Thứ Tư, 17 tháng 12, 2008

Ngày hội của bản sắc văn hóa và tinh thần đoàn kết

Đ/c Nguyễn Tấn Quyên – Bí thư thành ủy TP.Cần Thơ đánh hồi trống khai mạc lễ hội.

Ngày hội Văn hóa thể thao và du lịch vùng đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ IV năm 2008 diễn ra từ ngày 05 - 08/12/2008 tại thành phố Cần Thơ là ngày hội của đồng bào dân tộc Khmer nói riêng và người dân các tỉnh Nam bộ nói chung. Đây là dịp để dân tộc Khmer giới thiệu những nét đặc sắc của dân tộc mình với các dân tộc anh em về văn hóa, nghệ thuật điêu khắc, hội họa… Đúng 19 giờ ngày 5/12/2008, tại Trung tâm văn hóa quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ ngày hội đã chính thức được khai mạc và đã thu hút đông đảo quần chúng với đủ các thành phần sư sãi, trí thức, học sinh, sinh viên, nông dân …tham dự cùng với sự tham gia trình diễn của hơn 2.000 diễn viên, vận động viên và nghệ nhân đến từ 12 đoàn của 09 tỉnh, thành phố Tây Nam bộ: Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ, và 03 tỉnh, thành phố Đông Nam bộ: thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước và Tây Ninh. Các hoạt động của Ngày hội được diễn ra tại 2 địa điểm chính là quận Ô Môn và quận Ninh Kiều thuộc thành phố Cần Thơ.

Hòa trong tiếng nhạc ngũ âm, tiếng trống Sadam, múa Rămvong, hát DùKê của chương trình biểu diễn nghệ thuật, các lễ hội truyền thống, từng đoàn người Kinh, Hoa, Khmer tham gia Ngày hội đều cảm nhận được sự tinh tế, độc đáo, vẻ đẹp của văn hóa, bản sắc các loại hình nghệ thuật dân tộc Khmer. Bản sắc độc đáo nhưng vẫn có sự giao thoa, hòa hợp tạo nên cái hay, cái đẹp làm cộng hưởng trong cảm nhận và thưởng thức của người xem. Sự giao thoa ấy bắt nguồn từ các dân tộc cùng sinh sống trên dòng sông Mê Kông cuộn chảy qua Việt Nam trở thành dòng sông Cửu Long tạo nên nét đặc sắc đậm đà độc đáo riêng của từng dân tộc anh em.

Dòng sông Mê Kông đã mang phù sa thắm đậm cho vùng đất trù phú Nam bộ, hòa quyện các dân tộc anh em cùng chung tay góp sức xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp. Cũng trên dòng sông này, người Khmer được thể hiện tài năng, sức mạnh qua sự nhịp nhàng tay dầm trên những chiếc ghe ngo của những chàng trai, cô gái Khmer mang đậm nét truyền thống, trên bờ sông là sự cổ vũ cuồn nhiệt không mệt mỏi của đông đảo quần chúng nhân dân của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer như hiện lên bức tranh về truyền thống đoàn kết các dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hoạt động đua ghe ngo tại công viên sông Hậu – TP.Cần Thơ

Truyền thống văn hóa lịch sử của dân tộc Khmer được thể hiện đậm nét qua trang phục, nhạc cụ, kiến trúc, hội họa tại khu triển lãm của các đoàn tham gia Ngày hội. Ngoài ra, qua trưng bày di tích, lịch sử cho thấy cha ông ta đã có truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc anh em từ ngàn đời xưa và trong quá trình hội nhập phát triển đất nước hiện nay. Dân tộc Khmer cũng cùng các dân tộc anh em khẳng định vai trò của mình cũng như ý nghĩa trên các chủ đề của các đoàn thành phố Hồ Chí Minh “Đồng bào Khmer TP.Hồ Chí Minh hội nhập và phát triển”, “Sóc Trăng đoàn kết đổi mới và phát triển”, “Đặc trưng văn hóa Khmer trong cộng đồng dân tộc Việt Nam” ….
Các hoạt động văn hóa – văn nghệ

Ngày hội là sân chơi bổ ích cho người dân tộc Khmer được tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao; đồng thời qua đây, người dân tộc được giới thiệu với các dân tộc anh em rằng dân tộc Khmer tự hào có những truyền thống bản sắc hóa hóa đặc sắc, phong phú lâu đời góp phần tô thắm thêm vào truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam để cùng sánh vai với bè bạn năm châu.
Các hoạt động thể dục thể thao diễn ra trong Ngày hội

Ngày hội được tổ chức theo phong tục tập quán mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Khmer và diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi, nhận được nhiều sự quan tâm chia sẽ, ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân. Thành công của Ngày hội VHTT và du lịch vùng đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ IV trước hết là sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Chính phủ và các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi về vật chất, kinh phí, chương trình tổ chức để đảm bảo cho Ngày hội được diễn ra theo chương trình, kế hoạch, đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc. Mặt khác là sự chuẩn bị tích cực của các đoàn, sự tham gia nhiệt tình của các diễn viên, vận động viên, nghệ nhân và sự cổ vũ nhiệt tình của quần chúng nhân dân trong cộng đồng các dân tộc.

Trong tiến trình hội nhập phát triển chung của đất nước, dân tộc Khmer vẫn là một dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm phát triển về mọi mặt; luôn tôn trọng gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa và những giá trị vật thể, phi vật thể của dân tộc Khmer.
Ngày hội VHTT và du lịch vùng đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ V sẽ được tổ chức tại tỉnh An Giang. Phát huy tinh thần đoàn kết, phát triển của Ngày hội lần này, chắc chắn rằng Ngày hội lần thứ V sẽ là Ngày hội của “Đoàn kết và thắng lợi”.
Các đoàn nhận bằng khen và cờ lưu niệm của ban tổ chức
CMP

Không có nhận xét nào: