Theo thông lệ hằng năm, vào ngày rằm tháng 10 âm lịch (12/11/2008), đồng bào Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long đều tổ chức lễ Oóc-om-bóc ở từng gia đình, từng phum sóc.
Riêng với đồng bào Khmer ở Sóc Trăng được chính quyền địa phương quan tâm tổ chức lễ Oóc-om-bóc, hội đua ghe ngo quy mô lớn và ngày càng long trọng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, hâm mộ văn hóa thể thao của đồng bào Khmer, Kinh, Hoa trong tỉnh. Đồng thời nhằm thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương V khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Theo Hòa thượng Tăng Nô - trụ trì chùa Khleang (TP Sóc Trăng), lễ Oóc-om-bóc được tổ chức vào ngày rằm tháng 10 với tên gọi theo tiếng Việt là "Lễ cúng thần mặt trăng" hay "Lễ cúng trăng" thể hiện lòng biết ơn vị thần mặt trăng đã phù hộ một mùa vụ bội thu và cho sự ấm no của nhân gian.
Oóc-om-bóc thu hút mọi người không chỉ là dịp cúng lễ mà tính chất hội hè của nó. Ở các gia đình, khi ánh trăng (đêm 14/10 âm lịch) vừa lên, gia chủ mang đồ cúng để trên chiếc mâm, đặt trước sân nhà và trong mâm cúng không thể thiếu món cốm dẹp. Sau khi xong phần cúng nghi thức ở gia đình, mọi người bắt đầu đổ về các ngôi chùa gần nhà để chung vui đêm cúng trăng, thả đèn gió, đèn nước, múa Lăm vông, hát Rô Băm, Dù kê…
Còn theo ông Lâm Ren, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, những năm gần đây, nhờ sự giúp đỡ của Trung ương và sự cố gắng của các cấp chính quyền địa phương nên đời sống của đồng bào Khmer có nhiều thay đổi. Thậm chí, nhiều người Khmer trở thành triệu phú, nông dân sản xuất tiên tiến có thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm. Chính vì thế, năm nay bà con Khmer đến với lễ Oóc-om-bóc với tinh thần phấn khởi, vui tươi, góp phần làm cho lễ hội càng thêm long trọng, hoành tráng…
Ông Sơn Lương, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Tuần lễ văn hóa lễ hội Oóc-om-bóc đua ghe ngo năm 2008 bắt đầu từ ngày 5 đến hết ngày 12/11. Trọng tâm của lễ hội là cuộc đua ghe ngo truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Lễ hội cũng nằm trong chuỗi hoạt động của chương trình "Năm du lịch quốc gia Mekong - Cần Thơ 2008". Năm nay có 42 đội đua nam và 15 đội nữ của Sóc Trăng và các tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh và Kiên Giang…
Du khách đến Sóc Trăng vào dịp này sẽ được tham dự Hội chợ thương mại, các hoạt động vui chơi giải trí, biểu diễn văn hóa nghệ thuật tại Khu văn hóa Hồ Nước Ngọt; triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh...
Bà Charya, Giám đốc Phòng Trưng bày văn hóa Khmer, cho biết: "Chuẩn bị cho tuần văn hóa lễ hội Oóc-om-bóc năm nay, ngoài 600 hiện vật đã trưng bày từ trước, Phòng Trưng bày văn hóa Khmer đã được tỉnh đầu tư nâng cấp với kinh phí gần 1 tỉ đồng. Chúng tôi đang chọn lọc thêm một số hiện vật độc đáo nữa trong số 12.000 hiện vật còn lưu giữ trong kho để trưng bày cho du khách tham quan để hiểu thêm về văn hóa của người dân tộc Khmer. Hy vọng, Phòng Trưng bày sẽ làm hài lòng khách đến tham quan".
Cũng nằm trong chương trình tuần lễ văn hoá năm nay, tại HTX làng nghề Phú Tâm (huyện Mỹ Tú), không khí chuẩn bị các mặt hàng thủ công truyền thống như đan đát, vẽ tranh trên kiếng rất sôi động.
Theo kế hoạch của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng và nguyện vọng của nhân dân, lễ hội Oóc-om-bóc của đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng năm nay sẽ được nâng cấp thành Festival Oóc-om-bóc. Đó cũng là sự kiện khởi đầu mở ra các hoạt động xúc tiến thương mại-du lịch, giới thiệu, quảng bá các tour, tuyến, điểm du lịch, phong tục tập quán, sinh hoạt sản xuất của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn, tạo đà phát triển cho du lịch Sóc Trăng.
Riêng về tình hình an ninh trật tự (ANTT), ngay từ cuối tháng 10, Công an TP Sóc Trăng phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, lực lượng Quân sự địa phương và dân quân tự vệ đồng loạt ra quân tuần tra, kiểm soát, trong đó tập trung ở các điểm vui chơi giải trí, như: Khu văn hóa Hồ Nước Ngọt, công viên, quảng trường, các điểm chùa, nhà thiếu nhi, nhà văn hóa và đặc biệt là 2 bên bờ sông Sung Đinh nơi diễn ra cuộc đua ghe ngo hoành tráng vào chiều 11/11 (15 đội ghe ngo nữ) và sáng 12/11 (42 đội ghe ngo nam) thi đấu từ vòng loại đến chung kết.
Ngày 7/11, trao đổi với PV Báo CAND, Thượng tá Trần Quốc Thọ, Trưởng Công an TP Sóc Trăng, cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh về việc thực hiện đợt cao điểm tấn công tội phạm bảo vệ ANTT, Công an TP Sóc Trăng đã lên kế hoạch triển khai công các bảo vệ lễ hội Oóc-om-bóc của địa phương, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân trong tỉnh và các nơi về tham gia những ngày lễ hội"
Nam Thơ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét