Các huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, như: Kiên Lương, Hòn Đất, Giồng Riềng, Gò Quao đã duy trì tốt mô hình Ngày hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Khmer, Liên hoan tiếng hát đồng bào dân tộc Khmer. Mới đây, tại xã biên giới Phú Lợi (Kiên Lương), Ngày hội Văn hóa – Thể thao dân tộc Khmer diễn ra thật sôi nổi, hơn 20 văn nghệ sĩ các phân hội chuyên ngành của Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh và huyện Kiên Lương đã tham gia giao lưu với đồng bào huyện biên giới trong không khí ấm tình đoàn kết. Nói về việc đầu tư nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào Khmer, ông Nguyễn Hữu Phúc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết: “Thời gian qua, tỉnh đã cấp hơn 80 bộ âm thanh, nhạc cụ, dàn nhạc ngũ âm cho các đội văn hóa cơ sở. Hiện có 25 đội văn nghệ Khmer, câu lạc bộ Dùkê, múa Ramvông phát triển theo hình thức xã hội hóa và hoạt động tốt”. Chùa Khmer là công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu cho văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ, đó cũng là trung tâm văn hóa, tôn giáo, xã hội của khu vực cư trú của đồng bào Khmer, vì thế từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia hàng năm , Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đều dành phần lớn để trùng tu, tôn tạo các di tích được xếp hạng cấp Quốc gia và cấp tỉnh, như các chùa: Láng Cát, Phật Lớn (Rạch Giá), Tổng Quản (Gò Quao), Sóc Xoài (Hòn Đất). Chùa Xẻo Cạn (An Biên), Xà Xía (Hà Tiên) cũng được đưa vào kế hoạch trùng tu, tôn tạo. Đây là những ngôi chùa không chỉ được xếp hạng về di tích kiến trúc nghệ thuật, mà còn gắn với di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, chứng tích chiến tranh. Sư trụ trì các chùa, phật tử và bà con bổn sóc đều có trách nhiệm bảo vệ những di tích xếp hạng đúng tinh thần của Pháp lệnh bảo vệ di tích. Hiện có 20 ngôi chùa có công trong kháng chiến, được Sở đưa vào kế hoạch chống xuống cấp. Riêng 2 chùa Khmer Thôn Dôn, Rạch Sỏi (Rạch Giá) dân đóng góp khoảng 2 tỉ đồng để phục hồi một số hạng mục xuống cấp. Năm 2007, UBND tỉnh quyết định nâng cấp lễ hội Ok Om Bok lên quy mô cấp tỉnh - Ngày hội Văn hoá -Thể thao dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang, các huyện có đông đồng bào Khmer phát triển các đội văn nghệ quần chúng, văn nghệ dân tộc để tham gia lễ hội quy mô này. Thành phố Rạch Giá đầu tư hơn 220 triệu đồng đóng 2 ghe ngo, khôi phục các đội văn nghệ dân tộc; Kiên Lương thành lập Đội Văn nghệ Khmer xã Bình An, đầu tư mua sắm trang thiết bị trị giá hơn 100 triệu đồng; nhiều nơi như Phi Thông (Rạch Giá), Châu Thành, Gò Quao… khuyến khích đồng bào dân tộc phục hồi các làng nghề truyền thống như: đan mây tre, dệt chiếu và một số nghề thủ công khác để tham gia Ngày hội Văn hóa – Thể thao của tỉnh hàng năm. Đánh giá 10 năm thực hiện Chỉ thị 39/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác văn hóa – thông tin trong đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh, ông Nguyễn Hữu Phúc cho biết thêm: “Về cơ bản đã đưa được các hoạt động văn hóa về cơ sở phục vụ cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, đặc biệt vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer. Hiện nay, các vùng này đều đã có trung tâm văn hóa thông tin, nhà văn hóa, đội thông tin lưu động, nhà truyền thống, thư viện, đội văn nghệ quần chúng, bưu điện văn hóa xã... Ngân sách địa phương cũng đã cấp 5 tỉ đồng để xây dựng 5 trung tâm văn hóa làm mô hình thí điểm cho các xã Long Thạnh (Giồng Riềng), Tân Hiệp A (Tân Hiệp), Mỹ Đức (Hà Tiên), Đông Hưng A (An Minh), Vĩnh Hiệp (Rạch Giá). Với các thiết chế văn hóa này, đã xóa cơ bản nạn “khát văn hóa” của đồng bào vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc”. Dự ngày Hội Văn hóa – Thể thao dân tộc Khmer mới đây ở huyện biên giới Kiên Lương, Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Trương Thanh Hùng cho biết: “Anh em văn nghệ sĩ không chỉ dự để có dịp giao lưu với các nghệ nhân, diễn viên văn nghệ quần chúng, mà điều quan trọng là từ chuyến đi thực tế này, anh chị em hiểu thêm cuộc sống lao động, sinh hoạt tinh thần phong phú của đồng bào dân tộc, để sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc từ cảm xúc thực này”. Đây cũng là hoạt động nằm trong kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” theo Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khoá X). Thanh Xuân | ||
Thứ Tư, 26 tháng 11, 2008
Đời sống văn hóa của đồng bào Khmer ngày càng khá hơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét