Thứ Hai, 14 tháng 7, 2008

Nghệ nhân Thạch Suôl

Nghệ nhân Thạch Suôl – Người giữ hồn văn hóa Khmer Nam bộ

Từ chất liệu gỗ, da, đồng, sắt... nghệ nhân “bất đắc dĩ” Thạch Suôl đã thổi hồn mình vào những thứ vô tri vô giác ấy, để rồi cho ra đời những loại nhạc cụ trong đó có dàn nhạc ngũ âm dùng trong các nghi lễ Phật giáo, đám cưới, đám tang và lễ hội văn hóa dân gian của người Khmer Nam bộ.

Nghệ nhân Thạch Suôl bên bộ trống Sakhô – Somphô


Gọi là nghệ nhân “bất đắc dĩ”, là vì cách đây hơn 30 năm, nghệ nhân Thạch Suôl là một thanh niên có tính cương trực, rất bảnh trai, lại mê tiếng nhạc từ bộ ngũ âm mỗi khi vang lên trong dịp tết, lễ hội. Mê đàn, nghệ nhân Thạch Suôl tìm đến gia đình chị Na Ry (vợ anh Thạch Suôl) và được nghệ nhân Trương Đen (ba của chị Na Ry) dạy đàn. Thấy chị Na Ry rất giỏi về dàn nhạc cụ dân tộc, mỗi khi tiếng đàn ngân lên đã làm cho Thạch Suôl mê mẫn, đến nổi anh đã xin ở rể luôn bên vợ (nhà ở ngay cổng Tam quan, khóm I, phường 8, thị xã Trà Vinh).
“Nhập gia tùy tục”, nghệ nhân Thạch Suôl được bố vợ dạy đàn, dạy hát và không lâu, anh và chị Na Ry trở thành một đôi tài tử có tiếng trong làng. Có nghề, anh thường theo bố vợ đi dạy đàn, lúc rảnh anh tiếp tay nhạc gia làm mới hoặc sửa lại một số nhạc cụ dân tộc. Thấy chàng rể có năng khiếu lại siêng năng, nghệ nhân Trương Đen quyết đem những bí quyết kinh nghiệm nghề nghiệp truyền lại cho con rể, để nối nghiệp ông sau này. Theo lời chị Na Ry thì anh là người “ngoài” duy nhất được truyền nghề và từ đó hai người đã sáng tạo ra nhiều loại nhạc cụ dân tộc Khmer.

Gia đình nghệ nhân Thạch Suôl bên nhạc cụ truyền thống do chính mình làm ra


Gia đình chị Na Ry là gia đình làm nghệ thuật truyền thống, tính ra cũng bốn đời nối nghiệp. Nghề lại truyền nghề đã giúp anh chị Thạch Suôl am hiểu tường tận về các loại nhạc cụ dân tộc. Ngoài anh chị Thạch Suôl, gia đình có nhiều nghệ nhân tham gia các đoàn văn công, đoàn ca múa nghệ thuật quần chúng Khmer ở các tỉnh. Riêng chị Na Ry sau khi rời bức màn nhung, chị trở thành một cánh tay đắc lực giúp chồng gắn bó với nghề chế tạo nhạc cụ.
Tham quan phân xưởng của gia đình anh, tôi rất khâm phục. Một không gian nhỏ chỉ vài mét vuông, với những dụng cụ thô sơ như cưa, búa, đục... vậy mà nghệ nhân Thạch Suôl đã nghiên cứu sáng tạo ra nhiều nhạc cụ có âm thanh độc đáo từ những thứ tưởng chừng là vô hồn, vô tri, vô giác như gỗ, mây, tre đồng sắt... mà không dễ mấy ai làm được.
Trên 30 năm tuổi nghề, nghệ nhân Thạch Suôl làm được bảy trong chín loại nhạc cụ dân tộc như: Rô-niêt-ek, Rô-niêt-đek, Rô-niêt-thung, Côn-tuôt, Côn-thôm, Sakhô-thôm, Sakhô-somphô cho đến cây đàn Tà-khê, đàn Khưm, đàn Cò và bộ trống Sa-dăm... được trong và ngoài nước biết đến, và anh còn chế tạo hơn một trăm bộ nhạc cụ, trong đó có nhiều dàn nhạc ngũ âm xuất khẩu sang tận trời Tây như Úc, Pháp, Mỹ... được khách hàng đánh giá cao về chất lượng âm thanh và kiểu dáng nghệ thuật truyền thống. Phần lớn sản phẩm anh làm theo hợp đồng của cá nhân, các nhà bảo tàng văn hóa, các đoàn nghệ thuật quần chúng, các chùa Khmer Nam bộ. Anh rất tự hào khi dàn nhạc ngũ âm mang nhãn hiệu “made in Thạch Suôl” được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mua về trưng bày, giới thiệu khách tham quan về các loại nhạc cụ truyền thống Khmer Nam bộ.
Hiện nay có rất nhiều đoàn nghệ thuật Khmer đã sử dụng bộ nhạc cụ của anh để phục vụ công chúng. Anh Lâm Vĩnh Phương - Trưởng Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng đang sở hữu dàn nhạc cụ của nghệ nhân Thạch Suôl cho biết: “Dàn nhạc do nghệ nhân Thạch Suôl chế tạo, có sáng tạo và nghiên cứu cải tiến một số chi tiết từng loại nhạc cụ, trong dàn nhạc ngũ âm có nhiều “cung”, “quãng” làm cho tiếng vang ngân xa hơn, so với các nhạc cụ nhập ngoại nhưng vẫn giữ được âm sắc chuẩn và hình dạng nghệ thuật cổ truyền như lưu giữ được cái hồn, cái bản sắc văn hóa của người Khmer Nam bộ”.
Để sản phẩm đảm bảo đạt chất lượng tốt, từng nhạc cụ làm ra có âm thanh chuẩn, nghệ nhân Thạch Suôl dùng thanh bằng gỗ thay thanh tre: “Với đàn Rô-niêt-ek thì 21 thanh tre được thay bằng 21 thanh gỗ tốt cắt đoạn sao cho phù hợp theo từng âm sắc, (đàn có 21 thanh, căn theo hình bán nguyệt). Còn đàn Rô-niêt-đek thì phải rèn rồi mài 21 thanh sắt để từng thanh sắt có độ mỏng thích hợp, thanh ngắn nhất 21 cm và thanh dài nhất 30 cm. Riêng loại trống Sakhô-somphô và Sakhô-thôm thì làm bằng loại gỗ bình linh cắt khúc, để cây khô tự nhiên, đục rỗng lỗ; dùng da trâu hoặc bò làm mặt trống, nhưng phải là da trâu cái mới có độ bền, theo lý giải của anh, trâu cái da có độ mỏng thích hợp và không tỳ vết, còn trâu đực da dày, hay chém lộn, da bị rách khó kiểm tra.
Có một thanh trong nhạc cụ mà anh phải thừa nhận không chế tạo được, đó là thanh phek-côn (dùng làm bộ Côn-thôm và bộ Côn-tuôt, mỗi bộ có 16 cái phek-côn) do loại này được đúc bằng đồng pha thau, nên phải nhập ngoại từ Campuchia. Bộ Côn-thôm, cái phek-côn nhỏ nhất có đường kính 13 cm và cái lớn nhất có đường kính 17 cm, khi dạo qua tạo nên thanh trầm. Còn bộ Côn-tuôt, cái phek-côn nhỏ nhất có đường kính 11 cm và cái lớn nhất 14 cm có tiết tấu âm vực cao hơn”.

Chị Na Ry trao đổi với P.V về cách làm ra chiếc khăn truyền thống Khmer trong trang phục lễ cưới

Ở tuổi 61, vậy mà nghệ nhân Thạch Suôl vẫn miệt mài chế tạo nhạc cụ góp vui cho đời và quan trọng hơn, anh muốn giữ cái hồn văn hóa của dân tộc mình, quyết không để mai một. Tre già và măng đã mọc. Các con anh đều theo nghiệp tổ, trong đó có anh Thạch Anh Xuân, tốt nghiệp Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng, hai đứa con gái hiện là giáo viên dạy thanh nhạc trong các trường nội trú và trường THPT trong tỉnh. Với kinh nghiệm truyền thống và sự am hiểu về nhạc lý của các con, sản phẩm làm ra được cải tiến rất nhiều từ thang âm từng nhạc cụ dân tộc – nhất là bộ ngũ âm. Một vài nghệ nhân chuyên nghiệp cho biết, dàn nhạc ngũ âm của nghệ nhân Thạch Suôl có thể chơi được hầu hết các loại nhạc từ cổ điển đến hiện đại như nhạc lễ cung đình, nhạc dân gian, nhạc múa Romkabak, Saravanh...
Hiện nay nghệ nhân Thạch Suôl cùng chị Na Ry và các con thường xuyên đi dàn dựng chương trình cho nhiều sự kiện lễ hội của đồng bào Khmer ở các tỉnh, được thu sóng phát PTTH phục vụ cho đồng bào dân tộc. Để góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nghệ nhân Thạch Suôl có một ước muốn truyền đạt những gì đã biết cho thế hệ trẻ, không chỉ là người thân trong gia đình, mà kể cả những ai quan tâm và nhiệt huyết với nghề để cùng nhau bảo tồn giá trị truyền thống và phát triển văn hóa nghệ thuật Khmer Nam bộ.

Không có nhận xét nào: