Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2009

Lễ hội Cầu an gắn với tín ngưỡng tôn giáo

Xưa kia, khi chưa có tôn giáo, người Khmer chỉ nương tựa vào các vị thần thiên nhiên bảo hộ. Mỗi năm, khi tổ chức cúng và khấn vái đến các vị thần ấy, bà con nông dân đều đọc hay tụng bài khấn vái theo ý của mình. Nhưng trong lời khấn vái ấy cùng thống nhất chung một nội dung là cầu mong cho cuộc sống bình an, đất nước thanh bình, mưa thuận gió hoà và vụ lúa được trúng mùa bội thu… Từ khi có Phật giáo tiểu thừa hệ phái
Nam tông du nhập vào, được người Khmer tiếp đón rất nồng nhiệt. Hiện nay, đạo này là tôn giáo chính thức của người Khmer ở khu vực tây
Nam bộ, trong đó có tỉnh Vĩnh Long. Từ đó đến nay, phong tục tổ chức đám lễ đều gắn liền với tôn giáo. Nếu không kể những ngày đi chùa lễ bái Tam bảo hàng tháng thì hội lễ tôn giáo có các lễ hội định kỳ là: Lễ Phật Đản, lễ Rằm tháng giêng, lễ nhập hạ, lễ xuất hạ, lễ đặt cơm vắt, lễ Dâng y…Ngoài việc tổ chức lễ theo nghi thức tôn giáo, đồng bào Khmer còn tổ chức các lễ hội theo phong tục truyền thống như: Tết Chôl Chnam Thmây, lễ Sên Đôn ta, lễ hội Ok om bok, lễ hội Cầu an. Lễ hội Cầu an là một trong những lễ mang tính tiêu biểu và đặc thù nhất so với các lễ hội khác, mỗi nghi thức tổ chức đều gắn liền với tín ngưỡng tôn giáo. Cụ thể là trong các ngày tổ chức lễ, từ sáng, trưa đến chiều và cả ban đêm đều có tổ chức tụng kinh như: lễ bái tam bảo, lễ thỉnh các vị chư tăng truyền giới, tín đồ dâng cơm cho nhà sư để cầu an, cầu siêu và hồi hướng phước cho các vị thần thánh và các ân nhân quyến thuộc đã qua cố… Theo quan niệm của người Khmer, bất cứ việc gì, dù thành công hay thất bại, ngoài các vị thần linh phù hộ, còn phải có đức Phật hỗ trợ. Điều này thể hiện qua các yếu tố sau đây:
a. Lễ cầu mưa:Theo quan niệm của bà con Khmer, năm nào bị hạn hán kéo dài, việc gieo cấy của nông dân bị chậm trễ hoặc thất mùa trong năm, tín đồ phải mời khoảng 10 nhà sư thay phiên nhau ra giữa cánh đồng, đứng phơi nắng tụng kinh cầu mưa (xom tức phliêng) để động lòng trời. Trước mắt, các vị sư, bà con đào một hố sâu, hoặc để một chậu, thau khô, trong hố và chậu khô có thả cá lóc. Việc này nhằm làm cho trời “động lòng” để đổ mưa xuống cho nông dân làm ruộng. Do vấn đề thuỷ lợi là cực kì quan trọng đối với người nông dân trồng lúa nước ở nhiều dạng khác nhau. Từ phong tục nêu trên, người Khmer ở Vĩnh Long vẫn duy trì và phục hồi các nghi thức này cho đến ngày nay. Con cá lóc nằm trong cái thau khô để ông trời thấy con cá cũng như nông dân đang đau khổ, cầu mong có nước mưa làm ruộng, nên sẽ ban nước mưa xuống trần gian. Nghi thức này dựa theo sự tích có nguồn gốc từ Phật giáo, được trích trong kinh (Sô phon -tô). Sự tích nói con cá lóc là tiền thân của Đức Phật, trải qua các kiếp luân hồi, sống trong một cái hồ thật lớn tên là Anot - tas. Từ khi ngài sinh ra cho đến lớn, không bao giờ sát sinh, chỉ biết ăn rong rêu và cỏ mục để sống. Qua thời gian hạn hán 12 năm, mọi nơi đều khô cạn kể cả hồ Anot-tas, mọi sinh vật như tôm, tép, cá lớn, cá bé đều chết, muôn vàn tai hoạ đưa đến rất khủng khiếp. Cá lóc suy ngẫm: Ta đây, từ sinh ra đến giờ không làm hại ai, chỉ biết trầm tư mặc niệm, tại sao trời nỡ sát hại muôn loài và sát hại cả bản thân ta. Nghĩ vậy cá bèn kêu trời: “Thưa Ngọc hoàng, Ngọc hoàng có thấy thế gian đau khổ chăng? Ta đây 12 năm tu tâm nhập thiền hầu kiếp sau đắc đạo cứu chúng sinh. Vậy giờ đây ta kêu gọi Ngài hãy cứu muôn loài dưới thế gian này bằng cách ban cho những giọt mưa lành”. Tiếng kêu ấy động đến trời, Ngọc hoàng nhìn xuống thấy con cá lóc đúng là hiện thân của Đức Phật tương lai, bèn ban mưa xuống cứu rỗi cho thế gian và muôn loài. Qua những nghi lễ trên, chúng ta có thể nói lễ hội Cầu an vừa mang hình thức tín ngưỡng dân gian vừa là tín ngưỡng tôn giáo, mang đặc trưng của lễ nghi nông nghiệp. b. Nghi thức An vị tượng Phật: Hàng năm, mỗi khi diễn ra lễ hội Cầu an, Ban tổ chức lễ đều chuẩn bị sẵn áo cà sa, 1 cây dù, 1 bình bát và các lễ vật gồm: bình bông và nhang đèn, còn bổn đạo Phật tử thì lo tắm rửa và lau chùi tượng hoặc tranh đức Phật của nhà mình cho sạch sẽ, đem đến nơi tổ chức để làm lễ an vị tượng Phật. Nghi thức này nhằm tạo điều kiện gom tranh và tượng Phật lại, sắp đặt nơi trang trọng nhất để bà con đốt nhang niệm Phật. Sau đó mời 1 vị Achar đại diện kể lại tiểu sử của đức Phật Thích ca mâu ni từ khi mới sinh đến khi nhập niết bàn. Câu chuyện kể nhằm mục đích làm cho bà con Khmer thấy rõ cuộc đời và sự nghiệp của Ngài, dù sinh ra và lớn lên trong dòng họ cổ đàm (nhà vua) ở hoàng cung, nhưng Ngài đã ra đi tìm cách sống rất giản dị. Đặc biệt là Ngài đã mang theo bình bát đi khất thực từ nhà này đến nhà khác để chia sẻ với nông dân nghèo…Trong lễ này, ban tổ chức còn thỉnh chư tăng tụng kinh phúc chúc và cầu nguyện, ý nghĩa là làm cho tranh và tượng Phật càng thêm linh thiêng, bảo hộ và chăm sóc gia đình được nhiều điều tốt lành hơn. c. Nghi thức đặt cơm vào bình bát cho nhà sư: Ngày nay, tục lễ mời các vị sư ra đứng phơi nắng giữa đồng ruộng để tụng kinh cầu mưa không còn nữa. Thay vào đó, Ban tổ chức và bà con Khmer mời từ 40 đến 50 vị sư mang theo bình bát đựng cơm, đứng xếp hàng xung quanh trại, nơi tổ chức lễ hội Cầu an để tín đồ cúng dường; trong đó một người chỉ được phép đặt vào bình bát 1 muỗng cơm và dâng một số ít tiền. Khi đi xung quanh một vòng trại, bình bát các vị sư đều có đầy cơm. Việc tổ chức đặt cơm vào bình bát cho nhà sư cũng biểu hiện lên sự sung túc, với ý muốn lúa được trúng mùa bội thu trong năm. Đây là các yếu tố cho ta thấy lễ hội Cầu an gắn liền với tín ngưỡng tôn giáo.

Không có nhận xét nào: