Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2009

Ðồng bào Khmer ở Sóc Trăng "trả sổ nghèo" đón Tết



ND - Trong khí trời se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đến thăm một số xã có đông đồng bào Khmer ở các huyện Vĩnh Châu, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) và rất mừng khi thấy nhiều hộ nông dân đến trụ sở UBND xã xin được trả lại sổ hộ nghèo để đón Tết được vui vẻ.
Là huyện vùng sâu có hơn 52% số dân là đồng bào Khmer, toàn huyện có 7/9 xã, thị trấn thuộc diện đặc biệt khó khăn, Vĩnh Châu là nơi giao thông cách trở, đời sống khó khăn nhất của tỉnh Sóc Trăng. Những năm gần đây với chính sách ưu đãi của Chính phủ từ Chương trình 135, 134 và nhiều dự án đầu tư vùng đồng bào Khmer đã tạo nên những chuyển biến tích cực. Hơn 40 công trình phúc lợi phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào Khmer được xây dựng, tổng nguồn vốn gần 80 tỷ đồng.



Nông dân huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng)
thu hoạch hành tím.


Riêng để "đánh thức" vùng đất giồng cát ven biển Vĩnh Châu, rút ngắn khoảng cách đói nghèo, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, từ năm 2005 đến nay, Sóc Trăng đã đầu tư hàng chục tỷ đồng phối hợp với các nhà khoa học của Trường đại học Cần Thơ, Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long... đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật như trồng lúa cao sản năng suất cao, nuôi tôm sú, trồng vú sữa Lò Rèn, nuôi bò lai sind... Qua những mô hình này, nhiều nông dân Khmer sản xuất giỏi đã trở thành triệu phú nông thôn. Chú Sơn Dươl, ở ấp Ðại Bái A, xã Lạc Hòa là một người trong số đó.

Hôm chúng tôi đến thăm, chú Dươl thật thà kể: "Ngày trước nghèo lắm, nhà tôi mỗi bữa ăn đều phải độn khoai. Con em chẳng đứa nào được đi học...". Tuy bị thương tật nhưng nhờ chí thú làm ăn nên năm 2005, chú được ngân hàng đầu tư 10 triệu đồng, được các nhà khoa học Trường đại học Cần Thơ, Trung tâm khuyến nông Sóc Trăng giúp đỡ cộng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, trở thành người tiên phong tham gia trồng lúa cao sản.Vụ lúa đầu tiên trúng mùa, trúng giá, trả xong nợ Nhà nước, chú còn đủ tiền đóng một cây nước sạch phục vụ cho sinh hoạt và tưới hành tím, củ cải trắng, dưa hấu, nhãn.

Tết này, từ nguồn lợi thu nhập lúa, hành tím, gia đình chú thu lãi hơn 20 triệu đồng. Từ nguồn vốn nghĩa tình của Nhà nước, chú đã có một cơ ngơi khá vững chắc: một căn nhà tường trông khá khang trang, hai ha đất sản xuất một vụ lúa, hai vụ màu, sáu con bò lai sind, thu nhập từ sản xuất lúa, màu, chăn nuôi bò hơn 60 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất thực lãi gần 30 triệu đồng/năm.

Ở Vĩnh Châu, không chỉ có gia đình chú Dươl mà còn rất nhiều hộ người Khmer khác, trước đây nghèo lắm, chỉ sống nhờ vào việc mò cua bắt cá ở vùng đất ven biển để sống qua ngày, nay đã có cuộc sống khấm khá và trở thành những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện. Chỉ riêng năm 2008, Vĩnh Châu có hơn 2.000 hộ thoát nghèo, trong đó phần lớn là hộ đồng bào Khmer. Vui hơn là có thêm hàng trăm hộ tự nguyện làm đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo, nỗ lực vươn lên làm giàu mà không nhận sự ưu đãi hỗ trợ dành cho hộ nghèo.

Về xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, chúng tôi được nghe kể nhiều về "vua lúa giống" Danh Khal ở ấp Ðai Úi. Từ một nông dân Khmer nghèo, sau gần mười năm mày mò, chịu khó học hỏi kinh nghiệm theo "nghiệp" sản xuất lúa giống, ông đã cung cấp hơn 80 tấn lúa giống mới chất lượng cao có giá trị xuất khẩu cho bà con trong huyện và các địa phương khác trong tỉnh sản xuất.

Giống lúa ghi đậm dấu ấn của ông là giống ST3 thích nghi vùng nước lợ Sóc Trăng cho năng suất từ 6 đến 6,2 tấn/ha, cao gần gấp hai lần so với các giống địa phương khác. Hiện nay "vua lúa giống" Danh Khal không chỉ nổi tiếng sản xuất lúa giống mà còn là người tiên phong ứng dụng chương trình sản xuất "ba giảm, ba tăng".

Cùng có chung khát vọng làm giàu như Danh Khal, chị Trà Thị Tựng (ấp Bưng Cốc), anh Sà Lượl (ấp Béc Tôn ) đã trả được sổ hộ nghèo cho Nhà nước. Theo lời chị Sết, năm 2004 trong chương trình hỗ trợ bò cho hộ Khmer nghèo chăn nuôi trả chậm của Nhà nước, chị và hàng trăm bà con khác được cho vay mười triệu đồng/hộ chăn nuôi hai con bò sinh sản. Qua bốn năm chăn nuôi, chị Sết đã hoàn lại nguồn vốn vay cho Nhà nước và hiện gia đình đã có đàn bò sáu con, các phương tiện sinh hoạt gia đình như xe hon-đa, ti-vi...

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lê Thị Thuyết đưa chúng tôi đi thăm làng nghề đan lát thủ công mỹ nghệ ở xã Tham Ðôn. Tại đây, hơn 300 phụ nữ là người Khmer đang ngồi đan khay đĩa, giỏ bẹ, thảm... bằng cây lục bình và dây chuối theo hợp đồng của Hợp tác xã TTCN Ngọc Bích. Chị Thuyết cho rằng, đây là một nghề mới được phát triển ở địa phương. Nghề này dễ làm, phù hợp với người phụ nữ, lại quán xuyến được việc nhà, quản lý nhắc nhở con cái học hành và tăng thu nhập cho gia đình.

Chị Thạch Thị Sa Ry ở ấp Bưng Chụm cho biết, ngoài việc trồng hẹ, nuôi bò sữa, chị tranh thủ lúc rảnh rỗi đan giỏ đệm xuất khẩu, trung bình mỗi tháng thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng, cả năm được 18 triệu đồng, tính ra thu nhập từ nghề đan lát cao hơn trồng lúa nhiều. Và cũng nhờ nghề đan lát mà gia đình chị và nhiều hộ Khmer nghèo trong xóm đã thoát khỏi cảnh túng quẫn, vươn lên khá giả, mừng hơn là đã trả sổ hộ nghèo cho xã.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi về những thành tựu kinh tế-xã hội vùng đồng bào Khmer, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Ren cho biết: Sau khi tái lập tỉnh (1992), Sóc Trăng có 54/105 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, được hưởng Chương trình 135, 134, chính sách hỗ trợ giá, trợ cước vận chuyển... Các chương trình, chính sách trên đã và đang phát huy hiệu quả.

Chỉ riêng Chương trình 135 đã xây dựng 464 công trình cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, hệ thống thủy lợi, điện nước sinh hoạt, trạm y tế, trường học, chợ... với tổng số vốn đầu tư hơn 273 tỷ đồng. Ngoài ra, 17 trung tâm thuộc xã, tỉnh cũng đã xây dựng được 72 hạng mục cơ sở hạ tầng với số vốn đầu tư gần 39 tỷ đồng. Thực hiện chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, đến nay tỉnh đã hỗ trợ cho hơn 282 lượt đồng bào Khmer gồm các loại giống, cây trồng, vật nuôi.

Ðể giúp đồng bào Khmer chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng sản xuất, phát triển làng nghề truyền thống, năm 2008 các ngân hàng trong tỉnh đã cho vay hơn 140 tỷ đồng vốn ưu đãi cho gần 15 nghìn hộ Khmer phát triển kinh tế gia đình. Chương trình 134 tiếp tục đầu tư hơn 122 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho 7.032 lao động là người Khmer. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm khá nhanh từ 42% (năm 2005) xuống còn dưới 30% (năm 2008).

Một trong những nguyên nhân làm giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer là do Tỉnh ủy, UBND coi trọng việc lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, đặc biệt là công tác chuyển giao và ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là các mô hình lúa tôm, lúa cá, nuôi bò sữa, trồng màu... Nhờ vậy, những năm gần đây đời sống đồng bào Khmer ngày càng được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, điều đáng mừng nhất hiện nay là ở nhiều địa phương vùng đồng bào Khmer bà con đã thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu chuyển sang phương thức sản xuất mới, hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ đó xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương điển hình không trông chờ vào sự ưu đãi của Nhà nước để hưởng lợi, mà luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực thoát cảnh đói nghèo và vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình.

Có được cuộc sống tốt đẹp hôm nay, đồng bào Khmer ở Sóc Trăng luôn biết ơn sự quan tâm giúp đỡ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự hỗ trợ của cộng đồng. Cuộc sống mới tạo cho bà con thêm niềm tin, động lực để phấn đấu vươn lên xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc trong những ngày Xuân về, Tết đến.

Ðỗ Nam

Không có nhận xét nào: