Khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng 1,3 triệu đồng bào dân tộc Khmer sinh sống với gần 500 chùa và trên 8.000 sư sãi. Các dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng được tự do tín ngưỡng tôn giáo và luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ về mọi mặt. Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, dân tộc Khmer luôn cùng các dân tộc anh em phát huy truyền thống yêu nước, lập nên những kì tích lịch sử trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam thân yêu, đấu tranh chống mọi âm mưu của các thế lực phản động luôn tìm cách chia rẽ tình đoàn kết, gắn bó lâu đời giữa dân tộc Kinh-Khmer, xuyên tạc lịch sử vùng đất Nam bộ. Phật giáo Nam tông Khmer là một trong những hệ phái có số lượng tín đồ và chức sắc tập trung đông tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam với sự thống nhất trong đa dạng và đồng thuận trong các hoạt động Phật sự, do đó các truyền thống Hệ phái cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chánh pháp luôn được Giáo hội quan tâm hỗ trợ thực hiện. Trung ương Giáo hội đánh giá rất cao những đóng góp của Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer vào những thành quả của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong những nhiệm kì đã qua. Theo đánh giá của Giáo hội Phật giáo Việt Nam “hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer khu vực Tây Nam Bộ thời gian qua phát triển đồng bộ cả chiều rộng và chiều sâu, mang tính đặc thù và bản sắc dân tộc”.
Vào ngày 11/02/2004, Ban tôn giáo Chính phủ có tờ trình số: 01/TTr-TGCP-V2 về một số vấn đề liên quan đến tôn giáo, trong đó có nêu vấn đề cho phép mở trường Phật học dành cho các vị sư Nam tông Khmer Nam bộ, và Chính phủ đã chấp thuận quan điểm cho phép Giáo hội Phật giáo Việt Nam được phép mở Học viện Phật giáo Nam tông Khmer và giao cho Ban Tôn giáo Chính Phủ nghiên cứu tổ chức triển khai thực hiện đề án.
Qua 02 lần Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer tại tỉnh Sóc Trăng (2004) và TP Cần Thơ (2006) nhằm trao đổi các thông tin về tình hình tôn giáo, kinh nghiệm thực tiễn trong công tác quản lý Nhà nước về các hoạt động tôn giáo nói chung, Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng, các vấn đề Phật sự….và qua các cuộc họp của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam với Ban tôn giáo các tỉnh, thành phố, các ý kiến đều có đề cập đến vấn đề xây dựng một cơ sở đào tạo Phật giáo Nam tông Khmer trình độ Đại học, nhằm đào tạo ra một số lượng lớn tu sỹ phật giáo có trình độ học vấn cao, đạo hạnh tốt, phục vụ cộng đồng, giúp đồng bào dân tộc Khmer phát triển về mọi mặt, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước và phát huy vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới, thực hiện tốt phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.
Đến quyết định thành lập Học viện Phật giáo Nam tông Khmer
Được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, mà trực tiếp là cơ quan chủ quản Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sau quá trình tham khảo ý kiến của Ban tôn giáo, các vị chức sắc trong Phật giáo Nam tông các tỉnh thành phía Nam về địa điểm đặt Học viện, giáo trình, kinh nghiệm giảng dạy từ một số nước có nền phật giáo phát triển…. Ngày 14/9/2006 Ban Tôn giáo Chính phủ ban hành quyết định Số: 171/QĐ/TGCP về việc cho phép Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập Học viện Phật giáo Nam tông Khmer đặt tại chùa Pothisômrôn (quận Ô Môn, TP Cần Thơ), tiếp sau 03 Học viện Phật giáo tại Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer giúp hoàn thiện hệ thống giáo dục Phật giáo tại Việt Nam. Đặc biệt đây là Học viện Phật giáo Nam tông Khmer duy nhất trên thế giới, nếu so sánh với các nước được xem là cái nôi của Phật giáo như: Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar… thì vẫn chưa có trường riêng biệt đào tạo các sư thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer.
Sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng cũng như được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp từ phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Vào ngày 11/7/2007, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer chính thức khai giảng khóa I, đây là một trong 10 sự kiện Phật giáo Việt Nam nổi bật trong năm 2007, cùng với sự kiện Việt Nam được trao quyền đang cai Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2008, 69 tăng sinh đầu tiên đến từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ đã bước vào năm học đầu tiên tại Học viện Phật giáo Nam tông Khmer. Trong thời gian sắp tới Học viện có nhiều cải cách về nội dung và hình thức đào tạo, tập trung vào vấn đề thống nhất chương trình giảng dạy và giáo viên cho Học viện, in thêm kinh sách phục vụ cho công việc giảng dạy, nhằm tạo chuyển biến về chất và lượng trong sự nghiệp giáo dục chung của Phật giáo.
Các vị sư trong Hội đồng điều hành Học viện vinh dự được mời dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2008 tại Hà Nội, Việt Nam và Hội nghị Hiệp hội các trường Đại học Phật giáo quốc tế tổ chức tại Băng Cốc, Thái Lan; có một vị trong Hội đồng điều hành học viện đã từng phát biểu tại Hội nghị: “rất vinh dự khi được đại diện cho Học viện tham dự Hội nghị này, cám ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm tại điều kiện cho Phật giáo nói chung và Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng phát triển”.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đánh giá cao sự đóng góp của Phật giáo Nam tông Khmer trong thời gian qua. Công tác trùng tu, xây dựng chùa đã được tiến hành tại một số cơ sở. Nhiều vị giáo phẩm phật giáo Nam tông Khmer đã được Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VI cung thỉnh vào các ngôi vị quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kì 2007 - 2012. Tại các Ban, Viện của Trung Ương Giáo hội và Ban trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố đều có sự tham gia của các vị Hòa thượng, Thượng tọa Phật giáo Nam tông Khmer cùng quyết định các vấn đề quan trọng trong vấn đề Phật sự tại địa phương. Đặc biệt lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân sự kế thừa, Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hỗ trợ hệ phái Phật giáo nam tông Khmer đào tạo được hàng ngàn chư tăng có trình độ Trung Cao cấp Pali, Vini và đưa nhiều chư tăng đi du học tại Thái Lan, Myanar, Campuchia….
N.T.D
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét