Thuở nhỏ, hầu như năm nào tôi cũng có dịp được thỏa thích ngắm năm, bảy đoàn dâng bông đi ngang qua ngõ. Đoàn dâng bông với những dầy (bà), những mìn (cô), những bòn (chị), mặc những chiếc xà rông (y phục truyền thống của dân tộc Khmer).
Những cô gái đẹp được chọn bưng những cây bông rực rỡ, lung linh bao sắc màu huyền ảo. Trong con mắt trẻ thơ của tôi, cây bông mới lạ lẫm và đẹp đẽ làm sao! Những cây bông được trang trí bằng những sợi tua rua đong đưa theo bước chân người, lấp lánh bởi những chiếc gương tròn nhỏ, xinh xinh. Đong đưa theo nhịp chân bước còn là những đồng tiền giấy được xếp gọn và cột lại rất xinh xẻo. Lễ dâng bông tiếng Khmer gọi là Bon phkar. Lễ được tiến hành theo nghi thức Phật giáo. Vào lễ, ngày đầu tiên bắt đầu vào buổi tối. Trước hết các sư sãi đọc kinh cầu nguyện, xong tới các chương trình ca nhạc, vui chơi giải trí phục vụ người đến dự lễ. Con sóc (người dân sống trong sóc) đến chùa đầy đủ. Khuôn viên chùa rộng vài héc-ta chật cứng người. Qua một đêm lễ hội, sáng hôm sau, đồng bào Phật tử mới làm lễ dâng bông dâng lên sư sãi.
Khi những cây bông cuối cùng được dâng lên, buổi lễ kết thúc.
Dâng bông là một tục lệ rất có ý nghĩa trong đời sống cộng đồng: Người ta tổ chức quyên góp để đắp đường, tu sửa trường học, nhà tăng, nhà hội... Lễ dâng bông của từng địa phương, tuy cách làm cây bông mỗi nơi có khác nhau đôi chút nhưng việc tiến hành lễ và mục đích lễ ở cả khu vực miền Tây Nam bộ nói chung đều rất giống nhau. Tất cả đều thể hiện một ý thức cộng đồng rất cao. Điều này dễ dàng nhận thấy qua hình ảnh ngôi chùa ở từng phum sóc. Dù nhà ở của con sóc còn đơn sơ, đời sống còn khó khăn nhưng ngôi chùa của họ vẫn cứ uy nghi, tráng lệ. Trong không gian yên bình, ngôi chùa vươn mái cong lên nền trời xanh như một niềm kiêu hãnh, một niềm tin mãnh liệt vào một ngày mai tươi sáng.
Cuộc Sống Việt _ Theo Hanoitourist-travel.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét