Thứ Hai, 29 tháng 12, 2008

Dấu ấn Kiên Giang trong Ngày hội VHTT&DL vùng đồng bào Khmer Nam bộ


Không khí nô nức của ngày hội - Ảnh: BCB
Từ ngày 5 - 9/12/2008 tại huyện Ô Môn- thành phố Cần Thơ đã diễn ra “Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL) vùng đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ IV”. Đây là sự kiện lớn do Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch phối hợp với các bộ ngành và 12 tỉnh, thành phía Nam có đông đồng bào dân tộc Khmer tổ chức…

Ngày hội đã quy tụ hơn 2 ngàn diễn viên, nhạc công, vận động viên và hơn 30 ngàn đồng bào các dân tộc trong khu vực về dự. UBND tỉnh Kiên Giang đã cho phép Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cử đoàn cán bộ, vận động viên, diễn viên, nghệ nhân… tham gia ngày hội này và đạt thành tích xuất sắc xếp thứ nhất toàn đoàn về thể thao, xếp thứ nhì toàn đoàn về văn nghệ.

Một góc triễn lãm văn hóa Khmer

Mở đầu đêm khai mạc diễn ra tối ngày 5/12 tại Trung Tâm Văn hóa quận Ô Môn- thành phố Cần Thơ là tiết mục ca múa “Đón chào ngày hội” của đoàn Cần Thơ với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa để giúp cho đời sống của người dân được sung túc. Sau lời khai mạc của Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, là các tiết mục văn nghệ Khmer đặc sắc. Lời ca tiếng hát hòa trong tiếng nhạc nghi lễ, sắc phục rực rỡ của đồng bào Khmer càng làm cho sân khấu đêm khai mạc sôi động hẳn lên. Tiếp tục chương trình là một màn nghệ thuật tổng hợp nói về cuộc sống hôm nay của đồng bào Khmer Nam bộ đang hằng ngày sát cánh cùng các dân tộc anh em khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam để xây dựng cuộc sống mới. Chương trình nghệ thuật chào mừng ngày hội còn nhiều tiết mục hấp dẫn như Ngày hội Đoàn kết, Mekong - Cần Thơ mời gọi... đã mang đến cho đêm hội không khí rộn ràng, lung linh sắc màu.

Đặc biệt, trong 4 ngày mở hội tại Trung tâm Văn hóa quận Ô Môn còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa truyền thống, như: biểu diễn trang phục dân tộc, giao lưu văn hóa nghệ thuật và thả đèn gió... lôi cuốn được đông đảo bà con Khmer, đồng bào người Kinh, người Hoa, người Chăm... ở Đồng bằng sông Cửu Long về dự.

Tiết mục văn nghệ của đoàn Kiên Giang

Đại Đức Hòa thượng Lý Long Công Danh –Trụ trì chùa Thủy Liễu huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang không dấu nổi niềm vui và sự xúc động khi đến với ngày hội lần này: “Tôi rất mừng vì đời sống vật chất, tinh thần vùng Đồng bào Khmer được Nhà nước quan tâm nên ngày càng tiến lên. Điều này được thể hiện rất rõ thông qua hoạt động triển lãm hình ảnh, hiện vật phong phú trong ngày hội lần này. Trong niềm vui ngày hội tôi cũng không quên điện thoại về bổn sóc thông báo cho bà con phật tử ở xã Thủy Liễu huyện Gò Quao mở đài lên xem các chương trình phát thanh truyền hình của VTV và đài Cần Thơ phản ánh về lễ hội”.

Trong ngày hội, các chương trình văn hóa nghệ thuật vừa đậm bản sắc Khmer vừa có sự giao lưu văn hóa với các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm càng tôn thêm sự độc đáo và tạo nên sự gắn bó đoàn kết giữa các dân tộc trong quá trình hội nhập. Lần này ngoài sự tham gia của các nghệ nhân có tuổi, thì đội ngũ nghệ nhân trẻ chiếm phần đông. Ông Đào Chuông – Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang phấn khởi nói: “Lực lượng diễn viên tỉnh Kiên Giang tham gia lần này cũng khá đông, lực lượng trẻ, điều kiện tham gia luyện tập cũng thuận lợi. Các tiết mục của đoàn mình gồm: múa trống Sadam, song ca nữ Bài ca ơn Bác, trình diễn trang phục dân tộc và trang phục lễ cưới, tiết mục múa Hương đồng thốt nốt... Khi trình diễn trên sân khấu, khán giả cổ vũ rất nhiệt tình cho đoàn Kiên Giang”.

Về thể thao những tiếng reo hò của người xem các cuộc thi đấu vang dội từng chập khiến không khí như nóng lên. Trong đó các môn thi đấu như kéo co, đẩy gậy.vv… luôn thu hút được người xem cổ vũ nồng nhiệt. Trong ngày hội, giải đua ghe ngo được nâng thành giải Quốc gia, 900 vận động viên của 13 đội đua (9 đội nam và 4 đội nữ) thuộc 8 tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã náo nức bước vào cuộc đua. Không khí tưng bừng náo nhiệt cả khúc sông Hậu từ cầu Cần Thơ đang thi công kéo đến sát phà Cần Thơ, tiếng trống lệnh cổ vũ tưng bừng, tiếng reo hò chen lẫn tiếng còi bắt nhịp trên mỗi chiếc ghe của các đội làm huyên náo cả một vùng sông nước. Đoàn Kiên Giang đã xuất sắc thể hiện được đẳng cấp của mình khi đoạt 02 giải nhất ở cự ly 1000m nữ và 800m nam.

Ông Võ Đồng Lập – Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng đoàn Kiên Giang cho biết: “Về kết quả thi đấu, sau khi tổng kết, đoàn Kiên Giang đạt hạng nhất toàn đoàn về thể thao với 6 HCV, 3 HCB, 3 HCĐ. Các huấn luyện viên, vận động viên đã áp dụng tốt chiến thuật và kỹ thuật, biết gìn giữ sức khỏe để đạt thành tích cao như môn đua ghe ngo, đẩy gậy …”.

Không gian khu triển lãm cũng nằm trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa quận Ô Môn. 12 gian triển lãm của 12 tỉnh thành đều thể hiện những nét đặc trưng chung nhưng vẫn có bản sắc riêng của từng vùng. Chẳng hạn như gian trưng bày của thành phố Cần Thơ nổi bật với mô hình các nhà sư, achar và phật tử chuẩn bị nước thơm tắm Phật tại chính điện trong dịp Tết mừng năm mới. Nếu như khu trưng bày của đoàn An Giang khiến mọi người thán phục bởi sự trình diễn các loại nhạc cụ dân tộc của những “nhạc công” nhỏ tuổi thì gian trưng bày của tỉnh Kiên Giang lại nổi bật với các sản phẩm thủ công truyền thống. Ông Nguyễn Hữu Phương – Phó Giám đốc Bảo tàng Kiên Giang giới thiệu: “Gian triển lãm hình ảnh, hiện vật văn hóa Khmer của tỉnh Kiên Giang có diện tích khoảng 54 m² giới thiệu với bạn bè và du khách 4 nội dung, đó là: Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang. Thứ hai là nét đặc trưng văn hóa, tâm linh Khmer tỉnh Kiên Giang. Chủ đề thứ ba là một số hoạt động kinh tế. Cuối cùng là giới thiệu một số hoạt động về văn nghệ thể thao của đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang. Khách tham quan rất thích các sản phẩm nghề thủ công truyền thống như: nón, chiếu, đan bàng và sản phẩm nghề gốm…”.

Hấp dẫn du khách hơn cả có lẽ là khu ẩm thực giới thiệu những món ăn tiêu biểu, độc đáo, được rất nhiều phụ nữ quan tâm. Tại khu ẩm thực, các đơn vị tham gia đã mang đến lễ hội những món ăn độc đáo trong văn hóa ẩm thực của đồng bào Khmer... của từng vùng. Cốm dẹp là một đặc sản chung của bà con Khmer được hầu hết các đoàn đều trưng bày và giới thiệu, trong đó nổi bật nhất là đoàn Vĩnh Long có thêm phần tái hiện các công đoạn làm cốm dẹp, có nhân viên phụ trách giới thiệu minh họa cho mô hình. Tỉnh An Giang giới thiệu các món ăn chế biến từ trái thốt nốt như: đường, bánh bò, thạch... Riêng tỉnh Kiên Giang giới thiệu các món đặc sản như: mắm bò hóc, rượu sim Phú Quốc, chuột đồng nướng.vv…

Về thành tích chung cuộc, đoàn Kiên Giang đã xếp thứ nhất toàn đoàn về thể thao, tổng cộng 12 huy chương các loại (gồm 06 HCV, 03 HCB, 03 HCĐ). Về văn nghệ, Kiên Giang xếp thứ nhì toàn đoàn với 9 giải. Trong đó có 03 giải nhất về các nội dung thi trang phục truyền thống, tiết mục múa Hương đồng thốt nốt, Ngày hội đua thuyền. 03 giải nhì về đơn ca và tốp ca, 2 giải ba về song ca và 01 giải nhất về văn hóa ẩm thực. Về trưng bày triển lãm Bảo tàng Kiên Giang đạt giải khuyến khích.

Theo các nhà chuyên môn đánh giá thì “Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ IV” bên cạnh những thành công vẫn còn những hạn chế, đó là công tác quảng bá trước và trong ngày hội chưa mạnh, công tác xã hội hóa còn yếu, sự kết hợp với du lịch chưa rõ nét. Đối với đơn vị đăng cai có nhiều cố gắng và được chuẩn bị khá chu đáo, song do địa điểm tổ chức khá xa trung tâm, thời tiết xấu, làm hạn chế sự quan tâm của nhân dân. Tuy vậy, thành công của ngày hội vẫn là lớn nhất, nó sẽ góp phần đáng kể để ngày hội kế tiếp và năm 2011 tại tỉnh An Giang thêm hương sắc. Sau 4 ngày đêm hoạt động sôi nổi, đêm 8.12, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào Khmer Nam bộ đã chính thức khép lại với ấn tượng khó phai về một ngày hội hoành tráng, đậm đà bản sắc Khmer, khẳng định tình đoàn kết giữa các dân tộc ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bùi Công Ba


Không có nhận xét nào: