống nhất quản lý và điều hành các cấp Hội trong khu vực đối với các hoạt động tôn giáo, việc học hành của các vị sư, các lễ hội truyền thống của dân tộc.
4. Có chính sách đặc thù đối với Phật giáo Nam Tông Khmer, nhất là trong việc kiện toàn tổ chức trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tư cách là một hệ phái có tính biệt truyền hoạt động theo Hiến chương của Giáo hội. Thống nhất quản lý, điều hành về mặt giáo quyền có tính biệt truyền và đặc thù của tôn giáo dân tộc. Xây dựng và thống nhất quản lý có tính liên thông giữa các cấp học trong việc tổ chức dạy học của các vị sư Khmer tại các trường chùa. Tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện cho Trường Bổ túc văn hóa - Pali Trung cấp Nam Bộ và Học viện Phật giáo Nam Tông hoạt động có hiệu quả. Có chính sách bồi dưỡng về vật chất và tinh thần cho các chức sắc tiêu biểu. Khen thưởng kịp thời đối với các chùa Khmer, các vị sư có công trong kháng chiến cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
5. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đối với sư sãi và đồng bào Phật tử Khmer. Phát động sâu rộng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng trật tự an ninh vững chắc nhằm ngăn chặn kịp thời những biểu hiện lợi dụng tôn giáo để hoạt động bất chính và nhất là chặn đứng những thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết, làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
6. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu đối với Phật giáo Nam Tông Khmer nhằm nâng cao trình độ cho các sư, nhất là các chức sắc, các trụ trì một cách toàn diện cả về Phật học và thế học để tiếp tục phát huy vai trò của Phật giáo trong cộng đồng dân tộc. Nghiên cứu từng bước tiến tới việc chuẩn hoá về đức độ và năng lực đối với các vị trụ trì của Phật giáo Nam Tông để nâng chất lượng sinh hoạt tôn giáo, quản lý cơ sở thờ tự, điều hành các lễ hội tôn giáo, dân tộc trong nhà chùa và trong cộng đồng dân cư.
7. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần tăng cường công tác nghiên cứu, bồi dưỡng kiến thức cho Phật giáo Nam Tông về quan hệ giữa các tôn giáo trong nước và ngoài nước. Chú trọng việc giao lưu giữa các tôn giáo trong nước và quan hệ với Phật giáo các nước trong khu vực để xây dựng tốt quan hệ đoàn kết với các tôn giáo bạn và mở rộng giao lưu với Phật giáo các nước trong khu vực.

Không có nhận xét nào: