Có nhiều cách hiểu khác nhau nên lễ Oóc-om-bok còn được biết dưới những tên khác: Lễ cúng trăng, lễ đút cốm dẹp, lễ đưa nước và có nhiều cách giải thích khác nhau về nguồn gốc lễ này; phần lớn cho rằng sở dĩ có tên gọi là “cúng trăng” là vì lễ này nhằm để tưởng nhớ đến công ơn mặt trăng, coi mặt trăng là một vị thần điều tiết mùa màng đã giúp con người được làm ăn khá giả trong năm. Còn số khác thì lý giải lễ này có nguồn gốc dựa trên một điển tích của kinh Phật. Đó là chuyện về một con thỏ đã nhảy vào lửa để cúng dường cho một vị tu sĩ. Vị tu sĩ này chính là hiện thân của thần Sekara. Thần lấy làm cảm động với nghĩa cử ấy nên vẽ lên mặt trăng hình con thỏ để nhân gian tưởng nhớ. Còn con thỏ ấy lại chính là kiếp trước của Phật Thích Ca. Còn một cách giải thích khác trên cơ sở hiện vật chính được cúng trong ngày lễ, cũng như đặc điểm về tập quán sản xuất và sinh họat của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi có mùa nước nổi. Có một loại thức ăn rất đặc biệt dùng để cúng trong dịp lễ Óoc-om-book là “cốm dẹp”. Cốm dẹp là một lọai thức ăn được làm từ lúa nếp. Tháng Mười âm lịch là lúc nếp trên đồng vừa chín. Người ta gặt về rồi lấy hạt còn nguyên vỏ rang lên, giã (“quết”) bằng cối và chày gỗ cho dẹp lại (vì vậy mới có tên là “cốm dẹp”). Vào giữa tháng Mười âm lịch là thời điểm nước sông Cửu long rút khỏi đồng ruộng nên hiện tượng này được chào đón bằng lễ Óoc-om-bok và còn được gọi là lễ đưa nước.
Với quan niệm về vũ trụ và hình thức cũng như ý nghĩa của lễ nên có thể nhận thấy đây chính là kết quả của nền văn minh nông nghiệp. Ở đây là nông nghiệp lúa nước, vì người Khmer sinh sống trong khu vực địa lý chịu nhiều tác động và phụ thuộc vào thiên nhiên, nhất là lũ lụt theo mùa, trong khi hoạt động sản xuất chủ yếu chỉ là canh tác lúa nước.
Ở tất cả các ngôi chùa, salaten và các gia đình đồng bào Khmer tỉnh Cà Mau đều được trang hoàng, quét dọn sạch sẽ trang nghiêm và cầu nguyện Lễ cúng trăng: lễ cúng trăng vào tối ngày 14 tháng 10 (âm lịch), thời gian hành lễ trước khi mặt trăng lên đến đỉnh đầu. Vị trí hành lễ đặt tại sân của từng nhà, sân chùa hay nơi rộng rãi không bị che khuất ánh trăng. Tại đây người ta chôn hai cây tre (hoặc tầm vông) làm trụ. Phía trên buộc một cây xà ngang dài chừng 3m, trang trí hoa lá (giống như một cổng chào). Phía dưới kê bàn đặt lễ vật. Lễ vật gồm có cốm nếp; các loại sản vật nông nghiệp có tinh bột (khoai lang, khoai môn, sắn); hoa trái (dừa, chuối, bưởi, cam...), bánh kẹo. Với lòng thành kính, mọi người ngồi chắp tay trước ban thờ, mặt hướng lên mặt trăng, một cụ già làm chủ lễ đọc lời khấn Thần Mặt Trăng, sự biết ơn của con người đối với thần, xin thần tiếp nhận lễ vật và ban phước lành cho họ và cầu nguyện cho mọi người được khỏe mạnh, cho con trẻ học hành giỏi giang, cuộc sống gia đình hạnh phúc, ấm no với mong ước mưa gió thuận hòa, cây cối xanh tươi với những mùa vụ bội thu.
Đêm trăng rằm cùng với lễ cúng trăng trang nghiêm đoàn nghệ thuật khmer tỉnh tổ chức đi biểu diễn ở các chùa, salaten tỉnh Cà Mau với những tiết mục văn nghệ sôi nổi, cuốn hút và phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa Khmer, đã góp phần tạo nên không khí sôi động của ngày lễ. Tại các chùa, salaten còn tổ chức các hoạt động thể thao, hát Dù Kê, múa lâm thôn, thi đấu bi sắt, thi thả đèn gió, đèn nước đã trở thành một hoạt động hấp dẫn nhất trong ngày lễ hội Oóc-Om-Book truyền thống của đồng bào Khmer. Lễ hội Oóc-om-bok không chỉ mang nghĩa nhân văn sâu sắc là tạ ơn thiên nhiên đã ưu đãi cho những mùa bội thu, mưa thuận gió hòa, no cơm ấm áo mà còn là dịp cho người nông dân thư thả sau những ngày tháng lao động vất vả.
Tại các ngôi chùa Khmer đêm 14 tháng 10 còn có tục thả đèn nước trên sông và thả đèn gió bay lên trời. Theo quan niệm của người Khmer, tục thả đèn nước sẽ xua tan bóng tối, sự ô uế và buồn bã, giữ lại sự bình yên trong phum, sóc. Nhiều hoạt động sân khấu truyền thống Khmer như đoàn Dù kê, Rô băm biểu diễn phục vụ khách hành hương trảy hội vào tối 14 này. Theo phong tục cổ truyền của người Khmer, ngày hôm sau lễ cúng trăng (15/10) là tục đua ghe ngo. Trước khi đi dự thi, cộng đồng thường làm lễ tạ thần và tổ chức chiêu đãi những người tham gia cuộc thi.
Tỉnh Cà Mau rất quan tâm đến đồng bào dân tộc khmer đang sinh sống trong toàn tỉnh. Sau lễ hội Oóc-om-bok thì Cà Mau đang sẵn sàng cho Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch Khmer Nam bộ được tổ chức tại thành phố Cần Thơ và Cà Mau sẽ tham gia: Biểu diễn Nghệ thuật, lễ hội dân gian, ẩm thực, thể thao, triển lãm trưng bày hiện vật … nhằm giới thiệu những nét sinh hoạt văn hoá tiêu biểu của người Khmer ở Cà Mau. UBND tỉnh Cà Mau cũng đã hỗ trợ 300 triệu đồng để đơn vị Cà Mau tham ngày hội văn hoá Khmer Nam bộ.
HOÀNG HẠNH - YẾN NGỌC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét