Chữ Khmer cổ của người Khmer ở Kiên Giang được viết trên lá bối, chép các bộ kinh, ghi lại những câu chuyện- sự kiện trong cuộc sống văn hóa, xã hội, tín ngưỡng, phong tục tập quán... mang dấu ấn đặc thù của cư dân trong tỉnh từ khi khai hoang lập ấp đến nay...
Kiên Giang hiện có 73 ngôi chùa Khmer – nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer đang lưu giữ khoảng 1.000 văn bản chữ Khmer viết trên lá bối; tập trung ở các chùa lớn, có lịch sử lâu đời như chùa Láng Cát, chùa Phật Lớn, chùa Tà Pết, chùa Sóc Xòai... Lá bối (lá buôn) là lá thốt nốt non được chọn phiến ép thẳng, ngâm tẩm chống mối mọt, phơi khô... trở thành một thứ có công dụng như giấy viết. Khi "viết" lên lá người ta dùng kim khắc chữ, sau đó dùng một loại phẩm đen chà lên mặt lá rồi lau sạch, chữ viết sẽ nổi bật trên mặt lá. Lá bối từng phiến, dùng dây chỉ kết lại thành cuốn, mỗi bộ sách gồm nhiều cuốn hợp lại.
Hiện nay, do tác động của môi trường và khí hậu nóng ẩm, tủ sách của các chùa thiếu sự bảo quản tốt, thời gian lưu giữ quá lâu nên không tránh khỏi hư hỏng, xuống cấp. Ngoài ra, do ít người đọc được, không hiểu giá trị của loại văn bản này nên có nhiều cuốn và văn bản viết trên lá bối bị thất lạc hoặc mất.
Thạc sỹ Danh Đức, Hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang cho biết: "Hiện nay số người đọc được chữ Khmer cổ (chữ Bắc Phạn và Sankrit) chỉ đếm trên đầu ngón tay và hầu hết đã tuổi cao sức yếu, do vậy một phần kho tàng tri thức dân gian, thông tin có giá trị về lịch sử, văn hóa- xã hội của người Khmer cổ đang có nguy cơ mai một”.
Thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa dân tộc, đã đến lúc các ngành hữu quan cần phải có một công trình khoa học, sưu tầm, dịch thuật, hiệu đính các văn bản chữ Khmer cổ và đưa ra một số định hướng bản tồn, phát huy giá trị của chúng.
Văn Cương (Theo Kinh tế Nông thôn) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét