Thứ Tư, 13 tháng 1, 2010

HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM TỈNH CÀ MAU LẦN THỨ I: Tân Lộc bước qua gian khó

Cách đây không lâu, Tân Lộc (huyện Thới Bình) còn là xã nghèo, xã thuộc vùng khó khăn trong Chương trình 135 của Chính phủ. Nhưng nay, những con lộ đất đen lầy lội ngày nào đã được bê-tông hóa; điện lưới quốc gia được phủ rộng phục vụ sản xuất, sinh hoạt; người dân có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe…

Điều làm nên những đổi thay của một xã nghèo, ngoài sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành còn có sự tự lực vươn lên của đảng bộ và nhân dân nơi đây.

Giai đoạn năm 2001-2005, xã Tân Lộc có 2.395 hộ dân, trong đó có 164 hộ người Khmer, 14 hộ người Hoa, số hộ nghèo là 329 hộ, chiếm tỷ lệ 14,7% (trong đó có 74 hộ dân tộc Khmer nghèo, tỷ lệ 45,79%).

Tuy là xã có nền sản xuất đa dạng: nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, buôn bán nhỏ; thế nhưng đời sống của đại bộ phận nhân dân, nhất là bà con dân tộc Khmer còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do sản xuất lúa một vụ với giống kém chất lượng, những tiến bộ khoa học - kỹ thuật chưa được áp dụng phổ biến, dân trí thấp, thu nhập thấp, theo đó số hộ nghèo cao.

Những cơ hội đổi đời

Thực hiện Chương trình 135, xã Tân Lộc được đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu về điện, đường, trường, trạm y tế, hệ thống nước sạch. Các cơ sở phục vụ nhu cầu tôn giáo của người dân cũng được đầu tư xây mới như: tháp Hữu Nhem, chùa Cao Dân. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho sản xuất của xã cũng được chú trọng, hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng được nạo vét.

Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lộc, cho biết, ngoài những hỗ trợ từ Chương trình 135, đồng bào dân tộc Khmer còn được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 134 của Chính phủ. Từ năm 2001 đến nay đã có 133 hộ được nhận nhà mới, tổng trị giá trên 1,3 tỷ đồng. Từ sự hỗ trợ này xã đã cơ bản đáp ứng nhu cầu nhà ở, góp phần tạo điều kiện để người dân "an cư - lạc nghiệp".

Song song với chương trình hỗ trợ về nhà ở, từ Quyết định 134, những hộ đồng bào dân tộc cũng được hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi. Các chính sách miễn giảm học phí, cấp học bổng, chế độ hỗ trợ cho con em người dân tộc được địa phương quan tâm thực hiện kịp thời góp phần nâng cao dân trí.

Đảng ủy, UBND xã còn phối hợp với các ban, ngành ở địa phương phát động phong trào khuyến học, khuyến tài. Hiện nay, toàn xã có 14 con, em người dân tộc đang theo học các lớp đại học, 25 em học cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, hơn 10% gia đình người dân tộc đạt danh hiệu "gia đình hiếu học".

Cùng với việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, Đảng ủy, UBND xã còn đặc biệt chú trọng đến công tác trợ giúp pháp lý, nâng cao trình độ pháp luật cho nhân dân, nhất là đồng bào người dân tộc. Nhờ vậy đã hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tranh chấp, mâu thuẫn, tạo không khí đoàn kết trong nhân dân.

Cần trợ lực để phát triển

Hiện nay, Tân Lộc được đánh giá là một trong những xã phát huy được hiệu quả từ các Chương trình 135, Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ. Số hộ nghèo của xã giảm còn 139 hộ chiếm tỷ lệ 5,8%, trong đó có 30 hộ nghèo là người dân tộc, chiếm tỷ lệ 14,9% tổng số hộ dân tộc trong xã.

9/9 ấp có lộ bê-tông nối với trung tâm xã và đấu nối ra các trục lộ chính. Hơn 95% hộ dân sử dụng điện phục vụ sinh hoạt, 100% hộ dân sử dụng nước sạch và phương tiện nghe nhìn. Toàn xã có 3 điểm trường với 50 phòng học.

Trạm y tế của xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2003. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận được với các dịch vụ y tế một cách tốt nhất.

Từ Chương trình 135, xã được đầu tư xây dựng chợ nông sản thực phẩm và bách hóa tổng hợp. Có hơn 200 hộ dân trong xã đến đây giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa.

Ông Từ Biên Hòa, cán bộ hưu trí ấp 7, phấn khởi: "Đời sống của nhân dân Tân Lộc đã có những bước tiến quan trọng. Điện, đường, trường, trạm được đầu tư, xây dựng tạo điều kiện thuận lợi để người dân nâng cao đời sống vật chất, tinh thần".

Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng đề án về nâng cao năng suất tôm - lúa và được triển khai trong các cấp, các ngành đến nhân dân. Theo đó, định hướng đến năm 2012, diện tích, sản lượng tôm - lúa tăng từ 8-14%, sau đó tăng lên 24%. Tạo điều kiện để người dân tiếp cận và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi.

Trong quá trình phát triển đi lên, Đảng bộ và nhân dân xã Tân Lộc vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề bức xúc nhất hiện nay là toàn xã vẫn còn khoảng 27.000 m lộ đất đen chưa được bê-tông hóa; trên 35 cầu nông thôn cần bắc mới để nối liền xóm, ấp, đồng thời rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn./.

Phương Lài


Không có nhận xét nào: