Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 1,3 triệu người Khmer, trong quá trình cộng cư đồng bào Khmer vẫn giữ được bản sắc văn hoá riêng, góp phần làm phong phú nền văn hoá đa dạng của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Đây là lợi thế về tiềm năng của các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang… nơi có ba lễ hội chính của đồng bào Khmer, để đẩy mạnh đầu tư phát triển văn hoá du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trà Vinh có khoảng 300.000 người Khmer, là tỉnh cuối nguồn sông Cửu Long, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, với chiều dài bờ biển 65 km. Địa hình có rất nhiều giồng cát do biển lùi tạo nên, cây sao và cây dầu là loài cây cổ thụ đặc trưng đã được gây giồng từ các thế kỷ trước. Hiện nay, thị xã Trà Vinh được gọi là “thị xã của ngàn cây xanh”. Những tiềm năng du lịch đa dạng của Trà Vinh là các di tích và danh thắng nổi tiếng, các lễ hội văn hoá truyền thống của đồng bào thường diễn ra quanh năm gắn liền 141 ngôi chùa Khmer và đình chùa miếu mạo của người Kinh, người Hoa. Đến Trà Vinh vào giữa tháng 4 dương lịch hàng năm, du khách sẽ biết thêm phong tục của đồng bào Khmer vui Tết Chol-chnăm-thmây. Người Khmer chuẩn bị đón Tết cổ truyền cũng như dân tộc Kinh và Hoa, là nhà nào cũng lo dành dụm tiền nong, gạo nếp, thức ăn, quần áo mới để vui chơi trong 3 ngày. Bà con trang hoàng lại nhà cửa và bàn thờ Phật, làm bánh tét và mang hoa quả đến chùa cúng vào ngày đầu năm mới, mong ước đem đến sự thành công và hạnh phúc hơn năm cũ. Du khách đến chùa Hang ở xã Đa Lộc (Châu Thành) trong những ngày Tết Chol-chnăm-thmây, cùng vui chơi múa hát với bà con trong phum sóc, không khí náo nhiệt suốt ngày đêm. Đến đây, ngoài các loài chim cò trên những cây cổ thụ; du khách còn thấy được nghệ thuật trang trí kiến trúc chùa Khmer với các khung và cánh cửa được chạm trổ hoa văn rất công phu, những hàng cột tròn cao to có tượng chim thần Kây-no nâng mái chính điện, ngói lợp mái chùa cũng vẽ hoa văn nhiều màu sắc, trên các góc đỉnh mái có đuôi rồng uốn ngược lên. Cả ngôi chính điện được trang trí theo mô tuýp kiến trúc cổ ảnh hưởng nền văn hoá ấn Độ, trông thật lộng lẫy, làm nổi bật giữa rừng cây cổ thụ. Di tích danh thắng Ao Bà Om hợp cùng kiến trúc cổ của chùa Àng và Bảo tàng Văn hoá Dân tộc Khmer thành khu di lịch văn hoá liên hoàn nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh. Thời gian tới khu du lịch văn hoá này sẽ được mở rộng về phía quốc lộ 53, bao gồm cả trung tâm văn hoá thông tin và một số thiết chế sinh hoạt văn hoá, khu thể dục thể thao, phục vụ khách du lịch… với nhiều cơ sở vật chất hiện đại nhưng vẫn giữ được nét đặc thù bản sắc văn hoá dân tộc. Đến An Giang một tỉnh biên giới Tây Nam nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long, có hai nhánh sông Tiền và sông Hậu chảy qua, có khoảng 90.000 người Khmer gắn liền 64 chùa, hai huyện miền núi Thất Sơn có nhiều di tích lịch sử và danh thắng phát triển văn hoá du lịch, những cánh đồng màu trồng luân canh bên những cánh đồng lúa cao sản nổi tiếng, có nền văn minh lúa nước phát triển và nền văn hoá óc-Eo, vẻ đẹp của các lăng tẩm, đền đài, chùa chiền gắn liền với các lễ hội dân gian của người Kinh, người Hoa, người Chăm, người Khmer, trong năm có 3 tháng mùa nước nổi ngập tràn đồng tạo nên một phong cảnh thơ mộng và huyền thoại. Toàn tỉnh có 8 khu du lịch trung tâm và 21 điểm thu hút khách du lịch. Vào dịp lễ Đôn-ta cổ truyền của đồng bào Khmer, cuối tháng 8 âm lịch hàng năm, hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên thay phiên nhau tổ chức ngày hội đua bò truyền thống vùng Bảy Núi, một loại hình thể thao văn hoá của đồng bào Khmer độc nhất vô nhị ở đồng bằng sông Cửu Long, đã thu hút nhiều du khách. Núi Cấm cũng là nơi thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, một điểm cao nhất trên dãy Thất Sơn với khí hậu mát mẻ, nơi đây hoa trái quanh năm, lâm viên có khách sạn cho du khách nghỉ qua đêm. Từ trên đỉnh Núi Cấm ở huyện Tịnh Biên, hướng về phía Tây qua những cánh đồng lúa xanh bát ngát là vùng biển Hà Tiên, xa xa là những ngôi chùa trên đỉnh núi thật nên thơ. Khu du lịch Đồi Tức Dụp ở huyện Tri Tôn, nơi mà trước đây dưới thời Mỹ nguỵ đã treo giá 2 triệu đô-la để san bằng khu căn cứ cách mạng này, nhưng chúng đã thất bại. Ngoài cảnh đẹp, không khí trong lành, du khách đến đây vui chơi giải trí, dã ngoại, leo núi, vào sâu trong các hang động sẽ thấy đây là chỗ an toàn của bộ đội ta trong kháng chiến chống Mỹ. Ghé vào chợ thị xã Châu Đốc, khách du lịch dễ dàng tìm mua quà lưu niệm từ loại vải dệt thổ cẩm theo kiểu thủ công truyền thống của đồng bào Khmer và Chăm, đường và các sản phẩm làm từ cây thốt nốt, mắm ruột một loại đặc sản nổi tiếng ở chợ này. Về Sóc Trăng, nơi đồng bào Khmer đông nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, có khoảng 354.000 người với 90 chùa. Hàng năm vào các ngày 14 và 15 tháng 10 âm lịch, lễ hội Ok-om-bok và đua ghe ngo của đồng bào Khmer không những hấp dẫn bà con dân tộc vùng nông thôn ra thị xã mà còn thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Lễ hội Ok-om-bok còn gọi là lễ cúng trăng hay lễ đút cốm dẹp, mang ý nghĩa mừng cơm mới sau khi bà con bắt đầu thu hoạch hoa mùa. Để tưởng nhớ công ơn của vị thần mặt trăng đã giúp điều tiết mùa màng, người Khmer lấy lúa nếp mới thu hoạch giã thành cốm dẹp để làm lễ vật dâng cúng mặt trăng. Đêm trước ngày lễ hội, các hoạt động vui chơi, múa hát, thi đấu cờ ốc, bi sắt, thả đèn nước, đèn gió kéo dài trong đêm. Sáng hôm sau, du khách sẽ không thể quên khi được thưởng thức món “bún nước lèo” nấu bằng mắm bò hóc và cá lóc có thêm một ít thịt heo quay. Đến nhà Bảo tàng Văn hoá Khmer tại thị xã Sóc Trăng, nơi trưng bày nhiều hiện vật quý giá, phản ánh nếp sinh hoạt của đồng bào Khmer qua nhiều thế hệ. Du khách có thể tìm thấy nơi đây những dụng cụ sinh hoạt, trong lao động sản xuất của người Khmer, các trang phục cưới hỏi, ngày hội, các kiểu nhà ở và kiểu kiến trúc chùa Khmer… giúp cho du khách hiểu biết đồng bào Khmer có nhiều gắn bó với quá trình đấu tranh bảo vệ và xây dựng Sóc Trăng qua các thời kỳ. Trong ngày hội đua ghe ngo, du khách đến bên bờ sông Maspero sẽ thấy không khí ngày hội thật náo nhiệt, tiếng trống thôi thúc từng cặp ghe tranh tài quyết liệt. Đội hình đua ghe ngo có 52 người, toàn đội bơi theo hiệu lệnh của người trưởng đội ngồi ở mũi ghe. Chùa Mã Tộc được xây dựng vào năm 1569, toạ lạc tại phường 3 thị xã Sóc Trăng, diện tích gần 3 ha, không gian yên ả với nhiều cây cổ thụ, là nơi cư trú lý tưởng của hàng vạn con dơi, quạ nên còn được gọi là chùa Dơi. Ban ngày đàn dơi quạ đông đúc treo mình trên các cành cây, là hình ảnh lý thú bất ngờ hấp dẫn nhiều du khách trong nước và quốc tế. Đàn dơi đông đúc này có thói quen không ăn trái cây trong khuôn viên chùa, ban đêm đàn dơi bay đi tìm thức ăn nơi khác. Thời gian tới, chùa Dơi sẽ được quy hoạch mở rộng, trồng thêm cây xanh để bảo vệ đàn dơi và là địa điểm văn hoá du lịch sinh thái. Chùa Bốn Mặt ở xã Phú Tân (Mỹ Tú) được xây dựng từ năm 1537. Theo các lão nông địa phương, trước đây nơi này hoang vu rậm rạp, đồng bào Khmer trong khi khẩn hoang đã đào được khối đá có mặt Phật ở 4 hướng, cho là điềm lành nên những nông dân vùng này dựng chùa để thờ. Từ đó có tên chùa Bốn Mặt. Trong khuôn viên chùa có sân rộng trồng nhiều cây sao, cây dầu, không khí mát mẻ trong lành. Chùa Sà Lôn còn gọi là chùa Chén Kiểu ở xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên) được xây dựng từ năm 1815, đến năm 1969 sư cả trụ trì đời thứ 9 của chùa xây dựng lại kiên cố hơn nên thời gian kéo dài, vào năm 1980 gạch men khan hiếm nên vị sư cả đồng ý cho thợ lấy các chén đĩa và các mảnh vỡ để trang trí ngôi chính điện. Đây là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách trên đường từ vườn cò Tân Long ở huyện Thạnh Trị trở về thị xã Sóc Trăng./. Đức Giang |
Thứ Năm, 29 tháng 1, 2009
Văn hoá Khmer - thế mạnh của du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét