Thứ Ba, 20 tháng 1, 2009

Hồng Dân (Bạc Liêu): Thực hiện tốt việc dạy tiếng Khmer cho học sinh dân tộc

Hồng Dân là một huyện vùng sâu của tỉnh Bạc Liêu có 8 xã được hưởng chương trình 135 và 134 của Chính phủ. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng phòng GD-ĐT huyện đã chỉ đạo làm khá tốt việc dạy tiếng Khmer cho học sinh tiểu học và THCS ở những xã có học sinh (HS) là người dân tộc.

Năm học 2007- 2008 toàn huyện Hồng Dân có 15 trường dạy tiếng Khmer với 981 HS ở 41 lớp (Tiểu học: 10 trường, THCS: 05 trường), so với năm học trước tăng 186 HS. Đa số HS dân tộc rất thích được học tiếng và chữ của dân tộc mình. Vào đầu năm học các em rất hăng hái nhưng càng về sau tỏ ra mệt mỏi và có em bỏ học. Nguyên nhân: một phần do chương trình dạy còn nặng nề và nhất là đời sống gia đình các em còn nhiều khó khăn. Các em vừa phải học các môn tiếng Việt vừa phải học tiếng Khmer như một “ngoại ngữ”. Về nhà là phải gác tập vở để cùng cha mẹ ra đồng, ra rẫy lao động, hay đi mò cua bắt ốc, hoặc đi làm mướn kiếm sống. Nắm bắt được tình hình này, ngành GD&ĐT Hồng Dân đã và đang có nhiều biện pháp hữu hiệu để đưa học sinh trở lại lớp và gắn bó hơn với con chữ dân tộc.

Hiện nay toàn huyện chỉ có 26 giáo viên dạy tiếng Khmer (trong đó có 7 giáo viên biên chế, còn 19 giáo viên là hợp đồng ở các chùa). Phòng GD đã cử 6 giáo viên đi tập huấn ở TP Hồ Chí Minh và ở Cần Thơ về chương trình dạy tiếng Khmer theo sách giáo khoa quyển 2 và quyển 3. Học sinh THCS là người dân tộc được học 4 tiết/tuần. Tới tiết học tiếng Khmer các em tập trung lại ở một lớp cố định để học, mỗi lớp từ 25 HS trở lên. Đối với HS Tiểu học cũng học 4 tiết/tuần nhưng thường bố trí vào tiết đầu hoặc tiết cuối của buổi học chính khoá. Qua dự giờ kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ của Thanh tra phòng GD thì số giáo viên dạy tiếng Khmer đạt yêu cầu chỉ trên 85%, còn 15% giáo viên chưa đạt yêu cầu phải thường xuyên được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Hàng năm phòng GD có tổ chức thao giảng ở 4 cụm xã: Ninh Qưới, Ngan Dừa, Lộc Ninh, Ninh Hoà và mở một chuyên đề ở Trung tâm huyện để rút kinh nghiệm, tìm ra phương pháp giảng thích hợp với từng đối tượng ở địa phương.

Ông Nguyễn Thành Sơn - Trưởng phòng GD, cho biết: “Ngoài việc dự giờ thăm lớp để giúp đỡ về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên, chúng tôi còn rất chú ý nhắc nhở các thầy cô giáo phải luôn thông qua các tiết dạy để giáo dục các em về kỷ cương nền nếp học đường, truyền thống tôn sư trọng đạo, tình đoàn kết dân tộc, am hiểu luật giao thông và tránh xa các tệ nạn xã hội…”. Do đó, năm học 2007- 2008, xếp loại chất lượng học tập tiếng Khmer của HS có chiều hướng tốt: 15,83% giỏi (118 em), 31,94% khá (238 em), 44,83% trung bình (334 em) và 7,3% yếu (55 em).

Năm học 2008- 2009 có 16 trường tiểu học và THCS dạy tiếng Khmer (tăng 1 trường) ở thị trấn và 6 xã: Thị trấn Ngan Dừa, xã Ninh Qưới, Ninh Qưới A, Ninh Hoà, Lộc Ninh, Vĩnh Lộc và Ninh Thạnh Lợi với 1381 HS ở 44 lớp. Năm học này số giáo viên hợp đồng tăng thêm nhưng phải được tập huấn kỹ về chương trình và sách giáo khoa, đặc biệt là việc thay sách lớp 4. Giờ dạy ở các lớp Tiểu học phải trở nên nhẹ nhàng để giúp HS “học mà chơi, chơi mà học”. Đối với những giáo viên và HS có thành tích xuất sắc, duy trì được sĩ số lớp, huyện và phòng GD sẽ khen thưởng kịp thời để động viên, khích lệ.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Trưởng phòng GD, phụ trách chuyên môn, cho biết: “Năm học này, phòng GD sẽ tăng cường kiểm tra, dự giờ thăm lớp dạy tiếng Khmer để nắm bắt kịp thời những mặt mạnh, mặt yếu của giáo viên ở các điểm trường. Từ đó, rút kinh nghiệm, trao đổi chuyên môn, cải tiến phương pháp giảng dạy, làm sao HS phải được học một cách nhẹ nhàng, như vậy các em mới ít bỏ học. Đối với số dư giờ vượt chuẩn của giáo viên dạy tiếng Khmer sẽ được ưu tiên, thanh toán kịp thời”.

Việc đầu tư dạy chữ và tiếng Khmer ở Hồng Dân không chỉ góp phần giữ gìn, phát triển con chữ-văn hoá dân tộc mà còn mở ra tương lai tươi sáng hơn cho con em đồng bào Khmer nơi đây.

Lê Xuân

Theo Giáo dục & Thời đại

Không có nhận xét nào: