Thứ Ba, 16 tháng 12, 2008

Nhân ngày nhân quyền thế giới 10-12: Quan điểm của Việt Nam về quyền con người





Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Genevo, Thụy Sỹ
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, lúc sinh thời luôn có một ước vọng: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Ý nguyện đó của Người phản ánh khát vọng của nhân dân Việt Nam, thể hiện những giá trị thiết yếu về quyền con người, là mục đích, tôn chỉ hoạt động xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam. Dân tộc Việt Nam không phân biệt già trẻ, gái trai, sắc tộc, tôn giáo đã đoàn kết một lòng, vượt qua mọi thử thách, gian khổ, hy sinh để giành và giữ các quyền cơ bản đó.

Nhà nước Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước, là trung tâm của các chính sách kinh tế - xã hội. Bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Việt Nam đều nhằm phấn đấu cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, tất cả vì con người và cho con người.

Trong suốt chiều dài lịch sử, loài người luôn đấu tranh nhằm giải phóng con người, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong thời gian dài dân tộc Việt Nam bị nước ngoài đô hộ, phải gánh chịu những hy sinh, mất mát to lớn để giành độc lập. Thông qua cuộc đấu tranh kiên cường suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước qua nhiều thế kỷ, dân tộc Việt Nam đã khẳng định rằng, quyền thiêng liêng, cơ bản nhất của con người là quyền được sống trong độc lập, tự do, quyền được tự quyết định vận mệnh của mình. Đây cũng chính là nguyên tắc có tính nền tảng về quyền tự quyết dân tộc đã được khẳng định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và tại điều 1 của cả hai Công ước quốc tế cơ bản nhất của Liên Hợp Quốc về quyền con người: Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội, Văn hoá và Công ước quốc tế về các quyền Dân sự, Chính trị.
Từng là nạn nhân của nhiều cuộc chiến tranh xâm lược - sự vi phạm lớn nhất quyền con người, hơn ai hết Việt Nam hiểu rõ rằng quyền con người vừa mang tính phổ biến, thể hiện khát vọng chung của nhân loại, được ghi trong Hiến chương của Liên Hợp Quốc; vừa có tính đặc thù đối với từng xã hội và cộng đồng. Chính phủ Việt Nam cho rằng, trong một thế giới ngày càng đa dạng, khi tiếp cận và xử lý vấn đề quyền con người cần kết hợp hài hòa các chuẩn mực, nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế với những điều kiện đặc thù về lịch sử, chính trị, kinh tế - xã hội, các giá trị văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán của mỗi quốc gia và khu vực. Không một nước nào có quyền áp đặt mô hình chính trị, kinh tế, văn hoá của mình cho một quốc gia khác. Việt Nam cho rằng, cần tiếp cận một cách toàn diện tất cả các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế - xã hội, văn hoá trong một tổng thể hài hoà, không được xem nhẹ bất cứ quyền nào. Các quyền và tự do của mỗi cá nhân chỉ có thể được bảo đảm và phát huy trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích chung của dân tộc và cộng đồng; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ đối với xã hội. Việc chỉ ưu tiên hoặc tuyệt đối hoá các quyền dân sự, chính trị và một số quyền tự do cá nhân, không quan tâm thích đáng đến quyền phát triển, các quyền kinh tế - xã hội và văn hoá của cả cộng đồng là cách đề cập phiến diện, không phản ánh đầy đủ bức tranh toàn cảnh về quyền con người.

Chính phủ Việt Nam cho rằng, việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trước hết là trách nhiệm và quyền hạn của mỗi quốc gia. Các quốc gia có trách nhiệm xây dựng hệ thống pháp luật trong nước phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hợp Quốc có tính đến hoàn cảnh của mỗi nước để bảo đảm cho người dân được thụ hưởng quyền con người một cách tốt nhất. Do khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị, trình độ phát triển, giá trị truyền thống văn hoá... nên cách tiếp cận về quyền con người của mỗi quốc gia có thể khác nhau. Việc hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là một yêu cầu cần thiết và khách quan. Việt Nam ủng hộ việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người trên cơ sở đối thoại bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ ngày càng tốt hơn các quyền con người. Việt Nam cũng cho rằng không nước nào có quyền sử dụng vấn đề quyền con người làm công cụ can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia, gây đối đầu, gây sức ép chính trị, thậm chí sử dụng vũ lực hoặc làm điều kiện trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại...

Trong một thế giới tùy thuộc lẫn nhau, các quyền con người chỉ có thể được tôn trọng và bảo vệ trong một môi trường hòa bình, an ninh, bình đẳng và phát triển bền vững, trong đó các giá trị nhân bản được tôn trọng và bảo vệ. Cuộc đấu tranh vì các quyền con người cần tiến hành đồng thời với các biện pháp ngăn chặn chiến tranh, xung đột, khủng bố, nghèo đói, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia... đang hàng ngày, hàng giờ đe dọa hòa bình, an ninh, độc lập và phồn vinh của mọi quốc gia, ngăn cản việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên toàn thế giới. Các quan điểm nêu trên của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc, nội dung cơ bản và xu thế phát triển theo hướng tiến bộ của luật pháp quốc tế nói chung và trong lĩnh vực quyền con người nói riêng.

Nhà nước Việt Nam đã và đang xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm các quyền con người được thực hiện một cách đầy đủ nhất.
Ngay sau khi giành được độc lập năm 1945, quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và sau đó tiếp tục được khẳng định, mở rộng trong các Hiến pháp năm 1959, 1980 và 1992 (sửa đổi năm 2001). Hiến pháp năm 1992 là văn kiện pháp lý cao nhất của Nhà nước Việt Nam, đã ghi nhận một cách trang trọng, rõ ràng và toàn diện các quyền con người (tại các điều 2 và 50) và nội dung các quyền này đã được thể hiện xuyên suốt trong các chương, mục của hiến pháp, đặc biệt được nêu tập trung tại Chương 5 về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Các quyền con người quy định trong hiến pháp đã không ngừng được cụ thể hoá trong các văn bản pháp quy của Việt Nam. Chỉ tính từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã ban hành 13.000 văn bản pháp luật các loại, trong đó có hơn 40 bộ luật và luật, trên 120 pháp lệnh, gần 850 văn bản của Chính phủ và trên 3.000 văn bản pháp quy của các bộ, ngành được thông qua và thực thi.

Như vậy, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã thể hiện đầy đủ tất cả các quyền cơ bản, phổ biến của con người được nêu trong Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới năm 1948 và các công ước quốc tế khác của Liên Hợp Quốc về quyền con người. Điều này chứng tỏ những tiến bộ vượt bậc và những cố gắng rất lớn của Nhà nước Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người trong bối cảnh Việt Nam còn đang trong quá trình xây dựng một Nhà nước pháp quyền, khi tình hình kinh tế - xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn.
PGS, TS BÙI QUẢNG BẠ

Không có nhận xét nào: