Thứ Hai, 22 tháng 12, 2008

Văn nghệ Khmer Trà Vinh bảo tồn và phát huy

Dân tộc Khmer ở tỉnh Trà Vinh chiếm khoảng 1/3 dân số của tỉnh. Dân tộc Khmer Nam bộ nói chung và dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh nói riêng vẫn bảo tồn được bản sắc văn hoá phong phú, đa dạng.

Từ xưa đến nay, các loại hình văn học nghệ thuật truyền thống Khmer, chủ yếu được lưu truyền trong dân gian bằng phương pháp truyền miệng. Trải qua những bước thăng trầm, nhất là do chiến tranh kéo dài nên văn hoá nghệ thuật của các dân tộc tỉnh Trà Vinh nói chung và văn học nghệ thuật Khmer tỉnh Trà Vinh nói riêng phát triển chậm, mai một, thất truyền.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cùng với các dân tộc anh em, dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh được sống trong hoà bình, hăng hái góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xoá đói giảm nghèo, khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc mình.

Trong lĩnh vực văn nghệ, nhất là từ khi đất nước được đổi mới, nhiều chủ trương của Đảng đã được triển khai, thực hiện có hiệu quả. Đối với tỉnh Trà Vinh, các chủ trương đó đang tác động sâu sắc vào đời sống của nhân dân, làm cho văn học nghệ thuật các dân tộc tr


Thời gian qua, tỉnh Trà Vinh đã tổ chức nhiều cuộc liên hoan, hội diễn văn nghệ. Đồng thời, đưa đoàn văn nghệ của tỉnh đi tham gia các cuộc liên hoan, hội diễn, các ngày hội văn hoá - thể thao dân tộc Khmer Nam bộ ở một số tỉnh và Thủ đô Hà Nội đem lại kết quả đáng phấn khởi. Đặc biệt, tỉnh Trà Vinh đã đăng cai tổ chức thành công ngày hội văn hoá - thể thao dân tộc Khmer Nam bộ lần thứ III năm 2005. Trong thực tế, kết quả đó đã trở thành động lực thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng Khmer của tỉnh không ngừng phát triển.
Qua các hoạt động nêu trên, đã phát hiện những tài năng trẻ để bồi dưỡng, bổ sung cho đội ngũ làm công tác văn học nghệ thuật Khmer của tỉnh ngày càng được nâng dần về chất lượng và số lượng. Khi nói đến phong trào văn học nghệ thuật Khmer tỉnh Trà Vinh là phải nói đến Đoàn Nghệ thuật Khmer ánh Bình Minh. Bởi vì, suốt thời gian qua, trong kháng chiến cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đoàn được xem như con chim đầu đàn, khẳng định được vai trò nòng cốt của mình về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Trong mọi hoạt động, nhất là trong sáng tạo Đoàn luôn luôn dựa trên cơ sở di sản văn hoá truyền thống. Đó là, thận trọng trong sáng, tiếp thu và đào tạo được những người viết kịch bản, biên đạo múa… khá vững vàng, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đoàn, tích cực và hiệu quả trong việc hỗ trợ phong trào văn nghệ quần chúng Khmer của tỉnh.

Bên cạnh Đoàn Nghệ thuật Khmer ánh Bình Minh, Chi hội văn nghệ Khmer Trà Vinh cũng được thành lập và đi vào hoạt động gần 10 năm nay. Trong quá trình đó, Chi hội đã phát triển được 26 hội viên, trong đó có 13 hội viên của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Được sự quan tâm của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Trà Vinh, thời gian qua, Chi hội văn học nghệ thuật Khmer đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ ngắn ngày và mở các trại sáng tác, thu hút nhiều văn nghệ sĩ Khmer tham gia, góp phần đáng kể vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn học nghệ thuật Khmer của tỉnh.

Những thành tích bước đầu trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá Khmer ở Trà Vinh những năm qua là sự thật khách quan không ai được phép phủ nhận. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào mọi khía cạnh của thực trạng thì thấy, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn học nghệ thuật Khmer của tỉnh vẫn còn những điều cần phải quan tâm. Và, trong cách nhìn, chúng ta là văn nghệ sĩ Khmer, không nên giấu giếm những yếu kém, thậm chí là những sai sót đang diễn ra trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Như hiện nay, một phần của văn học nghệ thuật Khmer đang bị thất truyền hoặc là mai một, chưa có biện pháp sưu tầm một cách đồng bộ và khoa học. Đáng tiếc là những di sản đang thất tán, mai một đó vẫn còn giá trị bảo tồn và phát huy, bởi vì những giá trị đó trong dân gian vẫn còn được nhắc đến.

Cùng với vấn đề cần được quan tâm như đã nêu trên, lại có hiện tượng văn nghệ Khmer bị “bóp méo”. Một mặt do một số nhà “sáng tạo” thích cải biên theo chủ quan là chính; làm vội, không dựa vào tư duy văn học nghệ thuật Khmer của chính mình. Việc này có thể cho là sai sót, ít nhiều cũng ảnh hưởng không tốt đến giá trị văn học nghệ thuật truyền thống Khmer, vốn tồn tại ở bản sắc.

Đây cũng là điều muốn nhắc nhở đến văn nghệ sĩ Khmer thời nay, nên thừa nhận rằng, văn học nghệ thuật của chính mình ở vào một thời điểm nào đó trong quá khứ, nó đã phát triển đến một đỉnh cao mà cho đến nay, có những chi tiết chúng ta chưa có trình độ để hiểu biết đầy đủ, đừng nói gì đến việc sánh vai hoặc thay thế. Có những tác phẩm độc nhất vô nhị, càng đọc, nghe, xem càng thấy hay, thấm thía và có cảm giác như các tác giả lúc bấy giờ chắc chắn là những bậc đại trí thức. Như bài Reamvong “Ô Xoaychannti” chẳng hạn, nó đơn giản và phổ thông đến nỗi hầu như người Khmer nào cũng nhớ và hát được vài câu. Càng hát càng thấy hay mà lâu nay chưa có sáng tác mới nào thay thế nó được.

Qua đó cho thấy, chúng ta cần phải làm thế nào để có đủ năng lực đi vào khám phá, phát huy và sáng tạo trên cơ sở bản gốc một cách tốt hơn. Trên thực tế, chúng ta đã và đang lao vào sưu tầm, nghiên cứu nhưng vẫn còn là việc làm rời rạc. ý muốn nói, để đạt được một kết quả cao hơn, điều trước tiên là chúng ta phải học - học một cách bài bản, nghiêm túc để có cái nhìn, cái hiểu thật sâu và đúng đắn hơn về di sản văn học nghệ thuật Khmer cũng như giá trị văn học nghệ thuật của các dân tộc anh em. Chỉ có như vậy thì trong quá trình sáng tạo, tiếp thu sẽ không bị “lai tạp”. Nếu ngược lại, nó không chỉ là bị “lai tạp” mà còn là sự “bắt chước” không ra gì.
Nói như thế, không phải mọi khía cạnh trong văn học nghệ thuật Khmer đều quá nặng về bảo tồn, không phát huy sáng tạo, không tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới cũng như giá trị văn hoá của các dân tộc anh em. Vấn đề muốn nói ở đây là, đối với thực trạng hiện nay, trước khi sáng tạo, tiếp thu các luồng văn hoá khác nhau, tốt hơn hết và điều làm trước tiên là phải bảo tồn những gì mà chúng ta đang có. Làm như thế để trong quá trình sáng tạo, giao lưu, tiếp thu không bị mất bản sắc. Như vậy, khi đã có bảo tồn tốt, chúng ta còn phải có năng lực nghiên cứu, sưu tầm, để sáng tạo trên cơ sở văn học nghệ thuật truyền thống của mình, sau đó, chúng ta mới có thể nâng dần về năng lực nghiên cứu, tiếp thu tinh hoa văn hoá khác. Bởi vì, nếu chỉ có bảo tồn thì chúng ta chẳng khác nào kẻ mù giữ kho. Và, đó cũng là một yếu tố làm trở ngại đến tương lai phát triển của văn học nghệ thuật Khmer.

Cũng qua đó cho thấy, muốn có đủ năng lực để làm được những việc như đã nêu trên, điều quan trọng hơn cả là khâu đào tạo cán bộ, xây dựng và phát triển đội ngũ. Trong khi chờ có cán bộ được đào tạo, chúng ta phải vạch ra những bước đi trước mắt và lâu dài. Giữa bảo tồn và phát huy, sáng tạo, cái nào làm trước, cái nào làm sau, hay là cả hai, cả ba cùng một lúc và đội ngũ đó phải được đào tạo ở đâu, cách nào. Để khi đưa vào sử dụng tránh được tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Có nghĩa là, đội ngũ đó phải đáp ứng cho được mục đích yêu cầu nhiệm vụ, mà đối tượng của nó là văn nghệ Khmer, dân tộc Khmer.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nguồn đào tạo trong lĩnh vực này rất khó tìm. Đó là cách nói cho qua, thật ra không phải khó đến nỗi “bí”. Muốn có ngay cũng được, đó là những người đang hoạt động trên lĩnh vực văn học nghệ thuật Khmer của tỉnh nhà mà trong số hộ, có những người hội đủ điều kiện để được đào tạo. Nguồn này rất quí, bởi vì họ là những người đã có tâm huyết và kinh nghiệm. Còn nguồn phát triển lâu dài và cũng là nguồn quyết định cho việc xây dựng và phát triển đội ngũ, đó là nguồn có thể tìm được trong số các vị sư trẻ, có trình độ học vấn cả hai thứ chữ và có khiếu viết văn. Kế đó là các em học sinh đang học ở trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh; trong hội diễn văn nghệ quần chúng tỉnh Trà Vinh năm 2004, chúng ta đã thấy rõ điều đó. Với song ca Aday, một thể loại văn nghệ Khmer đang có nguy cơ biến mất, nhưng các em làm sống lại, tạo được sinh khí sôi nổi trong buổi hội diễn. Các em là như thế, nếu cho là chưa đủ tiêu chuẩn để đào tạo thì còn ai để kế nghiệp.

Một trong những việc thực hiện chính sách dân tộc là chủ trương của Đảng về bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của mỗi dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Đó là điều kiện tốt nhất để đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ nói chung, đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh nói riêng tự khẳng định về giá trị văn hoá của dân tộc mình, nhất là trên lĩnh vực văn học nghệ thuật. Bên cạnh đó, những văn nghệ sĩ là dân tộc Khmer chúng ta cần phải nâng cao hơn nữa ý thức chống sự tấn công, xâm nhập của các loại văn hoá không lành mạnh, ngoại lai. Góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, làm giàu thêm nền văn hoá Việt Nam đa dạng mà thống nhất.

Thạch Phách

Không có nhận xét nào: