Thứ Năm, 25 tháng 12, 2008

CHÂU THÀNH - TRÀ VINH: QUAN TÂM ĐỜI SỐNG VÀ TÍN NGƯỠNG ĐỒNG BÀO KHMER

Sala gắn liền với đời sống văn hóa của đồng bào phật tử Khmer từ rất lâu đời, ngoài chùa chiền, thì sala là trung tâm thứ hai phục vụ cho việc sinh hoạt tôn giáo của đồng bào phật tử tại địa phương. Nhưng sala thường được dành cho tổ tín đồ nhỏ sinh hoạt. Ngoài ra, sala còn được dùng để dành cho những người lỡ đường có thể nghỉ ngơi, hoặc dùng để trú mưa, trú nắng cho khách thập phương. Vì vậy, trong các sala, ngoài nơi thờ cúng, người ta thường bố trí một lu nước nhỏ có thể dùng để rửa mặt hoặc uống được. Chính vì thế, không biết tự bao giờ, sala đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng gắn bó với người dân Khmer, cùng đồng bào Khmer tồn tại theo dòng lịch sử. Xã hội ngày càng phát triển nhưng những sala vẫn còn đó như muốn khẳng định sự hòa nhập của cái cổ xưa vào xã hội hiện đại, những sala vẫn giữ bản sắc riêng trong sự đa dạng của nền văn hóa dân tộc. Với ý nghĩa to lớn đó nên Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa mang tính bản sắc, bảo vệ không chỉ cho đồng bào Khmer mà còn là bảo vệ cho tính đa dạng của nền văn hóa dân tộc.
Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông thôn là vấn đề mà Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nằm trong chương trình hiện đại hóa giao thông nông thôn, con đường nối liền hương lộ 16 tới cổng chùa Sóc Nách ở ấp Thanh Trì B, xã Đa Lộc được UBND huyện Châu Thành đầu tư nâng cấp để bà con trong vùng đi lại dễ dàng. Công trình đang thi công thì có một vấn đề nảy sinh là do con đường được mở rộng hơn trước nên có một sala nằm trong phần mặt bằng thi công của công trình, để đảm bảo cho công trình thi công được như thiết kế đảm bảo an toàn giao thông, hơn nữa sala đã xuống cấp (sala này được xây dựng năm 1970) nên đơn vị thi công đã bàn bạc với tổ tín đồ và chính quyền địa phương đập bỏ sala cũ để xây dựng lại sala mới ngay vị trí cũ nhưng lùi lại khoảng 1m, đơn vị thi công sẽ hỗ trợ 3,5 triệu đồng kinh phí xây dựng, số tiền còn lại do bà con trong vùng quyên góp ủng hộ. Vì thế, vào ngày 01/11/2008, được sự thống nhất của đồng bào Khmer nơi đây, sala cũ đã được phá bỏ, 03 ngày sau, sala mới được chính bàn tay những người thợ hồ trong phum sóc xây dựng lại và hiện nay đã hoàn thành.

Người dân lại có niềm vui nhân đôi khi vừa có con đường mới, vừa có sala mới khang trang để đồng bào Khmer nơi đây quây quần trong mỗi mùa lễ hội. Giọt mồ hôi của những người thợ hồ đổ xuống để sala mới được mọc lên trong sự mong đợi của mọi người, để hằng ngày người dân qua lại con đường này có thể nhìn thấy một sala màu xanh nho nhỏ ven đường như thắp lên hy vọng vào sự bình an, vào đất trời tạo mưa thuận gió hòa, để người người chung vui hưởng ấm no, hạnh phúc.

Vậy mà lại có những người cố tình hiểu sai lệch về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Thậm chí còn thể hiện sự sai lệch đó trên các phương tiện truyền thông hiện đại. Báo Preynokor của KKF số 46 ra ngày 10/11/2008 trên internet có bài “Trà Vinh: Một Sala của Khmer Krom đã bị chính quyền Việt Nam phá bỏ” của tác giả Ônnothi Chey. Trích lược nội dung bài báo như sau: “nhiều đồng bào phật tử cùng Ban quản trị chùa đã khiếu kiện, tố cáo chính quyền Việt Nam tại sao phá bỏ sala là nơi thờ cúng, để phật tử sử dụng trong mùa lễ hội… không ai biết nguyên nhân chính quyền Việt Nam phá bỏ sala của đồng bào phật tử và việc phá bỏ nhằm mục đích gì. Nhưng họ điều tra thấy rằng, sala này nằm ở trước trụ sở mới xây dựng của chính quyền Việt Nam… Việc phá bỏ này cũng giống như là giải tán phật giáo Khmer…”.

Không thể hiểu nỗi những thông tin hoàn toàn sai lệch kiểu như vậy có thể lừa mị được ai, phải chăng đó cũng chỉ là những người không thấy hoặc cố tình không nhìn thấy những thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội… mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã đạt được hôm nay. Với những chính sách đúng đắn về dân tộc, tôn giáo, tự do tín ngưỡng… Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Đó là đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer ở Nam bộ nói chung, Trà Vinh nói riêng ngày càng được nâng cao. Đó là những nét văn hóa truyền thống quý báu riêng có của đồng bào dân tộc Khmer ngày càng được bảo tồn và phát huy. Đó là từ giữa năm 2005 đến giữa năm 2008, riêng tỉnh Trà Vinh đã xây dựng và trao tặng 13.330 căn nhà cho các hộ Khmer nghèo… Đặc biệt, thành tựu to lớn nhất mà Đảng, Nhà nước Việt Nam đạt được là ngày nay, là các dân tộc anh em luôn vui sống hòa thuận như chung một mái nhà, luôn đoàn kết cùng nhau chung vai xây dựng quê hương, đất nước ngày càng ấm no, giàu đẹp.

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán chính sách bình đẳng, đại đoàn kết các dân tộc, luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân. Những luận điệu xuyên tạc, những thông tin sai sự thật về tình hình trong nước đều cần phải bị lên án và xóa bỏ. Ai đó, dù đang ở đây hay ở bên ngoài biên giới, cũng đừng vì sự nhận thức không đúng đắn, đừng vì lợi ích riêng tư mà đi ngược lại lợi ích chung của mọi người. Và ai đó cũng đừng vì “lý tưởng” sai lệch của mình mà làm ảnh hưởng đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của cả dân tộc./.

T.V.T

Không có nhận xét nào: