Thứ Hai, 8 tháng 12, 2008

“Kỹ sư tin học” Chau Bunh Khươn


“Kỹ sư tin học” Chau Bunh Khươn (ảnh) chưa từng tốt nghiệp ở một trường đại học chuyên nghiệp nào. Thế nhưng, chàng thanh niên tuổi 30 này đã có nhiều nghiên cứu sáng tạo trong lĩnh vực tin học. Đặc biệt, “sản phẩm” tiêu biểu Font và bộ gõ chữ Khmer có tên “CTK”-2005 do Khươn tự mày mò nghiên cứu (có sự hỗ trợ về mặt ngữ pháp tiếng Khmer từ vài vị tiền bối) đang được Đài Tiếng nói Việt Nam tại ĐBSCL và Báo Cần Thơ Khmer ngữ sử dụng từ năm 2007. Đây là bộ gõ chữ Khmer được cho là hoàn chỉnh và có tính năng đa dạng nhất trong nước hiện nay.
* Cậu học trò nghèo biết lắp đặt “tổng đài nội bộ”
Nhiều thầy cô, bạn bè của Khươn ở Trường PTTH Dân tộc nội trú huyện Tri Tôn (An Giang) thường kể về câu chuyện một cậu học sinh lớp 11 (năm học 1997 - 1998) đã biết áp dụng lý thuyết vật lý phổ thông và sách điện tử cơ bản rồi tự lắp ráp thành công một hệ thống “điện thoại nội bộ”, làm nhiều bạn bè, thầy cô vật lý thời ấy hết sức thán phục.
Hệ thống này có công suất khoảng 15W, bao gồm những vi mạch cũ kỹ được bán ở “chợ trời”, các loa mini trong các máy game trẻ em bị hư hỏng, những khúc dây điện được thu lượm ngoài đường... Thế mà mấy món này lại được cậu học sinh Chau Bunh Khươn kết nối thành “phương tiện truyền thông” để “a lô” qua lại giữa sáu phòng trọ trong khu nội trú của trường.
Tốt nghiệp THPT năm 1999, nhà nghèo nên Khươn không thể tiếp tục đi học. Năm 2000, Khươn được nhận vào làm nhân viên bảo vệ cho Cơ quan Đặc trách công tác dân tộc Nam bộ (nay là Vụ Địa phương III thuộc Ủy ban Dân tộc của Chính phủ), có trụ sở tại TP Cần Thơ. Anh bảo vệ kiêm thợ điện tử này rất giỏi về sửa chữa, cài đặt và lắp ráp nhiều đồ dùng điện gia dụng và máy vi tính. Anh thường nhận sửa chữa và lắp đặt hoàn toàn miễn phí cho sinh viên nghèo và bè bạn gần xa...
* Tự học với chiếc máy vi tính cũ
Những bạn bè ở cùng phòng với Khươn thuộc lòng từng giờ giấc sinh hoạt của anh. Buổi sáng thức dậy, động tác đầu tiên của Khươn là ấn nút khởi động máy vi tính rồi mới đi đánh răng, rửa mặt “để khi quay lại thì máy đã khởi động xong, tiết kiệm thời gian!” - Khươn nói. Ai đó muốn mời Khươn ra quán nước thường phải có “lý do chính đáng” hoặc một dịp thật đặc biệt thì Khươn mới nhận lời.
Khươn bảo: “Mình không thích ngồi trầm quán, vừa tốn tiền, vừa tốn thời gian vô ích, lại không suy nghĩ, nghiên cứu được gì cả”. Các môn giải trí của Khươn là tập tạ và ca hát. Khươn cho rằng đây là những “môn ăn chơi” tại chỗ, ít tốn thời gian đi lại. Nhắc đến Bunh Khươn, có lẽ nhiều bà con dân tộc Khmer ở miền Tây thường nghĩ đến một “nam ca sĩ” nhạc Khmer thỉnh thoảng xuất hiện trên các đài truyền hình địa phương và khu vực; chứ ít ai biết anh là một “kỹ sư” tin học đầy tiềm năng, đi lên từ con đường tự học.
Trong quá trình tự học, khi gặp những vấn đề khó hiểu, Khươn tìm đến những đàn anh trong cơ quan để nhờ giải thích. Nếu chưa thông, Khươn tiếp tục lên mạng Internet hoặc đến các cơ sở đào tạo tin học tìm lời giải đáp. Khươn có thói quen đọc sách rất nghiêm túc. Anh nói: “Đã đọc một cuốn sách hay thì không nên bỏ qua chữ nào, kể cả mục lục, vì nó là hệ thống cô đọng, là tâm huyết của tác giả...”. Tủ sách của Khươn chủ yếu là sách cũ, bản sao hoặc được bạn bè tặng. Khươn rất trân trọng và giữ gìn chúng thật kỹ. Tiền lương bảo vệ ít ỏi, Khươn phải chi tiêu dè xẻn sao cho hàng tháng có dư một ít để thuê máy thực hành trong thời gian đầu tự học. Không bao lâu sau, Khươn tích lũy “sắm” được một dàn máy vi tính cũ rích, tốc độ “rùa bò”. Khươn nói: “Sử dụng máy càng cũ, càng dễ tiếp thu được nguồn gốc sơ khai của mọi công nghệ, tốt cho việc nghiên cứu...”.
Vậy mà, chưa đầy ba năm, bằng khả năng tự học, Khươn đã nắm vững hầu hết các kiến thức tin học cơ bản, kỹ năng nối và quản lý mạng nội bộ. Đặc biệt Khươn rất giỏi về ngôn ngữ lập trình như: PASCAL, C, C++...
* Các phần mềm dành cho cơ quan, báo đài Khmer ở Nam bộ
“Sản phẩm” tiêu biểu của Khươn là Font và bộ gõ chữ Khmer có tên “CTK”-2005 do anh tự mày mò nghiên cứu (có sự hỗ trợ về mặt ngữ pháp tiếng Khmer từ vài vị tiền bối), đang được Đài Tiếng nói Việt Nam tại ĐBSCL và Báo Cần Thơ Khmer ngữ sử dụng từ năm 2007. Đây là bộ gõ chữ Khmer được cho là hoàn chỉnh và có tính năng đa dạng nhất trong nước hiện nay.
Ngoài việc cung cấp cho báo đài, Khươn còn tặng “CTK” cho một số vị sư sãi ở các chùa Khmer và bạn bè gần xa có nhu cầu sử dụng. Nó cũng được sử dụng hàng ngày tại Vụ Địa phương III - Ủy ban Dân tộc. “CTK” đang được nhiều người ưa chuộng và đánh giá cao. Để có phần mềm này, Khươn phải miệt mài nghiên cứu suốt hai năm trên nhiều tài liệu bằng tiếng Anh, trong đó có Keyman Developer (chương trình hỗ trợ lập bộ gõ) và Font Creator (chương trình tạo font). Tuy nhiên, hiện tại Khươn chỉ có trong tay tờ “Giấy xác nhận” phần mềm mới về tiếng Khmer (do lãnh đạo Vụ Địa phương III cấp) chứ chưa được đăng ký bản quyền tại Cục bản quyền, vì “không đủ chi phí làm thủ tục” - Khươn tâm sự.
Năm 2006, lãnh đạo Vụ Địa phương III quyết định tuyển dụng Khươn vào làm nhân viên tin học chính thức. Được lãnh đạo Vụ tạo điều kiện, Khươn tiếp tục nghiên cứu một số chương trình ứng dụng quan trọng khác nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập và sử dụng tiếng Khmer tại ĐBSCL. Khươn đã tự lập ra một danh mục gồm hàng chục đề tài nghiên cứu về chữ Khmer mà anh tâm huyết. Anh xếp chúng theo thứ tự ưu tiên sao cho vừa đáp ứng nhu cầu cấp thiết, vừa phù hợp với điều kiện của bản thân.
Hiện tại, Khươn sắp hoàn thành thêm hai sản phẩm: “Phần mềm tự học chữ Khmer trên máy tính” và “Từ điển điện tử Việt-Khmer” gồm khoảng 3.000 từ vựng. Anh nghiên cứu hai phần mềm này theo đề nghị của nhiều cơ quan, báo đài và cá nhân đang có nhu cầu sử dụng phần mềm Khmer trong công việc. Anh cho biết, để hoàn thành hai chương trình này phải mất ít nhất ba năm. Khươn quyết tâm hoàn thành chúng vào đầu năm 2009 và rất có thể đó là những phần mềm tin học “Việt-Khmer” hoàn chỉnh nhất tại Việt Nam.
Khươn vừa được Vụ Địa phương III tạo điều kiện cho học chương trình Cử nhân tin học (hệ tại chức) do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức giảng dạy tại TP Cần Thơ. Mặc dù rất bận rộn với công việc cơ quan và bài vở hàng ngày trên lớp, Khươn vẫn tranh thủ thời gian để tiếp tục miệt mài trên dàn máy vi tính “khiêm tốn” của mình.
Ước mơ lớn nhất của Khươn là học xong đại học, có thêm những kiến thức chuyên sâu hơn để hoàn thành danh mục đề tài nghiên cứu mà anh đã lập ra, góp phần phục vụ cho mọi hoạt động liên quan đến tiếng Khmer ở ĐBSCL. Khươn mong muốn có được một website riêng để giới thiệu các phần mềm và font chữ Khmer đặc trưng của người Khmer Nam bộ. Đây sẽ là diễn đàn để Khươn gặp gỡ những bậc tiền bối ở khắp mọi nơi và học hỏi thêm kinh nghiệm. Khươn cũng đang phấn đấu hết mình để hỗ trợ hai đứa em ăn học đến nơi đến chốn, để chúng không bị gián đoạn việc học hành như anh trước đây.
ROM-VONG U MINH

Không có nhận xét nào: