Thứ Tư, 13 tháng 1, 2010

Ông Sơn Song Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Đoàn kết, cùng hướng đến xây dựng cuộc sống ấm no

Trong 5 ngày (từ ngày 7 đến 11-12-2009), Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đến làm việc tại tỉnh Hậu Giang về đợt tổ chức tuyên truyền, phản tuyên truyền trong đồng bào dân tộc Khmer. Kết thúc đợt tuyên truyền, ông Sơn Song Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết:

- Công tác tổ chức trong đợt tuyên truyền và phản tuyên truyền lần này được tỉnh Hậu Giang chuẩn bị rất chu đáo. Được sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh biểu diễn 9 đêm (kế hoạch chỉ có 6 đêm) phục vụ cho bà con Khmer. Đặc biệt, Đài PT-TH Hậu Giang còn phát sóng trực tiếp cho bà con dân tộc Khmer trong và ngoài tỉnh thưởng thức văn nghệ. Qua đó cho thấy, công tác tuyên truyền được lan tỏa rộng rãi, thu hút đông đảo nhân dân quan tâm, góp phần quan trọng vào sự thành công của đợt tuyên truyền.

* Thưa ông, những nội dung nào đã được tuyên truyền đến đồng bào dân tộc Khmer ?

- Trong các cuộc họp mặt cán bộ, sư sãi và đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Hậu Giang, chúng tôi đề cập đến nhiều vấn đề như: những chủ trương, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta dành cho đồng bào dân tộc Khmer; lịch sử vùng đất Nam bộ và những cơ sở pháp lý khẳng định vùng đất Nam bộ thuộc chủ quyền của Việt Nam; giáo dục ý thức chấp hành pháp luật; phát huy truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; cảnh giác âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, nhất là bọn phản động “Khmer Campuchia Krôm”;...

* Trong các nội dung tuyên truyền, ông muốn nhấn mạnh với đồng bào dân tộc Khmer điều gì, thưa ông ?

Đợt tuyên truyền vừa qua, có trên 1.600 cán bộ, sư sãi và đồng bào là người dân tộc Khmer tham dự. Trong đó, cán bộ và đảng viên là 162 đồng chí; học sinh, giáo viên Trường Dân tộc nội trú 255 người; sư sãi 22 vị; Ban Quản trị chùa Phật giáo Nam Tông Khmer 41 vị. Còn lại là đồng bào dân tộc Khmer đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.

- Theo quan điểm mà bọn phản động là: “Mỗi đất nước chỉ có một dân tộc” là hoàn toàn sai. Ngày nay, trên thế giới có đến trên 3.000 tộc người sinh sống, nhưng chỉ có khoảng 200 quốc gia. Điển hình như: đất nước Lào có 5,2 triệu người, với 52 dân tộc; Campuchia có 13 triệu người, với 33 dân tộc; Trung Quốc 1,3 tỉ người, với 56 dân tộc; Liên Xô có đến 105 dân tộc;... Còn ở nước Mỹ, hầu hết các dân tộc trên thế giới đều có sinh sống trên đất nước này. Quá trình di dân không những từ vùng này sang vùng khác, mà có thể di dân vượt qua lãnh thổ quốc gia. Điều này cho thấy, mỗi quốc gia có nhiều dân tộc sinh sống.

Nói như thế để thấy rằng, nước Việt Nam chúng ta cũng là một đất nước đa dân tộc, với 54 dân tộc anh em. Một đất nước mà có nhiều dân tộc thì cũng là một điều hiển nhiên. Mỗi một tộc người đều có nguồn gốc lịch sử và những đặc trưng riêng về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán. Người Khmer sinh ra trên đất nước Việt Nam thì phải xem đất nước Việt Nam là Tổ quốc của mình. Vì vậy, đồng bào dân tộc Khmer phải xem mình chính là chủ nhân của đất nước này. Khi các dân tộc đã tồn tại trên một đất nước, thì tất cả đều có quyền bình đẳng và nghĩa vụ như nhau.

Bên cạnh đó, tôi muốn nhấn mạnh với đồng bào Khmer rằng: Vùng đất Tây Nam bộ là thuộc lãnh thổ của đất nước Việt Nam. Lãnh thổ này không có thế lực nào chia cắt được. Chủ quyền này đã được công nhận và có từ thời xa xưa. Hơn 300 năm trước, người Việt đã cai quản vùng đất này và được các nước khác công nhận.

* Ông đánh giá thế nào về tinh thần đoàn kết dân tộc thời gian qua ?

- Trên thế giới, hầu như đất nước nào cũng có các thế lực thù địch. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Bọn phản động “Khmer Campuchia Krôm” dùng mọi âm mưu thủ đoạn để lôi kéo, dụ dỗ đồng bào dân tộc Khmer. Chúng lợi dụng những vấn đề do lịch sử để lại, lợi dụng việc tranh chấp đất đai giữa đồng bào Khmer và đồng bào Kinh để xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Mục đích của chúng là nhằm tách vùng đất Tây Nam bộ khỏi lãnh thổ Việt Nam, chia rẽ các dân tộc. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, ý thức cảnh giác cao của đồng bào dân tộc Khmer nói riêng và của các dân tộc anh em khác nói chung, trong thời gian qua thì những âm mưu này không thể nào thực hiện được. Đó cũng là kết quả của sự đoàn kết dân tộc. Từ hàng trăm năm trước, đặc biệt là trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng bào dân tộc Khmer đã anh dũng đứng lên sát cánh cùng các dân tộc anh em chiến đấu giải phóng quê hương, đất nước. Ngày nay, tinh thần đoàn kết và truyền thống yêu nước của các dân tộc ngày càng được phát huy.

* Qua chuyến làm việc tại tỉnh Hậu Giang lần này, ông có nhận xét gì về đời sống đồng bào dân tộc Khmer ở đây ?

- Tỉnh Hậu Giang không có đông đồng bào dân tộc Khmer như các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng... Tuy nhiên, nhờ Đảng và Nhà nước làm tốt các chính sách, nên đời sống bà con dân tộc Khmer ngày càng được nâng lên rõ rệt. Trong 5 năm qua, tỉnh Hậu Giang đã đầu tư trên 200 tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở, nước sạch, hỗ trợ vốn sản xuất, giải quyết việc làm... cho hộ đồng bào dân tộc trên địa bàn. Đến nay, tỉnh đã giải quyết cơ bản về nhà ở cho hộ Khmer nghèo. Đây là một thành tích đáng ghi nhận mà tỉnh Hậu Giang đã thực hiện, nhằm góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer. Bên cạnh đó, văn hóa dân tộc luôn được gìn giữ và phát huy. Thời gian qua, tỉnh cũng đầu tư xây dựng Trường Dân tộc nội trú, hỗ trợ kinh phí đóng ghe ngo; tổ chức tốt các lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer; xây dựng và sửa chữa các chùa chiền; tặng cho các chùa nhiều giàn nhạc ngũ âm;... Nhìn chung, đời sống vật chất tinh thần của đồng bào dân tộc được nâng lên rõ rệt. Đồng bào sư sãi Khmer trong tỉnh phát huy tốt nội lực, tăng gia lao động sản xuất, chấp hành và thực hiện tốt những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Những năm gần đầy, tuy tỷ lệ hộ Khmer thoát nghèo có cao hơn trước, nhưng tình trạng tái nghèo vẫn còn diễn ra. Tôi nghĩ, đây là một khó khăn cần phải quan tâm hơn nữa.

* Để công tác dân tộc tốt hơn nữa trong thời gian tới, ông có ý kiến chỉ đạo gì ?

- Mặc dù thời gian qua, Hậu Giang là một trong những tỉnh làm tốt chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, để phát huy những mặt tốt đẹp đó, tôi đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách hiện hành của Đảng và Nhà nước như: Quyết định 135 (giai đoạn 2), Quyết định 74, Quyết định 167,... Trước mắt, là giải quyết dứt điểm nhà ở cho những hộ Khmer nghèo. Nhân đây, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, cán bộ, chiến sĩ nói chung, đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ nói riêng, hãy cùng chung tay tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn, hướng đến xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đặc biệt, phải luôn luôn đề cao cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, nhất là bọn phản động “Liên đoàn Khmer Campuchia Krôm”.

* Xin cảm ơn ông !


DUYÊN HẢI thực hiện

1 nhận xét:

thangcuoi nói...

tam bay, campuchia khong co the luc thu dich. chi co vietnam co the luc thu dich.