(ĐCSVN)- Đất nước ta có tiềm năng văn hoá vô cùng to lớn bởi các giá trị văn hoá của mỗi dân tộc góp vào tạo nên. Những hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tổ chức những năm gần đây và trong năm 2008 này là minh chứng cho quan điểm sáng suốt của Đảng, chính sách văn hoá đúng đắn của Nhà nước ta về xây dựng và phát triển văn hoá.
Năm 2008 tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa cho các dân tộc thiểu số đã tạo được ấn tượng tốt, có sức lan tỏa và cổ vũ tích cực các nhiệm vụ chính trị trên phạm vi cả nước. Chỉ trong quý IV, trên cả nước đã diễn ra 3 hoạt động văn hóa lớn được các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền khá đậm nét. Mở màn cho chuỗi các hoạt động văn hóa nói trên là “Ngày hội giao lưu bản sắc văn hóa vùng miền toàn quốc hướng tới 1000 năm Thăng Long” tổ chức tại Hà Nội vào dịp tháng 10/2008. 5 nội dung chính với nhiều tổ hợp họat động văn hóa như giới thiệu nét đặc trưng văn hóa các vùng, miền, dân tộc (triển lãm); giao lưu văn hóa nghệ thuật truyền thống; trình diễn trang phục; giới thiệu lễ hội và trò chơi dân gian; giới thiệu ẩm thực truyền thống đã được hàng nghìn nghệ nhân, nghệ sỹ, hạt nhân văn nghệ quần chúng, sinh viên, học sinh văn hóa nghệ thuật của hơn gần 30 tỉnh, thành phố, đơn vị, đoàn nghệ thuật, trường văn hóa nghệ thuật trình diễn phục vụ hàng vạn người dân thủ đô và du khách nước ngoài trong suốt một tuần lễ. Tập trung vào chủ đề mà Ban Chỉ đạo đã lựa chọn, những giá trị văn hóa đặc sắc nhất của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc, vùng Tây bắc, vùng Đồng bằng Bắc Bộ, vùng Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nam Bộ, khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ; một số đơn vị nghệ thuật, trường văn hóa nghệ thuật ở thủ đô Hà Nội có nhiều nghệ sỹ, sinh viên, học sinh người dân tộc thiểu số đã đan xen nhau tỏa sáng, tạo ra những “bữa tiệc” văn hóa cực kỳ hấp dẫn, phong phú. Bên cạnh những hiện vật như tranh, ảnh, sách, nhạc cụ truyền thống, sản phẩm nghề thủ công truyền thống, trang phục, mô hình kiến trúc của đồng bào dân tộc từng vùng được trưng bày công phu, sáng tạo trong suốt quá trình diễn ra giao lưu, người xem còn được thưởng thức những âm thanh, điệu múa, lời ca hết sức lôi cuốn của các làn điệu dân ca như hát Then, đàn Tính (Cao Bằng); hát Sli, hát Lượn (Lạng Sơn); múa Xòe Thái (Yên Bái); múa khèn, múa ô của người Mông, múa truyền thống của người Dao đỏ (Lào Cai); múa hát, hoà tấu Cồng Chiêng (Hòa Bình); hát Quan họ (Bắc Ninh); hát Chèo, ca Trù, múa Giảo Long, hát Dô, hát Chèo Tàu… (Hà Nội); diễn trò xuân Phả, múa đèn Đông Anh, hò sông Mã (Thanh Hóa); dân ca xứ Nghệ (Nghệ An); dân ca Cơ Tu, hát Lý, dân ca bài Chòi (Quảng Nam); dân ca, dân vũ dân tộc Pacô, Bru – Vân Kiều; Cồng Chiêng, múa Xoang (Đắc Lăk); múa, hòa tấu nhạc cụ dân tộc M’nông (Đăk Nông); dân ca, dân vũ, hòa tấu nhạc cụ dân tộc (Kon Tum); hát Bội, Cải lương (thành phố Hồ Chí Mnh); dân ca, dân vũ dân tộc S’tiêng (Bình Phước); đờn ca tài tử, hát Lý nam Bộ (Cà Mâu) hát Aday, múa Rôbăm (An Giang); Múa Sarăm, múa gáo, rom vông (Kiên Giang)…Tuy chưa có nhiều lễ hội (do yếu tố địa lý) được giới thiệu tại giao lưu nhưng một số lễ hội như lễ hội Cầu Ngư, lễ hội Ka Tê của tỉnh Ninh Thuận; lễ hội Phù Đổng, lẽ hội Vinh quy bái tổ của Hà Nội đã thực sự gây được sự chú ý của người xem, sự quan tâm của những người làm công tác văn hóa, lịch sử, sư phạm. Trình diễn trang phục truyền thống là một nội dung có đầy đủ các địa phương tham gia và là một điểm nhấn của hoạt động giao lưu.
Ở khu vực có đông đồng bào Khmer sinh sống, ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch vùng đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ IV cũng được tổ chức trang trọng, hoành tráng, có nhiều nét sáng tạo, đậm đặc văn hoá vùng sông nước... 12 tỉnh, thành phố đã hội tụ về đây với hàng nghìn nghệ nhân, nghệ sỹ, hạt nhân văn nghệ, vận động viên của phong trào thể dục, thể thao quần chúng. 4 ngày liên tục diễn ra các hoạt động văn hoá, thể thao sôi động, hấp dẫn. Đồng bào Khmer cùng đồng bào các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm... đã được thưởng thức những nét đặc sắc nhất của văn hoá Khmer trong cộng đồng các dân tộc anh em vùng Nam Bộ. 12 chương trình nghệ thuật kết hợp trình diễn trang phục truyền thống; các lễ hội Oóc Bom Bóc (cúng trăng) của đồng bào Khmer Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang; lễ hội Linh của Cà Mau; lễ dâng y (kathina) của Cần Thơ; lễ đút cốm dẹp của Vĩnh Long; lễ hội dâng cơm bát và từ thiện; lễ cưới truyền thống của đồng bào Khmer Tây Ninh...; ẩm thực trong đó chủ yếu là trình diễn, giới thiệu cách bảo quản, chế biến, thưởng thức đậm phong cách truyền thống, và đặc biệt là các trò chơi dân gian, thể thao truyền thống mang đậm tính cộng đồng, đặc thù địa lý và tinh thần thượng võ như đua ghe Ngo, kéo co, đẩy gậy, cờ ốc, thả diều, thả đèn trời... đã làm tưng bừng, náo nhiệt cả một khu vực rộng lớn tại các trung tâm, tụ điểm văn hoá suốt từ thành phố Cần Thơ đến thị trấn Ô Môn, trên sông Hậu, các điểm du lịch như chợ nổi, các danh thắng, di tích lịch sử - văn hoá. Ngoài ra những nét văn hoá đặc sắc của đồng bào Khmer còn được hai đơn vị thuộc Bộ Văn Hoá, Thể thao và Du lịch là Trung tâm triển lãm văn học nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng các dân tộc Việt Nam chọn lọc giới thiệu một cách khoa học, công phu và hấp dẫn.
Không kém về quy mô, sự hoành tráng và chất lượng nghệ thuật, ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch vùng Đông Bắc lần thứ VI cũng được tổ chức ngay sau đó đã để lại dấu ấn khó quên. Có thể nói đó là khúc “Coda” huy hoàng của bản Giao hưởng lớn về hoạt động giao lưu văn hoá các dân tộc thiểu số của năm 2008. 10 tỉnh vùng Đông Bắc đã hội tụ về thành phố kinh Bắc, góp mặt với hàng nghìn nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ, nghệ sỹ, sinh viên, học sinh các trường văn hoá nghệ thuật cùng thêu dệt nên bức tranh khổng lồ, rực rỡ những tinh hoa văn hoá các dân tộc Đông Bắc. Ngoài những nội dung thường thấy ở các hoạt động trên như trình diễn nghệ thuật và trang phục truyền thống, giới thiệu ẩm thực, thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian, trưng bày triển lãm, giới thiệu lễ hội, lễ cưới truyền thống..., nét mới của ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch vùng Đông Bắc lần này là giới thiệu các trại văn hoá. Đây thực sự là sáng tạo cần được phát huy của Ban tổ chức qua quá trình chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động văn hoá, thể thao diễn ra những năm vừa qua, từ đó suy ngẫm, tìm cách thể hiện mới nhưng phù hợp với điều kiện địa lý, đặc trưng văn hoá các dân tộc trong vùng. Những nhà nghiên cứu văn hoá, lịch sử, cán bộ tham mưu, quản lý, giảng dạy, sinh viên các trường văn hoá nghệ thuật thực sự bị cuốn hút bởi những kiểu giáng kiến trúc, vật liệu, tài hoa từ bàn tay, sự tinh tế trong thẩm mỹ, trong lối ứng xử với thiên nhiên của ông cha ta. Từ ngôi nhà của một gia đình dân tộc kinh bậc trung nông trước năm 1945 (Bắc Giang) đến nhà sàn của gia đình đồng bào Dao (Vĩnh Phúc), nhà sàn của người Mường (Phú Thọ), nhà lợp ngói ống của đồng bào dân tộc tỉnh Hà Giang, nhà sàn của người Tày (Lạng Sơn).... Mỗi dáng vẻ, cách bố trí sinh hoạt khác nhau nhưng tất cả đã cho người xem thấy được sự khác biệt, tính đa dạng, sự sáng tạo của mỗi dân tộc trong tiến trình tồn tại, phát triển của dân tộc mình. Những sáng tạo đó đã làm nên bức tranh văn hoá nhiều màu sắc nhưng thống nhất của nền văn hoá Việt Nam, làm nên sức mạnh tiềm ẩn bên trong tâm hồn mỗi con người, mỗi cộng đồng và toàn dân tộc.
Thực hiện thắng lợi chủ trương xây dựng, phát triển văn hoá của Nghị quyết Đại X của Đảng, trong những năm tới, ngành văn hoá, thể thao, du lịch cần có kế hoạch nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng về văn hoá; chiến lược, chính sách cụ thể để chăm sóc nghệ nhân, tài năng trẻ của văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao truyền thống. Đó chính là điều kiện cơ bản, quyết định sự thành công đối với nhiệm vụ bảo tồn, phát huy, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số.
Vũ Việt Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét