Ngày 7-1-1979 là một mốc quan trọng trong lịch sử Cam-pu-chia. Với việc chế độ diệt chủng Pôn Pốt bị lật đổ, đất nước chùa Tháp được hồi sinh. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm sự kiện trọng đại này của nhân dân Cam-pu-chia, Tiến sĩ Van Phan, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Cam-pu-chia tại Việt Nam, đã trả lời phỏng vấn của Báo Quân đội nhân dân. - Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của thắng lợi ngày 7-1-1979? - Để thấy thắng lợi này có ý nghĩa to lớn ra sao, trước tiên tôi xin kể lại bi kịch của người dân Cam-pu-chia dưới chế độ Cam-pu-chia dân chủ do Pôn Pốt và Khiêu Xăm Phon cầm đầu trong thời gian 3 năm 8 tháng 20 ngày. Sau khi lên nắm quyền, Khơ-me đỏ đã không ngần ngại đuổi nhân dân ra khỏi thành phố, cho sống tại các vùng nông thôn để bọn chúng dễ dàng tàn phá tất cả những gì thuộc về xã hội trước và xây dựng lại một "xã hội mới" với những "con người mới" nào đó theo sự tưởng tượng điên rồ của bọn chúng. Trường học, chợ búa, tiền bạc, chùa chiền bị phá hủy. Quyền tự do cá nhân bị tước bỏ. Bọn chúng để mặc cho nhân dân đói mà chết. Chúng bắt nhân dân làm việc cả sáng lẫn tối không nghỉ, sống cuộc sống như loài vật. Đâu đâu cũng chỉ thấy sự chết chóc và nỗi ám ảnh sợ hãi. Nhân dân hằng ngày chỉ biết cầu nguyện mong có người đến cứu kịp thời. Ai cũng được, miễn là họ được sống thì nhân dân sẽ biết ơn cả đời. Từ năm này qua năm kia, sự chờ đợi như tuyệt vọng, người chết ngày càng nhiều. Thật may mắn, những người dân đã được quân đội Mặt trận đoàn kết cứu quốc Cam-pu-chia và Bộ đội tình nguyện Việt Nam cứu giúp kịp thời vào ngày 7-1-1979. Đây chính là thắng lợi mà nhân dân không gì có thể vui mừng hơn, như được sống lại lần nữa. Nếu như sự giúp đỡ này muộn thêm một chút nữa thôi thì cuộc sống của những người dân đã không còn nữa và đất nước có khi cũng bị hoàn toàn tan rã. Tất cả những điều đó cho thấy ngày 7-1-1979 chính là ngày hồi sinh của nhân dân và đất nước Cam-pu-chia. - Đại sứ đánh giá thế nào về sự đóng góp của quân đội tình nguyện Việt Nam trong chiến thắng của nhân dân Cam-pu-chia? - Sự đóng góp của bộ đội tình nguyện Việt Nam trong thắng lợi của nhân dân Cam-pu-chia là công lao rất to lớn mà đất nước và nhân dân Cam-pu-chia chúng tôi luôn ghi nhớ và kính trọng mãi mãi. Đây là tấm lòng chân thành hiếm có với tình nghĩa là anh em, láng giềng gần nhau và truyền thống tôn trọng quý mến, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh. - Xin Đại sứ cho biết về những thành tựu xây dựng đất nước của nhân dân Cam-pu-chia trong 30 năm qua? - Bắt đầu cuộc sống từ hai bàn tay trắng, song đất nước Cam-pu-chia dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cam-pu-chia do Xăm-đéc Chia Xim, Xăm-đéc Hêng Xom-rin, đặc biệt dưới sự lãnh đạo tài tình của Xăm-đéc Hun Xen, đã thoát khỏi đói kém, xóa bỏ toàn bộ chế độ và hệ thống Khơ-me đỏ, hàn gắn dân tộc, hòa hợp quốc gia mang lại hòa bình trọn vẹn, thống nhất. Việc xây dựng lại và phát triển về cơ sở hạ tầng xã hội-kinh tế như trường học, bệnh viện, cầu đường, nhà máy, chợ búa, ngân hàng… đã đạt được nhiều thành tựu. Cam-pu-chia cũng chủ động hội nhập với khu vực và thế giới. Các tổ chức quốc tế song phương và đa phương đều tin tưởng trong sự lãnh đạo đất nước Cam-pu-chia. Những thành tựu đáng tự hào trên với sự phát triển ngày càng cao làm Cam-pu-chia vẻ vang trên trường quốc tế, bắt kịp các nước khác trên thế giới. - Đại sứ đánh giá như thế nào về sự hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia hiện nay? - Đất nước Cam-pu-chia phát triển được như hiện nay là do có nhiều bạn bè, đối tác giúp đỡ hợp tác phát triển. Và trong đó, không thể không nhắc đến sự hợp tác to lớn với Việt Nam. Việt Nam đã hy sinh xương máu của hàng nghìn người để giúp đỡ nhân dân và đất nước Cam-pu-chia lật đổ chế độ diệt chủng Khơ-me đỏ. Việt Nam còn tiếp tục giúp đỡ nhân dân Cam-pu-chia cho đến khi có khả năng, sức mạnh đứng dậy chiến đấu chống lại quân địch không để chế độ diệt chủng Khơ-me đỏ có cơ hội quay trở lại. Hơn nữa, các chuyên gia Việt Nam sang giúp đỡ, hướng dẫn các kinh nghiệm trong việc quản lý, lãnh đạo đất nước trên mọi lĩnh vực. Cho đến nay, Việt Nam vẫn tiếp tục giúp đỡ, tài trợ về mọi mặt, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Hằng năm, Việt Nam đã cấp học bổng cho các học sinh, sinh viên Cam-pu-chia, đào tạo nhiều chuyên ngành để trở thành nguồn nhân lực phát triển đất nước. Việt Nam và Cam-pu-chia cũng đã xây dựng đường biên giới chung trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Trao đổi thương mại, đầu tư có trị giá hàng tỷ USD. Các cuộc trao đổi phái đoàn, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau diễn ra thường xuyên. Tất cả điều này đã cho thấy rõ rằng, Việt Nam không có mục đích gì khác ngoài sự nghiệp cùng Cam-pu-chia củng cố và phát triển tình đoàn kết truyền thống, cùng chung vui buồn và bình đẳng trong khu vực. Đây chính là hành động có ý nghĩa to lớn, vô giá của Việt Nam đối với nhân dân và đất nước Cam-pu-chia mà nhân dân Cam-pu-chia luôn ghi nhớ công ơn mãi mãi. BẢO TRUNG (thực hiện) |
Thứ Tư, 7 tháng 1, 2009
Tiến sĩ Van Phan, Đại sứ Cam-pu-chia tại Việt Nam: Sự giúp đỡ của Việt Nam là vô giá
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét