Ðây là một lễ hội mang đậm mầu sắc dân gian, hấp dẫn và sôi động, thu hút đông nhân dân trong vùng và du khách tham dự. Năm nay, lễ hội đua bò Bảy Núi lần thứ 17 được tổ chức tại khu vực sân chùa Tà Miệt, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn vào ngày 27-9.
Từ năm 1990 đến nay, Tết Ðôn-ta và lễ hội đua bò Bảy Núi ở An Giang đã được luân phiên tổ chức tại chùa Thamit, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên và chùa Tà Miệt, huyện Tri Tôn. Dần dần, lễ hội đua bò được nâng cấp và trở thành một sản phẩm du lịch lễ hội, thể thao độc đáo của địa phương. Ngay từ đêm hôm trước diễn ra ngày hội chính, nhân dân, du khách về dự hội cùng nhau thưởng thức các tiết mục văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc và những điệu múa lăm vông hào hứng, đầy lôi cuốn, để rồi sáng sớm hôm sau cùng nhau vào cuộc đua bò đầy tính đua tranh, đòi hỏi sự khéo léo và quả cảm.
Cuộc đua bò được tổ chức trên một khoảnh ruộng bằng phẳng với chiều dài chừng 200m, chiều ngang là 100m, có nước xăm xắp, bốn bên có bờ bao và điểm đích là đoạn đường trống để làm độ dừng an toàn cho bò. Ðoạn đường đua chính dài chừng 120m theo khoảnh ruộng cặp sát bờ bao. Nơi xuất phát được cắm hai cây cờ mầu xanh, đỏ, mỗi cây cách nhau 5m, và tại điểm đích cũng vậy.
Ðôi bò nào đứng ở vị trí cây cờ mầu gì thì điểm đích cũng theo mầu của cây cờ đó. Bò đua được chủ bò chăm sóc trước đó nhiều tháng, được vỗ béo và tập luyện theo các phương cách truyền thống. Vào ngày thi, mỗi cặp bò đua đều được chủ bò và nhân dân trong phum, sóc tắm rửa, chải chuốt kỹ càng và trang điểm đẹp mắt, sừng được bao trong các bọc vải nhiều mầu sắc.
Có bò còn được đeo cặp lục lạc vàng rực, rộn ràng những tiếng nhạc vui tai. Những "nài đua bò" được người dân địa phương gọi là người cầm vàm, sẽ điều khiển đôi bò trong cuộc đua. Ðôi bò phải kéo theo chiếc bừa cây và người cầm vàm đứng trên đó điều khiển. Ðua từng cặp hai đôi/lần tùy theo thỏa thuận hoặc bốc thăm.
Sau đó, các đôi bò được bắt cặp chờ vào vòng đua. Sau hai vòng "hô" làm nóng, tới điểm phất cờ là cặp bò đua bước vào vòng đua đầu, cặp trước, cặp sau được phân công theo bốc thăm trước đó. Ở vòng thả, đoạn đua quyết định phân thắng bại chừng hơn trăm mét, nếu đôi trước bị đôi sau đạp lên bừa hay qua mặt là đôi sau thắng. Cuộc đua cứ vậy, hết đôi này đến đôi khác, đạp tung nước, đuổi nhau trong "trường đua" cùng tiếng hò reo, cổ vũ của người xem. Về cuối ngày đua, từ khoảng hơn 40 đôi bò lúc vào cuộc, sẽ chỉ còn bốn đội vào tranh giải nhất, nhì, ba, tư. Người cầm vàm của đôi bò thắng cuộc sẽ được mọi người tôn vinh là người cầm vàm bò "can đảm" nhất vùng.
Từ nhiều năm nay, lễ hội đua bò Bảy Núi đã lôi cuốn đông các đội đua bò của các huyện trong tỉnh An Giang và cả một số đội bò ở các địa phương Cam-pu-chia giáp An Giang tham dự cùng nhiều du khách trong nước và ngoài nước.
Về đây, du khách được ngắm nhìn, thưởng ngoạn cảnh quan vùng sông nước Châu Ðốc, viếng thăm Tây An Cổ Tự và miếu bà Chúa Xứ, lăng cụ Thoại Ngọc Hầu, người có công lớn trong việc khai phá vùng đất An Giang và đào kênh Vĩnh Tế. Theo ban tổ chức, dự kiến, lễ hội đua bò Bảy Núi năm nay sẽ có khoảng hơn 20 nghìn khách về dự hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét