Thứ Năm, 29 tháng 1, 2009

Văn hoá Khmer - thế mạnh của du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long



Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 1,3 triệu người Khmer, trong quá trình cộng cư đồng bào Khmer vẫn giữ được bản sắc văn hoá riêng, góp phần làm phong phú nền văn hoá đa dạng của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Đây là lợi thế về tiềm năng của các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang… nơi có ba lễ hội chính của đồng bào Khmer, để đẩy mạnh đầu tư phát triển văn hoá du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trà Vinh có khoảng 300.000 người Khmer, là tỉnh cuối nguồn sông Cửu Long, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, với chiều dài bờ biển 65 km. Địa hình có rất nhiều giồng cát do biển lùi tạo nên, cây sao và cây dầu là loài cây cổ thụ đặc trưng đã được gây giồng từ các thế kỷ trước. Hiện nay, thị xã Trà Vinh được gọi là “thị xã của ngàn cây xanh”. Những tiềm năng du lịch đa dạng của Trà Vinh là các di tích và danh thắng nổi tiếng, các lễ hội văn hoá truyền thống của đồng bào thường diễn ra quanh năm gắn liền 141 ngôi chùa Khmer và đình chùa miếu mạo của người Kinh, người Hoa. Đến Trà Vinh vào giữa tháng 4 dương lịch hàng năm, du khách sẽ biết thêm phong tục của đồng bào Khmer vui Tết Chol-chnăm-thmây. Người Khmer chuẩn bị đón Tết cổ truyền cũng như dân tộc Kinh và Hoa, là nhà nào cũng lo dành dụm tiền nong, gạo nếp, thức ăn, quần áo mới để vui chơi trong 3 ngày. Bà con trang hoàng lại nhà cửa và bàn thờ Phật, làm bánh tét và mang hoa quả đến chùa cúng vào ngày đầu năm mới, mong ước đem đến sự thành công và hạnh phúc hơn năm cũ. Du khách đến chùa Hang ở xã Đa Lộc (Châu Thành) trong những ngày Tết Chol-chnăm-thmây, cùng vui chơi múa hát với bà con trong phum sóc, không khí náo nhiệt suốt ngày đêm. Đến đây, ngoài các loài chim cò trên những cây cổ thụ; du khách còn thấy được nghệ thuật trang trí kiến trúc chùa Khmer với các khung và cánh cửa được chạm trổ hoa văn rất công phu, những hàng cột tròn cao to có tượng chim thần Kây-no nâng mái chính điện, ngói lợp mái chùa cũng vẽ hoa văn nhiều màu sắc, trên các góc đỉnh mái có đuôi rồng uốn ngược lên. Cả ngôi chính điện được trang trí theo mô tuýp kiến trúc cổ ảnh hưởng nền văn hoá ấn Độ, trông thật lộng lẫy, làm nổi bật giữa rừng cây cổ thụ. Di tích danh thắng Ao Bà Om hợp cùng kiến trúc cổ của chùa Àng và Bảo tàng Văn hoá Dân tộc Khmer thành khu di lịch văn hoá liên hoàn nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh. Thời gian tới khu du lịch văn hoá này sẽ được mở rộng về phía quốc lộ 53, bao gồm cả trung tâm văn hoá thông tin và một số thiết chế sinh hoạt văn hoá, khu thể dục thể thao, phục vụ khách du lịch… với nhiều cơ sở vật chất hiện đại nhưng vẫn giữ được nét đặc thù bản sắc văn hoá dân tộc.

Đến An Giang một tỉnh biên giới Tây Nam nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long, có hai nhánh sông Tiền và sông Hậu chảy qua, có khoảng 90.000 người Khmer gắn liền 64 chùa, hai huyện miền núi Thất Sơn có nhiều di tích lịch sử và danh thắng phát triển văn hoá du lịch, những cánh đồng màu trồng luân canh bên những cánh đồng lúa cao sản nổi tiếng, có nền văn minh lúa nước phát triển và nền văn hoá óc-Eo, vẻ đẹp của các lăng tẩm, đền đài, chùa chiền gắn liền với các lễ hội dân gian của người Kinh, người Hoa, người Chăm, người Khmer, trong năm có 3 tháng mùa nước nổi ngập tràn đồng tạo nên một phong cảnh thơ mộng và huyền thoại. Toàn tỉnh có 8 khu du lịch trung tâm và 21 điểm thu hút khách du lịch. Vào dịp lễ Đôn-ta cổ truyền của đồng bào Khmer, cuối tháng 8 âm lịch hàng năm, hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên thay phiên nhau tổ chức ngày hội đua bò truyền thống vùng Bảy Núi, một loại hình thể thao văn hoá của đồng bào Khmer độc nhất vô nhị ở đồng bằng sông Cửu Long, đã thu hút nhiều du khách. Núi Cấm cũng là nơi thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, một điểm cao nhất trên dãy Thất Sơn với khí hậu mát mẻ, nơi đây hoa trái quanh năm, lâm viên có khách sạn cho du khách nghỉ qua đêm. Từ trên đỉnh Núi Cấm ở huyện Tịnh Biên, hướng về phía Tây qua những cánh đồng lúa xanh bát ngát là vùng biển Hà Tiên, xa xa là những ngôi chùa trên đỉnh núi thật nên thơ. Khu du lịch Đồi Tức Dụp ở huyện Tri Tôn, nơi mà trước đây dưới thời Mỹ nguỵ đã treo giá 2 triệu đô-la để san bằng khu căn cứ cách mạng này, nhưng chúng đã thất bại. Ngoài cảnh đẹp, không khí trong lành, du khách đến đây vui chơi giải trí, dã ngoại, leo núi, vào sâu trong các hang động sẽ thấy đây là chỗ an toàn của bộ đội ta trong kháng chiến chống Mỹ. Ghé vào chợ thị xã Châu Đốc, khách du lịch dễ dàng tìm mua quà lưu niệm từ loại vải dệt thổ cẩm theo kiểu thủ công truyền thống của đồng bào Khmer và Chăm, đường và các sản phẩm làm từ cây thốt nốt, mắm ruột một loại đặc sản nổi tiếng ở chợ này.

Về Sóc Trăng, nơi đồng bào Khmer đông nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, có khoảng 354.000 người với 90 chùa. Hàng năm vào các ngày 14 và 15 tháng 10 âm lịch, lễ hội Ok-om-bok và đua ghe ngo của đồng bào Khmer không những hấp dẫn bà con dân tộc vùng nông thôn ra thị xã mà còn thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Lễ hội Ok-om-bok còn gọi là lễ cúng trăng hay lễ đút cốm dẹp, mang ý nghĩa mừng cơm mới sau khi bà con bắt đầu thu hoạch hoa mùa. Để tưởng nhớ công ơn của vị thần mặt trăng đã giúp điều tiết mùa màng, người Khmer lấy lúa nếp mới thu hoạch giã thành cốm dẹp để làm lễ vật dâng cúng mặt trăng. Đêm trước ngày lễ hội, các hoạt động vui chơi, múa hát, thi đấu cờ ốc, bi sắt, thả đèn nước, đèn gió kéo dài trong đêm. Sáng hôm sau, du khách sẽ không thể quên khi được thưởng thức món “bún nước lèo” nấu bằng mắm bò hóc và cá lóc có thêm một ít thịt heo quay. Đến nhà Bảo tàng Văn hoá Khmer tại thị xã Sóc Trăng, nơi trưng bày nhiều hiện vật quý giá, phản ánh nếp sinh hoạt của đồng bào Khmer qua nhiều thế hệ. Du khách có thể tìm thấy nơi đây những dụng cụ sinh hoạt, trong lao động sản xuất của người Khmer, các trang phục cưới hỏi, ngày hội, các kiểu nhà ở và kiểu kiến trúc chùa Khmer… giúp cho du khách hiểu biết đồng bào Khmer có nhiều gắn bó với quá trình đấu tranh bảo vệ và xây dựng Sóc Trăng qua các thời kỳ. Trong ngày hội đua ghe ngo, du khách đến bên bờ sông Maspero sẽ thấy không khí ngày hội thật náo nhiệt, tiếng trống thôi thúc từng cặp ghe tranh tài quyết liệt. Đội hình đua ghe ngo có 52 người, toàn đội bơi theo hiệu lệnh của người trưởng đội ngồi ở mũi ghe. Chùa Mã Tộc được xây dựng vào năm 1569, toạ lạc tại phường 3 thị xã Sóc Trăng, diện tích gần 3 ha, không gian yên ả với nhiều cây cổ thụ, là nơi cư trú lý tưởng của hàng vạn con dơi, quạ nên còn được gọi là chùa Dơi. Ban ngày đàn dơi quạ đông đúc treo mình trên các cành cây, là hình ảnh lý thú bất ngờ hấp dẫn nhiều du khách trong nước và quốc tế. Đàn dơi đông đúc này có thói quen không ăn trái cây trong khuôn viên chùa, ban đêm đàn dơi bay đi tìm thức ăn nơi khác. Thời gian tới, chùa Dơi sẽ được quy hoạch mở rộng, trồng thêm cây xanh để bảo vệ đàn dơi và là địa điểm văn hoá du lịch sinh thái. Chùa Bốn Mặt ở xã Phú Tân (Mỹ Tú) được xây dựng từ năm 1537. Theo các lão nông địa phương, trước đây nơi này hoang vu rậm rạp, đồng bào Khmer trong khi khẩn hoang đã đào được khối đá có mặt Phật ở 4 hướng, cho là điềm lành nên những nông dân vùng này dựng chùa để thờ. Từ đó có tên chùa Bốn Mặt. Trong khuôn viên chùa có sân rộng trồng nhiều cây sao, cây dầu, không khí mát mẻ trong lành. Chùa Sà Lôn còn gọi là chùa Chén Kiểu ở xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên) được xây dựng từ năm 1815, đến năm 1969 sư cả trụ trì đời thứ 9 của chùa xây dựng lại kiên cố hơn nên thời gian kéo dài, vào năm 1980 gạch men khan hiếm nên vị sư cả đồng ý cho thợ lấy các chén đĩa và các mảnh vỡ để trang trí ngôi chính điện. Đây là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách trên đường từ vườn cò Tân Long ở huyện Thạnh Trị trở về thị xã Sóc Trăng./.

Đức Giang

Dân tộc Khmer



Dân tộc Khmer có trên một triệu người, cư trú xen kẽ giữa người Kinh, người Hoa và một số dân tộc khác. Địa bàn sinh sống tập trung của đồng bào Khmer là ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đông nhất là Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh.. Sinh cơ lập nghiệp lâu đời trên vùng đất sông nước, người Khmer Nam bộ dồi dào kinh nghiệm làm lúa nước, thau chua rửa phèn, tạo giống lúa mới thích hợp với nhiều loại đất phèn, đất nước lợ, đất bồi phù sa v.v.

Dân tộc Khmer phần lớn theo đạo Phật, một số ít khác theo đạo Bà La Môn. Thanh niên lớn lên phải xuống tóc đi tu, học giáo lý Phật và học văn hoá trước khi bước vào cuộc sống tự lập của người trưởng thành. Là một dân tộc mộ đạo nên phần lớn các phum, sóc đều có chùa để dân chúng đến tụng kinh, thờ Phật. Ước tính hiện có khoảng 500 chùa ở những nơi có người Khmer sinh sống.Trong mỗi chùa có nhiều sư, đứng đầu là sư cả. Nhà chùa ngoài việc đọc kinh, lễ Phật còn tồ chức dạy chữ Khmer, truyền bá kinh nghiệm sản xuất. Những chùa lớn thường có đội kèn ,trống, đàn, đội ghe ngo. Nhiều lễ hội bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Phật như: Chol Chnam Thmây với nghi lễ tắm tượng Phật bằng nước thơm; Lễ Phật Đản; Lễ đôlta; Lễ hội Ok Om Bok v.v. Chùa Khmer là một thành tố tích cực tổ chức các lễ hội. Chùa đối với người Khmer là sự gắn bó thiêng liêng cả đời người. Khi mới sinh, thầy chùa được mời đến chứng kiến. Lớn lên được tu dưỡng trong tinh thần Phật giáo. Khi chết, người Khmer hoả táng và tro được gửi lên chùa. Chùa trở thành trung tâm tín ngường, cõi thiêng và cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng của cư dân Khmer. Phum, sóc, giống như làng bản, là tổ chức truyền thống của cộng đồng. Nhà cửa của người Khmer trước đây là nhà sàn, tuy nhiên qua nhiều thập niên lại đây nhà sàn chỉ còn một số ít dọc biên giới Campuchia. Phần lớn cư dân làm nhà đất giống như người Kinh, người Hoa. Cách sắp đặt, tổ chức nhà ở nhìn bên ngoài có cảm giác không khác gì nhà người Kinh. Nhưng nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thì sự bố trí có nhiều điểm riêng, mang đậm tập quán sinh hoạt của người Khmer. Theo chiều ngang của nhà, một nửa là bếp núc và nửa còn lại là nhà ở. Phần này được ngăn đôi theo chiều dọc: Phần phía trước dùng để tiếp khách và bàn thờ Phật. Nửa sau, bên phải là buồng của vợ chồng gia chủ, bên trái là buồng ngủ của con gái. Sự bố trí tuy đơn giản như vậy nhưng không được phép tuỳ ý thay đổi.

Người Khmer tuy sống giữa cộng đồng Việt hàng chục thế kỷ nhưng họ luôn giữ bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc mình, được thể hiện qua chữ viết, lễ hội, trang phục cũng như những sinh hoạt cộng đồng khác. Người Khmer có chữ viết riêng. Ngày nay các em học sinh ngoài học chữ phổ thông, nhà trường vẫn dạy và học chữ viết truyền thống dân tộc. Khi qua đời, người Khmer phổ biến dùng hình thức hoả táng. Trước đây việc hoả tàng thực hiện ngoài đồng, nơi xa dân cư. Sau hoá, một phần tro được để vào thố và đem thờ tự trong chùa. Nhưng ngày nay đã ra đời nhiều lò hoả táng cải tiến, vừa văn minh, tiện lợi lại hợp vệ sinh mà vẫn giữ được nét phong tục lâu đời của dân chúng. Lò hoả táng cải tiến này đã xuất hiện đầu tiên ở Sóc Trăng, do một nhóm chuyên viên kỹ thuật địa phương thiết kế, thi công. Hai huyện Long Phú,Vĩnh Châu, nơi tập trung nhiều đồng bào Khmer nhất tỉnh được chọn làm nơi xây dựng lò hoả táng đầu tiên. Người Khmer vui mừng, coi đây là sự quan tâm chu đáo của chính quyền đối với phần hồn của người dân khi lìa trần. Trang phục truyền thống riêng của người Khmer được bảo tồn qua nhiều thế hệ. Người đàn ông hàng ngày mặc bà ba đen, quấn khăn rằn. Ngày lễ họ mặc áo bà ba trắng, quần đen, quàng khăn trắng quấn chéo vắt lên vai trái. Chú rể trong đám cưới mặc saron, áo ngắn màu đỏ, quàng khăn trắng vắt qua vai trái, đem thêm con dao tượng trưng, ngụ ý để bảo vệ cô dâu. Nhưng nét riêng trang phục của dân tộc thể hiện rõ rệt hơn ở người phụ nữ. Người phụ nữ Khmer mặc váy dệt bằng sợi tơ ằm. Trong những ngày lễ lớn kéo dài cả tuần, người phụ nữ đi dự lễ, mỗi ngày mặc một chiếc váy màu sắc khác nhau. Ngày cưới cô dâu thường mặc váy, gọi là xăm pôt hoi màu tím sẫm, áo dài tăm ong màu đỏ thẩm, quàng khăn chéo qua người, đội mũ tháp nhọn. Nhưng đó là trang phục mang tính truyền thống và thường được dùng trong những ngày lễ lớn của cộng đồng Khmer. Còn hàng ngày, giữa người Khmer, người Kinh, người Chăm... tuy vẫn giữ nét riêng đặc sắc dân tộc mình, nhưng cũng có nhiều nét pha trộn, học hỏi lẫn nhau, đặc biệt ở lớp trẻ, miễn là đẹp mắt, hợp thời đại và tiện lợi trong sinh hoạt.

Đến với phum, sóc Khmer vào dịp đón tết, bạn phải nhớ ăn mặc đúng trang phục lễ hội . Đêm giao thừa người Khmer làm lễ, dâng bánh trái cây lên chùa. Lễ chùa xong cũng là lúc bình minh chiếu rọi những tia sáng đầu tiên của ngày đầu năm mới. Mọi người tay bắt mặt mừng chúc nhau những điều tốt đẹp nhất. Suốt cả ngày hôm đó dân ấp, trai trẻ vui chơi nhảy múa. Đây là lễ hội Mừng Năm Mới của người Khmer Nam Bộ. Những tiếng hát theo điệu Adây, những điệu múa tập thể Rơmvông, Xaidăm... dập dìu suốt cả ngày tới thâu đêm. Trong bữa cơm năm mới, ngoài các loại bánh quen thuộc như bánh chưng bánh tét, bánh ú, bánh in, v.v. người Khmer không thể thiếu món bún. Món ăn này đặc sắc nhờ vào nồi nước lèo, được nấu từ thịt cá lóc giã nhỏ với nhiều gia vị quen thuộc. Đó là món ăn đặc biệt trong ngày mồng một tết.

Kính Hiền

Thứ Ba, 20 tháng 1, 2009

Kiên Giang và Kampot tăng cường thương mại


Để đưa kinh tế khu vực biên giới phát triển mạnh trong thời gian tới, tỉnh Kiên Giang, Việt Nam và tỉnh Kampot, Campuchia thống nhất tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu, xem đây là bước phát triển quan trọng trong quan hệ hợp tác đầu tư, trao đổi thương mại giữa 2 tỉnh.

Hai bên sẽ xây dựng và ký kết các văn bản hợp tác, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu của 2 tỉnh.

Bên cạnh đó, hai bên tiếp tục tạo các điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, ưu đãi cho các doanh nghiệp để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu qua 2 cửa khẩu, phấn đấu cuối năm 2008 nâng kim ngạch biên mậu 2 chiều đạt trên 45 triệu USD, trong đó phía Kiên Giang đạt từ 42 triệu USD trở lên. Đến năm 2010, biên mậu 2 chiều đạt 100 triệu USD.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, hơn 9 tháng qua, giá trị kim ngạch xuất khẩu tại cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đạt gần 33,4 triệu USD, bằng 98% kế hoạch năm và tăng 2,5 lần so cùng kỳ năm 2007. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nông-hải sản, thực phẩm chế biến, hàng gia dụng, chế phẩm tẩy rửa, bánh ngọt, lạc, đổ tương.

Kim ngạch nhập khẩu cũng đạt gần 3,3 triệu USD. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là các mặt hàng gỗ, thức ăn cho tôm, hải sản, vỏ tôm, vỏ ghẹ và một số máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, xây dựng.

(TTXVN)

Bảy Núi vào mùa nấu đường thốt nốt


Vào dịp cuối năm, nông dân Khmer vùng Bảy Núi (thuộc các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn-An Giang) bắt đầu bước vào mùa khai thác nước cây thốt nốt để nấu đường đón năm mới.

Cây thốt nốt-nguồn nguyên liệu làm đường của bà con Khmer vùng Bảy Núi.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tri Tôn, toàn huyện có 11 cơ sở chế biến đường thốt nốt với 65 hộ gia đình và 730 lao động người Khmer tham gia, cho thu nhập bình quân 600.000đồng/người/tháng. Người tham gia làm đường thốt nốt tập trung ở các xã Núi Tô, Ô Lâm (xã 135), Cô Tô, Châu Lăng và Lê Trì. Phần lớn, bà con đều khai thác nước thốt nốt và nấu đường theo cách truyền thống để tạo ra sản phẩm đường thùng, đường chảy, ít người chế biến thành đường tán và có bao bì, nhãn mác bắt mắt người tiêu dùng. Vì vậy, hiệu quả kinh tế thấp, giá trị lợi nhuận không cao. Mặt khác, do thiếu vắng mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nên giá cả đường thốt nốt bấp bênh, không ổn định. Ngành chức của huyện cùng các xã đã có nhiều nỗ lực, song hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn.

Bằng nguồn vốn tài trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh An Giang phối hợp 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên đã triển khai dự án “Hỗ trợ nông dân Khmer nghèo khai thác và chế biến đường thốt nốt” tại các xã Núi Tô, Lê Trì, Châu Lăng (huyện Tri Tôn) và An Cư (xã 135), An Hảo, Văn Giáo (huyện Tịnh Biên). Có hơn 100 hộ được ưu tiên hưởng lợi, với tổng vốn đầu tư hơn 300 triệu đồng. Qua đó, tạo điều kiện cho đồng bào Khmer làm nghề nấu đường thốt nốt có dịp tiếp cận và ứng dụng theo phương pháp khoa học; giúp sản phẩm đặc sản đảm bảo chất lượng và tăng cao giá trị kinh tế; vừa nâng được mức lợi nhuận và thu nhập kinh tế gia đình. Các ngành, các cấp đã đánh giá cao về hiệu quả kinh tế lẫn hiệu quả xã hội của dự án này, còn nông dân Khmer ở trong vùng dự án thì phấn khởi đón nhận và nhiệt tình nhân rộng.

Thông qua nguồn vốn hợp phần Hỗ trợ sản xuất (thuộc Chương trình 135) của Chính phủ và Chương trình dân tộc của tỉnh An Giang, 2 năm 2007-2008, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tịnh Biên đã kết hợp với Hội Nông dân huyện hỗ trợ tổng vốn hàng trăm triệu đồng cho 20 hộ khai thác nước và nấu đường thốt nốt, 25 hộ mua bán đường thốt nốt và 41 hộ xây lò nấu đường tại các xã An Cư, An Hảo, Tân Lợi, Vĩnh Trung, Văn Giáo, Nhơn Hưng, An Phú... Ngoài ra, hàng trăm hộ Khmer nghèo khác được các đoàn thể lập dự án, đề nghị vay vốn ngắn hạn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện và vốn hỗ trợ của các đoàn thể. Nhờ vậy, nghề thủ công truyền thống khai thác nước và nấu đường thốt nốt ở Tịnh Biên tiếp tục duy trì. Nhiều cơ sở phát triển chiều sâu và vươn ra thị trường tiềm năng ngoài tỉnh, xây dựng được thương hiệu sản phẩm và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Những ngày này, dạo quanh các phum, sóc dẫn ra các chân núi, đâu đâu cũng thấy nhộn nhịp cảnh khai thác nước và nấu đường thốt nốt. Người làm nghề ráo riết kiểm tra lại cây đài leo, dụng cụ đựng nước, dự trữ chất đốt và sửa chữa lò, sắm sửa thêm nồi, thau... để nấu đường trong niên vụ mới vào mùa khô 2008-2009. Một tương lai tươi sáng đang mở ra phía trước cho bà con Khmer vùng Bảy Núi khi ngành Du lịch tỉnh An Giang đang xúc tiến đầu tư phát triển du lịch sinh thái, làng nghề, và đặc sản đường thốt nốt sẽ theo chân khách du lịch đi muôn phương.

T.A

Long An: Kết quả thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II ở 19 xã biên giới

Thực hiện Chương trình (CT) 135 của Chính phủ, tỉnh Long An có 20 xã biên giới được thụ hưởng nguồn vốn của Chương trình. Trong giai đoạn I (1999-2005), Long An được đầu tư tổng kinh phí 191,3 tỉ đồng, trong đó vốn CT 135 chiếm 39%, các chương trình, dự án khác chiếm 61%.

Những kênh rạch ở Long An đều được bắc cầu nhờ nguồn vốn 135 hỗ trợ. Ảnh: Sông Lam

Bước sang giai đoạn II (2006-2010), toàn tỉnh còn 19/20 xã thuộc diện thụ hưởng CT135. Để triển khai hiệu quả CT, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Chuyên viên giúp việc, đồng thời ban hành quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo. Trên cơ sở kế hoạch và hướng dẫn của tỉnh, 5 huyện và 19 xã thụ hưởng CT đã xây dựng kế hoạch thực hiện cả giai đoạn II từ 2006 đến 2010 và kế hoạch cụ thể từng năm.

Từ năm 2006 đến 2008, tổng số vốn Trung ương phân bổ cho CT 135 của tỉnh Long An là 47 tỷ 951 triệu đồng. Trong đó, hợp phần Hỗ trợ phát triển sản xuất gồm 7 tỷ 106 triệu đồng, các địa phương đã xây dựng 44 dự án. Đến nay, đã triển khai 24 dự án, chủ yếu là hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, một số dự án mua máy gặt đập liên hợp để phục vụ cho thu hoạch lúa, 20 dự án đang chuẩn bị thực hiện.

Về hợp phần Phát triển cơ sở hạ tầng, UBND tỉnh phân cấp cho UBND các huyện thẩm quyền quyết định danh mục đầu tư với tổng vốn 39 tỷ 400 triệu đồng. Huyện đã phê duyệt 124 công trình, gồm: giao thông 47, thủy lợi 6, y tế 6, giáo dục 18, nước sạch và vệ sinh môi trường 20, văn hóa thông tin 1 và 9 công trình khác... Hiện có 51 công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Về hợp phần Đào tạo nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng, tỉnh đã triển khai tổng vốn 1.419 triệu đồng. UBND tỉnh đã tổ chức mở lớp tập huấn cho 118 học viên là thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện và Ban Quản lý dự án các xã với kinh phí 175 triệu đồng. Nội dung tập huấn tập trung vào các văn bản hướng dẫn thực hiện CT 135 giai đoạn II. Sau thời gian tập huấn, cán bộ quản lý CT đã nâng cao nhận thức về mọi mặt, đặc biệt là trình độ quản lý, điều hành và giám sát công trình.

Hợp phần Hỗ trợ nâng cao đời sống và trợ giúp pháp lý cho nhân dân đã được triển khai thực hiện bằng hình thức lưu động tại các xã thuộc CT 135 cho người dân nghèo, trực tiếp tư vấn và miễn phí các vấn đề đất đai, hôn nhân gia đình và những vấn đề dân sự khác.

Tính đến thời điểm tháng 12/2008, tỉnh Long An đã giải ngân 37.344 triệu đồng, đạt 77,88% kế hoạch năm, nguồn vốn còn lại chuyển sang năm 2009 để tiếp tục thanh toán.

Trên cơ sở kinh nghiệm thực hiện CT135 giai đoạn I, các huyện thực hiện tốt việc lựa chọn danh mục, địa điểm đầu tư đúng đối tượng theo mục tiêu CT đề ra. Phần lớn các dự án được triển khai thực hiện đều phát huy hiệu quả, phục vụ tốt cho sản xuất, sinh hoạt, đi lại của bà con trong vùng hưởng lợi. Số vốn được đầu tư trực tiếp cho hộ nghèo để hỗ trợ phát triển sản xuất, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện.

Những công trình xây dựng mới, khang trang góp phần làm thay đổi cảnh quan vùng nông thôn biên giới. Thông qua việc thực hiện CT, trình độ, năng lực quản lý của cán bộ cơ sở từng bước được nâng lên. Cùng với việc nâng cao dân trí, các tiến bộ khoa học kỹ thuật được người dân áp dụng vào sản xuất, tác động trực tiếp vào cách nghĩ, cách làm của người dân nông thôn, nhiều hộ nghèo vươn lên khá, giàu là những tấm gương điển hình thoát nghèo.

Nhờ có CT 135 mà đến nay, 100% số xã xây dựng được 5 hạng mục công trình thiết yếu như điện, đường, trường, thủy lợi nhỏ, trạm y tế. Các hạng mục công trình hạ tầng từng bước hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sự nghiệp giáo dục. 100% các xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, 50% các xã đã hoàn thành phổ cập THCS. Công tác chăm sóc sức khỏe y tế có bước chuyển biến rõ rệt, mạng lưới y tế đến tận xã, ấp, góp phần ngăn chặn dịch bệnh và các bệnh xã hội nguy hiểm cho người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai thực hiện CT 135 ở địa phương còn bộc lộ một số hạn chế nhất định như việc xây dựng, phê duyệt danh mục đầu tư cơ sở hạ tầng có nhiều thay đổi, bổ sung; thực hiện dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất còn lúng túng do đặc thù của địa phương là vùng ngập lũ nên các công trình xây dựng chỉ thi công được vào mùa khô, còn mùa mưa thì phải dừng lại. Bên cạnh đó, năm đầu tiên phân cấp cho xã làm chủ đầu tư các dự án thuộc CT 135 nên không tránh khỏi sự lúng túng trong điều hành và quản lý, một bộ phận nhân dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước đã làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và hiệu quả thực hiện CT 135 từng năm.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Long An sẽ tập trung thực hiện các giải pháp như tăng cường mở các lớp đào tạo bồi dưỡng cán bộ cơ sở, nâng cao trình độ quản lý hành chính, kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực làm chủ của cộng đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nâng cao trình độ sản xuất; huy động mọi nguồn lực để xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu; phát triển các dịch vụ cải thiện và nâng cao đời sống, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân.


Theo BCĐCT.135
tỉnh Long An

Báo Dân tộc & Phát triển

Hồng Dân (Bạc Liêu): Thực hiện tốt việc dạy tiếng Khmer cho học sinh dân tộc

Hồng Dân là một huyện vùng sâu của tỉnh Bạc Liêu có 8 xã được hưởng chương trình 135 và 134 của Chính phủ. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng phòng GD-ĐT huyện đã chỉ đạo làm khá tốt việc dạy tiếng Khmer cho học sinh tiểu học và THCS ở những xã có học sinh (HS) là người dân tộc.

Năm học 2007- 2008 toàn huyện Hồng Dân có 15 trường dạy tiếng Khmer với 981 HS ở 41 lớp (Tiểu học: 10 trường, THCS: 05 trường), so với năm học trước tăng 186 HS. Đa số HS dân tộc rất thích được học tiếng và chữ của dân tộc mình. Vào đầu năm học các em rất hăng hái nhưng càng về sau tỏ ra mệt mỏi và có em bỏ học. Nguyên nhân: một phần do chương trình dạy còn nặng nề và nhất là đời sống gia đình các em còn nhiều khó khăn. Các em vừa phải học các môn tiếng Việt vừa phải học tiếng Khmer như một “ngoại ngữ”. Về nhà là phải gác tập vở để cùng cha mẹ ra đồng, ra rẫy lao động, hay đi mò cua bắt ốc, hoặc đi làm mướn kiếm sống. Nắm bắt được tình hình này, ngành GD&ĐT Hồng Dân đã và đang có nhiều biện pháp hữu hiệu để đưa học sinh trở lại lớp và gắn bó hơn với con chữ dân tộc.

Hiện nay toàn huyện chỉ có 26 giáo viên dạy tiếng Khmer (trong đó có 7 giáo viên biên chế, còn 19 giáo viên là hợp đồng ở các chùa). Phòng GD đã cử 6 giáo viên đi tập huấn ở TP Hồ Chí Minh và ở Cần Thơ về chương trình dạy tiếng Khmer theo sách giáo khoa quyển 2 và quyển 3. Học sinh THCS là người dân tộc được học 4 tiết/tuần. Tới tiết học tiếng Khmer các em tập trung lại ở một lớp cố định để học, mỗi lớp từ 25 HS trở lên. Đối với HS Tiểu học cũng học 4 tiết/tuần nhưng thường bố trí vào tiết đầu hoặc tiết cuối của buổi học chính khoá. Qua dự giờ kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ của Thanh tra phòng GD thì số giáo viên dạy tiếng Khmer đạt yêu cầu chỉ trên 85%, còn 15% giáo viên chưa đạt yêu cầu phải thường xuyên được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Hàng năm phòng GD có tổ chức thao giảng ở 4 cụm xã: Ninh Qưới, Ngan Dừa, Lộc Ninh, Ninh Hoà và mở một chuyên đề ở Trung tâm huyện để rút kinh nghiệm, tìm ra phương pháp giảng thích hợp với từng đối tượng ở địa phương.

Ông Nguyễn Thành Sơn - Trưởng phòng GD, cho biết: “Ngoài việc dự giờ thăm lớp để giúp đỡ về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên, chúng tôi còn rất chú ý nhắc nhở các thầy cô giáo phải luôn thông qua các tiết dạy để giáo dục các em về kỷ cương nền nếp học đường, truyền thống tôn sư trọng đạo, tình đoàn kết dân tộc, am hiểu luật giao thông và tránh xa các tệ nạn xã hội…”. Do đó, năm học 2007- 2008, xếp loại chất lượng học tập tiếng Khmer của HS có chiều hướng tốt: 15,83% giỏi (118 em), 31,94% khá (238 em), 44,83% trung bình (334 em) và 7,3% yếu (55 em).

Năm học 2008- 2009 có 16 trường tiểu học và THCS dạy tiếng Khmer (tăng 1 trường) ở thị trấn và 6 xã: Thị trấn Ngan Dừa, xã Ninh Qưới, Ninh Qưới A, Ninh Hoà, Lộc Ninh, Vĩnh Lộc và Ninh Thạnh Lợi với 1381 HS ở 44 lớp. Năm học này số giáo viên hợp đồng tăng thêm nhưng phải được tập huấn kỹ về chương trình và sách giáo khoa, đặc biệt là việc thay sách lớp 4. Giờ dạy ở các lớp Tiểu học phải trở nên nhẹ nhàng để giúp HS “học mà chơi, chơi mà học”. Đối với những giáo viên và HS có thành tích xuất sắc, duy trì được sĩ số lớp, huyện và phòng GD sẽ khen thưởng kịp thời để động viên, khích lệ.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Trưởng phòng GD, phụ trách chuyên môn, cho biết: “Năm học này, phòng GD sẽ tăng cường kiểm tra, dự giờ thăm lớp dạy tiếng Khmer để nắm bắt kịp thời những mặt mạnh, mặt yếu của giáo viên ở các điểm trường. Từ đó, rút kinh nghiệm, trao đổi chuyên môn, cải tiến phương pháp giảng dạy, làm sao HS phải được học một cách nhẹ nhàng, như vậy các em mới ít bỏ học. Đối với số dư giờ vượt chuẩn của giáo viên dạy tiếng Khmer sẽ được ưu tiên, thanh toán kịp thời”.

Việc đầu tư dạy chữ và tiếng Khmer ở Hồng Dân không chỉ góp phần giữ gìn, phát triển con chữ-văn hoá dân tộc mà còn mở ra tương lai tươi sáng hơn cho con em đồng bào Khmer nơi đây.

Lê Xuân

Theo Giáo dục & Thời đại

Thứ Ba, 13 tháng 1, 2009

Sự giao thoa ngôn ngữ giữa các dân tộc ở Nam bộ


Nam bộ là một vùng đa văn hóa, là nơi cư trú xen kẽ của nhiều tộc người từ nhiều thế kỷ với một mối giao lưu văn hóa rộng rãi và lành mạnh.

Ngay từ cuối thế kỷ XVII, ở Nam bộ đã có nhiều cộng đồng dân tộc cùng sinh sống. Người Việt là dân tộc chủ chốt đã khai phá và đặt nền tảng quản lý hành chính, về phương diện quân sự cũng là lực lượng chủ chốt bảo vệ vùng đất Nam bộ.

Trong quá trình khai phá, không thể không tính đến sự có mặt của các dân tộc bản địa và những dân tộc di cư đến. Đó là các dân tộc Hoa, Khmer và Chăm.

Điều cần lưu ý đầu tiên là trong suốt tiến trình khai phá và phát triển của Nam bộ, các dân tộc đã cùng chung sống hòa bình và đáng kể hơn cả là sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc đã góp phần tạo cho vùng đất Nam bộ những nét văn hóa độc đáo. Ngay khi có nhiều tôn giáo lớn cùng hiện diện, giữa các dân tộc vẫn luôn giữ được tinh thần bao dung về mặt tín ngưỡng. Trên lĩnh vực ngôn ngữ, trong quá trình giao lưu, tiếng Việt đã dần dần trở thành tiếng nói chung bên cạnh hiện tượng song ngữ hay đa ngữ vẫn được coi là bình thường, còn hiện diện rải rác ở một số vùng cộng cư Việt - Khmer - Chăm, Việt - Hoa... Trong tiếng nói của người Việt đã có sự hiện diện của các tiếng dân tộc và ngược lại, chẳng hạn như các từ lì-xì, xính xái, xí mụi, thèo lèo, tài công, tằng khạo xuất phát từ tiếng Hoa; cà ràng, xà quầng, mình ên xuất phát từ tiếng Khmer... Trong sinh hoạt vật chất cũng vậy. Chiếc phảng, chiếc nóp, cà ràng của người Khmer đã được cải tiến trở thành thân thiết với người Việt đồng bằng. Chiếc áo bà ba của người Việt cũng thành quen thuộc với nhiều dân tộc. Ngôi nhà sàn là kiểu cư trú truyền thống của người Khmer nhưng người Việt, người Chăm cũng sử dụng. Nhiều món ăn vốn gốc từ một dân tộc, nhưng sau này đã được phổ biến rộng rãi. Đặc biệt, có vài trường hợp lễ hội của riêng một dân tộc cũng được các dân tộc anh em vui chung như Tết Nguyên đán, lễ đua ghe ngo...

Đặc biệt là về ngôn ngữ, do nơi đây từng diễn ra sự cộng cư, cộng canh, cộng tác giữa người Việt, người Khmer từ thế kỷ XVII đến nay nên phương ngữ Nam bộ có nhiều từ mượn tiếng Khmer. Cũng không ở đâu có nhiều từ mượn tiếng Hán theo giọng Quảng Đông, Triều Châu như ở đây. Bởi vì hơn ở đâu hết, trên nước Việt Nam, nhiều người Hoa vào đây từ cuối thế kỷ XVII trở đi để làm ăn sinh sống. Trong giao lưu, mua bán, người Việt đã tiếp nhận vào vốn từ ngữ của mình hàng trăm từ gốc Quảng Đông, Triều Châu. Người Hoa và văn hóa Hoa, trong sự giao hòa với người Việt và văn hóa Việt, là một mảng màu khá nổi trên vùng đất Nam bộ này.

* Những từ mượn có nguồn gốc Khmer

Những từ mượn có liên quan đến xã hội, phong tục người Khmer: cái xà-rông (sa-rông), cái cà-ràng, một loại bếp (âng kran), cái cần xé (canh chê), cái cù nèo (khveo), mắm bồ hóc (brô-hok), cà-ròn, bao bằng bàng (ca-rông), cà-om, một loại nồi đất (kơ-om), cái lọp để đánh cá (lop).

Những từ mượn có liên quan đến cảnh quan thiên nhiên: Cây thốt nốt (thnôt), bưng trong bưng biền (bâng), vàm (piam), cá linh (trây linh), cá chốt (trây cân-chôh), cá hô (trây hô), con cần đước (an-đơk), cây chùm ruột (căn tuôt), cây tầm vông (ping pông), trái cà na (kna).

Những từ mượn là địa danh gốc Khmer: Địa danh gốc Khmer còn được bảo tồn ở Nam bộ khá nhiều. Sau đây là một số dẫn chứng: Ba-thắc (tên cũ vùng đất ở miền sông Hậu và hữu ngạn sông Hậu), tiếng Khmer là prêk basak. Ô Môn (Srôk Ômô, nghĩa là xứ có nhiều cây ô môi).

* Những từ mượn có nguồn gốc Quảng Đông, Triều Châu

Nhiều nhất là tên những món ăn: bò pía (bảo bỉnh là loại bánh mỏng cuốn gói nhỏ với rau, tôm, thịt); dầu cháo quẩy (du chá quỹ); hủ tiếu (cốc điều); lục tàu xá (lục đậu sa, tức là chè đậu xanh); lẩu (lô); lạp xưởng (lạp trường); ngầu bín (ngưu bính là món dương vật bò nấu rục); tả pín lù (tạp bỉnh lô); thèo lèo (trà liệu).

Những từ thuộc về kinh doanh, giao tế như: chạp phô (tiệm bán tạp hóa); chánh hẩu (chính hiệu); tẩm quất (đản cốt); tứ chiếng (bốn hướng, dân tứ chiếng là dân bốn phương tụ lại).

Nhưng thú vị nhất có lẽ là sự hòa hợp ngôn ngữ giữa các dân tộc ở Nam bộ trên bình diện ca dao. Về phương diện này, mỗi dân tộc góp vào một tiếng nói của mình, làm cho ca dao Nam bộ đa dạng hơn, phong phú hơn và lạ hơn.

Gió đưa chú tửng từng tưng

Gặp chị bán gừng na nả nị ơi

Một câu ca dao với các từ láy “tửng từng tưng, na nả” ẩn chứa chỉ chú Tửng, cô Nả theo tiếng Quảng, tiếng Tiều. “Tửng” là âm tiếng Tiều của chữ “Đường”. Người Triều Châu tự xưng là Từng Náng (Đường nhân), lấy tên theo triều đại nhà Đường, một triều đại rực rỡ của Trung Quốc. Câu đầu của câu ca dao được hiểu là ngọn gió khởi lên sự vui vẻ từ lòng người chú Tiều (Từng Náng) khi gặp gỡ cô gái “Nị” là đại từ ngôi thứ hai theo âm Quảng Đông, “na” là chỉ phụ nữ tương tự như cuối câu tường thuật của tiếng Việt dùng từ: đấy, nhé... Câu ca dao nói lên hồn Việt, hồn Hoa hòa quyện vào nhau, chú, tửng, chị, nị... chứa chan tình cảm phơi phới thông qua từ láy “tửng từng tưng”, “na nả nị” quả là thần tình!

Nếu họ không gặp thì sao?

Trời mưa muỗi cắn máng cà

Chờ cho ến xại lên bờ khuôi huôi

Và hai câu ca dao thuần Việt:

- Chờ anh cho hết sức chờ

Chờ cho rau muống lên bờ trổ bông

- Trời xanh đất đỏ kinh xanh

Đỉa bu muỗi cắn làm anh nhớ nàng

“Máng cà” đúng ra là “máng cả”. “Máng” là con muỗi. “Cả” là cắn. “Cả” trại âm “cà”, do âm luật lục bát. “Ến xại” là rau muống. “Khuôi huôi” là khai hoa - trổ bông. Câu ca nói lên sự nôn nao, khắc khoải nỗi chờ đợi. Trong cái không gian miệt đồng muỗi kêu như sáo, trong cái thời gian dằng dặc trôi trên miệt đồng rau muống nảy ngọn bò lên bờ... trổ bông tình yêu chứa chan niềm hy vọng.

Tóm lại, sắc thái ca dao Nam bộ vô cùng phong phú và đa dạng. Chính cái phong phú và đa dạng này đã làm cho ca dao Nam bộ mang nhiều vẻ của một vùng sông nước hữu tình. Và các yếu tố Hoa - Việt cùng tồn tại trong một câu ca dao lại là một mảng hết sức độc đáo của ca dao Nam bộ. Nó làm cho ca dao Nam bộ không chỉ mang dáng vẻ riêng về ca dao của một vùng đất, mà nó còn tạo cho ca dao ở đây có sự hấp dẫn, mới lạ và làm lay động lòng người.


TRẦN PHỎNG DIỀU

Kiên Giang: Những sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch nổi bật năm 2008


Khánh thành tượng đài danh nhân Mạc Cửu - Ảnh: T.V
Năm 2008 đã khép lại với đầy ắp các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) diễn ra sôi nổi từ thành thị đến nông thôn, vùng biên giới, hải đảo và vùng đồng bào Khmer. Hoạt động VHTTDL đã góp phần mang lại diện mạo mới về đời sống tinh thần cho nhân dân Kiên Giang. Sau đây xin tổng hợp và điểm những sự kiện VHTTDL nổi bật năm 2008…

1. Ngành VHTTDL Kiên Giang tham mưu cho Ban chỉ đạo các sự kiện VHTTDL năm 2008- 2010 tổ chức thành công 03 sự kiện VHTTDL của tỉnh hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia Mêkông Cần Thơ 2008 gồm:

Lễ khánh thành tượng đài danh nhân Mạc Cửu gắn với kỷ niệm 10 năm thành lập thị xã Hà Tiên diễn ra nhiều hoạt động trong không gian rộng phục vụ khá tốt nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn của du khách trong và ngoài tỉnh. Ngoài đêm bế mạc trao giải thưởng Hội diễn văn nghệ tỉnh còn có Hội chợ triển lãm quốc tế, văn hóa ẩm thực, thả hoa đăng trên sông Đông Hồ, Giải đua xuồng, đua xe đạp, cầu lông, bóng chuyền…

Lễ hội kỷ niệm 140 năm ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực có nhiều hoạt động lần đầu tiên được tổ chức, không gian Lễ hội trải dài gần như khắp các địa bàn trọng điểm của thành phố Rạch Giá. Đó là Đêm hội “Dệt chiếu Tà Niên” với việc giới thiệu chiếc chiếu dài 45 mét, rộng 1,8 mét và được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục chiếc chiếu dài nhất Việt Nam; là triển lãm 200 bức ảnh thật lộng lẫy trên đường phố với chủ đề “Kiên Giang- Đất nước- Con người”; là Hội thi tìm hiểu thân thế và sự nghiệp Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực có gần 100 em học sinh tham gia thi vòng loại và 20 em vào vòng chung kết; là Hội chợ văn hóa ẩm thực và phố đi bộ với các màn trình diễn pha chế rượu, các món ăn mang đậm nét văn hóa truyền thống của ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer của vùng quê Kiên Giang, các gian hàng quảng bá tiềm năng du lịch của các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực; là Hội chợ- triển lãm; là các đêm biểu diễn nghệ thuật cải lương, hát bội, đờn ca tài tử, văn nghệ quần chúng, trò chơi dân gian; là tuần lễ ra quân làm sạch đẹp thành phố với khẩu hiệu bảo vệ môi trường sống, môi trường du lịch… Một lần nữa, Lễ hội Nguyễn Trung Trực tiếp tục thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa và xứng tầm của một Lễ hội văn hóa dân gian tiêu biểu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khi thu hút khoảng 650 ngàn lượt khách tham dự.

Ngày hội Văn hóa- Thể thao dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ 2 năm 2008 tổ chức đúng vào dịp đón Lễ Ók om Bok với nhiều loại hình hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao vừa phong phú vừa đa dạng. Trong suốt ba ngày diễn ra lễ hội tại huyện Gò Quao đã có khoảng 100.000 lượt người, không chỉ là bà con dân tộc Khmer mà còn có người Kinh, Hoa, Chăm trong và ngoài tỉnh tham gia và hưởng thụ các hoạt động mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ. Đến với Ngày hội, du khách được tham gia vào lễ cúng Trăng; xem các gian hàng trưng bày, triển lãm hình ảnh, hiện vật, các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp; thưởng thức các món ăn tại các gian hàng văn hóa ẩm thực và đắm mình vào không khí tưng bừng, đầy màu sắc của đêm liên hoan văn nghệ, thi làm giàn thủy lục đẹp và thi đấu bóng chuyền, bóng đá. Và chắc chắn, không ai có thể bỏ qua cuộc đua ghe ngo náo nhiệt, huyên náo cả một khúc sông Cái Lớn. Có một điều đặc biệt, Giải đua ghe ngo trong Ngày hội cũng là giải vô địch tỉnh nên có tới 22 ghe ngo nam, nữ tham gia đua tài. Ngày hội VHTT thêm một lần khẳng định tình đoàn kết gắn bó khăng khít của ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer ở Kiên Giang.

2. Đoàn Cải lương Nhân dân Kiên Giang tổ chức tốt hoạt động biểu diễn gây quỹ “Vì người nghèo” và phục vụ chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa thực hiện Quyết định 170 của Thủ tướng Chính phủ. Năm qua, Đoàn biểu diễn 07 suất thu được 680 triệu đồng, tương đương với việc cất được 68 căn nhà đại đoàn kết tặng cho người nghèo trong tỉnh.

3. Hội diễn văn nghệ quần chúng tỉnh Kiên Giang quy tụ 500 diễn viên không chuyên đến từ 12 huyện, thị, thành phố tổ chức tại huyện Kiên Lương và thị xã Hà Tiên. Đây là hội diễn khá thành công cả về quy mô tổ chức, chất lượng nghệ thuật, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa văn nghệ của quần chúng nhân dân.

4. Kiên Giang thí điểm xây dựng 5 câu lạc bộ nhóm phòng chống bạo lực gia đình tại xã Minh Hòa huyện Châu Thành và tổ chức 32 lớp tập huấn, tuyên truyền sâu rộng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, về công tác xây dựng gia đình trong thời kỳ mới, công tác xây dựng đời sống văn hóa…

5. Cử gần 300 nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên, vận động viên tham dự Ngày hội VHTTDL lần thứ IV vùng đồng bào Khmer Nam bộ tại Cần Thơ với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trang phục truyền thống, lễ hội dân gian, trưng bày triển lãm, văn hóa ẩm thực và 05 môn thể thao. Kết quả, Kiên Giang xếp hạng Nhì toàn đoàn về văn hóa nghệ thuật và hạng Nhất thể thao với 06 HCV, 03 HCB và 03 HCĐ.

6. Vận động viên Nguyễn Ngọc Trường Sơn đoạt HCB tại Giải vô địch cờ vua trẻ thế giới nhóm tuổi U.18. Ngoài ra em còn đoạt HCV đồng đội; Nguyễn Thị Bích Ngọc HCV đồng đội U.18; 03 HCB đồng đội của Vũ Thị Diệu Ái, Bùi Ngọc Ánh Thi (U.10) và Vũ Thị Diệu Uyên (U.8). Với thành tích xuất sắc này, đoàn Kiên Giang đóng góp rất lớn vào thành tích chung của Việt Nam khi xếp thứ 2/80 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự giải này.

7. Tại Giải vô địch cờ vua trẻ Đông Nam Á, Kiên Giang xếp thứ 3 sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội với 17 HCV và 02 HCĐ. Đây là thành tích tốt nhất từ trước tới nay của đoàn cờ vua Kiên Giang.

8. Kiên Giang xuất sắc dẫn đầu tại Giải vô địch đua thuyền truyền thống toàn quốc với 06 HCV, 05 HCB và 02 HCĐ.

9. Du lịch Kiên Giang đón 3.450.000 lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2007; trong đó có 85.000 lượt khách quốc tế, tăng 15% so với cùng kỳ 2007.

10. Tháng 11/2008 Kiên Giang chính thức khai trương tuyến du lịch đường biển quốc tế Phú Quốc – Shihanouk Ville (Campuchia) đưa tàu du lịch 5 sao Jupiter Cruise cao 7 tầng, 400 buồng với tổng sức chứa 1.000 hành khách đi vào hoạt động.

11. Khởi công xây dựng cảng hàng không quốc tế Phú Quốc tại xã Dương Tơ có tổng diện tích 905,31 hécta, tổng mức đầu tư đến năm 2020 hơn 8 ngàn tỷ đồng và hơn 12 ngàn tỷ đồng đến năm 2030. Nhà ga hành khách có công suất 3 triệu hành khách/năm.

12. Tháng 12/2008 khai trương, đưa vào hoạt động hệ thống xe trượt ống hiện đại nhất Đông Nam Á tại khu du lịch Mũi Nai thị xã Hà Tiên với kinh phí 32 tỷ đồng.

Bình Nguyên (Tổng hợp)

Nét mới trong phong trào văn hóa-thể thao huyện Gò Quao


Một tiết mục văn nghệ mang đậm nét truyền thống Khmer Nam bộ - Ảnh: BCB
Là huyện vùng sâu của Kiên Giang và là một trong những huyện có đông đồng bào Khmer nên thế mạnh của Gò Quao nằm ở các đội văn nghệ quần chúng và các môn thể thao dân tộc đòi hỏi phải có sức khỏe dẻo dai và sự khéo léo. Những năm qua và nhất là năm 2008, nơi đây đã tổ chức rất tốt các hoạt động văn nghệ, thể thao nhằm mang lại sinh khí mới trong đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

Có dịp đến Gò Quao vào những ngày lễ, tết, lòng du khách như thêm rộn ràng với lời ca tiếng hát của những người nông dân quanh năm chăm chỉ với ruộng đồng. Sau những giờ lao động mệt nhọc họ thường tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ và đội văn nghệ quần chúng. Thế cho nên thật dễ hiểu khi ở vùng quê này có tới 13 đội văn nghệ quần chúng, 01 câu lạc bộ đờn ca tài tử và 03 câu lạc bộ hát với nhau. Phát huy thế mạnh này và để tạo sân chơi lành mạnh cho các diễn viên không chuyên nên đầu năm vào dịp mừng Đảng, mừng Xuân, Phòng Văn hóa-Thông tin huyện (VHTT) tổ chức Liên hoan văn nghệ quần chúng các xã, thị trấn. Có gần 200 diễn viên không chuyên đến từ 10 xã, thị trấn tham gia vào đêm liên hoan văn nghệ. Trước đó, đã tổ chức theo 3 cụm tại các xã, sau đó đêm chung kết mới diễn ra tại Trung tâm VHTT huyện. Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trong đồng bào Khmer, tiếp tục duy trì và tổ chức thành công Liên hoan văn nghệ Khmer lần thứ IV tại xã Thới Quản và Định An. Vào những ngày diễn ra liên hoan văn nghệ đã có khoảng 6.000 lượt người đến xem và thưởng thức gần 60 tiết mục của 150 diễn viên không chuyên phục vụ. Hầu hết bà con đều thích văn nghệ quần chúng vì đó là những lời ca, điệu múa hết sức mộc mạc mà chan chứa ân tình lại gần gũi với đời sống thường nhật của mỗi người dân trong các phum sóc ở Gò Quao. Từ lời ca tiếng hát được cất lên trong lao động sản xuất và trong sinh hoạt cộng đồng, nay cũng chính những con người ấy lại mang tiếng hát lời ca, điệu múa lên sân khấu phục vụ rộng rãi bà con mình. Còn có niềm vui nào hơn thế. Và niềm vui ấy lại như được nhân lên gấp nhiều lần khi được tham gia vào đêm Liên hoan giao lưu văn nghệ với các diễn viên “thứ thiệt” của Đoàn Nghệ thuật Khmer của tỉnh và đội bạn Châu Thành tại Ngày hội VHTT dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang lần II năm 2008. Từ hình thức này, Gò Quao đã mạnh dạn chuyển sang hình thức giao lưu trong văn nghệ quần chúng với các huyện Châu Thành, Giồng Riềng- nơi cũng có đông đồng bào Khmer; giao lưu đờn ca tài tử với huyện Hồng Dân tỉnh Bạc Liêu và huyện Vị Thủy tỉnh Hậu Giang. Đây được xem như nét mới có hiệu quả trong hoạt động văn hóa văn nghệ ở Gò Quao. Phong trào văn nghệ quần chúng trong các cơ quan ban ngành cũng có bước phát triển. Đó là Hội thi tiếng hát giáo viên, hội trại tòng quân, sân chơi tuyên truyền “Luật Thuế thu nhập cá nhân”, “Luật Phòng, chống ma tuý”, “Luật An toàn giao thông”…

Cũng trong năm 2008, thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, Đội Thông tin lưu động đã dàn dựng, tập dợt kịch bản “Làm giàu từ đất quê mình” tổ chức tuyên truyền phục vụ các xã, thị trấn có 8.000 lượt người xem; kịp thời vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt chủ trương của huyện về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân, đã cho phép 25 đoàn cải lương, xiếc, ca nhạc…về biểu diễn phục vụ tại xã, ấp.

Hoạt động TDTT được quan tâm và diễn ra sôi nổi với việc tập luyện thường xuyên tại 12 sân bóng đá mini và 52 sân bóng chuyền từ huyện tới xã, ấp. Vào dịp mừng Đảng, mừng Xuân tổ chức Giải bóng đá huyện quy tụ 12 đội chia thành 3 cụm đá tại sân xã Vĩnh Tuy, Vĩnh Thắng và sân vận động huyện. Với việc chia cụm và hướng về cơ sở tổ chức nên có tới trên 10.000 lượt người xem và cổ vũ. Từ giải ở cơ sở, huyện đã tuyển chọn thành lập đội tham dự và đoạt Cúp vô địch tại Giải vô địch bóng đá tỉnh năm 2008. Đã phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện tổ chức Hội thao CNVC-LĐ gồm các môn bóng chuyền, cầu lông, ném bóng vào rổ và kéo co; phối hợp với Huyện Đoàn tổ chức Giải bóng đá U.10 có 9 đội tham gia thi đấu; phối hợp tổ chức thành công Giải bóng đá tứ hùng, giải bóng chuyền, thi làm dàn thủy lục đẹp và đua ghe ngo tại Ngày hội VHTT dân tộc Khmer tỉnh lần II. Đặc biệt, Gò Quao được biết đến là địa phương có thế mạnh về đua thuyền truyền thống và ghe ngo. Nơi đây các chùa Khmer có tới 10 chiếc ghe ngo và 03 thuyền truyền thống. Không chỉ xuất sắc trong các giải trên sân nhà, các tay đua đội ghe ngo, thuyền truyền thống của Gò Quao còn mang vinh quang về cho Kiên Giang và đất nước trong các giải thi đấu trong và ngoài nước. Tại Giải đua thuyền truyền thống vô địch tỉnh, Gò Quao xếp hạng Nhất toàn đoàn với 4 giải nhất, 3 giải nhì và 3 giải ba ở các nội dung. Giải vô địch đua ghe ngo tỉnh có tổng số 8 giải thưởng ở hai nội dung đua ghe ngo nam, nữ thì Gò Quao đoạt được 5 giải. Giải vô địch đua thuyền truyền thống toàn quốc, đội đua thuyền Gò Quao đóng góp rất lớn vào thành tích vô địch của Kiên Giang. Giải vô địch đua ghe ngo toàn quốc nằm trong khuôn khổ Ngày hội VHTTDL vùng đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ IV tại Cần Thơ, Gò Quao được chọn 02/03 ghe ngo đại diện cho Kiên Giang tham dự. Đó là đội ghe ngo nữ xã Định An và đội ghe ngo nam xã Vĩnh Phước B, thi đấu đoạt 03 HCV và 01 HCĐ. Ngoài ra, ghe ngo của huyện Giồng Riềng cũng mang về 01HCĐ. Với thành tích này cùng với thành tích của đội đẩy gậy, kéo co, bóng đá đã đưa thể thao Kiên Giang xếp hạng Nhất toàn đoàn tại Ngày hội.

Chỉ bấy nhiêu thôi, chắc chắn chưa thể nói hết những nỗ lực phấn đấu của VHTT Gò Quao trong năm qua. Nhưng những gì địa phương đã, đang và sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa đã đưa Gò Quao xứng đáng được nhận cờ thi đua xuất sắc của Bộ VHTTDL.

Lê Diệp

Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2009

Tại sao hai Nghị sĩ đảng cấp tiến xuyên quốc gia Italia không vào được Việt Nam?

Người Việt Nam luôn sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư, nghiên cứu khoa học, khách du lịch quốc tế,…đến Việt Nam với mục đích chân chính, tôn trọng luật quốc tế và pháp luật Việt Nam. Ngày 23/12/2008, hãng du lịch Vungtau Intousco Hanoi ra thông báo visa nhập cảnh vào Việt Nam của ông Marco Panella và Marco Parduca, Nghị sĩ đảng cấp tiến xuyên quốc gia Italia, thành viên Nghị viện châu Âu bị từ chối.
Báo chí Campuchia đưa tin, trước khi dự định đến Việt Nam, vào ngày 21 tháng 12 năm 2008, hai ông Panella và Parduca đã đến thăm “Cộng đồng Khmer Kampuchea Krom - KKKC” tại chùa Sammaki Răngsey, thành phố PhnomPênh, Campuchia. Tổ chức KKKC do Thạch Sê Tha làm chủ tịch đã có hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc chính sách dân tộc của Việt Nam; kích động gây chia rẽ tình đoàn kết, gắn bó lâu đời giữa nhân dân hai nước Campuchia và Việt Nam. Thạch Sê Tha đã tổ chức cuộc họp mặt đón tiếp hai ông Panella và Parduca, đồng thời phát biểu vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp người Khmer Nam bộ, đề nghị ông Panella và Nghị viện châu Âu can thiệp để “cứu vớt người dân Khmer Krom thoát khỏi sự diệt chủng và nhận được quyền tự do”. Ông Panella đã lên tiếng sẽ ủng hộ và thường xuyên cùng với KKKC “đấu tranh vì quyền tự do của nhân dân Khmer Kampuchea Krom”. Thực tế ở Việt Nam không có những chuyện như vậy, người Khmer ở Việt Nam được bình đẳng như các Dân tộc khác trong cộng đồng các Dân tộc Việt Nam. Hành động nói dối, xuyên tạc sự thật của hai ông Panella và Parduca là cố tình xuyên tạc chính sách dân tộc của Nhà nước Việt Nam và việc hai ông dự định nhập cảnh vào Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 vừa qua không chỉ đơn thuần là để tham quan, du lịch mà còn để chuẩn bị thực hiện những gì mà hai ông đã phát biểu tại cuộc họp trên.
Trả lời câu hỏi vì sao hai Nghị sỹ Đảng cấp tiến xuyên quốc gia Italia không vào được Việt Nam, ông Lê Dũng - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nói: “Ông Pannella và ông Perduca không vào được Việt Nam là việc giữa các ông này với công ty du lịch mà họ đã đăng ký. Mọi người đều biết ông Pannella và Đảng Cấp tiến xuyên quốc gia từ lâu đã có nhiều hoạt động chống Việt Nam, ủng hộ các hoạt động của một số phần tử phản động người Việt ở nước ngoài phá hoại sự đoàn kết và thống nhất dân tộc của Việt Nam. Ông Pannella và ông Perduca xin vào Việt Nam với mục đích du lịch nhưng lại dự định tiến hành các hoạt động trái với mục đích này. Do đó các ông này không được hoan nghênh ở Việt Nam"./.
P.M

Thứ Năm, 8 tháng 1, 2009

Công an thị xã Trà Vinh: Làm sổ hộ khẩu mới cho người dân Khmer



Đội CSQLHC về TTXH - Công an thị xã Trà Vinh giải quyết công việc cho người dân.

Đến nay, gần 100% các hộ dân trên địa bàn thị xã Trà Vinh được cấp mới hoặc thay đổi hộ khẩu. Công an thị xã còn chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ đến tận nhà những hộ Khmer giúp họ làm thủ tục xin cấp sổ hộ khẩu.

Thị xã Trà Vinh, hiện có 9 đơn vị hành chính phường và 1 xã. Tuy là địa bàn trung tâm về văn hóa, kinh tế, xã hội của tỉnh Trà Vinh nhưng đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các hộ người dân tộc Khmer, mặt khác, từ tháng 11/2002, thị xã Trà Vinh xác nhập mới hai phường 8 và 9 nên phải thay đổi, làm mới sổ hộ khẩu nhằm đảm bảo cho công tác quản lý địa bàn.

Nhờ chú trọng công tác cải cách hành chính, rút ngắn thời gian, thủ tục nên đến nay, gần 100% các hộ dân trên địa bàn thị xã được cấp mới hoặc thay đổi hộ khẩu. Bên cạnh đó, Công an TX Trà Vinh cấp hồ sơ, đến tận nhà hướng dẫn làm thủ tục cấp sổ hộ khẩu cho gần 400 hộ gia đình người Khmer.

Ông Thạch Buôl, ở phường 9, TX Trà Vinh, niềm nở, cho biết: "Gia đình tui sống mấy chục năm nay không biết sổ hộ khẩu là gì. Từ hôm có mấy anh cán bộ Công an đến nhà giải thích hướng dẫn về cách làm thủ tục xin cấp sổ hộ khẩu và mấy anh đã cấp cho gia đình tui. Đến nay gia đình tui đã có cái sổ hộ khẩu rồi. Tui mừng lắm". Bà Sơn Thị Phunh, nhà ở phường 8, cho biết: "Nhờ mấy anh Công an giải thích, giúp đỡ gia đình làm được cái sổ hộ khẩu. Có sổ rồi được nhiều cái lợi lắm. Vậy mà lâu nay chúng tôi đâu có biết".

TX Trà Vinh có tỉ lệ người Khmer chiếm 19,72% dân số. Riêng hai phường 8 và 9 mới xác lập, số hộ Khmer chiếm tỉ lệ cao. Tại phường 8 có 1.726 hộ khẩu với 7.316 nhân khẩu, trong đó hộ người Khmer chiếm khoảng 80%; phường 9 có 1.593 hộ, với 7.643 nhân khẩu, trong đó có 1.016 hộ người Khmer, với 4.849 nhân khẩu. Đến nay, việc cấp mới và đổi sổ hộ khẩu ở TX Trà Vinh cơ bản là hoàn thành.

Để đạt được thành tích ấy, lãnh đạo Công an TX Trà Vinh rất chú trọng công tác cải cách hành chính, nhất là khâu tiếp nhận hồ sơ, giải quyết công việc của người dân cũng như thái độ phục vụ của cán bộ, chiến sĩ đối với nhân dân.

Trung tá Lê Văn Dũng, Phó Công an TX Trà Vinh, cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh về công tác cải cách hành chính, Công an TX Trà Vinh luôn chỉ đạo cũng như nhắc nhở anh em chiến sĩ, trong khi thực hiện công tác phải có thái độ ân cần, tôn trọng nhân dân, nhanh chóng giải quyết đứt điểm công việc mà dân cần. Nghiêm cấm các hành vi rề rà hoặc làm khó dễ người dân. Chính vì vậy, đến nay trong công tác cải cách hành chính của Công an TX được người dân rất tin tưởng".

Được biết, ngoài việc giải quyết công việc tại trụ sở Công an TX, hàng tuần Đội CSQLHC về TTXH cử từ 2 đến 4 cán bộ đến xã Long Đức, trực tiếp giải quyết công việc cho người dân, nhằm giảm bớt những khó khăn cho người dân khi có nhu cầu liên hệ công việc. Ngoài ra Công an TX còn chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ đến tận nhà những hộ Khmer giúp họ làm thủ tục xin cấp sổ hộ khẩu.

Trung sĩ Thạch Sâm Nang, cho biết: "Qua những việc chúng tôi làm, giờ đây người dân tin tưởng nên có chuyện gì là tìm đến hỏi cách giải quyết, hỏi những thủ tục mà họ cần phải làm, không giống như ngày xưa"

Công an An Giang hợp tác chặt chẽ với Campuchia trong đấu tranh với các loại tội phạm


Xem hình

Để đảm bảo ANTT trên tuyến biên giới, thời gian qua Công an tỉnh đã phối hợp với các lực lượng chức năng, nhất là Biên phòng, Hải quan duy trì thường xuyên công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý biên giới.

Đồng thời đẩy mạnh công tác vận động quần chúng bảo vệ ANTQ, củng cố các phương án, thế trận an ninh ở tuyến biên giới, nhất là ngăn chặn tình trạng vượt, nhập biên trái phép, buôn lậu, mua bán phụ nữ, trẻ em (PNTE), ma túy…


Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an tỉnh đã đấu tranh triệt phá nhiều đường dây tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài, bắt giữ 13 đối tượng. Thông qua công tác phối hợp đấu tranh trấn áp tội phạm, Công an tỉnh phát hiện 268 vụ vận chuyển buôn bán ma túy ở tuyến biên giới liên quan 371 đối tượng, bắt thu hồi được 8,828kg heroin, 12.279 viên ma túy tổng hợp, 197 gam tiền chất ma túy, 523 lít tinh dầu sả có hàm lượng ma túy. Công an tỉnh và Công an các huyện, thị biên giới còn phát hiện 3.528 vụ vận chuyển mua bán hàng cấm, trị giá hàng hóa 26 tỷ 488 triệu đồng; khởi tố hình sự 11 vụ liên quan 18 đối tượng; xử phạt hành chính 1.618 vụ với số tiền 2 tỷ 394 triệu đồng. Ngoài ra, ta còn phát hiện đấu tranh ngăn chặn hàng trăm vụ phạm pháp hình sự (trong đó phối hợp với bạn bắt, xử lý 13 vụ buôn bán PNTE qua biên giới liên quan đến 17 đối tượng); 1 vụ vận chuyển mua bán vũ khí trái phép, bắt 4 đối tượng, thu 4 súng, 4 roi điện, 3 kiếm Nhật; 1 vụ 2 đối tượng lưu hành tiên giả loại giấy coton mệnh giá 50.000đ đem từ Campuchia sang. Qua phong trào BVATQ, quần chúng nhân dân đã phát hiện cung cấp nhiều thông tin có giá trị và góp nhiều ý kiến bổ ích về công tác đảm bảo ANTT.


Cùng với việc làm tốt công tác phòng ngừa, Công an tỉnh An Giang đã nỗ lực cùng các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, phục vụ các nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội vùng biên giới như xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, phổ cập giáo dục, đưa các hoạt động văn hóa lành mạnh về vùng biên, thường xuyên quan tâm chăm lo về nhà ở, đất sản xuất, khám chữa bệnh… Mặt khác, lực lượng Công an còn bám sát địa bàn, đi sâu đi sát, tiếp thu ý kiến của quần chúng, đề xuất chính quyền các cấp giải quyết thỏa đáng, kịp thời các quyền lợi chính đáng và hợp pháp của dân. Do vậy, tình hình ANCT-TTATXH ở vùng biên giới được giữ vững, củng cố thêm mối đoàn kết giữa nhân dân 2 nước.


Phát huy tình đoàn kết hữu nghị vốn có của nhân dân hai nước, những năm qua, công tác hợp tác quốc tế với 2 tỉnh Tà Keo, Kandal (Vương quốc Campuchia) luôn được duy trì và phát triển bền vững. Trên tinh thần đó, Công an tỉnh và huyện, thị biên giới An Giang thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với Công an cùng cấp phía bạn để trao đổi tình hình, cung cấp thông tin theo định kỳ, phục vụ cho công tác đảm bảo ANTT ở tuyến biên giới. Ngoài việc trao đổi thông tin, tình hình có liên quan về ANCT, các loại tội phạm hình sự, ma túy,… ta còn được phía bạn giúp truy bắt 5 đối tượng gây án trốn sang Campuchia, bắt thu hồi trả lại cho bạn 8 con trâu; hỗ trợ xác minh nhiều vụ việc khác. Công an tỉnh An Giang cũng hỗ trợ cho bạn xác minh nhiều vụ việc, bắt 8 đối tượng gây án trốn sang Việt Nam (có 3 đối tượng cướp có vũ trang) giao cho Công an bạn; giúp truy tìm tài sản của nhân dân Campuchia bị mất đem sang Việt Nam tiêu thụ.


Đặc biệt, Công an tỉnh cũng đã tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp đề ra chủ trương, kế hoạch, biện pháp tổ chức thực hiện như chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, tăng cường xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ. Trong các đợt cao điểm lễ, Tết, Công an tỉnh đều chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành chức năng nắm âm mưu, ý đồ hoạt động của các loại tội phạm; đề xuất chủ trương, đối sách phù hợp, chủ động tấn công trấn áp các loại tội phạm hình sự, ma túy, kinh tế, triệt phá các đường dây đưa người nhập biên trái phép. Từ đó, hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng được củng cố vững chắc, phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ phát triển rộng khắp, đảm bảo ổn định tình hình ANCT-TTATXH trên tuyến biên giới, góp phần vun đắp tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước.


TRUNG VIỆT (PV11)



Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Nam bộ



* Mỗi năm giảm 3-5% số hộ nghèo dân tộc thiểu số

Ngày 6-1-2009, tại thành phố Cần Thơ, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức tổng kết công tác dân tộc năm 2008 và triển khai nhiệm vụ năm 2009 của các tỉnh, thành Nam bộ.

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, năm 2008, các tỉnh, thành Nam bộ đã triển khai khá tốt các chính sách dân tộc của Đảng và các chương trình hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số của Chính phủ. Hằng năm, vốn đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số tăng 20%. Nguồn vốn này được ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, như: giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế... Công tác giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học đến trường đạt 80-85%. Ngày càng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số tích cực học tập khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, tiết kiệm chi tiêu để phát triển kinh tế gia đình. Từ những kết quả trên, đã giúp cho tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo giảm trung bình 3-5%/năm. Năm 2009, Ủy ban Dân tộc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiến hành khảo sát đánh giá tình hình kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nam bộ. Từ đó, xây dựng và hoạch định các chính sách, giải pháp phù hợp; xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số đến năm 2010 và 2020; Xây dựng chính sách hỗ trợ sản xuất và an sinh xã hội cho vùng đồng bào dân tộc do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh… Ủy ban Dân tộc yêu cầu các địa phương cần tập trung huy động mọi nguồn lực trong cộng đồng để đầu tư phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ưu tiên cho các vùng đặc biệt khó khăn.

Tại buổi tổng kết, Ủy ban Dân tộc cũng tặng cờ thi đua cho Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, Kiên Giang và phát động phong trào thi đua thực hiện công tác dân tộc năm 2009.

BÌNH NGUYÊN

Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc thăm, chúc Tết lãnh đạo TP Cần Thơ và đồng bào dân tộc Khmer



(CT)- Ngày 8-1-2009, Đoàn lãnh đạo Ủy ban Dân tộc do đồng chí Đinh Quế Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, làm trưởng đoàn, đến thăm, chúc Tết Kỷ Sửu 2009 các đồng chí lãnh đạo TP Cần Thơ.

Thay mặt đoàn, đồng chí Đinh Quế Hải đánh giá cao mối quan hệ giữa Cơ quan Thường trực khu vực ĐBSCL thuộc Ủy ban Dân tộc với lãnh đạo thành phố Cần Thơ trong công tác chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, đặc biệt là trong việc giúp đỡ, hỗ trợ sinh viên con em đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh đang theo học ở các trường Đại học trên địa bàn Cần Thơ. Đồng chí mong muốn lãnh đạo thành phố tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ Cơ quan Thường trực khu vực ĐBSCL thuộc Ủy ban Dân tộc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đồng chí Phạm Thanh Vận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, cảm ơn đoàn đã đến thăm, chúc Tết. Đồng chí mong Ủy ban Dân tộc tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ TP Cần Thơ trong công tác chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số; tạo điều kiện để tờ báo Cần Thơ Khmer ngữ ngày càng phát triển, phục vụ tốt yêu cầu truyền tải thông tin đến đồng bào dân tộc; quan tâm hơn đến công tác quản lý, đào tạo ở Học viện Phật giáo Nam tông Khmer.

Cùng ngày, đoàn lãnh đạo Ủy ban Dân tộc đến thăm, chúc Tết ở cơ quan Ban Dân tộc thành phố, lãnh đạo huyện Cờ Đỏ, xã Thới Đông và tặng quà cho 10 hộ dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn của xã Thới Đông.

THANH THY

Sau một năm tham gia HĐBA Liên Hợp Quốc: Khẳng định vị thế của Việt Nam

Trên cương vị ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam đã thực hiện thành công vai trò của mình, tạo sự gắn kết giữa Việt Nam và bạn bè thế giới

Năm 2008, lần đầu tiên Việt Nam đảm nhiệm cương vị ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, tham gia và góp phần xử lý các công việc của HĐBA. Trên cương vị này, Việt Nam đã thực hiện thành công vai trò của mình, tạo sự gắn kết giữa Việt Nam và bạn bè thế giới.

Phóng viên VOVNews đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Lê Lương Minh để thấy rõ hơn những yếu tố góp phần tạo nên thành công, và những tác động của những thành công đó đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam trên trường quốc tế.

** Thưa Đại sứ, năm qua là năm đầu tiên Việt Nam đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ. Nhìn lại thời gian này, Việt Nam đã đạt được những thành tựu gì?

Đại sứ Lê Lương Minh: Năm đầu tiên chúng ta tham gia HĐBA LHQ với vai trò là ủy viên không thường trực, là năm thế giới có rất nhiều diễn biến phức tạp. Trong khi tham gia vào công việc của HĐBA, chúng ta phải xử lý nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề mang tính chất định kỳ trong hoạt động của HĐBA, ngoài ra còn rất nhiều yếu tố xảy ra mà chúng ta không thể lường hết được. Trong đó có đột biến về tình hình Zimbabwue do tình hình lộn xộn trong quá trình bầu cử ở quốc gia này; tình hình phức tạp ở Sudan, những diễn biến chính trị nội bộ giữa hai miền Bắc-Nam Sudan, xung đột Dafur - nơi LHQ và Liên minh châu Phi triển khai quân; Tình hình phức tạp liên quan đến cuộc chiến Nga-Gruzia tại khu vực châu Âu. Rồi ở khu vực Đông Nam Á, tình hình liên quan vấn đề Myanmar…

Tất cả các vấn đề đó chúng ta đều phải tham gia xử lý và đã xử lý tốt, thể hiện được lập trường quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam- đó là tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia; đó là quan điểm cố gắng giải quyết các xung đột, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tránh chiến tranh, đó cũng là quan điểm hợp tác quốc tế.

Điểm quan trọng nhất là chúng ta thông qua công việc của HĐBA, đóng góp vào việc mở rộng quan hệ với các nước khác, đặc biệt là các nước lớn, các nước thành viên khác của HĐBA, tạo điều kiện để chúng ta mở rộng về buôn bán-thương mại, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Cũng trong năm vừa qua, chúng ta đảm nhiệm cả cương vị Chủ tịch HĐBA trong tháng 7. Cũng như tình hình cả năm, tình hình tháng 7 có những đột biến. Ngoài những vấn đề chúng ta phải xử lý nằm trong chương trình thường xuyên của Hội đồng, còn có những vấn đề không thể lường trước được. Ví như vấn đề Zimbabwue, tình hình Sudan; hay vấn đề biên giới giữa Thái Lan và Campuchia… Trong cương vị chủ tịch, Việt Nam cố gắng đảm nhiệm mọi vai trò, bảo vệ được lập trường quan điểm của Đảng, Nhà nước ta.

**Bạn bè thế giới đánh giá như thế nào về những thành công này, thưa Đại sứ?

Đại sứ Lê Lương Minh: Đây là lần đầu tiên, chúng ta tham gia công việc của HĐBA, đảm nhận công việc Chủ tịch Hội đồng, các nước đánh giá rất cao sự đóng góp tích cực, hiệu quả, có trách nhiệm của Việt Nam vào tất cả các quyết định, nghị quyết của HĐBA. Với mỗi vấn đề, chúng ta đều phải giải quyết dựa trên lập trường nguyên tắc của chúng ta. Đó là chống lại việc can thiệp nội bộ của các nước; không ủng hộ giải quyết xung đột bằng bạo lực; tìm các giải pháp hòa bình giải quyết xung đột...

Đặc biệt, trong một tháng chúng ta làm Chủ tịch, chúng ta đã tham khảo, tham vấn các nước để công việc của Hội đồng diễn ra một cách suôn sẻ, thuận lợi. Và chúng ta đã bảo đảm có được tiếng nói chung trong Hội đồng.

** Những thành công này tác động như thế nào đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam, thưa Đại sứ?

Đại sứ Lê Lương Minh: Chúng ta đã triển khai tốt công việc của mình trên 2 cương vị trong năm qua là Ủy viên không thường trực HĐBA và Chủ tịch HĐBA trong tháng 7. Với chính sách đối ngoại hòa bình, chúng ta đã gặp nhiều thuận lợi trong quá trình hợp tác với các nước; xử lý các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh quốc tế. Mặt khác, thực hiện sự chỉ đạo từ trong nước, phối hợp đồng bộ với các cơ quan trong nước để xử lý vấn đề một cách rõ ràng. Những yếu tố trên đã tạo thuận lợi cho chúng ta giành được thế chủ động, và chủ động cả trong xử lý công việc. Chính thông qua những đóng góp thiết thực, hiệu quả vào các công việc của Hội đồng, đã góp phần nâng cao vị thế của chúng ta.

Một điều rất rõ là từ khi chúng ta tham gia vào công việc của HĐBA LHQ, Việt Nam được biết đến nhiều hơn. Đặc biệt là chính sách đối ngoại của Việt Nam: đa phương- đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế; chính sách đối ngoại mở cửa; chính sách đối ngoại vì hòa bình, độc lập dân tộc. Và cũng chính thông qua đó, chúng ta đã mở rộng được cả các hoạt động buôn bán- thương mại với các nước. Có nhiều nước đặt vấn đề thiết lập quan hệ ngoại giao với chúng ta. Hiện nay chúng ta đang chờ quyết định để thiết lập quan hệ ngoại giao với Botswana. Trước đây chúng ta quan hệ với Botswana tốt, nhưng vì hai nước cách xa nhau, phía bạn không biết nhiều về chúng ta. Nhưng khi chúng ta vào HĐBA, phải xử lý công việc, thì họ biết nhiều về chúng ta hơn. Qua đó, họ thấy chính sách đối ngoại của chúng ta là phù hợp, có thể đóng góp vào quan hệ chung, vào nhiều vấn đề nên họ đề nghị thiết lập quan hệ ngoại giao với chúng ta. Ngoài Botswana, còn nhiều nước khác cũng đặt vấn đề và chúng ta đang xem xét, thảo luận với họ.

** Thưa Đại sứ, chúng ta đã đi được một nửa chặng đường trên cương vị ủy viên không thương trực HĐBA. Năm 2009, Việt Nam sẽ làm gì để đi hết chặng đường này và để lại ấn tượng cho bạn bè quốc tế?

Đại sứ Lê Lương Minh: Năm 2009, chúng tôi cho rằng tình hình quốc tế sẽ còn rất nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Trong năm nay, chúng ta một lần nữa đảm nhiệm cương vị chủ tịch HĐBA (dự kiến sẽ vào tháng 10/2009). Trên nền tảng của những thành công đã đạt được trong năm qua, trên những kinh nghiệm thu hoạch được, sự chỉ đạo tiếp tục và sát sao với cơ chế phối hợp chặt chẽ, tôi cho rằng chúng ta có đầy đủ khả năng và sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

**Xin cảm ơn Đại sứ./. (VOV)

Những kẻ lầm đường muốn kích động hận thù


Print

Những thành tựu về kinh tế-xã hội và nền chính trị ổn định của Việt Nam đang là yếu tố thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Và một thế hệ người Việt năng động biết làm giàu cho bản thân và xã hội đang là động lực cho sự phát triển đi lên của cả đất nước.

Tuy nhiên, có một nhóm thiểu số những kẻ cực đoan đang cấu kết với các tổ chức phản động nước ngoài, trong đó có cả những nhóm khủng bố, chỉ với một mục tiêu duy nhất là lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam để gây rối loạn xã hội hòng phá hủy toàn bộ thành quả của hơn hai thập kỷ Đổi mới.

Trong những năm gần đây, bên cạnh những nhân vật chống đối nhà nước quyết liệt có nhiều tiếng tăm, đã xuất hiện những gương mặt mới với tuổi đời ít hơn nhưng không kém phần “lớn tiếng,” chẳng hạn như Nguyễn Văn Đài, Trần Khải Thanh Thủy và thậm chí cả một người chưa đến tuổi 30 là Lê Thị Công Nhân.

Nguyễn Văn Đài - bị bắt hôm 6/3 và vài ngày trước đó bị khởi tố về hành vi “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” - chính là kẻ trực tiếp soạn thảo điều lệ của tổ chức “Đảng Dân chủ 21,” trong đó y không hề giấu diếm ý đồ muốn giành chính quyền ở Việt Nam.

Các bài viết của Đài, một luật sư sinh năm 1969, cũng như những cuộc trả lời phỏng vấn trên các đài phát thanh của người Việt ở nước ngoài đều tập trung xuyên tạc tình hình tự do, dân chủ ở Việt Nam, phê phán chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, kêu gọi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài tẩy chay hàng hóa của Việt Nam, kêu gọi không cho Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hưởng quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn với Hoa Kỳ.

Nguyễn Văn Đài cũng phối hợp với các nhóm phản động ở nước ngoài, trong đó có cả tổ chức khủng bố “Việt Tân,” tổ chức các lớp huấn luyện về hoạt động tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam ngay tại văn phòng luật sư của y ở Hà Nội.

Theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan an ninh, lực lượng phản động lưu vong đã tài trợ tới 60.000 USD cho Nguyễn Văn Đài - kẻ được coi là “nhà lý luận” của cái gọi là “Phong trào dân chủ Việt Nam” - để triển khai “Dự án vì công lý” và duy trì hoạt động của cái gọi là “Ủy ban nhân quyền Việt Nam” mà thực chất là thông qua hỗ trợ học bổng để lôi kéo một số sinh viên luật và đưa sang Băng Cốc (Thái Lan) đào tạo thành thành những “hạt nhân” chống đối trong nước.

Nguyễn Văn Đài đã nhiều lần cử nhân viên Văn phòng luật sư Thiên Ân đi các tỉnh thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Bộ, gặp gỡ một số chức sắc, tín đồ Tin lành cực đoan để thu thập những cái gọi là bằng chứng Việt Nam đàn áp đạo Tin lành và chuyển cho tổ chức phản động “Ủy ban tự do tôn giáo cho Việt Nam” ở Mỹ và cho một số nhân viên sứ quan Mỹ ở Hà Nội để họ sử dụng vào mục đích tuyên truyền chống Việt Nam.

Trần Khải Thanh Thủy - một nhân vật có thái độ bất mãn với chế độ sau khi bị buộc nghỉ việc vì vi phạm kỷ luật - đã tích cực tham gia các diễn đàn chống cộng trên internet. Thị đã viết tới 190 bài xuyên tạc tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong nước, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền.

Được sự cổ vũ, kích động của các cá nhân, tổ chức phản động lưu vong, Thủy ngày càng hoạt động trắng trợn, kích động những người khiếu kiện tổ chức biểu tình, tự thiêu, gây ra các vụ nổ, và công khai thách thức chính quyền bắt để được nổi tiếng và nhận được nhiều tài trợ.

Trần Khải Thanh Thủy còn gọi điện thoại cổ vũ một cuộc biểu tình do nhóm khủng bố “Việt Tân” tổ chức trước Đại sứ quán Việt Nam ở Canađa hồi tháng 3/2007 và thậm chí hô hào “bắt cóc nhân viên sứ quán, nhân viên ngoại giao Việt Nam để trao đổi với số đối tượng hoạt động chống chính quyền đang bị bắt ở trong nước.”

Trong khi đó, Lê Thị Công Nhân, sinh năm 1979, là một phần tử nòng cốt, hỗ trợ đắc lực cho những kẻ cầm đầu hoạt động chống đối trong nước như Nguyễn Văn Lý và Nguyễn Văn Đài. Giữa năm 2006, thị xin gia nhập “Đảng Thăng tiến Việt Nam” và xung phong làm người phát ngôn của đảng này. Ngoài ra, Nhân còn tự nguyện tham gia “Liên minh dân chủ nhân quyền Việt Nam” - tổ chức do những kẻ phản động lưu vong người Việt và các phần tử chống đối trong nước cùng nhau lập ra trên mạng Internet vào tháng 10/2006.

Mù quáng hành động tới mức còn điên cuồng hơn cả những kẻ đi trước, Lê Thị Công Nhân từng tuyên bố không bao giờ đầu hàng, không bao giờ thỏa hiệp với cộng sản, thậm chí sẽ “chiến đấu tới cùng với Đảng Cộng sản, Nhà nước Việt Nam.”

Bất chấp những biện pháp giáo dục, cảm hóa của cơ quan an ninh và tổ dân phố, Nguyễn Văn Đài, Trần Khải Thanh Thủy, Lê Thị Công Nhân vẫn ngày càng tỏ thái độ thách thức pháp luật và càng quyết liệt chống phá Nhà nước Việt Nam. Chính vì thế, Nguyễn Văn Đài càng được các tổ chức phản động lưu vong và các thế lực thù địch với Việt Nam ở nước ngoài ủng hộ. Nhóm khủng bố “Việt Tân” thậm chí đánh giá rằng “Hoàng Minh Chính chỉ là viên gạch lót đường, cốt lõi sẽ là thành phần trẻ như Đài.”

Hơn 85 triệu người dân Việt Nam đang từng ngày cố gắng chung tay tự xây dựng đất nước và tạo niềm tin với bạn bè quốc tế. Thực hiện đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước, Việt Nam đang giang rộng vòng tay để làm bạn với mọi quốc gia, và gác lại quá khứ để xây dựng quan hệ đối tác với cả những nước vốn là cựu thù.

Nhưng một số ít người mang trong mình dòng máu Việt, trong đó có cả những người quá trẻ để chứng kiến những hy sinh của cả dân tộc cho độc lập hôm nay, lại chỉ muốn kích động hận thù. Song luật pháp sẽ không cho phép họ làm điều đó. Ngày 23/4/2007, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội đã quyết định truy tố ra trước Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để xét xử các bị can Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân về tội “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự./

TTXVN

Việt Nam đứng trước nhiều thách thức về quyền con người



Ngày 9/12, Hội thảo khoa học với chủ đề “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người và việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam” được Học viện Chính trị - Hành Chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của các nhà quản lý và nhà khoa học trong cả nước.

Công cuộc đổi mới đảm bảo thực hiện quyền con người

Ảnh: Báo ĐT Đảng Cộng sản
PGS.TS. Vũ Đình Hoè, Phó Giám đốc Học viện nhấn mạnh, trong 60 năm qua, mục tiêu và nguyên tắc của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người ngày càng được khẳng định trong đời sống chính trị thế giới.

Ở Việt Nam, công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều mặt, từ chính trị, kinh tế đến văn hoá, xã hội. Trong lịch sử Việt Nam, chưa bao giờ người dân được hưởng thụ các quyền cơ bản cao như trong thời kỳ đổi mới.

Quyền con người ngày nay ở Việt Nam đã có môi trường thuận lợi hơn để phát triển, đó là Nhà nước pháp quyền XHCN, của dân, do dân và vì dân; là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; là nền dân chủ XHCN và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Các đại biểu cho rằng, những quy định của pháp luật Việt Nam ngày nay đã bao quát đầy đủ và tương thích với Luật Quốc tế về quyền con người, từ các quyền dân sự, chính trị đến các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá.

Theo thống kê, từ 1986 đến nay, Quốc hội đã thông qua 58 luật, 43 pháp lệnh, trong đó có những bộ luật trực tiếp bảo đảm các quyền con người như Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự; Bộ luật Dân sự; Luật Chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em…

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức: tình trạng quan liêu, tham nhũng, vi phạm quyền làm chủ của người dân, sự phân hoá giàu - nghèo, tình trạng trẻ em bỏ học...

Tuy còn nhiều thách thức trong việc bảo vệ quyền con người, song nhân dân ta ngày nay đã có cơ sở để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của mình tốt hơn trước đây. Đó là môi trường chính trị, kinh tế, xã hội và pháp lý đã được tạo dựng một cách vững chắc.

Cũng tại Hội thảo, nhiều ý kiến tham luận đã nêu các vấn đề liên quan đến việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng ở Việt Nam, tự do báo chí, tự do ngôn luận ở nước ra; thành tựu đảm bảo quyền phụ nữ ở Việt Nam.

Theo VOV