Vĩnh Long là một trong những tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Từ bao đời nay, đồng bào Khmer đoàn kết với đồng bào Kinh trong công cuộc khai phá vùng đất Nam Bộ, đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng quê hương, bảo vệ Tổ quốc.
Những năm vừa qua, với nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, thiết thực của Ðảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực vươn lên của đồng bào, vùng nông thôn đã ngày càng thay da đổi thịt, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer đã nâng cao về mọi mặt.
Ðó là ý kiến của ông Sơn Ry-ta, Phó trưởng Ban Tôn giáo - Dân tộc tỉnh Vĩnh Long khi trao đổi ý kiến với chúng tôi về tình hình đời sống đồng bào dân tộc Khmer những năm gần đây.
Trong những năm qua, chỉ riêng việc thực hiện Thông tư 912 của Chính phủ, tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư nguồn vốn hàng chục tỷ đồng cho đồng bào vay, mượn, cho không để chuộc đất, khôi phục và phát triển sản xuất. Ðặc biệt, từ năm 1999, thực hiện Chương trình 135 của Chính phủ, ba xã Loan Mỹ, Tân Mỹ, Trà Côn đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng gồm 52 công trình giao thông nông thôn; 11 công trình thủy lợi; tám công trình nước sinh hoạt; bảy công trình điện; 22 trường học, một trạm y tế; 5 công trình chợ.
Tiếp đó, thực hiện Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã xây dựng hơn 2.000 căn nhà đại đoàn kết. Cùng đó, nhiều chương trình khác được triển khai như công trình nước tập trung ở xã Tân Mỹ với kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng, và đang triển khai trợ giúp 900 hộ sống rải rác xa tuyến dân cư, mỗi hộ từ một đến hai lu xi-măng để chứa nước sạch sinh hoạt.
Tương tự, các trạm y tế xã Ðông Bình, Ðông Thành, Loan Mỹ, Trà Côn, Tân Mỹ, Trung Thành..., nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, đều đạt chuẩn quốc gia, trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết phục vụ việc khám, điều trị bệnh, trong đó có 9/12 xã có bác sĩ và 12/12 xã có y sĩ phục vụ. Ở đó, ngoài việc khám bệnh tại trạm, các cán bộ y tế xã thường xuyên xuống các hộ gia đình tuyên truyền, vận động tiêm phòng bệnh và vệ sinh môi trường, không để dịch bệnh xảy ra.
Ðời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer cũng đã được cải thiện rõ rệt. Hiện nay đã có 11/28 ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer đạt ấp văn hóa. Nhiều thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, đồng thời góp phần phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc. Trong đó, chỉ riêng năm 2006, ngành văn hóa-thông tin hỗ trợ xây dựng bốn phòng đọc sách ở bốn chùa, xây dựng 19 đội văn nghệ tại 11 chùa, và 18 đội nhạc công.
Công tác giáo dục-đào tạo cho con em đồng bào Khmer được quan tâm đúng mức, từng bước phát triển cả lượng và chất, không còn tình trạng học sinh bỏ học. Cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư kiên cố hóa từ mẫu giáo đến trung học cơ sở. Tỷ lệ học sinh đến trường đạt cao hơn nhiều so với những năm trước. Chủ tịch xã Tân Mỹ Lê Quốc Trung cho biết, đồng bào dân tộc Khmer hiện nay rất chú ý cho con em học hành, đây là một bước chuyển rất đáng mừng.
Bên cạnh đó, chế độ ưu tiên cử tuyển con em đồng bào dân tộc Khmer cũng được thực hiện khá tốt. Chỉ riêng năm 2005-2006, đã cử tuyển 23 em học hệ đại học và cao đẳng, 8 em học hệ trung học chuyên nghiệp, 20 em dự bị đại học. Nhờ đó, đã có nhiều con em đồng bào dân tộc Khmer được đào tạo bài bản, hiện đang công tác tại các cơ quan trong và ngoài tỉnh.
Nhờ các chương trình, dự án được triển khai một cách đồng bộ, thiết thực, đã từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer. Ba xã đặc biệt khó khăn có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh nhờ thực hiện Chương trình 135 của Chính phủ. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí cũ giảm dần từ 51% vào năm 1993 xuống còn 27% vào năm 2006. Qua việc hỗ trợ vốn sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, xây nhà đại đoàn kết, đã khuyến khích mọi người chí thú làm ăn, vươn lên thoát nghèo, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương.
Ông Sơn Ry-ta khẳng định: "Ðến nay, cơ bản đã không còn hộ thiếu đói"; nhiều hộ chịu khó trong lao động sản xuất, tích lũy được vốn, vượt khó thoát nghèo, đời sống kinh tế được nâng lên; nếp sống văn hóa, văn minh và mức hưởng thụ văn hóa ngày càng cao. Ði qua các xã Tân Mỹ, Trà Côn, Loan Mỹ, Ðông Thành,... ở đâu chúng tôi cũng gặp nhiều hộ gia đình khá giả và cơ ngơi không thua so với đồng bào Kinh trên địa bàn.
Tỉnh Vĩnh Long đang tiếp tục tập trung triển khai thực hiện những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội một cách đồng bộ để đồng bào dân tộc Khmer có điều kiện phấn đấu vươn lên nhằm nâng cao đời sống về mọi mặt. Có chính sách hỗ trợ học nghề để tạo lập việc làm, nhất là đối với những hộ không đất và thiếu đất sản xuất. Tiếp tục duy trì chính sách cử tuyển con em người dân tộc Khmer vào học các trường trung học, cao đẳng và đại học; tạo điều kiện để các em học tốt về phục vụ địa phương.
Mặt khác, thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn kiến thức khoa học-kỹ thuật mới cho bà con nông dân Khmer để ứng dụng vào sản xuất, đời sống.
Theo Nguyễn San (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long)(Nhân Dân)
[TT: N.K.T]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét