Dân tộc Khmer có trên một triệu người, cư trú xen kẽ giữa người Kinh, người Hoa và một số dân tộc khác. Địa bàn sinh sống tập trung của đồng bào Khmer là ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đông nhất là Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh.. Sinh cơ lập nghiệp lâu đời trên vùng đất sông nước, người Khmer Nam bộ dồi dào kinh nghiệm làm lúa nước, thau chua rửa phèn, tạo giống lúa mới thích hợp với nhiều loại đất phèn, đất nước lợ, đất bồi phù sa v.v.
Dân tộc Khmer phần lớn theo đạo Phật, một số ít khác theo đạo Bà La Môn. Thanh niên lớn lên phải xuống tóc đi tu, học giáo lý Phật và học văn hoá trước khi bước vào cuộc sống tự lập của người trưởng thành. Là một dân tộc mộ đạo nên phần lớn các phum, sóc đều có chùa để dân chúng đến tụng kinh, thờ Phật. Ước tính hiện có khoảng 500 chùa ở những nơi có người Khmer sinh sống.Trong mỗi chùa có nhiều sư, đứng đầu là sư cả. Nhà chùa ngoài việc đọc kinh, lễ Phật còn tồ chức dạy chữ Khmer, truyền bá kinh nghiệm sản xuất. Những chùa lớn thường có đội kèn ,trống, đàn, đội ghe ngo. Nhiều lễ hội bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Phật như: Chol Chnam Thmây với nghi lễ tắm tượng Phật bằng nước thơm; Lễ Phật Đản; Lễ đôlta; Lễ hội Ok Om Bok v.v. Chùa Khmer là một thành tố tích cực tổ chức các lễ hội. Chùa đối với người Khmer là sự gắn bó thiêng liêng cả đời người. Khi mới sinh, thầy chùa được mời đến chứng kiến. Lớn lên được tu dưỡng trong tinh thần Phật giáo. Khi chết, người Khmer hoả táng và tro được gửi lên chùa. Chùa trở thành trung tâm tín ngường, cõi thiêng và cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng của cư dân Khmer. Phum, sóc, giống như làng bản, là tổ chức truyền thống của cộng đồng. Nhà cửa của người Khmer trước đây là nhà sàn, tuy nhiên qua nhiều thập niên lại đây nhà sàn chỉ còn một số ít dọc biên giới Campuchia. Phần lớn cư dân làm nhà đất giống như người Kinh, người Hoa. Cách sắp đặt, tổ chức nhà ở nhìn bên ngoài có cảm giác không khác gì nhà người Kinh. Nhưng nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thì sự bố trí có nhiều điểm riêng, mang đậm tập quán sinh hoạt của người Khmer. Theo chiều ngang của nhà, một nửa là bếp núc và nửa còn lại là nhà ở. Phần này được ngăn đôi theo chiều dọc: Phần phía trước dùng để tiếp khách và bàn thờ Phật. Nửa sau, bên phải là buồng của vợ chồng gia chủ, bên trái là buồng ngủ của con gái. Sự bố trí tuy đơn giản như vậy nhưng không được phép tuỳ ý thay đổi. Người Khmer tuy sống giữa cộng đồng Việt hàng chục thế kỷ nhưng họ luôn giữ bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc mình, được thể hiện qua chữ viết, lễ hội, trang phục cũng như những sinh hoạt cộng đồng khác. Người Khmer có chữ viết riêng. Ngày nay các em học sinh ngoài học chữ phổ thông, nhà trường vẫn dạy và học chữ viết truyền thống dân tộc. Khi qua đời, người Khmer phổ biến dùng hình thức hoả táng. Trước đây việc hoả tàng thực hiện ngoài đồng, nơi xa dân cư. Sau hoá, một phần tro được để vào thố và đem thờ tự trong chùa. Nhưng ngày nay đã ra đời nhiều lò hoả táng cải tiến, vừa văn minh, tiện lợi lại hợp vệ sinh mà vẫn giữ được nét phong tục lâu đời của dân chúng. Lò hoả táng cải tiến này đã xuất hiện đầu tiên ở Sóc Trăng, do một nhóm chuyên viên kỹ thuật địa phương thiết kế, thi công. Hai huyện Long Phú,Vĩnh Châu, nơi tập trung nhiều đồng bào Khmer nhất tỉnh được chọn làm nơi xây dựng lò hoả táng đầu tiên. Người Khmer vui mừng, coi đây là sự quan tâm chu đáo của chính quyền đối với phần hồn của người dân khi lìa trần. Trang phục truyền thống riêng của người Khmer được bảo tồn qua nhiều thế hệ. Người đàn ông hàng ngày mặc bà ba đen, quấn khăn rằn. Ngày lễ họ mặc áo bà ba trắng, quần đen, quàng khăn trắng quấn chéo vắt lên vai trái. Chú rể trong đám cưới mặc saron, áo ngắn màu đỏ, quàng khăn trắng vắt qua vai trái, đem thêm con dao tượng trưng, ngụ ý để bảo vệ cô dâu. Nhưng nét riêng trang phục của dân tộc thể hiện rõ rệt hơn ở người phụ nữ. Người phụ nữ Khmer mặc váy dệt bằng sợi tơ ằm. Trong những ngày lễ lớn kéo dài cả tuần, người phụ nữ đi dự lễ, mỗi ngày mặc một chiếc váy màu sắc khác nhau. Ngày cưới cô dâu thường mặc váy, gọi là xăm pôt hoi màu tím sẫm, áo dài tăm ong màu đỏ thẩm, quàng khăn chéo qua người, đội mũ tháp nhọn. Nhưng đó là trang phục mang tính truyền thống và thường được dùng trong những ngày lễ lớn của cộng đồng Khmer. Còn hàng ngày, giữa người Khmer, người Kinh, người Chăm... tuy vẫn giữ nét riêng đặc sắc dân tộc mình, nhưng cũng có nhiều nét pha trộn, học hỏi lẫn nhau, đặc biệt ở lớp trẻ, miễn là đẹp mắt, hợp thời đại và tiện lợi trong sinh hoạt. Đến với phum, sóc Khmer vào dịp đón tết, bạn phải nhớ ăn mặc đúng trang phục lễ hội . Đêm giao thừa người Khmer làm lễ, dâng bánh trái cây lên chùa. Lễ chùa xong cũng là lúc bình minh chiếu rọi những tia sáng đầu tiên của ngày đầu năm mới. Mọi người tay bắt mặt mừng chúc nhau những điều tốt đẹp nhất. Suốt cả ngày hôm đó dân ấp, trai trẻ vui chơi nhảy múa. Đây là lễ hội Mừng Năm Mới của người Khmer Nam Bộ. Những tiếng hát theo điệu Adây, những điệu múa tập thể Rơmvông, Xaidăm... dập dìu suốt cả ngày tới thâu đêm. Trong bữa cơm năm mới, ngoài các loại bánh quen thuộc như bánh chưng bánh tét, bánh ú, bánh in, v.v. người Khmer không thể thiếu món bún. Món ăn này đặc sắc nhờ vào nồi nước lèo, được nấu từ thịt cá lóc giã nhỏ với nhiều gia vị quen thuộc. Đó là món ăn đặc biệt trong ngày mồng một tết. Kính Hiền |
Thứ Năm, 29 tháng 1, 2009
Dân tộc Khmer
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét